Người đàn ông Ý và mối duyên với ẩm thực Việt Nam

03/10/2022

Chiếc lò nướng pizza luôn đỏ lửa, phục vụ những chiếc bánh ăn ngay tại chỗ hoặc mang về. Chef Salvatore Spinali đôi khi chính tay xuống bếp, chuẩn bị những món ăn mang phong vị của quê hương ông trên mảnh đất hình chữ S.

Tình yêu đối với Việt Nam từ nước Ý xa xôi

Nhắc đến món Tây, người Việt không chỉ biết cách thưởng thức một miếng steak bò Pháp thượng hạng cùng với một ly vang đúng điệu mà còn là những đĩa pasta (mì Ý) hay những chiếc pizza được làm thủ công cho đến sản xuất công nghiệp.

Trong "thị trường" món Tây đó còn xuất hiện cả những nhà hàng 5 sao hay thậm chí là những quán ăn bình dân chỉ với trên dưới 50 nghìn đồng/ phần, hay những quán ăn Tây của "người Tây" mở và thậm chí có những nơi mà chủ quán là 100% người Việt Nam. Trong số đó, có một "ông Tây" vì lỡ đem lòng yêu mảnh đất hình chữ S mà mang cả gia đình của mình, mang cả những tinh túy ẩm thực quê nhà với ước mơ phát triển ở Việt Nam.

Không gian mang hơi hướm Địa Trung Hải phóng khoáng.

Không gian mang hơi hướm Địa Trung Hải phóng khoáng.

Gặp gỡ chef Salvatore Spinali tại nhà hàng của ông ở quận 2. Không gian tại đây không quá lớn, bàn ghế bằng gỗ được trải khăn ăn màu trắng. Chiếc lò nướng pizza được đặt lộ thiên, thực khách khi đến đây đều có thể nhìn thấy công đoạn đầu bếp làm bánh và cho ra chiếc bánh thành phẩm. Mọi thứ tạo nên một bầu không khí rất "Địa Trung Hải".

Chef Salvatore lần đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 2015 cùng gia đình của mình và kể từ lần đầu tiên đó, ông đã yêu đất nước này và quyết định ở lại. Trong khoảng thời gian đó, ông cùng bạn của mình mở một nhà hàng tại Nha Trang như để thoả mãn ước mơ được tạo dựng cái gì đó cho riêng mình. Ba năm sau, ông bắt tay vào kinh doanh ẩm thực tại Sài Gòn như một thách thức mới cho bản thân.

Chiếc lò nướng bánh pizza luôn rực lửa.

Chiếc lò nướng bánh pizza luôn rực lửa.

"Là một người sinh ra và lớn lên ở miền nam nước Ý, tôi muốn đóng góp cho nền ẩm thực Việt Nam chút hương vị quê nhà như một lời cảm ơn của tôi đến đất nước xinh đẹp của các bạn.", Chef Salvatore chia sẻ. Ẩm thực Ý là một trong những văn hoá ẩm thực nổi tiếng cũng như được sao chép và biến đổi nhiều nhất trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là, mang hương vị Ý thực sự ra nước ngoài, cũng giống như giới thiệu với mọi người một trải nghiệm ẩm thực hoàn toàn mới, ngay cả khi đó là những đã có kinh nghiệm về đồ ăn Ý.

May mắn thay, Việt Nam là một đất nước với những con người luôn mong muốn khám phá những điều mới mẻ, chef Salvatore nói về sự may mắn của mình khi tiếp cận thực khách tại Việt Nam.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Phục vụ món Ý cho người Việt

Thực đơn tại quán không quá phong phú nhưng đều là những món ăn được chef chọn lọc từ quê nhà và gắn liền với tuổi thơ của ông. Với công thức mang từ miền nam nước Ý, kết hợp cùng những nguyên liệu tươi ngon bản địa, những món ăn tại đây mang đến hương vị Địa Trung Hải nhưng vẫn phảng phất chút Việt Nam.

Ví dụ với món "Panzanella & stracciatella" vốn là một món salad truyền thống của miền trung nước Ý. Món ăn này "truyền thống" đến mức chef Salvatore không thể làm gì khác với nó ngoài việc chọn những nguyên liệu tươi ngon đặc trưng nhất của Việt Nam để tái tạo lại thứ hương vị từ tuổi thơ của ông. Như cà chua bi và rau củ từ Đà Lạt, cá cơm được đánh bắt từ Nha Trang.

Chef Salvatore tỉ mỉ với món ăn của mình.

Chef Salvatore tỉ mỉ với món ăn của mình.

Empty

Hải sản tươi sống cũng được áp dụng trong nhiều món ăn khác, cụ thể là "Caprese di mare". Chef Salvatore muốn thêm một chút hương vị từ biển vào một món ăn truyền thống Ý lâu đời. Ông nghĩ rằng việc thêm sashimi tôm đánh bắt tự nhiên và bạch tuộc được xử lý theo phong cách carpaccio cùng với cà chua tươi và phô mai mozzarella sẽ mang đến hương vị chuẩn chỉnh.

Với những nguyên liệu tươi ngon có sẵn tại địa phương, chef Salvatore luôn muốn phát triển thêm nhiều món ăn để tận dụng nguồn nguyên liệu này. "Gnocchetti vongole & gamberi" là một món mì theo phong cách gnocchi từ khoai tây, trứng và bột mì. Các thành phần trong món gồm có nghêu, tôm thẻ chân trắng được đánh bắt tự nhiên từ Nha Trang, ăn kèm với nước sốt tự làm từ cà chua bi Đà Lạt. Được biết, món ăn này vốn không nằm trong thực đơn ban đầu của quán, nhưng lại được thực khách đón nhận nồng hậu.

Những món ăn mà đôi khi thực khách Việt Nam chưa biết đến đều là những món ăn truyền thống nổi tiếng của Ý.

Những món ăn mà đôi khi thực khách Việt Nam chưa biết đến đều là những món ăn truyền thống nổi tiếng của Ý.

Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng trong một nhà hàng món Ý đó chính là pizza. Trái với việc chạy theo thị hiếu của thực khách Việt với những món pizza được biến đổi khá nhiều trong cách làm và cả thành phần, chef Salvatore vẫn để trong thực đơn một món pizza truyền thống của nước Ý.

Thành phần của món bánh rất đơn giản, bao gồm giăm bông heo được nhập khẩu từ Ý, và xà lách rocket được trồng ở Đà Lạt. Đây cùng là món pizza tâm đắc nhất của chef Savaltore khi có thể kết hợp các hương vị từ Ý và Việt Nam với nhau, đồng thời trong một món ăn mang đậm tính truyền thống của quê nhà ông.

Đối với những thực khách Việt Nam, hương vị của chiếc pizza này sẽ không quá hấp dẫn so với những thương hiệu pizza thương mại trên thị trường, nhưng đây chính là hương vị của loại pizza đúng kiểu Ý.

Món bánh pizza mà chef Salvatore rất tâm đắc vì có thể kết hợp hoàn hảo giữa chất Ý và chất Việt Nam.

Món bánh pizza mà chef Salvatore rất tâm đắc vì có thể kết hợp hoàn hảo giữa chất Ý và chất Việt Nam.

Empty

Điều hạnh phúc nhất của Salvatore đó chính là nhìn thấy các món ăn quê nhà được chào đón tại Việt Nam. Ông cho rằng người Việt yêu thích và tự hào với văn hoá ẩm thực của riêng mình nhưng vẫn rộng mở tiếp nhận những điều mới mẻ. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho Salvatore để phát triển ẩm thực Ý tại nơi này.

Chef Salvatore tự tay làm ra những món ăn.

Chef Salvatore tự tay làm ra những món ăn.

Empty

Không chỉ mong muốn mang đến chất ẩm thực chuẩn Ý, Salvatore cũng nhận thấy và dần dần "hòa nhập" với văn hoá Việt Nam. "Ở Ý, chúng tôi thích ăn từng món một theo thứ tự cụ thể: antipasto trước, kế đến là pasta sau và sau cùng là món chính. Còn ở Việt Nam, thực khách thích trải nghiệm và chia sẻ nhiều món ăn nhất có thể, vì vậy việc phục vụ pizza cùng với mì ống và món khai vị là điều rất phổ biến để mọi người trong bàn ăn có thể thưởng thức cùng nhau. Điều thú vị là cuối cùng, chúng tôi nhận ra rằng cách tiếp cận này không tệ chút nào mà ngược lại còn tăng thêm tính trải nghiệm cho thực khách." Cứ thế, những khác biệt tiểu tiết đó giúp ông đúc kết và mang lại những món ăn gần với người Việt Nam hơn.

Lê Hồ Uy Di - Ảnh: Từ Ngọc Minh
RELATED ARTICLES