Trải nghiệm Việt Nam trên những vòng quay

18/04/2018

Vốn xuất thân từ diễn đàn nhiếp ảnh, du lịch với Nguyễn Xuân Vinh là niềm đam mê ngọt ngào. Qua mỗi cung đường của đất nước, anh mang về những khám phá, trải nghiệm và hơn hết là những bức ảnh quảng bá điểm đến du lịch. Mời độc giả Travellive theo những vòng xe lăn bánh, cùng người phượt thủ này khám phá những cung đường ấn tượng của Việt Nam.

Nhóm có tên là “Đạp Chụp”, nghĩa là đạp xe và chụp ảnh. Được thành lập vào đúng dịp Giáng sinh năm 2013 nhưng đến tháng 7/2014, Vinh mới chính thức trở thành thành viên của nhóm. Hành trình kiến tạo nên phong trào du lịch xanh, bảo vệ môi trường của anh cũng bắt đầu từ đây.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Ngôi nhà di động

Đạp Chụp là nhóm phượt không kén chọn thành viên, ai cũng có thể tham gia, chỉ cần có một chiếc xe đạp là đủ. Xe đạp có rất nhiều loại, ở đây anh Vinh chỉ chia ra 4 nhóm: xe đua, xe leo núi (xe đạp địa hình), city bike (xe đạp chạy trong thành phố) và quan trọng nhất là loại touring bike - xe đạp dành cho người đi phượt.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Nếu muốn đạp xa, từ thành phố này qua thành phố khác, nhất định phải chọn một chiếc xe êm, không nhất thiết phải quá đắt tiền, theo Nguyễn Xuân Vinh. Chiếc xe ấy có thể vài triệu cũng có thể vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng, miễn sao người chạy thấy thoải mái với "ngựa sắt" của mình.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Ngoài chiếc xe đạp, để đi hết các cung đường đã hoạch định, hành trang đi kèm theo có tới 30 đến 40 món đồ phụ kiện. Chúng có thể là bếp nấu ăn, thực phẩm, dụng cụ sửa xe, ruột xe sơ cua, túi cứu thương, lều và dụng cụ cắm trại... Dĩ nhiên là không thể thiếu máy ảnh, máy quay phim flycam, camera hành trình. Kể ra thì cũng vất vả cho khâu chuẩn bị nhưng chuẩn bị càng kỹ, chuyến đi càng trọn vẹn.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Vinh chia sẻ: "Mỗi một vật dụng cần cho chuyến đi đều tự tay người đi chuẩn bị. Việc chuẩn bị mấy chục món đồ tập cho ta tính tự lập, tự lo liệu, rèn sự cẩn thận và tính tỉ mỉ. Khi tự mình chuẩn bị, mình sẽ hiểu được cách tồn tại trong mỗi chuyến đi."

Cung đường ấn tượng

Trên hành trình ngang dọc Bắc – Nam bằng “ngựa sắt”, anh Vinh đã thưởng ngoạn vô vàn cảnh đẹp và có nhiều trải nghiệm lý thú. Mỗi chuyến đi không chỉ mang về cho anh những video clip, những bức ảnh quý giá mà còn là những bài học tự mình đúc kết, sức khỏe và kỷ niệm.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Chuyến đi xa đầu tiên của anh là chặng đường từ Sài Gòn tới Sóc Trăng. Vinh đạp xe dọc theo đường bờ biển, băng qua những cửa sông nổi tiếng của vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long, từ Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Ba Lai, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cửa Cung Hầu, Cửa Định An đến cửa Ba Thắc. Hầu hết những con đường đó đều hẹp, chỉ phù hợp cho xe đạp và xe máy lưu thông.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Để có một chuyến đi an toàn, cả nhóm phải lên kế hoạch chi tiết như chọn cung đường vắng, ít quốc lộ, nhiều cảnh đẹp, có địa điểm cắm trại nếu cần thiết và hơn cả là đạp chậm. Với anh, chuyến đi đầu tiên bao giờ cũng đem đến nhiều kỷ niệm và luôn là chuyến đi đáng nhớ nhất.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Cung đường ấn tượng thứ hai mà ngay khi nhắc đến Vinh đã thao thao bất tuyệt kể về nó là chuyến đi Hà Giang vào cuối tháng 9/2017. Anh kể: "Chúng tôi nghỉ đêm đầu tiên ở Đồng Văn, đêm thứ hai ở Lũng Cú, đêm thứ ba ở Yên Minh. Chuyến đi này nhóm chia thành nhiều tốp. Tốp đầu xuất phát từ Sài Gòn, gặp nhau ở Hà Giang và kết thúc chặng đường ở Tây Bắc. Còn các tốp nhỏ, thấy mình phù hợp ở cung đường nào thì sẽ nhập vô đoàn ở cung đường ấy." Riêng Vinh, anh nhập đoàn ở Hà Giang, ghé thăm đủ các điểm nổi tiếng ở miền núi phía Bắc như Mèo Vạc, đèo Mã Pì Lèng, cao nguyên đá Đồng Văn, Lũng Cú, nhà Vua Mèo, nhà trong phim “Chuyện của Pao” ở Sủng Là, Yên Minh.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Chuyến đi khác đã để lại trong anh ấn tượng mạnh là chuyến đi vượt đèo Khánh Lê, nối giữa Nha Trang và Đà Lạt, một trong những đèo dốc nhất phía Nam. Đèo dài 30 km và dốc liên tục, dưới chân đèo cao 50 m so với mặt nước biển nhưng lên đến đỉnh thì độ cao đã là 1.700 m.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Vinh chia sẻ: "Đèo Khánh Lê là một trong những thử thách mà ai đạp xe cũng muốn chinh phục và quả thật nó vô cùng đáng giá, bởi có quá nhiều cảnh đẹp hiện ra trước mắt". Chỉ trong 30 km đường đèo mà xuất hiện vài chục thác nước, cây cối, núi đồi hiện lên trùng điệp, hùng vĩ. Ngày hôm đó, nhóm anh nghỉ đêm tại Đà Lạt, nhiệt độ Đà Lạt tháng 12 xuống tới 10 độ C, cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Đặc biệt, chuyến đi này có một cậu bé 10 tuổi tham gia cùng nhóm anh.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Khám phá Tây Bắc

Nhóm Đạp Chụp chủ yếu đi ngẫu hứng, bàn nhau trước vài tuần rồi thực hiện ngay. Thường thì một, hai tháng sẽ có một chuyến đi xa, bởi hầu hết thành viên trong nhóm đều bận việc của mình. Những tuần không đạp phượt, nhóm sẽ vẫn đạp xe quanh thành phố để duy trì sức khỏe cũng như gặp gỡ các thành viên trong nhóm.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Dù đã đi qua nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc nhưng có một chuyến đi mà bản thân anh vẫn luôn ấp ủ là chinh phục Tây Bắc. Với cung đường Sapa - Yên Minh - Mù Căng Chải - Tú Lệ, anh muốn ghé thăm vào mùa lúa chín; và sau đó là cung đường khám phá A Pa Chải - cực Tây của Tổ quốc. Chuyến đi này nhóm anh đang lên kế hoạch để thực hiện trong năm nay.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Du lịch xanh

Du lịch bằng xe đạp là sự hài hòa giữa thể thao, du lịch, gia đình và công việc. Nhóm Đạp Chụp không dành cả tháng để đi từ nơi này qua nơi khác, mà thường dành những ngày cuối tuần cho sở thích riêng của mình. Đạp xe vốn đã là một môn thể thao tốt cho sức khỏe, bởi thế nhóm không cần tập luyện thêm nhiều giờ trước khi bắt đầu chuyến đi.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Điều thú vị trong đạp phượt là ta có thể chủ động hành trình của mình. Nếu như một người trong đoàn mệt, cả đoàn có thể giảm tốc độ hoặc thậm chí là tăng thời gian nghỉ ở các trạm. Tốc độ chạy có thể dao động từ 15 - 20 km/h, cứ một giờ sẽ nghỉ chân 10 phút để uống nước, đợi đồng đội và để giữ lại những khung cảnh tuyệt đẹp.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Đạp phượt là hình thức du lịch mới mẻ nhưng lại thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mê “xê dịch”, tạo ra một trào lưu có ích cho sức khỏe, cho tinh thần và cho việc quảng bá du lịch trong nước. Điều quan trọng nhất mà đạp phượt mang lại là người tham gia không thải ra môi trường bất kỳ chất độc hại nào cả. Một câu nói mà nhóm Đạp Chụp luôn nhắc nhở nhau trong suốt chuyến đi là "Đừng để lại gì ngoài những vết xe và hình ảnh của mình". Thậm chí, người trưởng đoàn còn yêu cầu các thành viên không uống bằng ống hút và dọn toàn bộ rác sau khi nhổ lều.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Tham gia loại hình du lịch này, thường người ta hay ngại về chi phí, thời gian và lo lắng mình có đủ sức đi hay không. Vinh nói: "Hãy vượt lên chính mình, người khác làm được thì mình làm được. Trong một số chuyến đi xa, có cả em bé 10 tuổi và ông già trên 70 tuổi tham gia, nên tôi nghĩ ai cũng có thể đạp xe. Thời gian đạp xe cũng chính là thời gian tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe".

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Đạp phượt mang đến nhiều niềm vui, nhiều trải nghiệm thú vị và những tình bạn đáng quý. Và hơn hết, du lịch bằng xe đạp không tốn kém, bạn chỉ cần bỏ vài triệu đồng sắm một chiếc xe tốt, còn lại mỗi chuyến đi 2 ngày 3 đêm chỉ tốn tầm vài trăm cho tới một triệu đồng.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Đại văn hào Leo Tolstoy từng nói: "Hạnh phúc cơ bản của con người là khả năng hòa với thiên nhiên, để nhìn thấy nó và cảm nhận nó". Muốn làm được điều đó, chí ít chúng ta phải bảo vệ và trân quý nó. Vinh và nhóm Đạp Chụp đã theo đuổi đam mê và hạnh phúc thông qua loại hình du lịch xanh là xe đạp.

Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh

Thông tin thêm

Phương tiện di chuyển: Theo anh Vinh, phương tiện di chuyển chính là xe đạp nhưng không phải ai cũng có thể đạp từ cực Nam tới cực Bắc. Đa số mọi người sẽ đạp theo từng chặng, từ tỉnh này qua tỉnh kia. Nên bạn có thể đi xe khách, mang theo cả xe đạp, tập trung ở thành phố nhất định và đạp sang thành phố khác, sau đó bắt xe về lại nơi xuất phát ban đầu.

Bảo dưỡng xe đạp: Đầu tiên, mỗi người phải có một bộ dụng cụ sửa xe, vài cái ruột (săm) sơ cua. Khi tham gia đạp phượt, mỗi người cần học cách sửa chữa xe cơ bản, cách thay ruột (săm) và bơm lốp. Để an toàn và bớt mất sức, bạn nên bảo trì xe trước khi chuyến đi bắt đầu.

Trải nghiệm ẩm thực: Điều thú vị của du lịch bằng xe đạp là bạn có thể len lỏi đến mọi ngóc ngách của thành phố, ăn những món ăn địa phương. Nếu ngủ lều, mọi người nên chuẩn bị một ít thức ăn dễ chế biến. Mang theo chocolate để ăn dọc đường nếu chẳng may không tìm được điểm dừng chân thích hợp, không tìm được quán ăn.

Điều kiện tham gia: Du lịch bằng xe đạp không kén người tham gia, dù bạn già hay trẻ, nam hay nữ, có công việc ổn định hay không đều có thể tham gia được. Quan trọng nhất là bạn du lịch xanh, có ý thức bảo vệ môi trường.

Bảo Khuyên
RELATED ARTICLES