Cứ vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, từ tờ mờ sáng cho đến khi mặt trời tắt hẳn, thị trấn Sapa lại nhộn nhịp với phiên chợ đặc trưng của vùng núi Tây Bắc. Tiếng gọi chào vang vọng, tiếng cười nói rộn rã, tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt hòa quyện cùng hương thơm của các món ăn đặc sản tạo nên một bầu không khí náo nhiệt và sôi động. Du khách đến đây không chỉ mua sắm những món đồ lưu niệm độc đáo mà còn được trải nghiệm văn hóa bản địa và hòa mình vào nhịp sống của người dân nơi đây.
Hoàng Gia, chàng trai hiện đang sống và làm việc tại Sapa cho biết: "Cứ mỗi cuối tuần, bà con nơi đây lại họp chợ phiên nhỏ. Mặc dù quy mô nhỏ nhưng nó vẫn mang một màu sắc rất riêng biệt. Bà con người H’Mong, Dao.. mang những sản phẩm như vải lanh nhuộm chàm, túi, nón, váy, áo với hoạ tiết thêu tay 100% rất độc đáo bày bán tại chợ".
Dạo bước trong phiên chợ, du khách như lạc vào một thế giới khác, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Mỗi phiên chợ là một bức tranh sinh động, đầy màu sắc với những sạp hàng bày bán đủ loại sản phẩm đặc trưng của vùng núi Tây Bắc như thổ cẩm, đồ lưu niệm, rượu ngô, mật ong rừng... Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản thơm ngon do chính tay người dân địa phương chế biến như thắng cố, lẩu cá tầm, cơm lam...
Theo lời chia sẻ của Hoàng Gia, trong những phiên chợ này còn có các loại rau mang đặc trưng của vùng ôn đới mà dưới xuôi không có như cải mèo, cải ngồng, su su, rau dớn, măng rừng, nấm hương... Các món ăn như bánh mật, bánh dày, bánh chưng đen cũng được bày bán nhiều với giá cực rẻ. Ngoài những sản phẩm tươi, tại đây người dân còn bày bán đa dạng các đặc sản để du khách có thể mua về làm quà như thịt trâu, thịt lợn gác bếp, lạp xưởng... tất cả đều mang đậm dấu ấn của núi rừng Tây Bắc.
Đặc biệt, phiên chợ Sapa còn là nơi lưu giữ những bài thuốc quý của người Dao Đỏ. Với kinh nghiệm làm thuốc lâu đời, họ mang đến cho du khách các loại trà giúp ngủ ngon, lá tắm thư giãn, giảm căng thẳng.
"Không khí ở chợ phiên rất nhộn nhịp, bà con ở đây trao đổi mua bán với nhau sôi nổi và đông đúc. Ngoài những mặt hàng thường thấy thì dịp cuối năm họ thường mang ra thêm các chậu hoa lan nhà trồng để bán dịp Tết Âm lịch. Cả một vườn hoa rộng đủ loại cho khách lựa chọn. Không những vậy họ còn cõng trên lưng chậu lan đẹp nhất của nhà mình để đi bán quanh chợ", Hoàng Gia nói.
Du khách đến với Sapa không chỉ nghỉ dưỡng, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng mà còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa bản địa qua các hoạt động như vẽ sáp ong trên vải, thêu truyền thống, dệt vải, nhuộm chàm hay tham gia vào các lễ hội văn hóa như Lễ hội Gầu Tào, Tết Cơm Mới, Xuống Đồng, Roóng Poọc...
"Điều mình đặc biệt ấn tượng ở phiên chợ Sapa là hầu hết các mặt hàng đều do người dân tự làm ra và mang đi bán. Họ có thể không dùng tiền mặt mà sẽ trao đổi trực tiếp những món hàng mình có với nhau. Đây là điều mà ở chợ bình thường hiếm khi nào thấy được", Hoàng Gia bày tỏ.