Tôi lớn lên cùng chiếc bánh Trung Thu

03/09/2019

Ngày còn bé, mỗi lần Trung Thu, lũ trẻ chúng tôi đều được tập trung tại nhà ông bà ngoại. Người lớn thì ko cần biết như thế nào, nhưng tụi nhóc sẽ được tự tay chuẩn bị mâm cỗ đón trăng. Khoảnh khắc tôi nhớ nhất là khi trăng lên cao tròn vành vạnh, bà tôi lại chỉ tay lên trời dạy lũ trẻ chúng tôi về việc “trông giăng”.

Kí ức của những đứa trẻ

Có một năm, tôi hỏi bà là tại sao bà lại chỉ cho chúng tôi như vậy. Bà bảo rằng, ngày rằm tháng Tám sẽ có đêm trăng là sáng nhất trong năm. Thế nên nhìn các chòm sao trên trời sẽ dễ dàng hơn các tháng khác. Nhìn trăng, tiết trời, và thiên văn sẽ áng chừng được thời tiết mùa đông năm đó. Việc nhà nông thì thời tiết quan trọng nhất, biết được thời tiết sẽ biết được cấy vụ chiêm vụ mùa như thế nào, biết được giữa hai mùa đó thì nên trồng cây hoa màu nào.

Lớn hơn một chút, ngẫm lại lời bà nói, tôi hiểu rằng ngắm trăng không chỉ là hoạt động văn hóa tinh thần mà còn gắn liền với đời sống lao động sản xuất của cha ông ta. Cũng như tục ngữ có câu: “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám” hay “Tỏ trăng mười bốn được tằm, đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”.

Nửa thập kỷ gần đây, với nhiều biến động của cuộc sống, ngày Trung Thu cũng giống như đất nước đã thay đổi rất nhiều. Trải qua kỳ “ngăn sông cấm chợ” thời bao cấp, cùng bùng nổ với sự phát triển những ngày mở cửa sau thời đổi mới, rồi cũng lao đao trước thời toàn cầu hóa khi mà các giá trị văn hóa truyền thống chịu sự giao thoa khốc liệt từ bên ngoài… Tết Trung Thu đã thay đổi khá nhiều về cả quy mô lẫn hình thức. Và điều thú vị là việc thay đổi đó lại được thể hiện rất rõ nét qua món cổ truyền của dân tộc, bánh Trung Thu.

Empty

Sự chuyển mình của xã hội trong một chiếc bánh

Dù cho bản thân bánh Trung Thu cũng đã có một lịch sử thăng trầm qua hàng nghìn năm, thế nhưng có một thời gian dài bánh Trung Thu khá đơn sơ và bình dị. Bánh Trung Thu cổ truyền, xưa kia được gọi là bánh nguyệt, gồm hai loại bánh nướng và bánh dẻo. Về cơ bản, hai loại bánh cổ truyền này chỉ khác phần vỏ trong khi dùng chung một kiểu nguyên liệu nhân thập cẩm, gồm: lạp xưởng, hạt sen, mứt bí, mỡ đường, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, vừng...

Empty

Ngày nay, thứ nhân thập cẩm không còn cạnh trạnh được với trào lưu nhân nhuyễn từ nước bạn đồng văn du nhập vào. Nhân nhuyễn làm đơn giản, không cầu kỳ như nhân thập cẩm, để được lâu lại có hương vị thanh nhẹ nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng. Các loại nhân nhuyễn bắt khách gồm có như sen, đậu xanh, khoai môn, trà xanh... Để cho bắt mắt và thêm mùi vị khi thưởng thức thì nhân còn có thêm cả jambong hoặc trứng muối. Thậm chí gần đây, sự giao lưu văn hóa ẩm thực khiến cho nhân bánh còn có thêm cả phô mai, gà quay, vi cá mập, bào ngư,...

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Việc “ăn” Tết Trung Thu ngày nay không chỉ gói gọn trong gia đình nữa. Chiếc bánh Trung Thu đã trở thành một phần không thể thiếu để người mua biếu tặng cho ông bà, cha mẹ, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác làm quà. Hình dáng và chất lượng cũng như giá cả của bánh bắt đầu có những sự thay đổi lớn lao để phù hợp với thời cuộc. Nếu khi xưa, bánh chỉ có hai hình dạng là tròn và vuông như sự tiếp nối thuyết bánh chưng - bánh dày, trời tròn - đất vuông, thì ngày nay bánh Trung Thu có nhiều tạo hình rất mới mẻ.

Empty

Đó có thể là hình các con giống mà thịnh hành nhất là đàn lợn tượng trưng cho sự sung túc ấm no, hay hình cá chép tượng trưng cho tài lộc may mắn. Văn hoa trên bánh có thể thêm lời chúc như “Song Hỉ”, “Vạn Lộc”, “Cát Tường” như một lời chúc đến cho người được tặng. Màu sắc của bánh cũng thay đổi theo thời gian để phục vụ thị hiếu của người mua. Nếu như truyền thống của bánh dẻo chỉ là màu trắng, bánh nướng chỉ là màu vàng đậm thì giờ với màu thực phẩm cùng nhiều loại bột phụ gia như bột trà xanh, khoai môn, gấc làm cho bánh có nhiều màu sắc tùy ý. Tuy không đúng với ý nghĩa văn hóa của bánh nữa nhưng điều này làm cho bánh Trung Thu có phần bắt mắt và tươi trẻ hơn.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”

Hồi bé, có lần tôi được ông nội cho đến chơi ở một xưởng làm bánh cổ truyền. Cái thời ấy, người mua bánh Trung Thu chỉ có sự lựa chọn từ các cơ sở truyền thống làm truyền đời qua nhiều thế hệ. Nhìn những người thợ miệt mài cắm cúi bên bàn bột, bàn khuôn bánh, mồ hôi họ lấm tấm lẫn bột trắng bám đầy trên tạp dề, trên chiếc mũ trùm đầu mới thấy quý trọng những chiếc bánh. Thế rồi, thời đại thay đổi, những xưởng làm bánh gia truyền đó cũng mai một dần.

Empty

Với sự bùng nổ thông tin mạng, việc làm bánh Trung Thu cũng không còn là bí truyền của các xưởng truyền thống hoặc giới đầu bếp nữa. Chỉ cần một máy tính nối mạng, ai cũng nhanh chóng có thể có trong tay công thức làm bánh Trung Thu từ cổ truyền đến các mẫu mới hiện đại. Nếu như các xưởng homemade này thiên về khách hàng mua về thưởng thức vì yếu tố ngon bổ rẻ, thì cuộc chơi của các hãng trứ danh lại khác.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, khi chiếc bánh Trung Thu không phải được mua để thưởng thức nữa mà để biếu, tặng, đáp lễ thì câu chuyện lại quay chiều hoàn toàn. Người mua luôn chọn những thương hiệu tên tuổi để gửi niềm tin và hy vọng. Nắm được tâm lý này, các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng cũng tham gia vào thị trường bánh Trung Thu với đặc điểm chung của bánh là “độc, đẹp, đắt tiền”. Bên cạnh chất lượng bánh, màu sắc, mẫu mã hộp bánh được họ chú trọng nổi bật.

Empty

Bản thân việc “đón” Tết tưởng chừng đơn giản nhưng cũng có nhiều thay đổi. Trước kia, dưới khoảng sân rộng, cả nhà cùng quây quần, cắt bánh phá cỗ trông giăng, miếng bánh đơn sơ mà đậm đà hơn bao giờ hết. Còn ngày nay, người ta không cần đợi đến đúng lúc trăng rằm mới phá cỗ nữa. Cuộc sống đi lên khiến cho việc mua bánh dễ dàng và nhanh chóng hơn. Thậm chí, có những xưởng bán bánh quanh năm, ngoài việc phục vụ nhu cầu ẩm thực, thì còn dùng cho cả việc lễ lạt. Không còn là mâm cỗ hoa quả bên sân nhà, con ngõ với chén trà gió mát, không còn lũ trẻ con nô đùa nghịch ngợm với các món đồ chơi “tự làm” một cách công phu hàng tháng trời. Thay vào đó là những bàn tiệc thịnh soạn với những chai rượu tây, con phố Hàng Mã nhộn nhịp màu sắc với những món đồ chơi mỗi năm một mới…

Empty
Empty

Kết

Chiếc bánh Trung Thu bé xíu mà lại có thể mang trong mình nhiều thay đổi lớn lao. Nhìn vào một chiếc bánh, ngắm một gia đình “chơi” Trung Thu mà có thể cảm nhận được sự phát triển của cả một nền văn hóa, kinh tế và xã hội. Bởi con người sẽ luôn mong muốn vươn đến một cuộc sống có chất lượng cao hơn, nên Trung Thu chắc chắn vẫn sẽ trải qua nhiều sự thay đổi nữa. Nhưng dù có đi qua thêm bao thế hệ, bánh nướng bánh dẻo vẫn sẽ là chiếc bánh đậm đà để cả nhà cùng san sẻ từng miếng với nhau, và chiếc đèn ông sao sặc sỡ vẫn sẽ là món đồ chơi đầy mới lạ trong kí ức đứa trẻ lần đầu đón Trung Thu.

Empty
Lê Quang - Lan Oanh - Nguồn: Ảnh: Internet
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES