Phục hồi diện mạo di tích Huế

16/06/2023

Với nỗ lực của các cấp chính quyền, Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, sau 30 năm được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, Quần thể di tích cố đô Huế dần phục hồi diện mạo ban đầu, đang trong giai đoạn ổn định, phát triển và phát huy giá trị.

Năm 2018, Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế.

Dự án đã thực hiện giai đoạn 1, hoàn thành di dời trên 5.000 hộ, xây dựng khu tái định cư với phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm Thượng thành, các Eo bầu, Hộ thành hào và tuyến phòng lộ. Hiện, dự án đang triển khai thực hiện giai đoạn 2, hoàn thành di dời khoảng 1.000 hộ, xây dựng khu tái định cư phạm vi các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, việc giải phóng các hộ dân ra khỏi di tích cơ bản hoàn thành. Đây là nỗ lực lớn của các cấp chính quyền nhằm trả lại diện mạo của di tích Huế.

Sau gần 200 năm tồn tại với nhiều biến cố của lịch sử, thời gian, điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Huế bị xuống cấp trầm trọng. Với sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh, dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được khởi công cuối năm 2021 với tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng.

Tuyến đường đi dạo trên Thượng thành. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Tuyến đường đi dạo trên Thượng thành. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Với tầm quan trọng cũng như giá trị của điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng với đơn vị thi công quyết tâm triển khai công tác trùng tu công trình với chất lượng cao nhất, đảm bảo tính chân xác. Hiện, công trình đã lắp đặt xong hệ thống kết cấu gỗ và sẽ tiến hành gầy dựng, trang trí bờ nóc, lợp ngói trong năm nay, dự kiến hoàn thành đầu năm 2025. Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế, đơn vị thi công, cho biết: “Điện Thái Hòa là di tích có giá trị quan trọng nên đơn vị thi công rất cẩn trọng trong quá trình trùng tu. Tất cả đều được tiến hành theo quy trình đã được phê duyệt. Công trình được giám sát chặt chẽ, với sự góp ý của hội đồng khoa học trong suốt quá trình trùng tu, nhất là các chi tiết trang trí kỹ thuật, các giải pháp thi công”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Không chỉ điện Thái Hòa, đây là cách làm được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế áp dụng ở tất cả các công trình trùng tu di tích khác để đảm bảo tính khoa học, chân xác, với mục đích cuối cùng là tạo nên một công trình đảm bảo các yếu tố để tôn vinh giá trị di tích.

Theo tài liệu đánh giá hệ thống di tích Huế vào năm 1990, di tích Huế lúc hoàn chỉnh nhất có tổng số 850 công trình kiến trúc nhưng chỉ còn 460 công trình. Các công trình di tích khác đã trở thành phế tích và đến 80% hạng mục thuộc diện cần phải tu bổ cấp thiết.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã nỗ lực đẩy mạnh công cuộc bảo tồn và tu bổ các di tích. Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2010, với tổng mức đầu tư 720 tỷ đồng để bảo quản, trùng tu, phục hồi hơn 80 hạng mục công trình chủ yếu. Tiếp đó, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020, với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 171 công trình, hạng mục công trình.

Sau 30 năm kể từ khi Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự giúp đỡ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích đạt nhiều kết quả đáng tự hào với 200 công trình và hạng mục công trình được bảo tồn, tu bổ, phục hồi. Quần thể di tích cố đô Huế đang trong giai đoạn ổn định, phát triển và phát huy giá trị. Di sản văn hóa Huế đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần được phục hồi.

Các công trình di tích được tu bổ, tôn tạo, cơ bản phục hồi diện mạo. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Các công trình di tích được tu bổ, tôn tạo, cơ bản phục hồi diện mạo. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, những vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như chưa đủ nguồn tư liệu lịch sử, cơ sở khoa học đảm bảo phù hợp để triển khai dự án, nhiều công trình, cụm công trình dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2010-2020 theo đề án nhưng chưa được triển khai, trong đó có các công trình, cụm công trình quan trọng, như: khu di tích Lục Bộ, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Viện Cơ Mật (Tam Tòa), điện Càn Thành, cung Khôn Thái, Ngự Tiền Văn Phòng...

Với những công trình chỉ còn lại là phế tích, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế định hướng chỉ bảo tồn không gian, địa điểm. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: “Chúng tôi sẽ trao đổi, thảo luận, xây dựng phương án để lên kế hoạch công trình nào cần phục hồi, tu bổ để trả lại diện mạo, những công trình đã hư hại nghiêm trọng thì sẽ có giải pháp bảo tồn vị trí và địa điểm”.

- Nguồn: Tổng cục du lịch
RELATED ARTICLES