Văn hóa kolonya
Giữa lúc các nước rửa tay diệt khuẩn thương mại cháy hàng ở các nước khác, người Thổ Nhĩ Kỳ lại sử dụng một loại nước hoa truyền thống làm nước rửa tay, vừa thơm vừa sạch: nước hoa kolonya.
Kolonya đơn giản nghĩa là cologne - nước hoa. Nước hoa kolonya vốn là biểu tượng của lòng hiếu khách và sức khỏe của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ thời Đế chế Ottoman. Nó thường được gọi là “mùi hương quốc gia” của người dân nơi đây.
Theo truyền thống, mùi hương thơm ngọt ngào này được làm từ hoa sung, hoa nhài, hoa hồng hoặc cam quýt, dùng để xức nhẹ lên tay khách khi họ bước vào nhà, khách sạn, bệnh viện, khi họ kết thúc bữa ăn trong nhà hàng, hoặc trong các buổi lễ nghi tôn giáo. Không giống các mùi hương tự nhiên khác, loại nước hoa có nồng độ cồn cao này có thể tiêu diệt hơn 80% vi trùng và hoàn toàn có thể trở thành nước rửa tay diệt khuẩn hiệu quả.
Vì vậy, khi Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi kolonya, nó không chỉ truyền cảm hứng cho làn sóng truyền thông quốc gia theo đuổi sức mạnh chống virus của loại nước hoa truyền thống, mà còn khiến nhà nhà người người trở thành các nhà hóa học và điều chế ra thứ nước rửa tay độc đáo này. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên, doanh số một số nhà sản xuất nước hoa kolonya chính đã tăng ít nhất 5 lần.
Bác sĩ Hatira Topaklı ở Istanbul giải thích rằng kolonya có khả năng diệt khuẩn bởi nó chứa ít nhất 60% (thông thường là 80%) là cồn. Thế nên, chẳng ngạc nhiên nếu gel/nước rửa tay diệt trùng thương mại không phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, người dân “chẳng cần phải học cách bảo vệ bản thân trước virus corona nữa”, khi mà họ đã có thói quen dùng kolonya hàng ngày.
Thậm chí, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn yêu cầu giảm cung cấp ethanol trong xăng dầu để thúc đẩy sản xuất nước hoa kolonya và các chất khử trùng khác, trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Atelier Rebul là một trong những thương hiệu kolonya thương mại lâu đời nhất và nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Kerim Müderrisoğlu, CEO của Rebul Holding sở hữu thương hiệu, tiết lộ việc sản xuất kolonya khá đơn giản. Đầu tiên, làm ethanol nguyên chất từ lúa mạch lên men, nho, mật đường hoặc khoai tây trộn với nước cất. Sau đó, thêm mùi hương tự nhiên như mộc lan, chanh hay hương thảo, rồi đậy kín trong ít nhất 7-10 ngày, nhưng thông thường là 3 tuần, trước khi đóng chai.
Là biểu tượng của phong tục hiếu khách và sức khỏe, kolonya không chỉ đơn giản là chất khử trùng. Nó còn là nguồn an ủi cho nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ trong những thời điểm bấp bênh của cuộc đời. Kolonya đã theo chân tất cả những ai từng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và nay, khi cách ly xã hội, mùi hương kolonya gợi nhớ đến sự gần gũi và chăm sóc nhau.
Kolonya đã cổ, mà nước hoa hồng còn xưa hơn thế. Từ thế kỷ IX, người dân bán đảo Ả Rập đã sử dụng nước hoa hồng để tạo hương thơm, dùng trong ẩm thực, làm đẹp, nghi lễ tôn giáo, làm dược liệu. Người Ba Tư, người Ai Cập và Ottoman cũng sử dụng nước hoa hồng để làm sạch và chào đón khách. Đến thế kỷ XIX, eau de cologn đã men theo các “con đường tơ lụa” từ Cologne, Đức, đến Đế chế Ottoman. Khi Sultan Abdülhamit II của Ottoman lần đầu tiên tiếp xúc với nó, ông đã điều chỉnh lại công thức bằng cách pha trộn nước hoa hồng truyền thống với sự mới lạ của thứ nước hoa chứa cồn đến từ bên ngoài để tạo ra kolonya.
Không có nhiều khác biệt giữa eau de cologne và kolonya. Cả hai đều có tỷ lệ ethanol và tinh dầu tương đương, và thường kết hợp với các mùi như cam, chanh. Điều khiến kolonya trở nên độc đáo là cách người ta sử dụng nó.
Vào đầu thế kỷ XX, kolonya trở nên cực kỳ phổ biến. Ấy là nhờ các nhà hóa học. Ở Istanbul, một nhà hóa học trẻ người Pháp tên là Jean Cesar Reboul đã mở một trong những nhà thuốc đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1895. Cùng với anh thợ học việc Kemal Müderrisoğlu (ông nội của Kerim), họ đã tạo ra một trong những kolonya nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ dưới thương hiệu Atelier Rebul. Ngày nay, Atelier Rebul vẫn bán thứ nước hoa Rebul Lavanda bản sắc đó, được làm từ hoa oải hương trồng trong vườn của Reboul. Kerim ước tính rằng doanh số bán kolonya của họ đã tăng gấp 8 lần kể từ khi đại dịch bắt đầu.
"Nó có tính tiện dụng của nước rửa tay diệt khuẩn, lại có tính thời trang đặc biệt của nước hoa kinh điển." Kerim giải thích.
Trong khi đó, ở bờ biển Aegean, thành phố Izmir, nhà hóa học trẻ nhất Đế chế Ottoman, Süleyman Ferit Bey, đã khăn gói đến Grasse, Pháp, vào những năm 1920. Ông đến đó để học các kỹ thuật chế tạo nước hoa của người Pháp. Khác với nhiều người dễ bị phồn hoa mê hoặc, học xong ông quay về quê hương để tạo ra một loại kolonya nổi tiếng khác gọi là Golden Drop, sau này trở thành biểu tượng của Izmir.
Cũng trong khoảng thời gian đó, ở Ankara, một doanh nhân tên Eyüp Sabri Tuncer đã chế tạo một loại kolonya từ chanh lấy ở thị trấn ven biển Çeşme. Và nó đã trở thành một trong những kolonya phổ biến nhất và dễ nhận biết nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Thương hiệu mang tên ông vẫn là một trong những nhà sản xuất nước hoa hàng đầu đất nước. Tuncer cũng chính là người đầu tiên thực hiện chiến dịch quảng bá sản phẩm ở Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hình thức phát mẫu dùng thử miễn phí và tờ rơi thông tin khi mới ra mắt.
Theo Elizabet Kurumlu, hướng dẫn viên du lịch ở Istanbul, lần lượt các thành phố nhỏ hơn cũng bắt đầu chế tạo ra kolonya cho riêng mình, sử dụng những thành phần độc đáo ít nơi khác có. Như Isparta sản xuất kolonya có mùi hoa hồng ngọt ngào. Các cộng đồng gần Biển Đen có kolonya phảng phất mùi thuốc lá. Rồi những nơi khác có kolonya với hoa sung, hồ trăn, hoa nhài, hoa mộc lan.
Cũng như rượu vang được đặt theo tên gia đình sở hữu, nước hoa kolonya mang theo uy tín của cả một gia tộc và ác thương hiệu cao cấp nhất được đặt theo tên người sáng lập. Kolonya đã trở thành biểu tượng địa vị. Thế nên, các chai đựng kolonya cũng được thiết kế riêng biệt, trang trí công phu. Một số chai còn trở thành đồ sưu tập. Những chai hiếm thời Ottoman được bán đấu giá lên tới 5.000 lira Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 600 bảng Anh). Ở Istanbul, có những lọ kolonya đẹp mắt trưng bày trong bộ sưu tập Orlando Carlo Calumeno Collection and Archive tại triển lãm Galeri Birzamanlar.
Giữa thế kỷ XX, kolonya bắt đầu được sản xuất công nghiệp. Nhờ giá cả phải chăng hơn, kolonya đã xuất hiện trong hầu hết các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ
Người ta ví von rằng: Kolonya cần có trong nhà như đồ ăn trong tủ lạnh vậy. Thông thường, người Thổ Nhĩ Kỳ đặt một chai trong phòng ngủ, phòng tắm và phong khách. Lúc nào cũng trong tầm mắt. Nó cũng là thứ không thể thiếu trong bài giảng lễ nghi và phép lịch sự. Kurumlu kể lại: “Khi tôi còn nhỏ, tôi có nhiệm vụ đón chào khách và đảm bảo rằng họ luôn có ba thứ: kolonya, kẹo và thuốc lá.”
Kolonya cũng luôn xuất hiện trong các buổi tụ họp và ngày lễ tôn giáo như Ramadan. Kolonya không chỉ là món quà chào mừng, mà còn lời chúc sức khỏe. Mà ở Thổ Nhĩ Kỳ, quan tâm đến sức khỏe của khách chính là biểu hiện của lòng hiếu khách.
Khách du lịch Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã từng bắt gặp một chai kolonya trong phòng khách sạn, phòng thay đồ nhà hàng cao cấp hay thậm chí là được mời dùng kolonya khi kết thúc một chuyến xe bus đường dài.
Không chỉ diệt khuẩn, kolonya còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác. Nhỏ vài giọt lên một viên đường sẽ hỗ trợ tiêu hóa. Xoa kolonya vào thái dương có thể làm giảm cơn đau đầu. Thế nên, bất kể khi nào đến thăm bệnh nhân, người Thổ Nhĩ Kỳ đều tặng họ kolonya hoặc một túi cam.
Ngay cả trước thời đại của virus corona, ngành kinh doanh kolonya đã rất phát triển. Theo truyền thống, nước hoa được bán trong các nhà thuốc, siêu thị hay cửa hàng. Nhưng trong thập kỷ qua, các thương hiệu kolonya cũng đã bắt đầu mở cửa hàng riêng. Atelier Rebul mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2013 và hiện có 22 cửa hàng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng đã bắt đầu mở rộng ra quốc tế, phân phối đến châu Âu, Trung Đông và hợp tác với một công ty dược phẩm Nhật Bản. Họ sẽ còn mở rộng nhà máy để đáp ứng nhu cầu gia tăng do Covid-19.
“Trước kia bạn sẽ khó tìm thấy kolonya bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng điều đó sẽ nhanh chóng thay đổi”, Kerim nói.
Ngoài các boutique thời thượng, kolonya vẫn được phân phối rộng rãi trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi chuỗi cung ứng bị siết chặt trong thời điểm nhu cầu cao giữa mùa dịch Covid-19, một số người đã tự tìm cách điều chế kolonya để đảm bảođủ dùng cho cá nhân. Kurumlu giải thích rằng ethanol, chất nền của kolonya, cũng là một thành phần để làm rượu mùi anh đào truyền thống, vì vậy nhiều gia đình đã có sẵn một chai.
Kerim cho biết, “Trước thời đại của virus corona, chỉ có một số người tự chế kolonya. Này thi ai ai cũng rủ rỉ hỏi: Có đủ kolonya trong nhà không?"
Những ngày này, cuộc sống của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị giới hạn trong nhà. Họ có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm về cuộc sống - điều họ khó lòng làm được trong dòng chảy bộn bề trước kia. Họ chợt nhận ra rằng, công dụng mạnh mẽ nhất của kolonya không phải là khử trùng, cũng không phải làm đẹp. Mà nó như một dòng sông vận chuyển hồi ức. Kolonya đưa họ đến cánh đồng oải hương ở Isparta trải dài bất tận dưới nắng hè. Kolonya đưa họ trở lại những bữa tiệc đêm ở quán bar đầy khói và rượu ở Bosphorus. Mỗi lần sử dụng kolonya, dường như nỗi lo lắng của họ dịu lại. Hương thơm thoang thoảng như nhắc nhở mỗi người rằng, rồi chúng ta sẽ sớm tạo ra những hồi ức mới, cũng tím ngan ngát như cánh đồng oải hương kia.
Những thương hiệu nước hoa kolonya uy tín ở Thổ Nhĩ Kỳ
Atelier Rebul: Một trong những thương hiệu nước hoa kolonya lâu đời nhất. Mùi hoa oải hương là sản phẩm “đinh” của thương hiệu. Ngoài nhà thuốc, siêu thị, cửa hàng nước hoa, Atelier Rebul có 22 cửa hàng riêng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và 1 trang web bán hàng trực tuyến.
Eyüp Sabri Tuncer: Nổi tiếng nhất với hương chanh, nhưng Tuncer có nhiều phiên bản ứng với địa danh như: Basilica Cisterns, Grand Bazaar, Hagia Sophia, Bosphorus, Spice Market… Ngoài ra, họ còn có vô số sản phẩm liên quan đến mùi hương khác như khăn ướt hay kem đánh răng.
Selin: Được cho là thương hiệu đầu tiên sản xuất kolonya trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, Selin lần đầu tiên tung ra thị trường vào năm 1912 tại Izmir với tên Altın Damlası Kolonyası (Golden Drop Cologne). Nước hoa đã trở thành một món quà uy tín được trao tặng bởi bất cứ ai đến thăm Izmir.
Pereja: Là một thương hiệu nước hoa kolonya hoài cổ, được thành lập năm 1967 với cả sự xuất hiện của Thủ tướng khi ấy Süleyman Demirel. Kolonya hương chanh của họ vẫn là một trong những thứ biểu tượng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 70 đến nay.
Duru: Được thành lập vào năm 1927 tại Erzurum, Duru là một thương hiệu kolonya nổi tiếng khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng trước thử thách của thời gian. Duru đã mở rộng ra nhiều loại sản phẩm chăm sóc cá nhân liên quan đến hương hoa, như Arko và sản xuất 300 tấn xà phòng mỗi năm cùng với nhiều loại kolonya cổ điển.
Tariş: Một trong những thương hiệu uy tín nhất về dầu ô liu ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có dòng kolonya rất được yêu thích với mùi hương từ quả vả, hoa ô liu và trà xanh hiếm có.
Vakko: Là thương hiệu kolonya sang trọng và thanh lịch với các dòng nổi bật như Retro Gardenia, White Suede Musk, White Tea và Cedar Atlas. Nó cũng được xem là một trong những thương hiệu kolonya cao cấp nhất để làm quà tặng.