Sri Lanka: Đất nước vỡ nợ, ngành Du lịch không buông xuôi

23/04/2022

Trong khi thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch, ngày 12/4, đất nước Sri Lanka lại tuyên bố... vỡ nợ. Vốn là một trong những ngành quan trọng nhất đóng góp cho kinh tế đất nước, Du lịch Sri Lanka giờ đây như “bốn bề thọ địch”: biểu tình, lạm phát, khan hiếm hàng hoá và giá cả leo thang. Liệu du khách còn có thể đến Sri Lanka vào lúc này?

Sri Lanka trước khủng hoảng: một thiên đường hoang sơ kì lạ

Năm 1954, sau khi bộ phim Elephant Walk ra mắt khán giả quốc tế, người ta bắt đầu tò mò và chú ý nhiều hơn đến hòn đảo hình giọt lệ nằm ngay bên dưới Ấn Độ rộng lớn. Khi ấy, Sri Lanka vẫn còn là thuộc địa của Anh và mang tên Ceylon (Tích Lan). Lượng du khách phương Tây đổ đến Ceylon tăng cao bởi những quý bà, quý ông lấy làm thích thú trước vũ điệu Kandyan truyền thống của người bản địa, trước giai điệu Sri Lankan Baila đám trẻ con hát, trước những dấu tích tôn giáo lạ lẫm, những thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ… của vùng đất kì lạ nối liền Đông Á - Đông Phi mà đạo diễn William Dieterle đã đưa lên màn ảnh.

Một phân cảnh trong bộ phim Elephant Walk. (Ảnh: Internet)

Một phân cảnh trong bộ phim Elephant Walk. (Ảnh: Internet)

Gần 70 năm từ đó đến nay, du lịch chiếm tới 12,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Sri Lanka, trở thành ngành phụ thuộc trực tiếp của khoảng nửa triệu người dân đất nước này. Ở những thành phố lớn như Colombo, Kandy hay Galle, rất nhiều hộ gia đình đều sinh sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ khách du lịch.

Từ 2019 trở về trước, hai mảng chính của ngành Du lịch Sri Lanka là tâm linh và sinh thái phát triển rất mạnh. Năm 2018, lượng du khách đổ về quốc gia này lên đến 2,3 triệu người - gần bằng 10% tổng dân số của cả đất nước. Tháng 12 cùng năm, du lịch mang về 475 triệu USD cho Sri Lanka, khiến giới chức lãnh đạo nước này kỳ vọng khoản thu từ ngành công nghiệp không khói sẽ giúp trang trải các khoản nợ nước ngoài khổng lồ.

Pháo đài đá sư tử Sigiriya gần thị trấn Dambulla, Sri Lanka. Theo sử ký cổ Culavamsa, đây là nơi Vua Kasyapa chọn đóng đô. Sigiriya ngày nay là một di sản thế giới UNESCO. (Ảnh: Dylan Shaw/Unsplash)

Pháo đài đá sư tử Sigiriya gần thị trấn Dambulla, Sri Lanka. Theo sử ký cổ Culavamsa, đây là nơi Vua Kasyapa chọn đóng đô. Sigiriya ngày nay là một di sản thế giới UNESCO. (Ảnh: Dylan Shaw/Unsplash)

Ngoài các địa điểm tôn giáo tiêu biểu như đền thờ Xá lợi Răng (chiếc răng thiêng của Đức Phật), đỉnh Adam's Peak (Sri Pada) hay chùa Mulgirigala Raja Maha Vihara cổ, Sri Lanka còn thu hút du khách bởi những đường bờ biển dài hoang sơ, những khu rừng rậm với vô số loài động vật hoang dã, những cao nguyên mù sương và đồi chè xanh ngắt… Cùng với đó, Sri Lanka rất tích cực đẩy mạnh phát triển các tour du lịch thể thao mạo hiểm - trong đó đáng chú ý nhất là môn thể thao lướt ván nổi tiếng thế giới, thu hút hàng nghìn vận động viên và du khách mỗi năm.

Tour

Tour "xem" voi tại Sri Lanka. (Ảnh: Tom Paisley)

Tháng 4/2019, vào dịp lễ Phục sinh, sự kiện đánh bom đẫm máu xảy ra tại Sri Lanka đã khiến cho ngành Du lịch của đất nước này bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay thời điểm du khách quốc tế bắt đầu trở nên e ngại, cơn sóng đại dịch Covid-19 lại ập đến.

Chỉ trong vòng hai năm, du lịch Sri Lanka ngưng trệ, góp phần dẫn đến việc nền kinh tế nước này bị sụp đổ.

Tuyên bố vỡ nợ, ngành du lịch cheo leo

Ngày 12/4/2022, Sri Lanka chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, trong bối cảnh đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Hàng nghìn người Sri Lanka đổ ra đường biểu tình phản đối, kêu gọi Chính phủ đưa ra biện pháp vực dậy nền kinh tế và yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Các cuộc biểu tình từ ôn hòa nhanh chóng trở nên bạo lực, đỉnh điểm là ngày 19/4, cảnh sát nổ súng vào đám đông khiến ít nhất một người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Người dân biểu tình tại Thủ đô Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: Dinuka Liyanawatte/Reuters)

Người dân biểu tình tại Thủ đô Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: Dinuka Liyanawatte/Reuters)

Một điểm giống nhau giữa du lịch Việt Nam và Sri Lanka - trong việc thu hút du khách quốc tế - là mức chi tiêu thấp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo mức lạm phát cao nhất trong 12 năm, cùng sự đầu cơ tích trữ đã đẩy giá hàng hoá của Sri Lanka lên cao nhanh chóng. Trước đây, một ổ bánh mì chỉ có giá 180 Rupee (12.500 đồng), hiện nay đã tăng giá lên 360 Rupee (25.000 đồng). Phô mai, thịt, rượu... thì ngày càng trở nên khan hiếm vì lệnh cấm vận đối với một loạt các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu được sử dụng trong các khách sạn.

Kể từ đầu năm nay, giá xăng tại đất nước này cũng đã tăng 90%, trong khi giá dầu diesel - loại nhiên liệu thường được sử dụng trong vận tải công cộng - thì tăng đến 138%.

Người dân ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) xếp hàng mua dầu hỏa, nhiên liệu sử dụng cho các bếp dầu. (Ảnh: Getty)

Người dân ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) xếp hàng mua dầu hỏa, nhiên liệu sử dụng cho các bếp dầu. (Ảnh: Getty)

Có thể nói, các cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị là một bi kịch giáng xuống nền du lịch vốn đã chịu tổn thương của xứ Tích Lan. Trong khi đáng lẽ đang là mùa cao điểm du lịch ở Sri Lanka, tại các khách sạn và nhà hàng giờ đây hiếm còn nhìn thấy du khách quốc tế. Vào lễ đón năm mới cổ truyền ngày 14/4, cũng không còn nhiều du khách nước ngoài tham gia các hoạt động thường niên của người dân Sri Lanka như lễ chùa, đập vỡ dừa và các trò chơi dân gian khác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bên cạnh đó, cùng với việc cắt điện liên tục 4-12 tiếng một ngày, hầu hết các khách sạn tại Sri Lanka đều phải sử dụng máy phát điện để duy trì hoạt động. Đối với các cơ sở lưu trú nhỏ, không có hoặc không đủ khả năng bảo dưỡng và duy trì máy phát điện, khách đặt phòng đành chịu cảnh không có điện, thắp nến vào ban đêm,…

Tồi tệ hơn, với việc giá vé máy bay tăng chóng mặt và đồng USD suy yếu, các mối liên hệ tiếp thị, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị du lịch của Sri Lanka và quốc tế đang dần rơi vào dĩ vãng. Nhiều chính sách giảm giá đặt phòng, giá vé, tour tham quan và các chương trình ưu đãi khác không có cách nào tiếp cận được thị trường quốc tế vì những chi phí liên quan cao đến "cắt cổ".

Người Sri Lanka tổ chức biểu tình, yêu cầu Tổng thống nước này từ chức. (Ảnh: Internet)

Người Sri Lanka tổ chức biểu tình, yêu cầu Tổng thống nước này từ chức. (Ảnh: Internet)

Theo Daily FT, một tờ báo kinh tế của Sri Lanka, cho đến cuối tháng 3/2022, lượng du khách tới Sri Lanka vẫn đang tăng lên, nhưng số lượng đặt phòng trước đã có dấu hiệu chững lại. Sau khi Chính phủ tuyên bố vỡ nợ, hàng loạt du khách quốc tế yêu cầu huỷ phòng và chương trình du lịch tại Sri Lanka.

Đầu tháng 4, hãng hàng không Air India của Ấn Độ cũng thông báo cắt giảm đường bay Ấn Độ - Sri Lanka từ 16 xuống 13 chuyến/tuần, do nhu cầu thị trường sụt giảm.

Thêm vào đó, cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga cũng đã tác động nghiêm trọng đến hai trong số thị trường du lịch chính của Sri Lanka: hoàn toàn không còn du khách đến từ Ukraine, du khách Nga thì bị hạn chế do các chính sách về chuyến bay mới tuyên bố. Trước cuộc chiến, Nga từng là thị trường có nguồn du khách lớn nhất của Sri Lanka liên tục trong suốt vài tháng.

Ngành Du lịch không “buông xuôi”

Ngạc nhiên thay, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề từ một loạt những biến cố đã và đang diễn ra nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ngành Du lịch Sri Lanka dường như vẫn rất “kiên cường” chống chọi. Có lẽ đây là một trong những điều ít ỏi mà Chính phủ và người dân lúc này đều đồng lòng nhất trí: sự suy kiệt của du lịch là điều cuối cùng họ mong muốn xảy ra.

Là một trong số những quốc gia nới lỏng quy định về Covid-19 khá sớm, Sri Lanka bắt đầu mở cửa từ tháng 10/2021, với thủ tục xuất nhập cảnh và đi lại dễ dàng. Du khách chỉ cần có hộ chiếu vaccine, chứng minh tiêm đầy đủ hai mũi phòng Covid-19, thực hiện khai báo y tế trực tuyến là có thể nhập cảnh và du lịch tự do tại Sri Lanka.

Cây cầu Nine Arch nổi tiếng thu hút nhiều du khách bắc ngang một thung lũng hẹp tại thành phố Ella, Sri Lanka (Ảnh: Hendrik Cornelissen)

Cây cầu Nine Arch nổi tiếng thu hút nhiều du khách bắc ngang một thung lũng hẹp tại thành phố Ella, Sri Lanka (Ảnh: Hendrik Cornelissen)

Chuyến tàu mang

Chuyến tàu mang "thương hiệu" Sri Lanka với khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục. (Ảnh: Internet)

Ngày 8/4, phát ngôn của Bộ Ngoại giao Sri Lanka cho biết: “Các cuộc biểu tình ôn hoà gần đây không nhắm vào khách du lịch và các địa điểm du lịch. Tất cả các du khách đến Sri Lanka vẫn có thể tự do đi lại trên cả nước, các điểm tham quan du lịch vẫn mở cửa bình thường. Thậm chí, tờ CNN còn đưa Colombo vào danh sách những điểm đến năm 2022”.

Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố, Sri Lanka vẫn an toàn và hoàn toàn chào đón khách du lịch quốc tế, đồng thời sẵn sàng ưu tiên nhu cầu của du khách, cũng như cung cấp tất cả những dịch vụ như trước đại dịch.

Ngoài ra, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ và địa điểm tham quan du lịch tại đảo quốc này hiện nay đều đang có chính sách hỗ trợ hoặc giảm giá cho du khách quốc tế, tuỳ vào thời gian và số lượng đặt chỗ. Tuy nhiên, du khách nên liên lạc trực tiếp với đơn vị du lịch vì khó có thể tìm thấy những thông tin này trên các trang du lịch online như trước.

Câu cá trên cà kheo (stilt fishing) - một hoạt động du khách chỉ có thể tìm thấy được ở Sri Lanka. (Ảnh: Internet)

Câu cá trên cà kheo (stilt fishing) - một hoạt động du khách chỉ có thể tìm thấy được ở Sri Lanka. (Ảnh: Internet)

Thực tế, vẫn có khá nhiều du khách lựa chọn ghé thăm Sri Lanka trong thời điểm này. Emma Boyle đến từ Anh là một trong số đó. Cô đọc báo, biết rõ những gì đang diễn ra nhưng vẫn quyết định đến. Khách sạn nơi Boyle ở vẫn hoạt động bình thường. Cô chia sẻ, mình được phục vụ các bữa sáng với bánh sừng bò mới nướng, bánh ngọt và bánh mì cùng đặc sản địa phương như món sambol cơm dừa, hải sản...

Andy và Edward cũng là hai khách không hủy tour Sri Lanka. Cả hai ghé thăm các bờ biển cát trắng ở thị trấn Nilavali và được chào đón nồng nhiệt bởi người dân địa phương. Họ không gặp bất kỳ khó khăn nào khi tham quan quanh đảo.

Chào đón du khách Việt

Đối với đa phần người Việt, Sri Lanka vẫn là một điểm đến chưa mấy quen thuộc, mặc dù đảo quốc này là một trong những quốc gia có số lượng khách du lịch đến Việt Nam khá đông. Một phần vì hiện tại, chưa có chuyến bay thẳng giữa hai quốc gia; du khách đến Sri Lanka sẽ phải quá cảnh tại Kuala Lumpur (Malaysia), sân bay Changi (Singapore) hoặc Bangkok (Thái Lan).

Nhưng điều đó không có nghĩa, giữa Việt Nam và Sri Lanka không có kết nối du lịch. Mới vào ngày 24/3/2022, Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội phối hợp với Cục Xúc tiến Du lịch Sri Lanka và Hội Lữ hành Hà Nội (VISTA Hanoi) thông báo khai thác các tour du lịch đầu tiên từ nước ta tới quốc đảo này trong thời gian tới. Trước đó, các bên cũng đã tổ chức chuyến tham quan famtrip làm quen đầu tiên cho nhóm 13 doanh nghiệp lữ hành từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đến Sri Lanka vào ngày 13/3.

Chị Nguyễn Thanh Nga, một du khách Việt tới Sri Lanka theo chuyến famtrip đầu tháng 3, chụp ảnh tại Đền Vàng, một di sản UNESCO nằm tại trung tâm của Sri Lanka. (Ảnh: NV chia sẻ)

Chị Nguyễn Thanh Nga, một du khách Việt tới Sri Lanka theo chuyến famtrip đầu tháng 3, chụp ảnh tại Đền Vàng, một di sản UNESCO nằm tại trung tâm của Sri Lanka. (Ảnh: NV chia sẻ)

"Ánh sáng cuối đường hầm"

Kể từ sau sự kiện chính quyền Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố vỡ nợ, trên bản đồ Sri Lanka có thêm một... điểm đến mới: làng biểu tình Gotago Village (Gotagogama).

Cái tên Gotagogama ghép từ Gota gogama với hàm ý "Gotabaya Go Home" (Tổng thống Gotabaya hãy từ chức). Đây là nơi những người dân tập trung biểu tình, họ dựng lều trại và cùng nhau san sẻ sinh hoạt hằng ngày. Nhanh chóng, Gotago Village hiển thị trên Google Maps như một điểm đến mới lạ, hấp dẫn du khách.

Một trang du lịch quốc tế mô tả về nơi này: Điểm tham quan mới nhất mà du khách phải thêm vào danh sách là Gotagogama - nơi được người dân sử dụng để đấu tranh chống lại giới cầm quyền của đất nước. Gotagogama không có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử hay thiên nhiên của Sri Lanka, nhưng lại là một nơi mang giá trị dân tộc. Chưa đầy một tháng kể từ khi được thêm vào bản đồ Google, Gotagogama đã trở thành thánh địa thiêng liêng đối với thế hệ trẻ, cũng như những người trưởng thành muốn hướng đến một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước.

Bạn nghĩ đây là một điểm cắm trại, dã ngoại của người Sri Lanka?

Bạn nghĩ đây là một điểm cắm trại, dã ngoại của người Sri Lanka?

Thực tế, đây là điểm tập trung biểu tình, nhưng đồng thời cũng... chào đón khách du lịch.

Thực tế, đây là điểm tập trung biểu tình, nhưng đồng thời cũng... chào đón khách du lịch.

Có lẽ, tinh thần lạc quan và hiếu khách của người dân chính là “ánh sáng le lói cuối đường hầm” ngành Du lịch Sri Lanka lúc này. Nếu quyết định đến với Sri Lanka trong thời điểm hiện tại, chắc chắn du khách sẽ gặp ít nhiều trở ngại hay thiếu tiện nghi. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, Sri Lanka không phải lựa chọn bất khả thi cho một đích đến du lịch an toàn, đậm bản sắc tôn giáo và các nền văn hoá cổ xưa. Hòn đảo này vẫn sẵn sàng rộng cửa đón chào bất cứ ai mang thiện chí ghé thăm, và thậm chí, với một thái độ ân cần hơn cả những khi có du khách đến chật ních đường.

Những người Sri Lanka giản dị và hiếu khách. (Ảnh: Internet)

Những người Sri Lanka giản dị và hiếu khách. (Ảnh: Internet)

An
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES