Se hương ngày mưa xứ Huế

20/11/2018

Thức dậy ở Lăng Cô, Huế lúc 7 giờ sáng, sương giăng khắp nơi, thoạt nhìn tưởng như mây từ dãy Bạch Mã sà vào phòng, trời lãng đãng mưa. Mà, mưa là đặc sản của Huế, cứ thế mà lất phất cả ngày. Nên chúng tôi cứ thư thả ngồi đọc sách, pha ly cafe nóng, đốt nén hương thơm mùi thảo mộc, rồi ngồi ngắm mưa bên chiếc ban công mở thẳng ra vịnh biển.

Huế đẹp và miên man như bức “Thư tình gửi một người” của Trịnh Công Sơn, “Anh vẫn nhớ Ánh rất nhiều nhưng đôi lúc không biết viết gì. Không lý cứ nói mãi ngày nay qua ngày khác là nhớ Ánh vô cùng thì cũng làm Ánh ngấy đi mà thôi. Huế đã bắt đầu mùa mưa chưa Ánh?"

Empty
Empty

Tôi cười bảo: "Nơi đây dễ thương nhỉ. Phòng nào cũng có nén hương và chiếc hộp quẹt diêm." Trong số những nơi tôi đến, có lẽ đây là nơi duy nhất đặt hương trong phòng như thế này. Bạn bảo:"Hay là trưa nay mình đi thăm làng hương của Huế đi. Chỗ ấy nghe nói có nhiều thứ thú vị để tìm hiểu."

Empty

Thế là trưa hôm đó, chúng tôi quyết định bắt xe đi tham quan làng hương, hay còn gọi là làng nhang Thủy Xuân. Nơi đây khác với những gì tôi tưởng tượng, chẳng đông đúc tấp nập du khách tới lui, cũng chẳng nhộn nhịp dân làng ngồi đạp máy se hương. Đó chỉ là con đường nhỏ yên ắng nằm ở ngoại ô Huế, dưới chân đồi Vọng Cảnh, gần dinh Tự Đức, với rất nhiều nhà làm nhang san sát nhau. Đi một khoảng ngắn bạn có thể thấy những nén hương được đốt dưới gốc cây như một cách cầu khấn thổ địa của người địa phương.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

Tôi và bạn bước đại đến một ngôi nhà mái tôn lụp xụp bên cạnh cây bàng. Bà cụ nhỏ người, lưng cong vòng cười hiền lành khi thấy chúng tôi: "Tụi con vào đi, ngồi nghỉ tí cho mát." Từng bó hương đủ màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, nâu nằm xoè ra nở rộ như hoa. Bà tỉ mẩn giới thiệu những thể loại nhang khác nhau một cách đầy âu yếm như thể giới thiệu con cháu trong nhà, đây là loại hương trầm, còn đây là hương quế, kia là hương thảo dược, phải bọc rất kỹ để không bay hương...

Empty

Nghe nói, trước khi có con đường tơ lụa, người ta có cả một con đường hương liệu từ Ai Cập kéo dài đến Ả Rập và qua châu Á với sản phẩm chủ đạo là những loại hương liệu quý hiếm, trong đó quý nhất là hương trầm. Thời cổ đại, người Trung Quốc từng dùng hương để đo đạc thời gian, còn người Nhật Bản thậm chí sáng tạo ra nghệ thuật Koh-do (Kodo/Way of Fregrance), “lắng nghe” mùi hương từ nhang và gỗ để thiền. Họ thậm chí còn nhập khẩu hương từ các nước khác và lập ra Rikkoku Gomi để phân biệt, ví dụ như Kyara có nguồn gốc từ Việt Nam đem lại mùi hương hơi đắng, trong khi đó Rakoku của Thái lại ngọt, Sumotara của Indonesia là chua...

Empty

Quay lại chuyện làm hương ở Việt Nam bây giờ, người ta chẳng còn se hương thủ công nữa, máy se đạp bằng chân vừa đẩy nhanh năng suất, lại vừa cho ra những cây hương tròn trịa, đều đặn. Khâu làm hương bắt đầu từ việc kiếm tre về chẻ nhỏ làm chân hương, chân hương phải được chuẩn bị cẩn thận để hương không bị cháy dở. Người thợ thường nhuộm chân hương theo mùi hương, ví dụ như hương thảo dược thì hay được nhuộm xanh lá, vàng, hương trầm thì chân hương có màu đỏ thắm. Khâu chọn nguyên liệu làm hương cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian. Người thợ sẽ phải cân đo đong đếm giữa các vị như hoa hồi, thảo quả, nụ tùng, bạch đàn, hoa bưởi khô, đinh hương, quế chi, keo làm từ bỏ cây bì lời... kết hợp với bí quyết riêng để sao cho khi nhào với nước, hỗn hợp bột nhang đạt độ dẻo quánh, và mang hương thơm đặc trưng của mỗi nhà.

Empty

Ngày mưa xứ Huế, nếu bạn không vội vàng, xin hãy dừng chân bên căn nhà lợp mái ngói, kế bên cây bàng già trên đường Huyền Trân Công Chúa, ngồi trò chuyện về hàng xóm, về cây cối, về thế giới tâm linh cùng bà cụ bán nhang nhỏ người có nụ cười rất hiền. Bạn sẽ thấy một thế giới chậm trôi…

THÔNG TIN THÊM

Thời điểm: Mùa mưa xứ Huế bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài cho đến tận tháng 12. Từ lâu, mưa đã trở thành một “đặc sản” riêng của xứ Huế, đồng thời mùa mưa cũng là mùa có những khoảnh khắc đẹp nhất cố đô. Nét lãng mạn và man mác buồn của Huế trong những cơn mưa từ lâu đã trở thành cảm hứng của thơ ca và nền âm nhạc.

Empty

Những trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua:

- Nhâm nhi trà chiều ngắm mưa: Huế có rất nhiều điểm ngắm mưa lý tưởng như đồi Vọng Cảnh, lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn), đỉnh núi Ngự Bình, tầng cao các khách sạn dọc sông Hương… hay đơn giản chỉ là một quán café, quan trà nhìn ra đường. Chọn một tách trà nóng hổi, ấp vào tay lấy chút hơi ấm, xoa xoa lên má và thỉnh thoảng nhấp một ngụm, dăm ba câu chuyện không đầu không cuối với người bạn bên hoặc có khi ngồi một mình nhâm nhi trà nóng ngắm mưa rơi, đó là những khoảnh khắc yên bình mà bạn ít khi có được ở chốn phố thị đông đúc.

- Trải nghiệm ẩm thực: Bún bò, Nem lụi, Bánh canh cá lóc, Chè, Bánh bột lọc, bánh nậm...

Các Trúc - Nam Phan - Hoàng Hải
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES