Quán hủ tiếu lưu giữ "thanh xuân" 77 năm của Sài Gòn

22/11/2022

Vốn chỉ là một quán hủ tiếu nhỏ nép mình bên con hẻm đã nhuốm màu cũ kỹ nhưng đã 77 năm qua, quán hủ tiếu Thanh Xuân vẫn khiến trái tim của người Sài Gòn xao xuyến. 

Để tìm được cái mùi Sài Gòn bên trong thành phố Hồ Chí Minh phải tìm đến những chiếc xe đẩy, gánh hàng nhỏ chứa đầy đồ ăn, thức uống theo từng cơn gió của những ngày ngày cuối năm đưa đến tận mũi người qua lại. Tiệm hủ tiếu Thanh Xuân nơi góc đường số 62 Tôn Thất Thiệp, quận 1 cũng hệt như vậy.

Một quán hủ tiếu không bảng hiệu hoành tráng, không đèn đóm lấp lánh. Ở đây chỉ vỏn vẹn có vài bộ bàn ghế cùng với những giá trị xưa cũ, ấy vậy mà vẫn luôn đông khách cho đến tận ngày hôm nay.

Bà Võ Thị Tươi bên tiệm hủ tiếu với bảng hiệu viết tay truyền thống

Bà Võ Thị Tươi bên tiệm hủ tiếu với bảng hiệu viết tay truyền thống

Quán hủ tiếu của thời gian

Ông Thanh (63 tuổi, chủ quán) cho biết quán do ông ngoại của ông là Đỗ Văn Khuê lập nên từ năm 1946 sau khi lên Sài Gòn. Người thân thuộc thì gọi quán với cái tên dân dã hơn là hủ tiếu Chùa Chà, vì quán nằm kế bên ngôi chùa Ấn Giáo do cộng đồng người Chà Và lập nên.

Bà Tươi, vợ ông Thanh đồng thời là chủ quán Thanh Xuân cho biết: "Còn cái tên Thanh Xuân là từ tên chồng tui mà ra, hồi xưa ổng được thương nhất nhà nên ông cụ mới lấy tên ổng là Xuân Thanh, đảo ngược là Thanh Xuân làm tên quán đó”.

Rồi đến khi tuổi già sức yếu, nhưng thấy nghề mình có thể đủ nuôi sống gia đình, ông Khuê truyền nghề lại cho con gái. Cô con gái sau đó tiếp tục truyền lại cho gia đình người con út là ông Thanh và bà Tươi. Tính đến nay, hủ tiếu Thanh Xuân đã có đến 4 thế hệ đứng bán.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Nguyên liệu làm nên một tô tủ tiếu Thanh Xuân trứ danh

Nguyên liệu làm nên một tô tủ tiếu Thanh Xuân trứ danh

Gian bếp nhỏ gọn gàng được đặt ngay đầu hẻm

Gian bếp nhỏ gọn gàng được đặt ngay đầu hẻm

Món hủ tiếu tôm cua với nước sốt độc lạ của ông Khuê ngày đó là sự kết hợp của món hủ tiếu Mỹ Tho truyền thống với gu ăn uống tân thời của Sài Gòn. Hòn ngọc viễn đông ngày trước chỉ gói gọn trong mấy quận nội thành, thế nên để giới công chức ngày ấy rủ nhau đi ăn hủ tiếu, thì chỉ có thể là hủ tiếu Thanh Xuân.

Thời đó quán bày biện bàn ăn dài hết con hẻm ra tới ngoài đường mà không đủ chỗ cho khách đến ăn. Những người khách thế hệ đầu tiên vẫn còn ăn hủ tiếu đến tận bây giờ, có người đã gần 90 tuổi. Rồi những gia đình nhiều thế hệ đã ăn hủ tiếu Mỹ Tho ở tiệm Thanh Xuân từ đời ông cho đến đời cháu.

