Nghịch lý: Rừng châu Âu tươi tốt, rừng Amazon thiệt hại nặng nề

04/03/2022

Trái ngược với thực trạng 20% rừng Amazon đã mất trong hai thế hệ gần đây, châu Âu lại có độ che phủ rừng tăng đáng kể trong cùng khoảng thời gian. Vì sao lại có sự đối lập như vậy?

Mối liên hệ giữa rừng Amazon và rừng ở châu Âu

Rừng mưa nhiệt đới Amazon có lẽ là khu rừng bị chính trị hóa nhiều nhất trong số tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, một phần vì quy mô và sự đa dạng sinh học độc nhất vô nhị; một phần vì, tất nhiên, tầm quan trọng của bể chứa carbon khổng lồ này đối với cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra toàn cầu.

Bên cạnh đó, rừng Amazon vẫn thường được coi là biểu tượng cho lá phổi của Trái đất, chính điều này vô hình trung đã đặt Brazil và chính quyền nước này dưới sự quan tâm của công chúng thế giới về vấn đề môi trường.

Ngược lại, các khu rừng ở châu Âu lại ít được nhắc tới và rất hiếm khi trở thành đề tài thảo luận, dù trong khu vực hay trên trường quốc tế. Đa phần vì không có nhiều người châu Âu đặt câu hỏi về tầm quan trọng cố hữu của chúng. Ít ai biết rằng, dù lặng lẽ, tốc độ tăng trưởng đột biến của những khu rừng châu Âu này là một trong những chuyện đáng mừng của thời đại chúng ta.

Diện tích rừng ở Châu Âu đang tăng trưởng mạng mẽ - Ảnh: Canva

Diện tích rừng ở Châu Âu đang tăng trưởng mạng mẽ - Ảnh: Canva

Ở góc độ địa lý, hai ví dụ về rừng Amazon và rừng châu Âu trên dường như không liên quan đến nhau, nhưng thực ra, chúng có mối liên hệ nội hàm sâu xa hơn so với bề ngoài.

Về cơ bản, chúng là hai đại diện trái ngược hoàn toàn cho nỗ lực bảo tồn của thế giới: 20% rừng Amazon đã mất trong hai thế hệ gần đây, còn châu Âu thì có độ che phủ rừng tăng đáng kể trong cùng khoảng thời gian. Thực tế, từ năm 1990 đến năm 2015, phần diện tích tăng lên của các khu rừng ở châu Âu đã lớn bằng diện tích cả... đất nước Bồ Đào Nha.

Rừng ở châu Âu được quản lý và quy hoạch

Nhiều người cho rằng, rừng ở châu Âu đã bị chặt phá hàng loạt một cách vô tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp. Đúng là điều này từng xảy ra, nhưng quá trình đó diễn ra rất chậm, trải dài suốt 2.000 năm - bắt đầu từ khi người tiền châu Âu dần khai phá đất đai để làm thành đất trồng trọt và đồng cỏ. Như Ján Mičovský - Chủ tịch Tổ chức Lâm nghiệp châu Âu - thường nhắc, chỉ còn 2% rừng trên lục địa này là “không bị con người quấy rầy”.

Theo thời gian, phần lớn các khu rừng ở châu Âu không còn là rừng nguyên sinh, rừng già mà thay vào đó là các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ. Có nhiều động cơ thúc đẩy việc quản lý như vậy, liên quan đến các hành động để bảo tồn - bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì cảnh quan hoặc tái sử dụng tài nguyên.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bởi lẽ đó, không giống như rừng nguyên sinh Amazon, rừng ở châu Âu đã gắn bó với con người suốt nhiều thế kỷ, đến mức giờ đây giá trị và lợi ích của chúng đã được mọi người hiểu rất rõ.

Rừng ở Belarus (Châu Âu) - Ảnh: @obscurespace

Rừng ở Belarus (Châu Âu) - Ảnh: @obscurespace

Ít nhất từ những năm 70, chính sách công của hầu hết các nước châu Âu đều đã xoay quanh việc tìm hiểu những giá trị khác nhau mà rừng có thể mang lại. Ngày nay, các chính sách đó bao hàm cả việc giảm thiểu tác hại của sự thay đổi khí hậu đối với rừng, nhưng cũng vẫn coi rừng như một nguồn tài nguyên kinh tế có giá trị đúng nghĩa. Theo đó, rừng bảo vệ đất đai và nguồn nước, tạo ra nền kinh tế sinh học và đóng góp đa chiều vào khả năng tài chính của các cộng đồng người ở nông thôn.

Đến nay, hơn một phần ba diện tích đất của châu Âu được bao phủ bởi rừng, tăng 9% trong vòng 30 năm. Theo thống kê của Hội nghị Bộ trưởng về Bảo vệ Rừng ở châu Âu, trong cùng khoảng thời gian trên, “khối lượng gỗ và trọng lượng carbon được lưu trữ trong sinh khối của các khu rừng châu Âu đã tăng 50%”.

...Nhưng với rừng Amazon, những kẽ hở kinh tế vẫn tồn tại

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cần nhìn nhận lại về việc chặt rừng ở châu Âu trong 2.000 năm qua, vì chính những nhu cầu kinh tế này đã thúc đẩy nạn phá rừng ở Amazon ngày nay.

Các chính sách và sự thiếu thực tế trong việc thực thi luật bảo vệ rừng càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Nạn phá rừng ở Brazil và các nước Nam Mỹ chỉ đơn giản là hành động của sự đói nghèo, vì rừng dường như là kế sinh nhai duy nhất của nông dân vùng này. Các hoạt động chặt rừng hoặc săn bắt trái phép của họ có quy mô nhỏ đến mức không thể quản lý và kiểm soát trong chuỗi sản xuất thực phẩm.

Thiệt hại gây ra bởi nạn phá rừng Amazon - Ảnh: AP Photo

Thiệt hại gây ra bởi nạn phá rừng Amazon - Ảnh: AP Photo

Ngay cả khi có thể áp dụng chính sách lên những nhà sản xuất thịt gia súc có quy mô vừa trở lên, luật của châu Âu cũng chỉ có xu hướng tập trung vào các nguồn thịt chứ không phải các sản phẩm liên quan như da lông và thức ăn cho động vật.

Có thể nói, những điều này không khác gì đang dùng súng phun nước để dập tắt cháy rừng. Russell Lello de Miranda - Ủy viên Hội đồng của Humaita, một đô thị nằm ở bang Amazonas, Brazil - nhận xét, nông dân phá rừng không phải là những kẻ phản diện trong "bộ phim" Ai đang phá hoại rừng Amazon, họ chỉ là những con người kém may mắn, phải thường xuyên dời chỗ ở và tìm đủ mọi cách để sinh tồn.

Muốn cứu rừng Amazon, hãy cứu người đang phá rừng

Mike Alcalde, một nhà làm phim tài liệu người Mexico - người đã tự mình trải nghiệm sự suy thoái môi trường nặng nề trên khắp châu Mỹ Latin - đồng ý với Lello de Miranda về con đường phải đi trong tương lai. Các nguồn tài trợ từ nước ngoài cho việc phát triển bền vững và bảo vệ rừng phải được tổ chức thành các hoạt động chính thống, với sự tham gia tích cực và trực tiếp của những hộ dân này.

"Như thường lệ, những người chỉ biết ngồi từ xa mà nhìn ngắm bức tranh toàn cảnh và suy nghĩ ở góc độ vĩ mô, thì không làm gì để giải quyết câu chuyện được. Muốn cứu rừng Amazon, phải làm việc cùng, và trực tiếp hỗ trợ những người thực sự sống trong môi trường này" - Mike nói.

Rừng Amazon sau khi bị phát quang - Ảnh: AP Photo

Rừng Amazon sau khi bị phát quang - Ảnh: AP Photo

Trong lịch sử, các khu rừng ở châu Âu cũng đã trải qua quá trình bị tàn phá và được tái tạo, đồng thời đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng môi trường trong khoảng thời gian rất dài.

Nhưng, "thế giới không thể chờ đợi quá trình tương tự diễn ra đối với rừng mưa Amazon. Rừng Amazon cần được can thiệp tận gốc rễ, và giải thoát cho những con người đang bị mắc kẹt trong vòng xoáy sinh nhai" - Mike nhận xét thêm, "Hãy giúp đỡ họ, và chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề".

Người dân bản địa bộ tộc Kambeba ở một ngôi làng trong rừng Amazon, Brazil

Người dân bản địa bộ tộc Kambeba ở một ngôi làng trong rừng Amazon, Brazil

"Chúng tôi không mong đợi bất cứ điều gì từ Chính phủ, họ không hiểu cách sống của chúng tôi" - Mario Nicacio Wapichana, tộc tưởng tộc người Kambeba, trong một lần chia sẻ với báo chí.

Sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của các khu rừng ở châu Âu là một câu chuyện đáng được kể và được tôn vinh, nhưng từ đó, đã đến lúc chúng ta nhìn nhận ra được con đường để giải quyết vấn đề kinh tế cốt lõi của nạn phá rừng - trên toàn cầu.

An - Nguồn: euronews - Ảnh: canva
RELATED ARTICLES