Cung đường mùa xuân

01/01/2016

Tôi gọi cung đường Tây Bắc là “cung đường của mùa xuân”, bởi xuân về mang theo bao loài hoa đẹp ngát trời. Đi theo những đường hoa sẽ thấy một Việt Nam tràn ngập màu sắc khi Tết đến Xuân sang.

Bài và ảnh:Yutaka

Bắc Hà khi mùa xuân ghé qua


Tháng 1, khi những đám mây nặng màu vẫn còn vương vất chưa rời khỏi bầu trời đục một màu, sương sớm vẫn phủ trắng những cánh rừng, hoa mận đã vội nở bùng cánh bên hiên nhà. Từ xa, đã trông thấy bao cô gái người Mông, áo xanh áo hồng, áo đỏ, chít khăn đủ màu sặc sỡ, nô nức xuống chợ phiên. Phiên chợ buổi sáng chủ nhật đậm màu sắc với những chiếc váy áo đủ màu, với những nụ cười rùn rúc sau vạt khăn che miệng… náo nức như một vườn hoa di động.

Cô gái Mông hôm nay xuống chợ, trên gùi vác theo một cành đào thắm. Nhỏ lắm, nhưng lại khiến bao kẻ ngẩn ngơ đi theo. Bởi vì cô đang mang theo trên gùi cả một mùa xuân lồng lộng.

Khách đến chợ thích thú với những đặc sản chỉ có của núi rừng. Những chiếc túi thổ cẩm, những chiếc khăn, miếng vải thêu tay cầu kỳ; vài chén rượu ngô say ngất ngây, ớt đỏ, rau xanh mơn mởn, vài con lợn mán đen nhẻm… tất cả hòa vào không gian đa sắc. Cô gái Mông hôm nay xuống chợ, trên gùi vác theo một cành đào thắm. Nhỏ lắm, nhưng lại khiến bao kẻ ngẩn ngơ đi theo. Bởi vì cô đang mang theo trên gùi cả một mùa xuân lồng lộng.

Phương tiện đi lại tới Bắc Hà giờ đã dễ dàng hơn. Ngoài những chuyến tàu hàng đêm chuyển động từ Hà Nội và cập bến ga Lào Cai vào mỗi sáng, còn có hàng chục xe chuyến chạy thẳng Hà Nội lên mảnh đất vùng cao này vào 21h tối tại bến xe Mỹ Đình với giá vé 180.000 đồng/khách, dễ dàng cho những vị khách ưa thích du lịch lựa chọn. Các khách sạn tại Bắc Hà cũng có giá từ 180.000 đồng trở lên cho phòng hai giường.

Những vườn mận đã nở bung cánh tự bao giờ, chẳng ai để ý. Hiên nhà mái lá đơn sơ, cây mận đung đưa trong gió những bông hoa trắng ngần, tinh khiết. Những hàng rào tre nứa đã phơi váy mới, cô gái đã nhanh tay thêu váy cho xuân mới. Mận đã nở trắng cả khu vườn xinh và mùa xuân đã đến bên hiên nhà. Trong dinh Hoàng A Tưởng, cây mận lâu năm đã vươn cành nở hoa. Cành mận trắng báo hiệu xuân về, tô điểm thêm sắc đẹp cho dinh thự nổi tiếng bậc nhất mảnh đất Lào Cai. Dinh Hoàng A Tưởng (còn gọi là Dinh Bắc Hà) mang tên con cháu nhiều đời của thủ lĩnh họ Hoàng ấy. Thân sinh Hoàng A Tưởng là Hoàng Yến Chao, thổ ty vùng Bắc Hà, rồi Hoàng A Tưởng kế tục làm thổ ty cho đến ngày Lào Cai giải phóng. Những vườn mận đẹp nhất thuộc về xã bản Phố với vô vàn những vườn mận. Cũng giống như ở Sa Pa, khí hậu Bắc Hà trong lành, mát mẻ với nhiệt độ trung bình là 21 độ C.

Thảo nguyên hoa Mộc Châu


Mùa xuân là thời điểm của hoa mận hoa đào, của những búp trè xanh mướt trên những ngọn đồi ôm quanh toàn thị trấn Mộc Châu. Có thể khi về đêm, sương giá xuống lạnh buốt, nhưng buổi sớm ở vùng đất này bao giờ cũng được hưởng ánh mặt trời ấm áp, sương tan và trời xanh ngăn ngắt, không khí mát lạnh và trong lành. Thư thái với một cốc sữa tươi nóng hổi nguyên chất, chiếc bánh sừng bò tại địa phương còn thơm mùi bột mới, hít hà hương thơm của cây cỏ, thong thả dạo xe khắp khu trấn nhỏ. Bữa trưa ở mảnh đất Sơn La không thể thiếu món bê chao thơm phức, nồi lẩu gà đồi nóng xuýt xoa bốc khói hay món nậm pịa, một loại ruột non của dê khó ăn chỉ có ở vùng núi này. Quà mang về trong túi thế nào cũng có món bánh sữa tuyệt hảo, cân chè San tuyết thơm.

Nhiều người chọn phương cách đi xe máy đến với Mộc Châu để được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp suốt dọc đường đi. Chỉ mất hơn 4 tiếng đồng hồ là bạn đã lọt mình vào đất Châu Mộc. Với phương tiện đi lại cơ động này, bạn có thể rẽ ngang qua nhiều điểm hấp dẫn khác như chạy qua đèo Hua Tạt – dài 8km nằm trên đường quốc lộ 6 cũ, qua rất nhiều ngôi làng nhỏ xinh xắn với những vườn đào đã nở hoa hay chạy thêm 40km để đến với cửa khẩu Pa Háng, cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào, một cửa khẩu ở vị trí rất cao so với các cửa khẩu khác. Dọc con đường nhỏ tuyệt đẹp với hai hàng xoan đào lúc lỉu quả, những vườn hoa mận trắng, những bản làng nhỏ nhắn nép bóng sau những hàng rào hoa dã quỳ.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Còn nếu bạn không đủ sức khỏe đi xe máy có thể chạy xe buýt tuyến đi Sơn La tại bến xe Sơn La trên đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, tại đây có các chuyến xe từ 5h30 sáng và 1 tiếng có 1 chuyến, giá vé 80.000 đồng/vé.

Tại Mộc Châu có khá nhiều nhà nghỉ cho bạn lựa chọn, giá phòng từ 180.000 đ/phòng 2 giường, trong đó khách sạn Công Đoàn nằm trong nông trường Mộc Châu khá rộng rãi với nhiều phòng, giá cả phải chăng. Bạn cũng có thể thuê xe máy đi dạo tại khách sạn này.

Một ngày xuân đến với Mộc Châu để được đắm mình trong những thảo nguyên mênh mông cỏ và hoa, dịu dàng thư thả trên những đồi chè và những buổi sớm mai trong trẻo. Các điểm có nhiều hoa đào, hoa mận tập trung nhiều trong Hang Kia, Pà Cò, bản Lóng Luông; hoa cải có nhiều tại Bản Áng. Ngoài thưởng ngoạn cảnh trên những đồi chè, còn có thể đi thăm thú rừng thông, thác Dải Yếm, ghé thăm những bản làng xinh đẹp của người Mông nấp mình dưới những rừng hoa và thưởng thức những món đặc sản chỉ có tại nơi đây.

Sủng Là, nơi đá nở hoa


Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô và lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Chen lẫn trong màu xanh non của ngô của lúa, màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch và màu vàng của nắng, màu xanh đậm của hàng sa mộc sừng sững giữa trời. Những cây ngô được trồng trong những hốc đá tai mèo. Người H’Mông hàng ngày phải gùi những gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt ngô giống vào. Những thân cây ngô xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao người Lô Lô, Mông hay Dao đều quàng trên mình những tấm khăn sặc sỡ, những chiếc váy đủ màu duyên dáng. Bóng áo xanh áo hồng của họ nổi bật trên những vực đá tai mèo xám. Bước chân thoăn thoắt trên khắp vùng rẻo cao.

Đường lên Hà Giang đã có xe ôtô giường nằm chất lượng cao, xuất bến Mỹ Đình từ 20h đến 6h sáng hôm sau tới thị xã. Từ đây, bạn có thể thuê xe máy, giá 200.000 đ/ngày và chạy lên khắp Hà Giang chơi Tết đón xuân với đồng bào các dân tộc. Nhà nghỉ giá 180.000đ/phòng. Nếu không thuê được nhà nghỉ, bạn có thể hỏi thăm và nghỉ lại tại nhà dân.

Mùa xuân, con đường vào Sủng Là bồng bềnh bởi những thảm hoa tam giác mạch. Những cánh hoa phơn phớt tím hồng làm nao lòng bao lữ khách ghé qua. Tam giác mạch mỏng manh được trồng sau mỗi mùa lúa tháng chín hàng năm. Trước kia hạt của hoa được dùng để làm bánh, nay phần nhiều dùng làm thức ăn nuôi gia súc.

Cùng với những thảm hoa tam giác mạch là bạt ngàn hoa cải và những cây đào lực lưỡng nở hoa. Mùa xuân đã về với đất trời Hà Giang, trên đôi má hây hây hồng của các thiếu nữ, trong nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ, mặc áo mới, chạy chơi trên khắp rừng.

Điện Biên – tím ngát hoa ban


Tháng 3, con đường đèo Pha Đin bỗng rực rỡ bởi một loài hoa, chỉ có riêng phía Lai Châu này mới có nhiều và nở rực rỡ, huy hoàng đến thế - hoa ban. Loài hoa của núi của rừng này chỉ xuất hiện khi những cánh hoa đào đã tàn, khi mưa xuân chỉ còn lắc rắc, cũng là lúc hoa ban bừng nở trên khắp ngả đường.

Đứng từ trên đèo nhìn xuống, thấy những mảng màu hoa trắng tinh khiết giữa màu xanh của núi rừng và màu xanh của đất trời. Hoa ban gắn với người Thái cũng từa tựa như hoa đào ăn đời ở kiếp với người Mông vậy, nhắc đến chủ thể là liên tưởng đến loài hoa đại diện. Bởi thế, đi rừng cứ thấy hoa ban là y rằng chỉ bước thêm một đoạn nữa sẽ thấy một thung lũng có những nếp nhà sàn xinh xinh, mùi khói bếp quyện mùi xôi thơm lừng. Hoa ban gắn liền với câu chuyện tình thủy chung giữa nàng Ban và chàng Khun mà đến nay người Mường người Thái nơi vùng đất này vẫn kể mỗi ngày cho con cháu nghe. Lễ hội hoa ban là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Theo tiếng Thái thì "ban" có nghĩa là ngon, đẹp đẽ. Tất cả những gì ngon ngọt, đẹp đẽ đều gọi là "ban". Lễ hội có một ý nghĩa quan trọng đối với người Thái. Đó là lúc họ thỉnh bái thần rừng, thần hang và hồn vía đôi trai gái qua sự tích, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Thường được tổ chức vào ngày 5/2 âm lịch. Mênh mang trong mùa ban, bên tai bỗng vọng về câu hát :

“Nàng Ban xinh đẹp
Yêu chàng trai Khun
Tình duyên không thành
Chết hóa thành ban...."

Đường lên Điện Biên – Lai Châu bây giờ không còn bị cách trở bởi con đèo Pha Đin như xưa nữa. Đèo đã làm xong, nối liền hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Trên đèo, khung cảnh ngoạn mục của mùa xuân làm bất cứ xe nào đi qua cũng phải dừng lại một chút. Đồng bào người Mường, người Thái ăn Tết tưng bừng. Bạn có thể ghé vào bất cứ bản nào, uống rượu, ca hát và nghe câu chuyện tình đẹp đẽ mang tên loài hoa ban.

Tây Bắc có một mùa hoa trẩu


Chẳng biết tự khi nào, loài hoa ấy đã gắn bó với bước chân của những kẻ ưa phiêu lưu. Phía này của núi, từ Sơn La đến Điện Biên đã ngập tràn những cánh hoa ban biêng biếc. Phía kia của núi từ Yên Bái, Lào Cai đến Tuyên Quang, Hà Giang đã không còn những nhánh hoa đào, nhưng đâu đâu cũng trắng trời một loài hoa xinh đẹp khác - hoa trẩu. Loài hoa của núi rừng ấy chỉ ngập tràn khi những cơn mưa cuối xuân, đầu hạ tưới mát cả vùng núi vùng rừng. Trong không khí vẫn còn vương chút lạnh, khi màn sương đôi khi vẫn giăng ngang thung lũng một màu trắng đùng đục và cái nắng vội vã bừng lên yếu ớt ban trưa, hoa trẩu nở nụ cười rạng rỡ nhất của mình.

Hoa trẩu trắng như tuyết với những gân hoa hồng phớt, đậu trên những vòm lá xanh non, một vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc. Hoa trẩu trắng đến nao lòng. Trên những con đường đất gập ghềnh bụi mù mịt thưa vắng người qua, trong những bản làng thưa thớt vài mái nhà, trên những đỉnh núi cao vời vợi tưởng như chạm đến cả mây trời, những chuyến xe lăn dọc dài đất nước, mang theo những tâm hồn mơ mộng, ưa lãng du, yêu những khoảnh khắc chạy dài trên những con đường không một bóng người. Tiếng xe tắt rồi, cả đất trời thinh không ắng lặng, chỉ có gió lùa qua tán lá, chỉ có trăng treo đầu non, những mái nhà thấp thoáng xa xa và hoa trẩu, rung rinh trên cây, rung rinh sau đuôi xe.

Hoa trẩu cứng cỏi, ngay cả khi rơi thân mình xuống mặt đất, hoa vẫn tươi nguyên nét rạng rỡ ban đầu. Thế nên những bông hoa trẩu được đôi bàn tay vụng về ngắt lấy trên đường rồi cài phía sau đuôi xe cũng vẫn tươi nguyên nụ cười như thế. Hoa trẩu mọc khắp núi rừng đấy, loài hoa dại nở bừng trong những ngày cuối xuân. Người dân tộc vùng cao không ai hái để cắm lọ bao giờ. Hoa nở như nó vẫn làm thế mỗi năm, đến mùa là tưng bừng khắp núi rừng, người ta đã quen với mùa hoa dại của núi rừng ấy. Hoa tô điểm cho con đường dài hun hút trước mặt bỗng trở nên nên thơ, lãng mạn và yêu kiều. Có những con đường trắng muốt dưới vòm hoa, con đường phía trước được trải thảm bằng những cánh hoa trắng muốt vẫn còn tươi sắc. Có những đỉnh núi cao chỉ có duy nhất một cây hoa trẩu làm điểm hẹn, là nơi ngả lưng nghỉ lại, chiêu ngụm café mà thả hồn với mây gió. Có những mái nhà núp bóng dưới tán hoa, nên thơ trong bức tranh toàn cảnh khi cô gái Mông vô tình ngồi bên hiên thêu thùa, vạt váy vương cánh hoa rơi.

Mấy mùa hoa tôi đều dắt xe lên rừng. Thời tiết đã ấm áp hơn và mưa bụi lây phây. Mấy mùa hoa tôi cài những “nụ cười” trắng muốt ấy sau xe, để những nhánh hoa rung rinh ấy theo mình đi khắp muôn nơi.

RELATED ARTICLES