Coober Pedy là một thị trấn nhỏ ở miền Nam Australia, cách Adelaide 850 km, vốn có khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Một vùng đồng bằng cằn cỗi, vài ngôi nhà thưa thớt cách nhau xa cả vài chục mét, nắng vàng khô hạn như thiêu đốt con người... Nhìn thoáng qua những tấm ảnh hoang vu này, ắt hẳn ai cũng thấy cảnh quan trên bề mặt trơ trọi và hoang vắng chẳng khác nào những tấm ảnh chụp trên mặt trăng.
Và nếu có dịp đi đến Coober Pedy, du khách sẽ nhìn thấy những miệng “hố tử thần” khổng lồ, sâu thẳm và tối đen mà chẳng ai dám bước vào. Thế nhưng đó lại chính là những cửa ngõ dẫn đến một thế giới do chính con người tạo ra, một thế giới ngầm hoàn toàn khác. Bởi bên dưới lớp bề mặt khô cằn ấy, lại là một thị trấn sầm uất và náo nhiệt với gần 3.500 người sinh sống.
Thủ phủ đá quý Opal
Thị trấn ngầm này được mệnh danh là thủ đô opal của thế giới do 90% sản lượng đá opal trên trái đất đều được khai thác tại đây. Đá Opal là một loại đá thuộc họ thạch anh, thường được biết đến với tên gọi là "đá mắt mèo" bởi chính hiệu ứng phát sáng lấp lánh trong suốt của nó.
Thị trấn này ban đầu được đặt tên theo tên nhà thám hiểm đầu tiên đặt chân đến vùng đất này năm 1858 - John McDouall Stuart. Sau đó đến năm 1920, nơi này mới được đổi tên thành Coober Pedy, theo ngôn ngữ của những người thổ dân địa phương có nghĩa là “hang của người da trắng dưới lòng đất”.
Nguồn gốc của thị trấn này bắt đầu vào năm 1915, khi một cậu bé 14 tuổi tìm thấy một viên đá quý có ánh sáng trong suốt lấp lánh tựa mắt mèo ở vùng hẻo lánh Nam Australia. Sau đó, những người tìm vàng đã phát hiện ra trữ lượng lớn ngọc mắt mèo thì nơi đây bắt đầu nổi tiếng và thế là thị trấn Coober Pedy ra đời. Cư dân nhiều nơi đổ xô đến đây khai thác với mong muốn tìm đá mắt mèo để đổi đời.
Về sau, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra rằng khoảng 150 triệu năm trước, Coober Pedy nằm dưới đại dương, khi mặt đất bị đẩy dần lên cao, nước biển rút đi làm các khoáng chất silica chảy vào khe nứt đá. Trải qua hàng chục triệu năm, chúng chuyển thành các loại đá quý nhiều màu sắc.
Là di sản của ngành khai thác mỏ opal, Coober Pedy giống như một ốc đảo giữa sa mạc Úc. Để phục vụ nhu cầu khai thác đá mắt mèo, những người thợ mỏ buộc phải đào những hang đá lớn nhỏ để nghỉ ngơi trong quá trình đào bới dưới lòng đất. Từ đó, tạo ra vô số những hố rỗng trong lòng đất.
Ngành công nghiệp đá quý cứ thế phát triển, thời kỳ hoàng kim vào những năm 70-80, thị trấn này có đến hơn 1.000 thợ mỏ. Thế nhưng đây lại là vùng đất sa mạc với điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên ngưỡng 50 độ C, nhưng ban đêm có thể giảm xuống dưới 0 độ C. Để chống đỡ với sức nóng như chảo lửa ở phía trên, những người đến khai thác đá mắt mèo đã nảy ra ý tưởng xây dựng những ngôi nhà ngay trong hầm mỏ từ những hố rỗng.
Theo thời gian, công việc tìm kiếm ngày càng trở nên quy mô hơn. Họ tiếp tục mở rộng diện tích tìm kiếm và nhiều ngôi nhà lớn hơn dưới lòng đất được xây dựng. Lâu dần họ định cư, sinh con đẻ cái và tạo lập hẳn một khu dân cư nhộn nhịp hàng nghìn người dưới lòng đất.
Thiết kế tối ưu và sự sáng tạo không ngừng
Hiện tại, Coober Pedy có tới hơn 1.500 ngôi nhà trong lòng đất và biến nơi đây trở thành một thị trấn ngầm nổi tiếng lớn nhất trên thế giới. Với hơn 3.500 người sinh sống, người dân Coober Pedy là sự "tập hợp" đến từ 50 sắc tộc khác nhau từ khắp các vùng đất như: Sri Lanka, Philippines, Hy Lạp, Argentina, Anh Quốc...
