Công viên địa chất Đắk Nông chào đón tôi bằng một thời tiết không thể tuyệt hơn khi da trời xanh ngát, mây bồng bềnh trôi trong cái nắng vàng ươm, xen kẽ là những cơn gió như muốn cuốn trôi cả... buồn phiền, tối đến lại là cái se se lạnh của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn. Điều khiến tôi háo hức để đặt chân đến đây, là cụm hang núi lửa Chư Bluk dài nhất khu vực Đông Nam Á.
Chư Bluk trong tiếng của người Ê-Đê bản địa có nghĩa là "núi cội nguồn" (Chư là “núi”, Bluk là “cội nguồn”). Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn thường gọi là hang Dơi vì môi trường ở các hang nơi đây là điểm trú ẩn của loài thú ăn đêm này.
Về mặt địa lý, quần thể hang động lửa Chư Bluk nằm trong Công viên địa chất Đắk Nông (xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Núi lửa này đã phun trào từ cách đây khoảng 3.700 năm, dòng dung nham nóng khủng khiếp ấy chảy rộng khắp khu vực có chiều rộng khoảng 5 km và chiều dài khoảng 25 km, tạo nên một quần thể hơn 100 hang động lớn nhỏ với nhiều cấu tạo, hình dạng khác nhau. Nổi bật nhất là hang C8 với miệng hang sâu đến 20 m và hang C9, hang cao nhất trong cụm hang núi lửa Chư Bluk.
Chặng 1: Hang C9 - hang cao nhất trong cụm hang núi lửa Chư Bluk
Sau một giấc ngủ trên xe xuất phát từ Sài Gòn, tôi đến nhà của một dân địa phương ở Buôn Choah để chuẩn bị cho hành trình khám phá cụm hang núi lửa Chư Bluk. Cung đường hôm nay tôi đi hứa hẹn sẽ nhiều khó khăn khi phải chậm rãi từng bước chân, qua những phiến đá nhỏ trên cánh đồng dung nham không được chắc chắn cho lắm. Nếu đi không vững, rất dễ bị lật sơ-mi chân hay bị đá cắt chảy máu. Chưa kể có nhiều đoạn còn bị những bụi cỏ dại che hết, chẳng biết được dưới chân mình là gì. Rồi những bụi cây gai bám chi chít trên quần áo, hay sẽ phải chui bụi rậm, leo trèo trong hang… Nhưng, với những đôi chân mê khám phá, trở ngại đó có là gì!
Núi lửa Chư Bluk đủ cao để có thể nhìn thấy từ ngay đoạn đầu của con đường mòn dẫn đến hang C9. Đường mòn này có lẽ được hình thành khi người dân nơi đây đến để gieo trồng những ruộng bắp khi trời chuẩn bị vào mùa mưa, và thu hoạch chúng vào mùa khô. Thi thoảng, vẫn thấy những gốc cây bắp còn sót lại khi bước theo anh dẫn đường.
Chẳng mấy chốc, tôi đã ở lưng chừng của núi lửa Chư Bluk và... đứng thở giữa trời vì đường lúc này khá dốc, trời thì nắng. Bù lại, tôi được tận hưởng những cơn gió mạnh như muốn thổi tung người đi (nếu tôi nhẹ cân), được ngắm nhìn toàn cảnh cánh đồng dung nham phía dưới kia, hoang sơ vô cùng.
Tận hưởng cái đẹp của vùng đất cằn khô này xong, tôi lại tiếp tục vác ba lô lên và đi tiếp. Rồi cũng tới cửa hang C9.
Bật chiếc đèn pin đội trên đầu, đeo găng tay để tăng độ bám vào, tôi vén những cành cây, chui qua bụi cỏ để nhìn rõ hơn dốc đá trước mặt, rồi chậm rãi từng bước chân để đi vào hang C9.
Không gian tối mịt đang bị ánh sáng của đèn pin phá vỡ. Cảm giác mát lạnh chạy khắp người. Tôi rùng mình khi nghe tiếng từng giọt nước rơi xuống. Trong hang còn có nhiều bầy dơi trú ngụ nên khi thấy ánh sáng và tiếng động của con người, chúng ùa ra bay tứ tung, khiến cho tôi có cảm giác như mình đang ở một nơi nào đó kì bí lắm.