Khách quen từ những thế hệ trước vẫn tiếp tục đến ủng hộ quán hủ tiếu lâu đời này

Khách quen từ những thế hệ trước vẫn tiếp tục đến ủng hộ quán hủ tiếu lâu đời này

77 năm gìn giữ một hương vị

Đã gần 77 năm qua đi, hương vị nơi này vẫn không hề trộn lẫn với bất kỳ đâu. Đầu tiên phải kể đến chính là món hủ tiếu khô Mỹ Tho trứ danh của quán. Hủ tiếu khô của tiệm Thanh Xuân không giống với hủ tiếu khô của người Hoa ở Chợ Lớn. Chủ quán chan lên sợi hủ tiếu một loại nước sốt đặc biệt được làm từ cà chua khiến sợi mỳ đậm đà hơn. Sợi hủ tiếu ở đây được pha thêm bột lọc nên khi nấu sôi có độ trong và dai hơn. Đã có rất nhiều thực khách đến đây chỉ vì muốn cảm nhận rõ nhất sợi hủ tiếu được làm công phu như thế nào.

Linh hồn của tô hủ tiếu chính là nước sốt đặc biệt này

Linh hồn của tô hủ tiếu chính là nước sốt đặc biệt này

Đặc biệt nhất phải nhắc đến món bánh Pate Chaud ăn kèm với hủ tiếu, một cách kết hợp ẩm thực cực kỳ hiếm gặp. Một điều mà ít người biết đó là bánh Pate chaud có tên tiếng Pháp nhưng là một sáng tạo của ẩm thực Việt Nam. Bánh được biến tấu từ bánh Pâte feuilletée của Pháp, vỏ bánh làm từ bột nghìn lớp (puff pastry dough) và nhân là một món pate gồm có thịt băm, gan heo, hành tây, gia vị và một ít hạt tiêu. Người Việt thường đọc tên bánh là Pateso. Pate ở đây chỉ đơn thuần là nhân bánh sẽ có mùi thơm của pate và chữ "sô" là cách đọc từ chữ "chaud" từ tiếng Pháp. "Chaud" có nghĩa là nóng. Có lẽ vì vậy mà bánh ăn ngon nhất khi vừa mới nướng.

Pate Chaud tại quán đã được gia giảm, biến tấu cho phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn. Bánh được xé nhỏ trộn với hủ tiếu, đây là món ăn khá phổ biến của giới công chức Sài Gòn xưa.

Bánh Pate Chaud ăn kèm hủ tiếu cực lạ

Bánh Pate Chaud ăn kèm hủ tiếu cực lạ

Theo chia sẻ của chủ quán thì một ngày chỉ làm đúng 100 cái bán hết trong ngày nên ai muốn thưởng thức thì nên tranh thủ đến sớm.

Ngày thường quán mở bán từ 6h30 sáng sớm đến 1 - 2h chiều, ngày cuối tuần thì bán đến tận tối. Bà Tươi kể lại: "Mình bán vậy chớ không có dám nghỉ, nhiều bữa có khách quen từ nước ngoài về tìm, người ta ở Việt Nam được có mấy hôm mà đến không được ăn hủ tiếu nên buồn thiu."

"Thanh xuân" của một Sài Gòn đã cũ

Ngày nay khi nhịp sống ngày càng vội vàng, tấp nập hơn thì những giá trị xưa cũ thường vô tình bị quên lãng. Nhưng ở tiệm Thanh Xuân, hình ảnh yêu kiều của Sài Gòn vẫn luôn hiện diện. Bà Tươi chỉ lên cái biển hiệu viết tay đã úa màu: "Cái biển nhìn vậy chứ hồi đó có ông Tây đòi mua riết mà tui không bán đó. Để lại làm kỷ niệm, của ông bà, cha mẹ mình mà sao bán đi được. Với lại giờ tìm đâu ra người vẽ được cái kiểu chữ như ngày xưa nữa."

Chị Hoa Cúc (con gái bà Tươi) sẽ là thế hệ tiếp theo gìn giữ hương vị truyền thống của gia đình

Chị Hoa Cúc (con gái bà Tươi) sẽ là thế hệ tiếp theo gìn giữ hương vị truyền thống của gia đình

Chị Hoa Cúc, con gái bà Tươi hàng ngày vẫn theo mẹ phụ bán rất thuần thục với những bước làm nên một tô hủ tiếu ngon đúng như cái cách mà mẹ chị đã làm. Hẳn là mai sau, người tiếp tục gìn giữ thứ phong vị đặc trưng của món hủ tiếu khô nơi đây sẽ không ai khác mà chính là chị. Và thế là cứ từ thế hệ này nối tiếp thế hệ sau lưu giữ một nét riêng, một nét ẩm thực xưa của Sài Gòn.

Yến Nhi
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES