So với ảnh màu, ảnh chụp đen trắng giúp người xem tập trung vào bố cục ảnh, từng đường nét, chi tiết, ánh sáng, cảm xúc và đặc biệt là câu chuyện của bức ảnh. Nếu tính từ thời điểm các nhiếp ảnh gia chụp được bức ảnh màu đầu tiên năm 1861 bởi Thomas Sutton, thì cho đến tận bây giờ, sức sống và ảnh hưởng của ảnh đen trắng vẫn không thể thay thế.
Có một câu nói rất hay, giúp hình dung về đặc trưng và vẻ đẹp của ảnh đen trắng, đại ý là, “nếu màu sắc tạo nên ánh sáng trong hội hoạ thì sáng tối tạo nên màu sắc của ảnh đen trắng”. Nói như thế là bởi, ảnh đen trắng được tạo tác hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, thẩm mỹ, cảm xúc của người rọi ảnh trong “chốn mật thất” nghiêm cẩn của phòng tối.
Được “trải nghiệm phòng tối cùng với nghệ sỹ” công chúng sẽ lần lượt trả lời được các câu hỏi: “Điều gì khiến Phòng Tối lại có sức quyến rũ đến thế? Tiêu chuẩn của một tác phẩm ảnh đen trắng? Điều gì khiến cho ảnh thủ công đại diện cho thứ bậc cao nhất trong nghệ thuật nhiếp ảnh, tương tự như haute couture trong ngành thời trang hay fine dining trong lĩnh vực ẩm thực?".
Cũng theo Phạm Tuấn Ngọc, cảm giác đầu tiên khi bước vào “Phòng Tối” bất cứ ai đều sẽ có trải nghiệm không thể nào quên được - đó chính là tính đặc thù - gần như là một “nghi thức” chỉ có trong căn phòng này.
“Nghi thức” ấy bắt đầu từ bước chuẩn bị thiết bị, dụng cụ và hóa chất để sẵn sàng cho một buổi rọi ảnh. Kế đến, bước đánh giá chất lượng âm bản, bởi trong các trường hợp cần phải “phục chế” các âm bản nếu bị xước hoặc bị mốc, thổi bụi trên âm bản, cân chỉnh âm bản, rồi bắt đầu “đo sáng”. Tất cả là để chuẩn bị cho khoảnh khắc “lộ sáng” và đặc biệt nhất, đặc biệt hơn cả là khoảnh khắc hình ảnh và “những màu lấp lánh” từ từ hiện lên trên tờ giấy trắng khi được ngâm vào khay hoá chất.
Không ngạc nhiên khi rất nhiều người đã miêu tả “khoảnh khắc bức ảnh đen trắng được tạo tác trong phòng tối” là giây phút kỳ diệu, vỡ oà, thăng hoa, quyến rũ đến độ “lặp đi lặp lại không chán” - vì với họ, đó là lúc mọi sự đợi chờ và nỗ lực về thời gian, tiền bạc, công sức, tỉ mỉ đến mức nghiêm cẩn được hiển hiện bằng khuôn hình trong niềm hân hoan khó tả. Sức hấp dẫn của ảnh đen trắng còn bởi vẻ đẹp được tạo tác trong khoảnh khắc của sự mực thước và xuất thần của “cú chụp đúp”: cảm xúc và chiều sâu tư tưởng của bậc thầy “cú chụp lần thứ nhất” bằng phương tiện máy ảnh và chuẩn mực kỹ thuật và cảm xúc, mường tượng của bậc thầy rọi ảnh trở thành “cú chụp lần hai” trong phòng tối…
Nghệ sỹ Phạm Tuấn Ngọc lý giải thêm: “So với ảnh màu, ảnh thủ công có hạn chế chỉ có hai màu trắng và đen, việc tái hiện màu sắc hoàn toàn bằng sáng tối và bằng tay toàn bộ. Một bức ảnh đen trắng được rọi thành công là cân bằng được sáng tối trong khuôn hình, tái hiện được toàn bộ chất liệu để người xem như sờ được mọi vật bằng mắt thường; không chỉ thế còn nắm bắt được khoảnh sắc và tưởng tượng được cảm xúc của khung cảnh ngay tại thời điểm người chụp bấm cú máy đầu tiên...".
Một điểm đặc biệt, với chuỗi workshop trải nghiệm phòng tối cùng Phạm Tuấn Ngọc, công chúng cũng lần đầu tiên được khám phá “nghi thức” gồm 7 bước so với tiêu chuẩn 3 - 4 bước của rọi ảnh truyền thống.
Theo Phạm Tuấn Ngọc, ngoài kinh nghiệm cá nhân là người thực hành về nhiếp ảnh thủ công thì “quy trình 7 bước trong phòng tối” chính là sự đúc kết và học hỏi trong quá trình tu nghiệp ở nước ngoài, theo tiêu chuẩn xử lý ở mức bảo tồn/bảo tàng quốc tế. Đó là, bước fix (hãm/cố định) ảnh 2 lần, bước tẩy sạch thuốc fix, bước tone selenium và quá trình rửa lâu, thay nước nhiều lần để đảm bảo độ bền của cả hình ảnh và giấy, không bị ố vàng hay hoá gương sau nhiều năm.
Chia sẻ về hành trình trau dồi và khám phá cá nhân về hành trình rọi ảnh trong phòng tối như một thực hành nghệ thuật độc lập, Phạm Tuấn Ngọc quan điểm “tất cả là để phụng sự cho nghệ thuật chân thủ công. Rọi ảnh không đơn thuần là về kỹ thuật, đó thực sự là thực hành độc lập mang tính sáng tạo cá nhân nghệ sỹ, với rất nhiều cảm xúc và thăng hoa như cú chụp đầu khi bấm máy".
“Chính vì vậy, tiêu chuẩn cao nhất với một tác phẩm ảnh đen trắng theo tôi là người chụp ảnh rất nên trực tiếp tạo tác trong phòng tối, hoặc được rọi bởi nghệ sỹ chuyên về nhiếp ảnh", anh chia sẻ.
Phạm Tuấn Ngọc quan niệm, “Phòng Tối” là một không gian nghệ thuật tách biệt hoàn toàn với sự náo nhiệt của cuộc sống. Mọi thứ trong phòng tối diễn ra tuần tự và lặp lại, nhưng đầy ngẫu hứng. Tưởng tượng, đó là sự hoà trộn của bản nhạc jazz không lời với tiếng nước chảy róc rách. Ngoài sự tập trung cao độ, người thực hành rọi ảnh sẽ có trải nghiệm “chánh niệm” trong sự tận hưởng và phụng sự về loại hình thủ công này.
Trước câu hỏi “ảnh đen trắng hiện nay đã không còn phổ biến, trong khi tiêu tốn nhiều tiền bạc và thời gian, nghệ sỹ nuôi đam mê bằng cách nào để duy trì tiêu chuẩn phòng tối tốt nhất Việt Nam hiện nay?”, Phạm Tuấn Ngọc tếu táo trả lời bằng một câu hỏi tu từ khác “cái gì khổ và khó mà làm được thì sướng có phải không?” rồi đính chính lại bằng một khẳng định “đó là bởi sự thăng hoa được tạo tác vẻ đẹp chỉ có trong phòng tối. Bên cạnh đó, thực hành rọi ảnh cho phép tôi thử nghiệm nghệ thuật in ảnh thủ công trên nhiều chất liệu khác như in nắng, in lụa, in trên đá… rất đa dạng, biến ảo và nhiều trải nghiệm về lao động sáng tạo, đó là tinh thần nghệ thuật của chính tôi”.
Đứng trước một tác phẩm nhiếp ảnh thủ công đen trắng, công chúng không chỉ đối thoại với cảm xúc, tư tưởng, thẩm mỹ mà còn đang chứng kiến kết quả của sự tương tác, giao thoa của “cú chụp đúp” của người bấm máy và người rọi ảnh. Cũng chính bởi sự hội tụ tinh hoa như vậy, các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật thủ công được xem như tạo tác độc bản và ngày càng lên giá.
Cũng có nhiều chia sẻ rằng sự bùng nổ của kỹ thuật số khiến cho họ liên tục phải tiếp nhận với quá nhiều thông tin và hình ảnh có tính chất tư liệu hoặc giải trí, đến mức, não gần như ở trạng thái quá tải. Khi trải nghiệm với “Phòng Tối” kết quả thu được là những giây phút được sống chậm, riêng tư, được thưởng thức quá trình tạo tác vẻ đẹp thủ công lặng lẽ nhưng đầy lấp lánh trong “Phòng Tối”.
Về nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc
Phạm Tuấn Ngọc (phamtuanngoc.com) - Nghệ sĩ mang “Magic” vào tác phẩm - sinh năm 1982 ở Hà Nội, hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam, là nghệ sĩ thị giác, chuyên gia in ảnh thủ công và nhà giáo dục nghệ thuật.
Anh được biết đến như một kỷ lục gia trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác với rất nhiều thứ “lần đầu tiên”, “lớn nhất” của Việt Nam. Năm 2019, Phạm Tuấn Ngọc lập kỷ lục rọi bức ảnh đen trắng lớn nhất Việt Nam với chất lượng tương đương nhà in ảnh thủ công lớn nhất và hàng đầu ở Mỹ tên là Griffin Editions. Năm 2023, Ngọc giới thiệu với công chúng Bộ Sưu Tập Chloris với những tác phẩm theo chủ đề bất tử và tái sinh được làm bằng kỹ thuật lumen printing lần đầu tiên tại Việt Nam. Cũng trong năm 2023, Ngọc giới thiệu các tác phẩm cyanotype trên lụa, cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam với kích thước kỷ lục. Toàn bộ thực hành của Ngọc có chung một điểm là “Magic” - là khoảnh khắc mà chất liệu tương tác với hoá chất và các yếu tố khác trước khi trở thành những tạo tác với vẻ đẹp choáng ngợp.
Sở hữu kiến thức chuyên môn sâu sắc về nhiếp ảnh nghệ thuật và với bề dày kinh nghiệm thực hành đa chất liệu, Ngọc thường xuyên được mời giảng dạy hay làm diễn giả cho các buổi trò chuyện, workshop, portfolio review… tại các trường và trung tâm nghệ thuật hàng đầu Việt Nam.
Năm 20217, Ngọc sáng lập ra Noirfoto Darkroom-Gallery-Studio - phòng tối chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, nơi anh tập trung nghiên cứu và trau dồi các kỹ thuật tạo hình ảnh và bản in trong giai đoạn đầu của lịch sử nhiếp ảnh. Với đam mê nghệ thuật in ấn nhiếp ảnh thủ công, Ngọc theo đuổi sự hoàn hảo khi thực hành những kỹ thuật này, như là giao điểm của nghệ thuật, thủ công, khoa học và lịch sử.