Thành phố Huế, cố đô trầm mặc với bề dày lịch sử và văn hóa, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận hai di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là Lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu và Tri thức dân gian về món bún bò Huế, những minh chứng sống động cho sự đa dạng và phong phú của bản sắc văn hóa vùng đất Cố đô.
Cùng với lễ hội truyền thống, Tri thức dân gian về bún bò Huế cũng chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian. Quyết định số 2203/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và kinh tế vượt trội của món ăn đặc trưng mang đậm bản sắc vùng đất Cố đô.

Tri thức dân gian về bún bò Huế là di sản phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian
Bún bò Huế không chỉ là một món ăn nổi tiếng trong nước và quốc tế mà còn là kết tinh của hàng trăm năm tri thức dân gian, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Món ăn này gắn liền với đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng và các làng nghề truyền thống lâu đời như làng bún Vân Cù, làng bún Ô Sa. Qua từng sợi bún, từng lát thịt, từng giọt nước dùng đậm đà, bún bò Huế phản ánh sâu sắc tâm hồn, phong cách sống tinh tế và văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Huế.

Việc này ghi nhận giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật ẩm thực của món ăn đặc trưng xứ Huế - được mệnh danh là "món xúp ngon nhất thế giới"
Sức hấp dẫn của bún bò Huế đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Năm 2014, cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain từng ca ngợi trên kênh truyền hình CNN của Mỹ rằng đây "là món súp tuyệt vời nhất mà tôi từng nếm thử". Tiếp đó, năm 2016, bún bò Huế được Tổ chức Kỷ lục châu Á đưa vào danh sách Top 100 món ăn đạt giá trị châu Á. Gần đây nhất, năm 2023, trang ẩm thực quốc tế Taste Atlas đã xếp Huế ở vị trí 28 trong 100 thành phố có các món ăn ngon nhất thế giới, trong đó bún bò Huế được coi là "những món ngon xứ Huế phải thử khi đến đây".

Việc ghi danh này là nền tảng để Huế đẩy mạnh bảo tồn, quảng bá giá trị ẩm thực, hướng đến mục tiêu trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tri thức dân gian chế biến Bún bò Huế đã được gìn giữ và phát huy bởi cộng đồng cư dân, đặc biệt là công lao của các nghệ nhân ẩm thực tài hoa như nghệ nhân dân gian Mai Thị Trà, nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Như Huy, nghệ nhân nhân dân Tôn Nữ Thị Hà và nghệ nhân ưu tú Phan Tôn Gia Hiền. Với tay nghề tinh xảo và tình yêu ẩm thực, họ đã bảo tồn các bí quyết nấu bún bò, từ khâu chọn nguyên liệu tươi ngon, cách hầm nước dùng chuẩn vị, nêm nếm gia vị hài hòa đến cách trình bày món ăn đẹp mắt, góp phần khẳng định đẳng cấp và hồn cốt của món đặc sản này.
Việc ghi danh hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này không chỉ là sự khẳng định giá trị văn hóa sâu sắc của Huế mà còn tạo nền tảng pháp lý và động lực quan trọng để TP. Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch, kinh tế-văn hóa địa phương.

Đây là cơ hội quảng bá ẩm thực vùng đất cố đô với bạn bè xung quanh
Đặc biệt, đây cũng là bước đệm ý nghĩa trong lộ trình đưa Huế trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực, một mục tiêu chiến lược mà thành phố đang hướng tới.
Ông Phan Thanh Hải chia sẻ cùng báo chí rằng: "Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, nghệ nhân và cộng đồng tiếp tục triển khai các hoạt động truyền dạy, tôn vinh, quảng bá di sản, góp phần lan tỏa giá trị di sản Tri thức dân gian về Bún bò Huế đến với công chúng trong và ngoài nước, để món ăn này không chỉ là niềm tự hào của người Huế mà còn là biểu tượng văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế".
Với hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được ghi danh, Huế không chỉ củng cố vị thế là trung tâm văn hóa của Việt Nam mà còn mở ra những triển vọng tươi sáng cho ngành du lịch và sự phát triển bền vững của các giá trị truyền thống trong tương lai.