Đưa gần 300 công dân Việt Nam từ Thái Lan về nước
Ngày 18/5/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và các cơ quan chức năng Thái Lan đã phối hợp thực hiện chuyến bay chở gần 300 công dân Việt Nam từ Thái Lan về nước, hạ cánh an toàn tại Việt Nam. Sau khi hạ cánh, những người tham gia chuyến bay đều đã được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.
33 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Báo cáo từ các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội cho biết đã ghi nhận thêm 4 ca dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm 2 tiếp viên của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN0062 từ Nga về Vân Đồn ngày 13/5 và 2 hành khách trên chuyến bay VN001 từ Mỹ về Sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 16/5. Tất cả các ca dương tính trên đều được cách ly sau khi nhập cảnh và không có nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 6 giờ ngày 19/5, đã 33 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tự động gia hạn tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam
Theo thông báo ngày 18/5 của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an), công dân nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoặc thị thực du lịch từ ngày 1/3/2020 đến nay được "tự động gia hạn tạm trú" đến hết ngày 30/6/2020. Những người này có thể xuất cảnh trong thời gian trên mà không phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.
Trường hợp nhập cảnh trước ngày 1/3/2020, nếu chứng minh được bị mắc kẹt do dịch Covid-19, được cơ quan đại diện ngoại giao xác nhận bằng công hàm (có bản dịch tiếng Việt) hoặc có văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền Việt Nam về việc bị cách ly, điều trị Covid-19 hoặc lý do bất khả kháng khác… cũng được xem xét áp dụng "tự động gia hạn tạm trú" đến hết ngày 30/6/2020.
Gần 4,9 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu
Theo số liệu của trang mạng worldometers.info, tính đến 10h sáng ngày 19/5, thế giới ghi nhận 4.891.330 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có hơn 320.000 ca tử vong và 1.907.422 ca đã hồi phục.
Mỹ vẫn là nước có số bệnh nhân nhiều nhất thế giới với hơn 1,5 triệu ca mắc và hơn 91.000 ca tử vong.
Gần 90% bệnh nhân COVID-19 tại Hàn Quốc đã khỏi bệnh
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới sáng 19/5, Hàn Quốc chỉ ghi nhận thêm 13 ca nhiễm Covid-19 mới, ngày thứ tư liên tiếp có số ca bệnh dưới 20. Hiện Hàn Quốc đã có tổng cộng 11.078 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 9.938 người khỏi bệnh (chiếm 89,7%).
Do quan ngại dịch Covid-19 bùng phát lần hai, từ giữa tháng 4 vừa qua, giới chức Hàn Quốc đã thắt chặt quy định về giám sát cách ly đối với các bệnh nhân. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra dịch tễ với các ca tái nhiễm và người tiếp xúc, hiện vẫn chưa có trường hợp nhiễm bệnh nào từ những ca này.
Hơn 100 triệu dân Trung Quốc bị phong tỏa trở lại
Khoảng 108 triệu người ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc đã bị phong tỏa trở lại vì nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát lần hai, theo Bloomberg đưa tin ngày 18/5. Chính quyền thành phố Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm trong cùng ngày cũng thông báo sẽ ban bố các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất để kiểm soát virus.
Giới chức y tế Trung Quốc hiện vẫn chưa biết ổ dịch mới khởi phát như thế nào song họ nghi ngờ những trường hợp nhiễm virus có thể đã tiếp xúc với những người trở về từ Nga, một trong những điểm nóng Covid-19 của châu Âu.
Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar dương tính với Covid-19
Ngày 18/5, Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan, cựu lãnh đạo phiến quân Riek Machar đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Phu nhân của ông Machar, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng Angelina Teny, cùng một số nhân viên văn phòng và vệ sĩ cũng bị mắc bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Sudan đã ghi nhận 339 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 6 người đã tử vong. Tuy số người mắc bệnh ở mức thấp so với các nước trong khu vực nhưng dư luận nhận định con số mắc bệnh trên thực tế có thể cao hơn, do các điều kiện để phát hiện dịch bệnh ở Nam Sudan rất thiếu thốn - khi chỉ có 3.908 xét nghiệm đã được thực hiện.
Anh cập nhật thêm các triệu chứng chính thức khi mắc COVID-19
Trong một tuyên bố mới đây, các quan chức y tế hàng đầu của nước Anh cho biết, kể từ ngày 18/5, mọi cá nhân đều phải tự cách ly nếu xuất hiện đợt ho kéo dài hoặc sốt hoặc mất khứu giác mới. Tuyên bố nêu rõ mất khứu giác là mất hoặc thay đổi khả năng ngửi mùi thông thường, nó có thể ảnh hưởng đến vị giác do hai giác quan này có quan hệ mật thiết.
Một nghiên cứu của Đại học London, công bố tuần trước, cho thấy số người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 bị mất khứu giác và vị giác cao gấp 3 lần so với những người có kết quả âm tính.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến nay, Anh ghi nhận 243.695 ca mắc Covid-19, trong đó có 34.636 trường hợp tử vong.
Cơ quan dược phẩm châu Âu "bật đèn xanh" sử dụng thuốc remdesivir
Ngày 18/5, Giám đốc Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) Guido Rasi cho biết trong những ngày tới, cơ quan này có thể bước đầu cho phép sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir của công ty dược phẩm Mỹ Gilead trong điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Phát biểu trong một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Brussels, ông Rasi để ngỏ khả năng trong vài ngày tới EMA sẽ cấp phép đưa ra thị trường loại thuốc trên song có điều kiện đi kèm.
Đến nay đã có hai quốc gia cho phép sử dụng thuốc Remdesivir cho các ca bệnh Covid-19 nặng là Mỹ và Nhật Bản. Remdesivir là loại thuốc tiêm và là một trong số các loại thuốc thử nghiệm đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
"Kết quả hứa hẹn" trong thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 tại Mỹ
Công ty Công nghệ Sinh học Moderna, có trụ sở tại thành phố Boston (Mỹ), cho biết vaccine thử nghiệm phòng Covid-19 của họ đã cho thấy "nhiều hứa hẹn" trong các cuộc thử nghiệm ban đầu.
Trong thông báo ngày 18/5, Moderna cho biết từ giữa tháng 3 vừa qua, các chuyên gia đã tiến hành cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với vaccine mang tên mRNA-1273. Trong nghiên cứu giai đoạn 1, người tham gia được tiêm vaccine 3 lần với liều lượng khác nhau. Kết quả cho thấy mức độ tăng liều lượng dẫn tới việc tăng chất kháng nguyên, tức là khả năng tạo ra một phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Vaccine này cũng được xác định là an toàn và có khả năng dung nạp tốt. Công ty dự kiến đưa mRNA-1273 vào thử nghiệm giai đoạn hai từ tháng 7 tới.
Ngày 15/3 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra mắt Quỹ Đoàn kết, nơi tập hợp các chương trình thử nghiệm lâm sàng quốc tế, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Cho tới nay đã có hơn 90 công ty và các tổ chức nghiên cứu trên thế giới tham gia vào quỹ này với ít nhất 4 cuộc thử nghiệm vaccine đã được thực hiện trên động vật, trong đó có vaccine mRNA-1273 của Moderna.