Trốn thế giới này, lại gặp một thế giới khác
Xuất phát từ Hà Nội, chúng tôi đi xe máy với quãng đường tầm 120 km đến địa phận xã Hữu Liên, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Trời đã vào đông nhưng thời tiết vẫn dịu dàng, chỉ cần hai lớp áo là đủ thấy ấm áp trong suốt chuyến đi. Sau hai tiếng di chuyển, tôi bắt đầu cảm nhận được không khí trong lành và hương thơm của cỏ cây.
Hữu Liên được bao bọc bởi núi đá vôi, cánh rừng rậm rạp và thung lũng đồng ruộng. Những mảng màu xanh khác nhau tạo nên hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú với dãy núi đá vôi hiểm trở, hang động, suối ngầm, thác nước và các hồ khổng lồ ngập nước theo mùa.
Mỗi năm, tôi đến Hữu Liên một lần và lưu trú tại làng du lịch cộng đồng, nơi đây quy tụ bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào Kinh, Tày, Dao, Nùng… với những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát. Tôi vẫn ở homestay Gốc Đa vì yêu mến sự hiếu khách và bữa cơm ngon của nhà anh chị. Vốn chỉ muốn rời xa thành phố vài hôm và nghỉ ngơi nhẹ nhàng tại homestay, tuy nhiên, anh chị chủ nhà ngỏ lời dẫn chúng tôi khám phá một bản làng biệt lập của người Dao. Thế là sáng hôm sau, khi đã no nê bữa sáng, nhóm chúng tôi theo chân anh Phốc chủ nhà trekking vào bản.
Con đường duy nhất vào bản nằm phía bên phải thảo nguyên Đồng Lâm, xe máy chỉ đến được đoạn gần cuối thảo nguyên rồi chúng tôi dựng xe đó, bắt đầu đi bộ. Chúng tôi đi qua vách núi với nhiều đá nhọn, dốc cao, gồ ghề. Bao quanh là rừng cây xanh mát, là tiếng gió rít, chim hót, gà gáy, suối chảy róc rách.
Đường vào bản nguy hiểm, chỉ cần mưa nhẹ đã rất trơn trượt và khúc khuỷu với nhiều khúc cua, nhưng sau một giờ đồng hồ leo núi, cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy bản làng lại quá đỗi yên bình. Vậy là chỉ cách thảo nguyên Đồng Lâm một rặng núi trùng điệp, chúng tôi đến với một thế giới khác, thế giới biệt lập của cộng đồng người Dao.
Ngôi làng 5 không lọt thỏm giữa núi rừng
Giữa thung lũng rộng lớn chỉ lọt thỏm hơn chục ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ. Trước đây, bản Lân Đặt có 30 hộ dân, giờ chỉ còn 16 hộ. Từ năm ngoái, trẻ con trong bản được địa phương đưa ra trung tâm xã học nội trú, chứ trước đây giáo viên vẫn phải vượt núi băng rừng vào tận bản để gieo con chữ. Vào mùa nước ngập, đường vào bản càng khó khăn hơn khi dân bản phải chèo thuyền để ra đến Đồng Lâm, nhưng Đồng Lâm lúc ấy cũng ngập trong mênh mông nước nên để ra đến trung tâm xã, người dân phải tiếp tục chèo thuyền qua hết thảo nguyên, mất tầm hai giờ đồng hồ.
Dòng chảy của đô thị hóa dường như không thể chạm đến Lân Đặt. Một vách núi ngăn bản làng với thế giới đông đúc cũng là ngăn họ tiếp xúc với những điều hiện đại vốn đã trở thành cơ bản, đó là điện, là giao thông. Năm tháng qua đi, bản làng vẫn 5 không: không điện, không đường giao thông, không một chiếc xe máy, không chợ búa, không Internet.
Bản làng trọn vẹn những điều nguyên sơ nhất như ngôi nhà sàn mái âm dương, cánh đồng cỏ xanh rì, hang động, vách đá, hồ nước, cây cầu gỗ,… Khung cảnh tự nhiên đẹp đến nao lòng. Con người sống hòa thuận và nương nhờ vào thiên nhiên, thế nên họ trân quý từng điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Chúng tôi ghé nhà anh Trình ăn trưa với mâm cơm đầy đặn do vợ chồng anh chuẩn bị gồm gà nấu nghệ, thịt heo bản nấu với gừng và canh rau cải. Gà ở bản được nuôi đến 2 năm mới “thịt”. Ở bản, mọi người sống tự cung tự cấp, kể cả việc làm ngói dựng nhà. Anh Trình kể với chúng tôi, mùa lũ, Đồng Lâm có thể ngập sâu hơn chục mét. Bản Lân Đặt chìm trong nước, người dân dời lên núi tránh lũ, trâu ngựa, gà di tán khắp nơi, sau lũ gom được con nào thì mừng con đấy. Thiếu thiết bị hiện đại cộng với đặc thù thời tiết nên việc trồng trọt, chăn nuôi ở bản không dễ dàng gì.
Anh Trình biết trong bản có một vài chỗ có thể bắt được sóng điện thoại, anh thường đi loanh quanh rồi giơ điện thoại lên “hóng” sóng. Nếu cần dùng Internet thì phải leo núi một đoạn xa đến đỉnh ông Bụt, là nửa chặng đường ra Đồng Lâm mới có mạng 3G. Ngôi nhà sàn của anh Trình có đủ thiết bị cơ bản như bình ắc quy, tấm năng lượng mặt trời, dây điện, máy quạt nhưng điện vẫn là thứ quý giá vô cùng. Gia đình anh đã sẵn sàng cho một cuộc sống có điện nhưng điện thì chưa sẵn sàng đến với bản làng.
Vì đường sá khó khăn, thỉnh thoảng mới có một đoàn khách ghé thăm bản Lân Đặt và ăn một bữa cơm, dân bản nhờ vậy có thêm một chút thu nhập. Một điều mà tôi rất thích khi lên núi chơi là các anh chị luôn đặt cái tâm vào từng việc nhỏ nhất. Họ niềm nở, nhiệt tình, dẫn chúng tôi khám phá đủ chỗ, nấu ăn rất ngon và luôn hỏi chúng tôi có góp ý gì không, có điểm nào chưa hài lòng để họ cải thiện từng chút một.
Anh Trình hỏi đi hỏi lại chúng tôi rằng món gà nấu nghệ có vừa miệng không, măng ngâm ớt có hợp vị không để anh điều chỉnh. Anh không biết rằng, với chúng tôi, những người “sống giữa lòng thành phố nhưng lại mơ về thị trấn hoang” thì còn gì ngon hơn bữa cơm giữa núi rừng khi được thả lỏng cả thể chất lẫn tinh thần, được ăn những món đơn giản mà chất lượng, được ngồi giữa núi rừng, hít căng lồng ngực không khí trong lành và trò chuyện với những người dân bản chân chất.
Nếu một ngày bạn muốn tìm đến những điều nguyên sơ nhất, hãy ghé thăm bản Lân Đặt của người Dao nhé!