Việc sinh sống dưới lòng đất đã giúp cho nhiệt độ ở những ngôi nhà luôn luôn giữ một mức ổn định hoàn hảo vào khoảng 24oC với 20% độ ẩm. Nếu nhìn từ bên ngoài, những ngôi nhà như hang động này có lối vào bí hiểm, không có ánh sáng mặt trời nhưng bên trong lại rất đầy đủ tiện nghi, có ánh sáng đèn điện và các vật dụng hiện đại không khác gì một ngôi nhà bình thường trên mặt đất.
Không chỉ là những căn nhà tiện nghi, Coober Pedy ngày nay còn phát triển một hệ sinh thái phục vụ đời sống người dân nơi đây với các công trình xã hội ngay dưới lòng đất như: nhà thờ, nhà hàng, khách sạn, quán bar, khu vui chơi... Đặc biệt, ở đây còn có cả một bảo tàng nghệ thuật ngầm mang tên Old Time Mine tại nơi từng là hang đá cổ. Bảo tàng này có rất nhiều tầng opal được lưu giữ lại, phản ánh các giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của Coober Pedy.
Vật liệu chính để tạo nên các ngôi nhà này là đá sa thạch bởi nó dễ khai thác, có tính ổn định và đem lại sự vững chắc cho ngôi nhà. Không chỉ vậy, màu sắc tuyệt đẹp của đá sa thạch không chỉ mang lại sự sang trọng mà còn tôn thêm vẻ ấm áp, thân thiện, đối lập với cái nóng khắc nghiệt của thời tiết bên ngoài vùng sa mạc. Mặc dù nằm sâu 10 m dưới lòng đất nhưng đó không phải là lý do hạn chế trí tưởng tưởng kỳ diệu của người dân Coober Pedy. Họ chạm khắc vô số những hình ảnh tuyệt đẹp, kỳ lạ song vô cùng tinh tế ở khắp nơi bên trong những căn nhà hang động của mình.
Hơn nữa, dù nằm sâu dưới lòng đất nhưng ở đây không hề bí bách bởi bao quanh thị trấn này là hệ thống hàng trăm khối hình trụ với tác dụng thông khí cho các căn nhà dưới lòng đất - được gọi là “dugouts”. Giờ đây, bên trên mặt đất chỉ có thể nhìn thấy hệ thống dugouts, trạm cung cấp nhiên liệu hoặc một vài cửa hàng công cộng là những công trình còn nằm trên mặt đất để phục vụ cho người đi đường.
Lợi thế du lịch đặc biệt có một không hai
Năm 1981, một cư dân có tên là Umberto Coro phát hiện ra tiềm năng của những căn nhà nằm dưới lòng đất, vì thế anh ta đã bắt tay vào việc xây dựng khách sạn đầu tiên. Kể từ đó, danh tiếng của thị trấn nhanh chóng lan rộng và người dân trên khắp Australia kéo tới đây thăm thú.
Nắm rõ lợi thế ấy của mình, những người dân nơi đây cùng nhau liên kết và bắt đầu phát triển du lịch với việc cho thuê các phòng khách sạn từ nhỏ lẻ đến qui mô lớn để phục vụ những du khách muốn trải nghiệm cuộc sống dưới lòng đất. Các căn phòng được bài trí rất tiện nghi, không khác gì trên mặt đất với giường ngủ sạch sẽ, tủ quần áo, tivi và hệ thống nhà bếp để du khách có thể tự mình nấu nướng.
Một số ngôi nhà lớn tại đây còn trang bị hẳn một hồ bơi trong lòng đất - một trải nghiệm có một không hai mà bất cứ du khách nào cũng muốn được thử một lần trong đời. Nếu không thích ngủ trong các căn nhà khang trang và muốn khám phá, du khách thậm chí còn có thể cắm trại trong một khu mỏ cũ đã ngừng khai thác và tận hưởng cảm giác thực sự "hoang dã".
Đến Coober Pedy, sau những trải nghiệm cuộc sống trong hệ thống ngầm, du khách còn có thể săn những bức ảnh về sự khắc nghiệt của thiên nhiên khi lang thang đến các vùng phụ cận xung quanh thị trấn như sa mạc Painted hay mỏ khai thác đá opal...
Ngoài ra, nếu muốn giải trí, du khách có thể tìm đến những quán bar hay nhà hàng ngay dưới lòng đất này với ánh nến lung linh và không khí lãng mạn.
Cũng chính bởi khung cảnh khô cằn, ảm đạm trên mặt đất xung quanh, Coober Pedy đã thu hút giới làm phim Hollywood. Nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng về ngày tận thế với những cảnh quay nơi đây đã góp phần giúp Coober Pedy trở nên nổi tiếng hơn và du lịch trở thành nguồn thu ngang với việc khai thác đá opal.
Từ khí hậu sa mạc nóng bức tưởng chừng là một bất lợi nhưng lại khiến người dân sáng tạo ra ý tưởng tuyệt vời để sinh sống và giờ đây còn thu hút những người ưa khám phá tìm đến. Ngày nay, Coober Pedy đã trở thành một trong những địa điểm du lịch độc đáo nhất nước Úc.