Đi sâu hơn vào trong lòng hang, ngước cổ lên và xoay đủ một vòng 360 độ, tôi được thấy rõ hơn về sự "hoành tráng" của hang C9. Lòng hang hình ống, trên tường có thạch nhũ dung nham, các kệ nham thạch, những dấu vết thể hiện mức dung nham và hướng chảy của dòng nham thạch từ ngày xưa. Ở phía cuối hang là không gian hình vòm cung khá đẹp; bên dưới là những tảng đá lớn hơn - do mảng trần của hang bị sụp xuống, bị các thực vật phủ kín dày đặc; bên trên là những bụi dương xỉ rũ xuống, tựa như một bức rèm xanh rì khổng lồ đẹp mắt.
Chặng 2: Hang C8 - một trong những hang động dài nhất Đông Nam Á
Sau khi dành kha khá thời gian ở hang C9, tôi tiếp tục di chuyển đến hang C8, là một trong những hang động dài nhất Đông Nam Á, được hình thành do phần thượng lưu của dòng dung nham núi lửa Chư Bluk chảy từ phía Đông Nam về hướng Tây Bắc.
Đeo trang thiết bị leo núi chuyên nghiệp lên người xong, tôi được các anh chuyên gia leo núi hướng dẫn cách sử dụng thiết bị để bắt đầu đu dây từ miệng Thạch Sanh xuống sâu 20 m, để chạm những bước chân đầu tiên ở hang C8.
Xa xa kia là ánh sáng của mặt trời rọi vào, tôi đi theo hướng sáng đó. Bất chợt, trước mắt tôi hiện ra một khung cảnh đẹp đẽ. Phía dưới là những tảng đá phủ đầy rêu phong, bên phải là một mảng tường đá với những bụi cây dương xỉ đang rũ xuống, phía trên là khu rừng cây nguyên sinh đang được ánh nắng chiếu thẳng vào, xuyên qua những tán cây để tạo ra những tia sáng đẹp lung linh. Như muốn níu kéo tôi ở lại hang lâu hơn, từ đâu đó xuất hiện thêm lớp bụi sương bay hững hờ trong làn nắng ấy, quyện với màu xanh của các lớp thực vật, tạo nên một khung cảnh huy hoàng. Tôi đã "mất" khoảng 45 phút, chỉ để ngắm nhìn vẻ đẹp huyền diệu ở cửa hang C8.
Rời hang C8, tôi lại tiếp tục bước trên cánh đồng dung nham rộng lớn xung quanh núi lửa Chư Bluk để đến điểm đón. Khi thấy con đường được trải nhựa phẳng lì trước mặt, cũng là lúc hành trình khám phá cụm hang núi lửa Chư Bluk kết thúc. Có lẽ, khi tạm biệt nơi này, sẽ nhớ nhất mùi cỏ cháy, vị thơm ngon của những trái cà chua dại, nhớ cái gió thổi giữa trưa, nhớ vẻ đẹp ở những hang núi lửa mà Mẹ Thiên Nhiên đã tạo tác cho vùng đất đầy nắng và gió giữa Tây Nguyên đại ngàn.
Thông tin thêm
Có nhiều đơn vị tổ chức tour khám phá cụm hang núi lửa Chư Bluk, cá nhân tôi lựa chọn tour của TransViet Wanderlust - một công ty lữ hành có tên tuổi uy tín hơn chục năm ở Việt Nam. Điển hình với trải nghiệm đu dây từ miệng hang Thạch Sanh xuống dưới sâu 20 m để đến hang C8, TransViet Wanderlust mời hẳn một huấn luyện viên leo núi có chứng chỉ quốc gia, chuẩn bị sẵn những trang thiết bị an toàn và chuyên nghiệp, để đảm bảo an toàn cho những người tham gia trải nghiệm này. Chi phí để sắp xếp như vậy, tôi nghĩ là không nhỏ và không phải đơn vị lữ hành nào cũng có thể làm được.
Chi phí tour: 3.990.000/pax, từ 11 tuổi trở lên
Hành trình ngắn gọn:
Ngày 1: TP.HCM – Đăk Nông: khám phá cụm hang núi lửa Chư Bluk
Ngày 2: Đăk Nông – Đăk Lăk – TP.HCM: khám phá cụm thác Dray Nur & Dray Sap