Làng chài Arnarstapi: tĩnh lặng mùa đông
Vào mùa hè, Arnarstaspi là một làng chài năng động của miền Tây Iceland nhưng mùa đông đến lại vô cùng yên tĩnh, mọi thứ dường như nhẹ nhàng hơn hẳn. Tôi cùng ba người bạn tới một quán cafe duy nhất còn mở cửa trong ngôi làng và được thưởng thức ly chocolate ấm nóng với miếng bánh táo thơm lừng vừa ra lò. Bên trong quán cafe cũng chỉ một nhóm ba người đang ở đó.
Mục đích đầu tiên tới đây là để ngắm Gatklettur – Arch Rock, một vách đá thiên nhiên bị sóng biển xói mòn tạo thành một cổng vòm tuyệt đẹp đứng chơi vơi giữa biển. Tôi còn phải lòng núi Stapafell với ngôi nhà màu trắng. Khung cảnh này chính là điểm nhận biết dễ dàng nhất cho biết bạn đã tới Arnarstapi. Nhưng mùa đông lại phủ lên màu sắc tuyệt đẹp khiến ngọn núi sinh động hơn những gì tôi từng thấy trên những bức ảnh trên mạng chụp vào mùa xuân hay hè.
Đã tới đây, hãy đi dọc bờ biển để ngắm những cột đá basalt được hình thành từ hoạt động núi lửa dựng đứng bên bờ biển. Và đừng quên ngắm nhìn Bárður Snæfellsás, một kiến trúc đá nằm giữa đồng vắng như thể trấn giữ cho vùng đất này.
Nếu đi ra xa hơn chút nữa, hãy nhớ ghé nhà thờ Hellnar - nơi có cảnh quan tuyệt đẹp hài hoà giữa kiến trúc nhân tạo và thiên nhiên.
Porvoo tô màu trên tuyết
Chỉ cách Helsinki 50 cây số, Porvoo là một trong 6 thành phố thời Trung Cổ của Phần Lan. Đây là nơi tuyệt đẹp để trải nghiệm mùa đông Bắc Âu với những ngôi nhà đủ màu sắc trên nền tuyết trắng, những khu rừng xung quanh làng và cả đồi trượt tuyết thú vị. Bạn chỉ cần đặt một chuyến Onnibus trên mạng là có thể ghé thăm thành phố này sau 50 phút ngồi xe. Nếu đặt sớm, bạn chỉ cần trả 2 euro cho cả chiều đi và về.
Khu vực quanh Porvoo đã có lịch sử lâu đời với dân định cư từ thời đồ đá. Nhưng đến năm 1380, thành phố mới bắt đầu được thành lập. Porvoo nhỏ xinh này được xây dựng theo kiến trúc vùng nông thôn Bắc Âu với những ngôi nhà một tầng hoặc cao nhất cũng chỉ có thêm một lầu. Giữa nền tuyết trắng, những ngôi nhà bằng gỗ được sơn phết màu sắc sặc sỡ với đủ thứ màu từ cam, vàng, đỏ, xanh khiến thành phố càng thêm nổi bật.
Cái tên Porvoo được đặt theo tên của dòng sông Porvoonjoki chảy xuyên qua thành phố. Mùa đông dòng sông đóng băng và tuyết phủ dày đến độ bạn có thể đi từ bờ này qua bờ bên kia dễ dàng.
Qua phía bờ bên kia chính là nơi bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh Porvoo đẹp nhất hiện ra, quan sát được những ngôi nhà bé xinh và đồi Lâu Đài, nơi có toà Nhà thờ lớn Porvoo. Phía bờ bên kia còn có khu rừng bao quanh Porvoo, hãy ghé thử và trải nghiệm cảm giác “lạc” vào một khu rừng Bắc Âu như thế nào. Nhưng vì rừng thưa nên bạn sẽ tìm được đường ra dễ dàng thôi.
Săn cực quang ở Iceland
Bắc Cực Quang là một “đặc sản” tuyệt vời để trải nghiệm tại các nước Bắc Âu, đặc biệt là Iceland. Nếu may mắn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng dải ánh sáng kỳ diệu tuyệt đẹp vắt ngang qua bầu trời giữa đêm đen, chỉ một lần cũng đủ cho tôi biết thiên nhiên thật kỳ vĩ và choáng ngợp.
Đi săn “cô nàng” Bắc Cực Quang quả là một trải nghiệm hú hồn và đáng nhớ. Suốt 4 đêm đầu tiên, điều kiện để ngắm cực quang gần như vô vọng với mây phủ, mưa, tuyết các thể loại che đi tầm nhìn và chỉ số KP để xem cực quang cũng chẳng tích cực cho lắm.
Tại Reykjavik có những tour đi săn Northern Lights (Bắc Cực Quang) bắt đầu từ 8 giờ tối và kết thúc lúc 10 giờ tối. Chuyến đi săn này đảm bảo cho bạn việc chắc chắn xem được ánh sáng mới thu tiền. Nếu bạn mua tour này, họ sẽ thông báo hủy tour nếu như thời tiết không khả quan và dời lịch cho bạn qua ngày khác. Nếu như lúc bạn thông báo đi tour mà vẫn không gặp Bắc Cực Quang thì họ sẽ cho bạn đi thêm một lần nữa vào ngày hôm sau, cho tới khi thấy được thì thôi. Nếu bạn phải bay vào hôm sau, bên tour sẽ gửi bạn voucher vô thời hạn để bất kỳ lúc nào bạn quay lại Iceland cũng có thể đi tour này.
Đến đêm áp chót, vừa mới lên chuyến xe đi săn thì anh bạn trong đoàn đã nhìn thấy phía bên phải hướng sân bay Keflavik và cả đoàn chạy ngay về phía đó. Và đây rồi, “cô nàng” cực quang đã xuất hiện phía trên đầu.
Iceland là nước có nhiệt độ mùa đông thấp nhất để ngắm “cô nàng Aurora” này. Lý do đến từ việc dòng hải lưu vùng vịnh (gulf stream) chảy qua nước này khiến nhiệt độ mùa đông tại thủ đô Reykjavik rất thấp, tối đa cũng chỉ -15 độ C vào ngày lạnh nhất.
Iceland lại là nơi thường xuyên có sự xuất hiện của Bắc Cực Quang với chỉ số KP cao. Điều kiện ngắm cực quang tại Iceland cũng lý tưởng do dân cư thưa thớt và độ ô nhiễm ánh sáng thấp khiến ngay cả trong thành phố cũng có thể ngắm được cực quang nếu ở cường độ cao. Gió ở Iceland cũng thuộc hàng mạnh thứ ba thế giới nên mây luôn thay đổi khiến bầu trời dễ dàng quang đãng hơn các nước còn lại.
Tallinn, vẻ đẹp mùa đông Baltic
Tallinn, một cái tên xa lạ trên bản đồ xê dịch của nhiều người yêu du lịch châu Âu, thuộc Estonia – một quốc gia Bắc Âu rất gần Phần Lan. Từ Helsinki, chỉ cần đi phà VinkingLine 2 tiếng là tới Tallinn (đặt vé phà tại website https://goo.gl/dX3UmN). Và từ Tallinn, bạn có thể đi tàu hoặc bus 4 tiếng là tới Riga (Latvia) hoặc 7 tiếng 30 phút là đến St. Peterburg (Nga).
Tallinn chỉ có hơn 400.000 dân cư sinh sống và có vẻ mọi người không quen việc có nhiều du khách ghé thăm. Khi tôi tới EHE Hostel, một hostel giá rẻ ở phía Bắc thành phố, người lễ tân thốt lên: “Bạn từ đâu tới? Việt Nam sao? Bạn đang làm gì ở Estonia lạnh giá này vậy?” Quả thật Tallinn lạnh, nhiều khi thấy lạnh hơn cả Phần Lan khi trời không nắng và gió thổi lớn. Nhưng không vì vậy mà tôi có thể nói rằng tôi ghét thành phố này. Tuyệt đẹp và lôi cuốn là hai từ tôi dành để miêu tả Tallinn vào mùa đông.
Tallinn là trung tâm chính trị, tài chính, văn hoá và giáo dục chính của Estonia. Thường được gọi là thung lũng Silicon của châu Âu, nơi này có số lượng người khởi nghiệp bình quân trên đầu người cao nhất Châu Âu và là nơi khởi đầu của nhiều công ty quốc tế, bao gồm cả Skype. Thành phố này là trụ sở chính của cơ quan IT của Liên minh Châu Âu. Cung cấp cho an ninh không gian mạng toàn cầu, với Trung tâm Bảo vệ Cyber Defense của NATO. Thành phố này là Thủ đô Văn hoá Châu Âu năm 2011, cùng với Turku ở Phần Lan.
Thị trấn cổ của Tallinn là một trong những thành phố thời trung cổ được bảo quản tốt nhất ở châu Âu và được liệt kê là Di sản Thế giới của UNESCO. Bạn có thể đi dạo hơn 3 giờ đồng hồ ở đây mà không thấy chán, vì mỗi góc phố, mỗi công trình đều có những bảng hướng dẫn tiếng Anh kể cho bạn nghe bao câu chuyện về Tallinn. Đừng quên ghé qua những quán cafe trong phố cổ, nhâm nhi một tách chocolate nóng và thảnh thơi hồn mình giữa lòng châu Âu cổ kính mà không xô bồ này.
Đón Giáng Sinh tại Reykjavik
Có gì đó nhẹ nhàng, lạnh cóng nhưng ấm áp ở giữa lòng Reykjavik. Đi dạo trên con đường mua sắm Skólavörðustígur, nhiệt độ lúc này đã xuống gần mức 0 độ C, chỉ cần đưa tay ra ngoài cũng đủ cho cả cơ thể quíu lại vì lạnh. Thế nhưng thủ đô của Iceland có những không gian ấm áp giữa phố mùa đông khiến ta có đủ những điều phải thốt lên sung sướng.
Sự ấm áp đến từ bên trên và cả trái lẫn phải. Ánh đèn trang trí Giáng Sinh được thắp lên rực rỡ. Không hào nhoáng nhiều màu sắc như ở các nước châu Á, tất cả vật trang trí trung thành với màu đèn vàng được quấn lên trên những cây thông đặt phía trên căn nhà, hay quấn quanh chiếc chuông treo giữa phố.
Giáng Sinh ở Reykjavik nhộn nhịp nhưng không xô bồ. Các cửa hàng hoạt động tới 10 giờ tối, dòng người cả bản địa lẫn du khách hoà vào nhau và tạo nên một không khí thật náo nhiệt mùa lễ hội.
Tự hỏi, người ở đây sẽ làm gì vào mùa đông ngoài việc nhâm nhi tách cappuccino, đọc quyển sách hay và quấn quít với người thương. Bình mình lúc 11 giờ sáng và hoàng hôn lúc 3 giờ chiều khiến cho đêm ngự trị, nhưng không vì vậy mà nơi này buồn tênh như tôi từng tưởng tượng.
Tôi hạnh phúc khi được ở đây lúc này để cảm nhận một mùa Giáng Sinh đúng nghĩa khi có sự lạnh giá hoà cùng sự ấm áp tuyệt vời. Mọi thứ đủ cho tâm hồn trẻ thêm háo hức để sống thêm nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm nữa, để trải nghiệm cuộc sống ngắn ngủi này.
Nếu ngày 24/12 trời đổ tuyết thì bạn sẽ gặp may mắn trong suốt năm sắp tới và tôi may mắn được đón một đợt tuyết rơi dầy khắp cả thủ đô Iceland.
Riga cổ kính và đêm tuyết lộng lẫy
Nếu đã quen thuộc với kiến trúc Phục Hưng, bạn sẽ cần tới Riga, thủ đổ của Latvia, nơi được mệnh danh là thành phố của Art Nouveau. Hơn 1/3 các toà nhà ở trung tâm Riga có kiến trúc Art Nouveau được xây dựng vào những năm bùng nổ về kinh tế, khoảng từ năm 1904 – 1914.
Trước đó thành phố vẫn sở hữu kiến trúc Trung Cổ với nhiều công trình bằng đá và tương đối đơn giản. Nhưng khi kinh tế phát triển, những năm đầu thế kỷ 20, thành phố chủ trương phát triển kiến trúc Art Nouveau và bỏ hoàn toàn tường thành bao quanh Old Riga.
Để cho nhiều bạn chưa biết về Art Nouveau, mình chú thích thêm. Đây là một trường phái nghệ thuật nổi lên vào năm 1890 – 1910. Trường phái này lấy cảm hứng từ những đường cong của thiên nhiên như cây cối và hoa cỏ. Các chi tiết này được sử dụng trên nhà cửa và nội thất.
Ngoài kiến trúc Art Nouveau, bạn vẫn có thể tìm thấy những công trình kiến trúc được phục dựng như toà nhà House of the Blackheads được xây vào thế kỷ 14 nhưng bị Quân đội Đức đánh bom năm 1941. Công trình sau này được phục dựng vào những năm 1990 và luôn là biểu tượng của Riga.
Riga hẳn đẹp nhất về đêm, khi đường phố được thắp sáng bằng đèn trang trí trông như cánh thiên thần và dùng loại đèn sao lấp lánh. Giữa trời tuyết, Riga lại càng đẹp và lộng lẫy hơn bao giờ hết.
Jökulsárlón, đầm phá sông băng khổng lồ
Nằm ở phần đầu của sông băng Breiðamerkurjökull, đầm Jökulsárlón phát triển thành một hồ nước lớn sau khi sông băng bắt đầu rút lui khỏi rìa Đại Tây Dương. Hồ đã phát triển từ đó với tốc độ khác nhau do sự tan chảy của các sông băng. Đây là đầm phá sông băng (ice lagoon) lớn nhất châu Âu, là một trong những kỳ quan thiên nhiên và là điểm đến không thể thiếu khi tới Iceland.
Với diện tích khoảng 18 km2, vào năm 2009, Jökulsárlón đã được chứng nhận là hồ sâu nhất ở Iceland với độ sâu 248 m. Nơi đây là nơi được chọn để quay những bộ phim nổi tiếng như Batman Begins, James Bond, Lara Croft.
Nếu nhìn và nghĩ sẽ không có động vật nào sống được ở nơi đây thì bạn đã lầm to. Dưới đầm là vô vàn cá và hải cẩu sinh sống dễ dàng. Đã tới đây đừng quên ghé qua Crystal Beach kế bên để ngắm những tảng băng bị mắc lại trên bãi biển cát đen. Mùa đông với nền tuyết trắng trên cát đen càng khiến cảnh vật tại đây thêm phần thu hút.
Nếu đã tới Iceland, hãy tới Jökulsárlón để hiểu vì sao nơi đây được mệnh danh là Băng đảo nhỉ.
THÔNG TIN THÊM
Visa: Tất cả những quốc gia kể trên đều nằm trong khối Schengen giúp bạn chỉ cần một visa đã có thể vi vu hết mùa đông tại châu Âu, qua 26 nước thuộc khối hiệp ước Schengen.
Hành trình: Đi châu Âu mùa đông, bạn sẽ thấy thoải mái hơn nhiều vì vé máy bay rẻ hơn mùa xuân, hè. Những địa điểm thường có vé giá thấp là Copenhagen, Helsinki, Oslo vì những điểm này đều buộc phải quá cảnh chứ không có bay thẳng. Nếu muốn tới Iceland, bạn bắt buộc phải bay thêm một chặng nữa của WOW Air hoặc Icelandair.
Chuẩn bị hành trang:
1. Ứng dụng dự đoán cực quang
- Ứng dụng thời tiết cơ bản: hãy xem thời tiết trước vì nếu thời tiết có mưa, tuyết, hay mây nhiều sẽ không lý tưởng để đi xem cực quang. Nếu ngày hôm đó dự báo mây mù hay tuyết rơi thì bạn nên xách mền đi ngủ, đừng phí thời gian.
- Ứng dụng Aurora kiểm tra cường độ cực quang: Nếu chỉ số KP lên 3 thì bạn có thể theo dõi cực quang được. Ứng dụng này còn có bản đồ theo dõi xem dải cực quang đang di chuyển tới đâu trên trái đất.
2. Trang bị giữ ấm cơ thể
- Nguyên tắc 3 lớp: lớp áp sát cơ thể, một lớp len và một lớp chắn gió. Nếu quần áo của bạn không đủ ấm thì nên mặc thêm vài lớp nữa
- Găng tay ấm: bắt buộc vì điều kiện lạnh ngoài trời sẽ khiến bạn rất run và không thể chuẩn bị sẵn sàng cho việc chụp hình
- Mũ len: giữ ấm đầu và tai vì nơi đây dễ bị mất nhiệt cơ thể nhất.
- Nước ấm: đem theo một bình cafe nóng hay bình trà để cơ thể luôn điều tiết và giữ nhiệt
3. Thiết bị chụp ảnh: Máy ảnh DSLR hoặc smartphone chụp ảnh tốt trong đem (bạn hoàn toàn có thể phơi sáng bằng smartphone nhưng mình không khuyên dùng vì ảnh ra sẽ không đẹp và đủ nét); tripod; đèn pin hoặc đèn pin từ điện thoại; sạc dự phòng cho cả máy ảnh và điện thoại