Chị Nhung Phạm là người tiên phong mang loại hình du lịch nước ngoài bằng máy bay kết hợp trải nghiệm du thuyền 5 sao đến khách Việt Nam trong 8 năm qua. Theo chân chị ấy, tôi có dịp khám phá con tàu xa hoa trong chuyến hải trình xuất phát từ Singapore.
KHÁM PHÁ CON TÀU XA HOA TỪ SINGAPORE
Du thuyền khởi hành từ đảo quốc Singapore nên chúng tôi bay từ TP.HCM sang sân bay Changi vào buổi sáng, sau đó đi xe ra bến cảng Marina Bay Cruise. Tại cảng, tôi làm thủ tục lên tàu tương tự thủ tục hàng không như trình hộ chiếu và check in tại quầy. Nhân viên hãng tàu cấp cho tôi thẻ lên tàu in các thông tin quan trọng như tên khách, số phòng, tên nhà hàng gọi món, thời gian ăn tối tại nhà hàng, số bàn, khu vực tập trung cứu hộ. Sau khi nhận lại hộ chiếu và chiếc thẻ lên tàu, tôi vào trong làm thủ tục xuất cảnh Singapore tại quầy Hải quan.
Ra khỏi sảnh bến cảng, tôi choáng ngợp trước sự hoành tráng của chiếc tàu mang tên Voyager of the Seas với chiều dài 311 m, cao 15 tầng, nặng 138.000 tấn. Lối vào tàu ngay tầng 4, qua khỏi trạm soi hành lý xách tay, rẽ phải là đến sảnh chụp hình lưu niệm du khách với phông nền du thuyền.
Căn phòng tôi lưu trú ở tầng 7, hướng phố, nhìn xuống Đại lộ Hoàng gia (Royal Promenade) tầng 5. Phòng trên tàu tuy không rộng như trên đất liền nhưng đầy đủ tiện nghi với giường đôi, bàn trang điểm, ghế sofa, tủ kệ, tivi, ấm đun nước và toilet. Mở cửa phòng, tôi bất ngờ khi thấy chiếc khăn tắm gấp thành con thỏ dễ thương đặt trên giường là món quà mà du thuyền chào đón khách.
Đại lộ trải dài từ đầu đến đuôi tàu, tập trung các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức (chỉ mở bán khi tàu chạy ra hải phận quốc tế), quán cà phê Promenade phục vụ 24/24 với các loại thức uống, bánh ngọt miễn phí và quầy dịch vụ khách hàng. Dạo bước trên đại lộ, tôi cảm giác như lạc vào khu phố ở phương Tây.
Bất cứ hải trình nào, trước lúc tàu rời bến, toàn bộ du khách phải tập trung tại boong tàu tầng 4 để nghe phổ biến về cách thức cứu hộ. Sau 30 phút hoàn thành thủ tục quan trọng này, mọi người tản ra và sinh hoạt tự do.
Tàu rời cảng Singapore để tiến tới Malaysia. Tàu lướt trên biển êm đến nỗi tôi không biết tàu đã nhổ neo. Đến khi hỏi nhân viên du thuyền, tôi mới biết tàu đã ra khơi được một giờ đồng hồ.
Tôi đến nhà hàng Sapphire nằm ở tầng 4 để ăn tối. Bước qua cánh cửa nhà hàng, tôi bỡ ngỡ trước không gian sang trọng cùng tiếng nhạc du dương. Tuy nhà hàng có ba tầng, song bên trong kết nối bằng không gian chung. Theo quy định của du thuyền, khi đến dùng bữa tại một trong ba nhà hàng sang trọng ở tầng 3, 4, 5, du khách bắt buộc phải mặc trang phục lịch sự và ngồi đúng số bàn in trên thẻ lên tàu.
Nhân viên phục vụ trong trang phục áo vest tươi cười chào đón, hướng dẫn tôi đến đúng vị trí bàn. Bữa tối được phục vụ thịnh soạn theo kiểu “a-la-carte” gồm khai vị, món chính và tráng miệng. Thực đơn được thay đổi theo ngày để du khách có nhiều lựa chọn và không thấy ngán.
MALAYSIA HIỆN ĐẠI
8 giờ sáng, tàu cập cảng Port Klang (Malaysia) – cách Kuala Lumpur khoảng 60km. Chúng tôi ra khỏi tàu để lên bờ và đi xe đến tham quan Putrajaya – thủ đô hành chính liên bang mới của Malaysia. Tôi chụp hình cây cầu treo nổi tiếng Wawasan có hình con thuyền đang giương buồm, rồi đến Thánh đường Hồi giáo màu hồng. Thánh đường nằm soi bóng bên hồ, là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc Hồi giáo truyền thống và hiện đại, được xây dựng bằng đá granite màu hồng. Tiếp đến là Cung điện Hoàng gia mới tọa lạc uy nghi trên đồi. Vào trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, nơi tôi muốn đến là tòa tháp đôi Petronas – biểu tượng phồn vinh của Malaysia.
Chúng tôi trở lại cảng Port Klang trước khi tàu rời bến lúc 4 giờ chiều, khởi hành đến đảo Phuket xinh đẹp của Thái Lan. Buổi tối ngày hành trình thứ hai trên du thuyền có nhiều chương trình hấp dẫn. Sự kiện nổi bật nhất trong ngày là tiệc rượu chào đón du khách của thuyền trưởng tại sảnh đại lộ Hoàng gia. Đúng 7 giờ tối, các quý ông, quý bà lịch lãm trong trang phục truyền thống đến từ các quốc gia, tay nâng ly rượu mừng và cùng nhau trò chuyện. Thuyền trưởng và các sỹ quan ra phát biểu và chào đón du khách. Tôi vinh dự được chụp lưu niệm cùng bác thuyền trưởng.
THIÊN ĐƯỜNG ĐẢO PHUKET CỦA THÁI LAN
Đảo Phuket nằm ở phía tây nam và là hòn đảo lớn nhất xứ sở chùa vàng với diện tích gần 540 km2. Du thuyền quá lớn, không thể cập sát bờ, do đó, những chiếc tàu nhỏ sẽ làm nhiệm vụ trung chuyển khách vào đảo cách đó 15 phút. Chúng tôi vui chơi thỏa thích trên đảo và trở về thuyền bất cứ lúc nào trong ngày (miễn sao trước giờ tàu nhổ neo).
Vừa đặt chân lên đảo, tôi đã cảm nhận được không khí náo nhiệt. Chúng tôi đi xe đến chùa Chalong nổi tiếng linh thiêng và lớn nhất trong số 29 ngôi chùa trên đảo Phuket. Chùa cách trung tâm thị trấn Phuket khoảng 8 km và được xây dựng vào thế kỷ 19. Trong chùa thờ pho tượng mạ vàng nhà sư tôn kính Luang Po Cham, người đã dẫn dắt người dân Phuket đấu tranh chống lại cuộc xâm lược của đội quân Trung Hoa vào năm 1876. Lên tầng tháp cao nhất, tôi phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh núi non hùng vĩ thấp thoáng phía xa. Giữa không gian thoáng đãng, tiếng chuông gió treo bốn góc tháp khẽ rung leng keng mang lại cảm giác bình yên.
Và dĩ nhiên, tôi không bỏ lỡ việc ngắm hoàng hôn đẹp mê hồn trên vủng biển Phuket. Những tia nắng chói chang cuối ngày đổ dài trên những hàng cây, tràn cả xuống biển làm cho mặt biển rực lên một màu bàng bạc óng ánh như pha lê.
TẬN HƯỞNG THẾ GIỚI GIẢI TRÍ TRÊN DU THUYỀN
Du thuyền từ Phuket quay về Singapore lênh đênh trên biển trong 32 tiếng. Mới nghe qua, tưởng chừng rất chán nhưng các hoạt động giải trí trên biển diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm, mang lại cho tôi vô số trải nghiệm. Sáng sớm, tôi dạo bước lên boong ở tầng 12, đi dọc theo lan can tàu, tiến ra một vùng không gian rộng lớn ngay đầu tàu để đón những tia nắng đầu tiên và tha hồ hít thở hương biển.
Tôi ăn sáng ở nhà hàng Windjammer tầng 11. Nhà hàng theo kiểu tự chọn có hơn một trăm món ẩm thực Á - Âu, các loại rau xà lách trộn, trái cây như kiwi, táo, cam, yoghurt, nước chanh, nước dâu… Chỗ ngồi trong nhà hàng này tự do, nên tôi xuống thật sớm để ngồi sát bên ô cửa kính, vừa ngắm cảnh biển vừa ăn sáng.
Cùng vài người bạn mới quen trên du thuyền, tôi đến sân gôn ngoài trời và thử dùng gậy đánh những trái banh lăn dài trên thảm cỏ xanh. Khu chơi thể thao ở tầng 12 và 13 còn có làn dành cho người chạy bộ, hoạt động leo núi đá nhân tạo, sân bóng rổ, lướt ván và khán đài cho khán giả ngồi cổ vũ.
Buổi chiều, vở nhạc kịch “Nhịp điệu và vần thơ” (Broadway Rhythm & Rhyme) được dàn dựng theo phong cách sân khấu Broadway tại nhà hát Savoy tầng 3 đã mang lại những tràng pháo tay vì vũ công nhảy múa và ca hát quá tuyệt vời. Chỉ cần lướt ngang qua khu vực sòng bài Royale tôi đã nghe tiếng xóc bài điêu luyện, tiếng kéo máy nhộn nhịp, tiếng hồ hởi reo vui của người chơi khi thắng lớn. Nét khác biệt của sòng bài trên du thuyền là cho phép khách du lịch chụp hình lưu niệm thoải mái. Cuối ngày, ngâm mình trong bể sủi nước ấm mang lại sự sảng khoái cho tôi trên du thuyền và có giấc ngủ ngon.
Vào sáng ngày cuối hải trình, du thuyền cập cảng Singapore xinh đẹp. Đã đến lúc tôi làm thủ tục rời tàu để tham quan những danh thắng nổi tiếng, chụp hình cùng tượng Sư tử biển đang phun nước – biểu tượng cho tài lộc và sự sung túc của đảo quốc Sư tử, sau đó bay về Việt Nam trong niềm luyến tiếc!