Số ca nhiễm nCov tại Mỹ vượt quá 200.000

02/04/2020

Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc Covid-19 vượt quá mốc 210.000 người; Tây Ban Nha có số ca nhiễm và tử vong trong 24 giờ cao nhất châu Âu. Liên Hợp Quốc gọi Covid-19 là “khủng hoảng nghiêm trọng nhất” từ sau Thế chiến 2.

việt nam chính thức công bố dịch

Trưa ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Theo đó, thời gian xảy ra dịch từ ngày 23/1/2020 - ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch là trên toàn quốc, nguyên nhân là do chủng mới của virus corona gây ra. Quyết định cũng nêu rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này là ở nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu và lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Quyết định công bố dịch toàn quốc của Thủ tướng sẽ thúc đẩy công việc phòng, chống dịch của toàn đất nước theo hướng quyết liệt hơn, các địa phương sẽ phải đầu tư đúng mức cho hoạt động dập dịch, phòng chống dịch.

Trung Quốc bất ngờ phong tỏa 600.000 dân

600.000 dân huyện Giáp, tỉnh Hà Nam hiện bị phong tỏa, sau khi 4 ca dương tính với Covid-19 được xác nhận trong bệnh viện ở khu vực.

Theo South China Morning Post, các biện pháp giống như lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ ngày 31/3. Cư dân trong huyện phải có giấy phép đặc biệt để rời khỏi nhà và phải kiểm tra thân nhiệt và đeo khẩu trang trước khi thực hiện chuyến đi.

Phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ

Theo trang India Today, quốc gia 1,3 tỉ dân này đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên tại khu ổ chuột Dharavi, thuộc thành phố Mumbai, bang Maharashtra. Bệnh nhân là một nam giới 56 tuổi, đã nhập viện điều trị. Khoảng 8 đến 10 thành viên trong gia đình người này đang được cách ly.

Đến nay Ấn Độ đã ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm, bao gồm 59 người tử vong

Đến nay Ấn Độ đã ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm, bao gồm 59 người tử vong

Dharavi rộng 613 héc ta với 1,5 triệu dân là khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ và cũng lớn nhất châu Á. Thành phố Mumbai là một điểm nóng lây lan dịch Covid-19 tại Ấn Độ, chiếm hơn 50% trong số hơn 320 người nhiễm bệnh của bang Maharashtra.

Singapore ghi nhận 1.000 ca nhiễm covid-19

Theo hãng Reuters đưa tin, Singapore ngày 1/4 đã xác nhận thêm 74 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.000 người. Đây cũng là con số gia tăng các ca lây nhiễm mới cao nhất trong ngày ở Singapore.

Bộ Y tế Singapore cho biết, trong số 74 bệnh nhân trên, có 20 ca “ngoại nhập” và 54 ca lây nhiễm ở địa phương.

121 NƯỚC ĐỀ NGHỊ HÀN QUỐC HỖ TRỢ BỘ XÉT NGHIỆM COVID-19

121 nước đã đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ cung cấp bộ thử virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang chịu áp lực lớn từ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp.

Trước đó, chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn của Hàn Quốc đã được ghi nhận là giúp làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại quốc gia từng có đợt bùng phát đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi đã nhận được rất nhiều đề nghị từ các nước khác nhau, vì chúng tôi đã rút được ra bài học kinh nghiệm từ khi dịch mới bùng phát. Những đề nghị này vẫn đang tiếp tục tăng lên".

Theo quan chức trên, Hàn Quốc đã thành lập một đội đặc nhiệm để xác định cách thức có thể hỗ trợ, hoặc qua xuất khẩu, hoặc viện trợ nhân đạo. Hiện một số công ty sản xuất bộ thử virus SARS-CoV-2 của Hàn Quốc cũng đã ký hợp đồng cung cấp cho nhiều bang của Mỹ và nhiều nước khác, trong đó có Ý.

Mỹ: quốc gia đầu tiên có số ca nhiễm vượt quá 200.000

Theo số liệu cập nhật sáng ngày 2/4, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 214.639 người sau khi tăng thêm 26.109 người so với ngày trước đó. Như vậy, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc Covid-19 vượt quá mốc 210.000 người.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Mỹ hiện được ghi nhận là 5.099 người, tăng 1.046 người trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, số lượng phục hồi là 8.878 người, còn số ca bệnh nặng là 5.005 người.

Trong ngày 1/4, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn bang và chỉ thị cho người dân ở nhà để ngăn ngừa dịch lây lan.

Mỹ sơ tán hàng ngàn thủy thủ khỏi tàu sân bay

Hãng tin AFP ngày 2/4 đưa tin Hải quân Mỹ đang sơ tán hàng ngàn thủy thủ khỏi tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt ở Guam, sau khi hạm trưởng của tàu này cảnh báo việc dịch Covid-19 đang đe dọa tính mạng của các thành viên trên tàu.

Con tàu chở 4.865 thủy thủ, hiện có 93 trường hợp nhiễm Covid-19 trên tàu, theo Đài NPR

Con tàu chở 4.865 thủy thủ, hiện có 93 trường hợp nhiễm Covid-19 trên tàu, theo Đài NPR

Phát biểu từ Washington, quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly cho hay gần 1.000 thủy thủ trên tàu đã được sơ tán và số lượng sẽ tăng lên 2.700 trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, họ cần giữ lại khoảng 1.000 thủy thủ trên tàu để duy trì hoạt động. "Chúng tôi không thể và sẽ không sơ tán tất cả thủy thủ khỏi tàu. Con tàu này chở nhiều vũ khí, đạn dược, máy bay đắt tiền và lò phản ứng hạt nhân" - ông Modly cho biết.

Brazil ghi nhận trường hợp thổ dân đầu tiên mắc COVID-19

Ngày 1/4, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp người thổ dân đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, trong tổng số 5.717 ca dương tính ở đất nước cho tới thời điểm này.

Theo thông báo chính thức, bệnh nhân là một thanh niên 19 tuổi thuộc bộ lạc Kokama sinh sống tại khu vực huyện Santo Antonio do Içá, gần biên giới với Colombia thuộc bang Manaos. Thanh niên này làm việc trong lĩnh vực y tế và đi qua nhiều làng thổ dân trong khu vực trước khi trở về nhà với triệu chứng sốt, đau họng và đau ngực.

Trước đó, cơ quan y tế Brazil cũng đã xác nhận có 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở cùng huyện trên, trong đó có một bác sỹ, và đây là dấu hiệu cho thấy có thể virus này đang bắt đầu lây lan tại các cộng đồng thổ dân sống ở những khu vực xa xôi hẻo lánh.

Hiện nay Brazil có khoảng 300 bộ tộc với khoảng 850.000 sinh sống tại các vùng trên cả nước

Hiện nay Brazil có khoảng 300 bộ tộc với khoảng 850.000 sinh sống tại các vùng trên cả nước

Tây Ban Nha vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm

Theo số liệu chính thức, quốc gia này đã có nhiều trường hợp nhiễm virus lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau Ý và Mỹ. Trong khi đó, số ca tử vong của Tây Ban Nha hiện đứng thứ hai thế giới với 9.387 người.

Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha cũng đã xác lập một kỷ lục buồn với 923 ca tử vong mới. Tính đến thời điểm này, Tây Ban Nha có tổng cộng 104.118 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.387 người đã tử vong và 5.872 người trong tình trạng nguy kịch.

Tây Ban Nha có số ca nhiễm và tử vong trong 24 giờ cao nhất châu Âu

Tây Ban Nha có số ca nhiễm và tử vong trong 24 giờ cao nhất châu Âu

Anh sẽ tăng cường xét nghiệm

Ngày 1/4, chính phủ Anh cho biết họ sẽ tăng cường xét nghiệm Covid-19 giữa nhiều chỉ trích cho rằng nước này đang tiến hành xét nghiệm quá ít, theo Hãng tin Reuters. Trong khi Đức xét nghiệm khoảng 500.000 người một tuần, thì Anh hiện chỉ có thể xét nghiệm 12.750 người một ngày. Chính phủ Anh nói rằng họ hướng tới gấp đôi con số 12.750 vào giữa tháng 4.

Hiện các xét nghiệm ở Anh tập trung vào những trường hợp nghi nhiễm và đã nhập viện

Hiện các xét nghiệm ở Anh tập trung vào những trường hợp nghi nhiễm và đã nhập viện

Anh ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong ngày cao nhất ngày 1/4, với 563 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 2.352 ca.

Đức gia hạn các biện pháp khắt khe

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước Đức sẽ gia hạn các biện pháp "giãn cách xã hội" (social distancing) đến ngày 19/4 để làm chậm sự lây lan của dịch, và Chính phủ sẽ tái đánh giá tình hình sau lễ Phục sinh 12/4.

"Chúng ta đang chứng kiến một số hiệu quả nhỏ từ các biện pháp hiện nay, nhưng chúng ta vẫn còn ở cách xa mục tiêu cần chạm tới" - bà Markel giải thích.

Đức đã đóng cửa các trường học, cửa hàng, nhà hàng, khu vui chơi... và nhiều công ty đã tạm ngưng sản xuất để đối phó Covid-19, nhưng số ca nhiễm và ca tử vong mới ở nước này vẫn tiếp tục tăng.

Hoãn tổ chức hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu

Chính phủ Anh thông báo hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc dự kiến diễn ra ở thành phố Glasgow, Vương quốc Anh vào tháng 11/2020 đã bị hoãn lại do dịch Covid-19. Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 30.000 người, gồm 200 lãnh đạo thế giới, sẽ tham gia hội nghị kéo dài 10 ngày này để có các cuộc thảo luận quan trọng về việc ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Chính phủ Anh cho biết ngày tổ chức hội nghị vào năm 2021 dự kiến được công bố sau.

WHO hỗ trợ Triều Tiên ngăn dịch

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hiệp Quốc cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ viện trợ 900.000 USD để ủng hộ các nỗ lực của Triều Tiên trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19.

Trước đó, WHO cùng các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Bác sĩ không biên giới và Hội chữ thập đỏ quốc tế đã chuyển cho phía Triều Tiên thiết bị y tế, bộ xét nghiệm virus và các trang thiết bị cần thiết liên quan khác.

Cho đến nay Triều Tiên chưa thông báo ca nhiễm Covid-19 nào.

LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết chống dịch COVID-19

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 1/4 đã gọi đại dịch Covid-19 là “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đồng thời nhấn mạnh virus gây chết người SARS-CoV-2 đang “tấn công vào cốt lõi của xã hội”.

Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đối phó quyết liệt hơn theo đúng tình hình cấp bách của đại dịch Covid-19 hiện nay.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong lịch sử 75 năm của Liên Hợp Quốc. Nó gây chết chóc, gieo rắc sự đau khổ và hoang mang cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên điều lớn hơn cả là đại dịch Covid-19 đang tấn công vào cốt lõi của xã hội loài người”.

Nguồn: Thông tin Chính phủ

Nguồn: Thông tin Chính phủ

Lan Oanh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES