Psardek, duyên dáng hương xuân

11/01/2016

Thị xã nổi tiếng này đã gây ấn tượng mạnh với tôi bắt nguồn từ tên của một nghệ sĩ cải lương nổi danh một thời là “bà Năm Sa Đéc” với vai diễn bà mẹ chồng ác nghiệt trong vở “Lá sầu riêng” từng lấy bao nước mắt của khán giả. Vùng đất này còn nổi tiếng với câu chuyện tình lãng mạn của một nữ văn sĩ người Pháp vào thời Đông Dương, và là quê hương của món hủ tiếu ngon nức tiếng cùng làng hoa Tân Quy Đông duyên dáng bên sông.

Huyền sử Sa Đéc

Từ Sài Gòn, sau 2 giờ chạy xe tới Cai Lậy, qua Cái Bè đến Cổ Cò rồi vượt cầu Mỹ Thuận, xuống chân cầu có hai nhánh rẽ: quẹo trái là vào đất Vĩnh Long để đi tiếp đến Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu và Cà Mau là điểm dừng cuối cùng của đất nước; quẹo về tay mặt để vào Sa Đéc. Tuấn Dương - anh chàng “thổ địa” của đoàn giới thiệu sơ về đất này: Xưa kia, đây là xứ Chân Lạp và miệt này có tên là Psardek (có nghĩa là Sắt). Tương truyền, ngày xưa có nàng Psardek, con gái chúa đất họ Thạc, đã phải lòng một chàng trai nghèo. Phản đối mối tình này, cha nàng đã sai người trói chàng trai lại và thả trôi sông. Nàng Psardek buồn tình bỏ đi tu. Về sau, khi cha mất, nàng đã dùng tài sản của gia đình làm từ thiện, tu bổ đường xá, xây cất chợ búa giúp đỡ người dân quanh vùng có một điểm tụ họp buôn bán trao đổi hàng hóa ổn định. Cảm ơn công đức của nàng từ đó người ta gọi chợ và vùng này là Psardek. Về sau, nhà Nguyễn cai trị đã đặt tên cho nơi đây là phủ lị phủ Kiến Đăng, tỉnh Định Tường. Tên Psardek khó phát âm với người Việt, nên lâu ngày từ Psardek người ta đọc trại thành Sa Đéc như hiện nay.

Đến Sa Đéc ăn hủ tiếu và xem nhà cổ

Trong bữa trưa của chúng tôi tại thị xã, Tuấn Dương giới thiệu với cả đoàn món hủ tiếu Sa Đéc khá nổi danh, vừa hướng dẫn mọi người phân biệt sự khác nhau giữa hủ tiếu Nam Vang, Mỹ Tho và Sa Đéc. So với mọi vùng làm ra sợi hủ tiếu thì Sa Đéc được xem là nơi chế biến “số dách”, vì vậy người sành ăn miền Tây đều “chuộng” hủ tiếu Sa Đéc do sợi được làm từ loại gạo dẻo thơm ngon, lúc ngâm phải “vút gạo“ thật kỹ nên khi ra lò và khi ăn thì hủ tiếu có đặc điểm mềm, dai và không bị chua. Về cách nấu, Sa Đéc có hai loại hủ tiếu tiêu biểu là: món hủ tiếu thịt heo và hủ tiếu bò viên. Hủ tiếu bò viên chỉ có một món bò viên nên nước dùng phải có xương bò cùng xương heo ninh chung thì mới đậm vị, riêng về hủ tiếu heo thì trong nồi nước dùng cơ bản phải có thật nhiều xương heo được ướp theo một bí quyết riêng rồi mới được ninh nhừ cho ngọt nước. Người Sa Đéc khoái ăn theo kiểu : “một tiếu một xí quách”. Du lịch vùng này, bạn chỉ cần chỉ cần gọi như vậy là một lát sau cô bán hàng bưng ra một tô hủ tiếu đầy đủ thịt băm, tim gan còn một tô kia đầy những xương ống heo ninh nhừ. Lúc này, khách chỉ việc ăn hủ tiếu rồi nhẩn nha những cục xí quách mềm rục.

Sau bữa cơm ngon lành, chúng tôi đến ngôi nhà cổ còn khá nguyên vẹn của đại điền chủ Huỳnh Thủy Lê – người từng vang danh trong tiểu thuyết nổi tiếng ”Người Tình” của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras. Ngôi nhà này nằm ngó ngay ra mặt sông Sa Đéc hiền hòa với phong cách kiến trúc Đông – Tây hội ngộ khá hoàn mỹ. Có thể nói, kiến trúc sư đã khéo léo phối hợp chất Nam bộ trong tổng thể cùng nét bài trí đậm hơi hướng Trung Hoa, riêng các vật trưng bày được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Cuối năm 2010, ngôi nhà này vừa kỷ niệm tròn 115 năm tuổi. Hồi đầu thế kỷ XX, năm 1917 nhà đã được trùng tu và xây lại với nguyên liệu là vôi vữa cùng bột ô dước, riêng nếp nhà cũ nguyên bản làm bằng gỗ đã bị đập bỏ hoàn toàn. Tuấn Dương cho biết: năm 1972, ngôi nhà này bị bỏ hoang vì chủ nhân đã đưa cả gia đình ra nước ngoài sinh sống; sau 1975 một đơn vị quân đội đã tiếp nhận và đặt trụ sở trong thời gian khá dài. Đầu năm 2007 ngôi nhà này mới chính thức được chuyển thành địa chỉ du lịch.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Theo thống kê, Sa Đéc tồn tại 79 căn nhà cổ, trong đó có 17 ngôi nhà được xây cất vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đa số đều mang dấu ấn của kiến trúc Pháp. Hiện nay, trừ ngôi nhà Huỳnh Thuỷ Lê được chăm chút cẩn thận, những ngôi nhà khác đang xuống cấp trầm trọng, cần phải có một kế hoạch duy tu bảo tồn kịp thời. Đến Sa Đéc, ngoài nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, du khách Pháp đều không quên thăm trường tiểu học Trưng Vương (nơi mẹ của nữ văn sĩ Marguerite Duras từng là hiệu trưởng), trải qua cả thế kỷ nhưng ngôi trường vẫn còn khá nguyên vẹn với nét kiến trúc đậm chất Pháp cùng dáng vẻ bán hiện đại. Tôi đã đọc tác phẩm nổi tiếng này và cũng đã thưởng thức bộ phim qua diễn xuất tuyệt vời của tài tử Lương Gia Huy cùng Jane March. Nhưng khi viếng nhà cổ, trường xưa, một cảm xúc chợt dâng đầy trong lòng lúc nhìn ngắm các vật dụng gợi nhớ quá khứ, tất cả làm tôi thấy dường như hồn xưa đang chầm chậm quay về.

Du ngoạn làng hoa bên sông

Rời nhà cổ, chúng tôi chạy xe tiếp tục đến thăm làng hoa Tân Quy Đông cách đó chừng 10km… Bên kia sông là một chuỗi các lò gạch tỏa từng cụm ngọn khói đen nghi ngút rồi nhạt dần trong bầu trời xanh. Điểm độc đáo của làng hoa này là nằm ngay sát bên đường lộ, rất thuận tiện trong việc buôn bán hay tham quan. Vào mỗi dịp tết, đây là nơi thu hút rất đông du khách. Thăm làng hoa, tôi như lạc vào không gian mang màu sắc của hoa cảnh, thấp thoáng vang vọng tiếng trả giá, lời chào hỏi, tiếng nhạc cải lương trên chiếc đài be bé mà một người trồng hoa đem theo ra tận các liếp hoa để giải cơn “nghiền”.

Dưới sông, các chuyến ghe tấp nập người vác kiểng hoa xếp đầy trong khoang theo từng loại có hàng có lối. Lẩn mẩn tôi đếm: Hồng Túc Cầu, Mãn đình hồng, Cúc đại đóa, Cúc mâm xôi, Cúc vàng cùng hoa Mai 5 cánh cho đến Mai 48 cánh … Riêng hoa hồng có hơn 20 loại (sau này được biết tại Sa Đéc có vườn hồng trồng tới hơn 50 giống). Trên một thuyền khác tôi thấy chuyên các loại ớt kiểng với hình dáng “là lạ” từ tròn, dài, bát giác với đủ màu sắc từ trắng, xanh, tím đỏ hồng vàng nhìn thật thích mắt. Xa xa những chiếc ghe bầu có tải trọng lớn lại chuyên các chậu tắc kiểng, thiên tuế mướt xanh được uốn nắn rất công phu.

Qua một đêm ngủ thật ngon tại một khách sạn nhỏ bên dòng sông Sa Đéc hiền hòa êm ả, chúng tôi vội chạy ra làng hoa để tranh thủ chụp hình những nụ hoa còn đọng giọt sương mai trong nắng sớm. Tạm biệt Sa Đéc, tôi vẫy tay chào những nghệ nhân trồng hoa mới gặp mà tưởng như rất thân quen qua lời chào hỏi dân dã và nụ cười hiền hòa, thân thiện.  Mọi người đều mong Xuân đến sẽ mang cho ta nhiều hi vọng về một tương lai tốt đẹp, và chính những nụ cười chân chất ấy làm ta ấm lòng và thêm yêu mảnh đất dịu dàng với cái tên mộc mạc Sa Đéc.

THÔNG TIN THÊM:

+ Muốn đi Sa Đéc, bạn có thể mua vé tại công ty Du lịch Phương Trang; xe khởi hành mỗi ngày 15 chuyến

+ Giá phòng nghỉ tại Sa Đéc bình quân 180.000VNĐs. Bạn có thể mua đặc sản nem Lai Vung, quýt hồng, bánh phồng tôm Sa Giang ngon nức tiếng.

+ Đến đây bạn có thể tự khám phá thú đi phà khi dạo chơi  hai bến Phà An Hòa và Cao Lãnh vẫn còn đang hoạt động để có thể cảm nhận mối tình thuở xưa giữa vị đại điền chủ Huỳnh Thủy Lê và nữ văn sĩ Marguerite Duras. Họ đã gặp gỡ và tình yêu nảy sinh trên bến phà này.

+ Các cô gái Nha Mân – Sa Đéc nổi tiếng là đẹp vì được tiến cung rất nhiều trong triều nhà Nguyễn.

+ Nếu đi theo tour, bạn có thể đăng ký tại các công ty du lịch Vietravel, Bến Thành Tourist vv….

Dương Thủy

RELATED ARTICLES