Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch quyết tâm xây dựng giải pháp, tìm cơ hội phục hồi sau dịch. Với tinh thần đó, ngày 08/5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Để triển khai kế hoạch này, nhằm kích cầu du lịch nội địa, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Điện tử VnExpress, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” vào ngày 16/5 tại Thanh Hóa.
Hội nghị diễn ra với hai phiên chính thức là “Giải pháp kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm vàng” và “Giới thiệu thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt”. Qua những phân tích cơ bản và dự báo hành vi du khách Việt trong Covid-19 của nền tảng Google và nhiều nghiên cứu nhỏ lẻ, các cơ quan ban ngành đã kết hợp cùng các doanh nghiệp trong thị trường du lịch Việt Nam hiện nay để thảo luận về giải pháp, hành động; những chính sách có tính “đòn bẩy” để phục hồi và kích cầu du lịch nội địa. Qua đó, tất cả cùng tạo nên một liên kết tổng thể để phát triển du lịch Việt Nam hậu Covid.
"Việt Nam đưa ra chiến dịch người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Thị trường người Việt đi du lịch nước ngoài lên tới 16 triệu lượt khách. Trong năm nay, thị trường này khó có thể hiệu quả vì ảnh hưởng nặng nề nên tất cả đều sẽ quay về đi du lịch Việt Nam!" - Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), nhận định việc kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng.
Các tỉnh thành cùng tung ra gói du lịch "kích cầu"
Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong ba tháng đầu năm, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm 72%, doanh thu giảm 72% so với cùng kỳ năm 2019. Để vực dậy ngành du lịch, tỉnh Quảng Ninh ban hành nghị quyết hỗ trợ kích cầu, miễn giảm đến hơn 200 tỷ đồng các loại lệ phí du lịch, vé vào cửa các địa điểm, miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp, thuế VAT cho tiêu dùng du lịch, cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, thuế đất... Ngoài ra, tỉnh cũng cải thiện hệ thống phương tiện di chuyển, động viên các doanh nghiệp cho ra sản phẩm mới và thành lập Liên minh Kích cầu Du lịch Quảng Ninh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định chỉ ra giải pháp kích cầu du lịch địa phương gồm giảm giá vé vào cửa các điểm tham quan, giảm giá lưu trú. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị chính phủ mở lại đường bay Huế - Hà Nội, Huế - Vinh để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Sở Du lịch Nghệ An cam kết giảm tới 40% dịch vụ lưu trú; Dịch vụ nhà hàng, vui chơi, giải trí: giảm giá từ 20-30%; dịch vụ lữ hành, vận chuyển: giảm từ 30-40% cho các dịch vụ này. Để thu hút du khách đến Quảng Bình, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng cần tăng cường đường bay nội địa. Ngoài ra, các địa phương phải chấp nhận lỗ để du khách được đi du lịch với chi phí ưu đãi.
Đó chỉ là số ít những ví dụ điển hình trong rất nhiều các gói ưu đãi, kích cầu du lịch mà các địa phường cùng đồng loạt "tung ra" thị trường trong một tháng qua tạo nên một xu thế mới mang tên "Du lịch nội địa". Khảo sát của VnExpress và TAB cho thấy nhu cầu và độ sẵn sàng đi du lịch của người Việt không hề thấp, nhất là sau một thời gian dài chấp nhận giãn cách xã hội. Đại diện của Google châu Á - Thái Bình Dương cho biết, từ giữa tháng 4 đến nay, lượt tìm kiếm từ khoá du lịch nội địa tăng cao so với 3 tháng đầu năm. Số lượt tìm kiếm chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày và tăng 85% so với cùng kỳ năm 2019. Loại hình du lịch biển, khám phá thiên nhiên đang nhận được quan tâm hàng đầu từ nhiều du khách trong nước.
Nhận biết được hướng đi đó, các tỉnh đã không chỉ cùng nhau tung ra các gói kích cầu mà còn tạo nên những Liên minh Du lịch theo khối để tạo nên sự đột phá, trong đó phải kể đến Liên minh kích cầu du lịch 04 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk.
Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk là 4 tỉnh có lợi thế rất lớn về mặt di chuyển khi có tới 04 sân bay thương mại với đầy đủ các đường bay Sài Gòn, Hà Nội .v.v.. và tất cả các hãng hàng không đều cung cấp dịch vụ bay. Bên cạnh đó, còn có cả đường sắt Bắc - Nam đi qua với những ga lớn. Xét về tiềm năng kết hợp, Bình Định, Phú Yên là hai tỉnh có tài nguyên biển rất phát triển còn Gia Lai và Đắk Lắk lại được coi là "thủ phủ" của Tây Nguyên với đồi núi xen kẽ bình nguyên - thung lũng cùng hệ thống thác ghềnh hùng vĩ. Sự kết hợp của Liên minh du lịch này chắc chắn sẽ tạo nên những sản phảm du lịch chất lượng với giá thành phải chăng, phù hợp với du khách nội địa trong thời điểm này.
Doanh nghiệp chung tay cùng chính phủ
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch Việt Nam đóng băng tạm thời. Từ tháng 3, Việt Nam đã hạn chế các đường bay quốc tế, giảm 18,1% so với cùng kỳ 2019. Sau thời gian giãn cách xã hội là thời điểm vàng để vực lại ngành du lịch. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc nhanh chóng của các tỉnh thành và chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, hãng hàng không, vận tải du lịch phải cùng hợp tác, liên kết và xem đây là yếu tố quan trọng để khôi phục du lịch nội địa sau khủng hoảng dịch Covid.
Đồng quan điểm với đại diện các địa phương và doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Quang Tùng chỉ đạo doanh nghiệp phải liên kết với nhau và với địa phương để cùng phát triển du lịch. Muốn mở du lịch phải mở hàng không. Địa phương cần đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những kế hoạch phục hồi.
Trong bối cảnh ngành du lịch khó khăn, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận định doanh nghiệp và địa phương cần đầu tư công sức, tiền bạc, chi phí quảng bá cho các điểm đến. Sau giãn cách, hãng hàng không Bamboo Airway sẽ kết hợp với hệ sinh thái của FLC tạo nên sản phẩm du lịch mới như: Gói combo, tour du lịch trọn gói... giúp những người không có điều kiện cũng có cơ hội đi du lịch.
Đại diện Bamboo Airways chia sẻ chương trình giá vé 45.000 đồng, chương trình Chào hè, kết hợp với các gói combo vé máy bay - khách sạn hay chương trình Tri ân khách hàng - code giảm giá 20%. Hãng lữ hành này cũng kết hợp với hàng loạt đối tác như ngân hàng, sàn thương mại điện tử để khách tiện sử dụng dịch vụ tiện lợi, cung cấp dịch vụ doanh nhân, dịch vụ hạng thương gia với chi phí tiết kiệm 30-50%.
Đóng vai trò nền tảng kết nối nhà cung cấp với khách hàng, iVIVU hoạt động với mô hình combo du lịch, được nhiều người quan tâm tới. Những combo du lịch tiêu biểu được khách hàng yêu thích trong thời gian hiện là: Combo vé máy bay - khách sạn - đưa đón sân bay, combo vé máy bay - vui chơi - ăn các bữa trong ngày... với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam có đa dạng loại hình du lịch, thiên nhiên trở nên trong lành và sạch sẽ hơn, không hề kém cạnh (thậm chí còn nổi trội hơn) so với với các điểm đến nổi tiếng quốc tế. Điển hình là với loại hình du lịch mạo hiểm, tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng kết hợp với các doanh nghiệp du lịch địa phương để giảm giá 50% tour khám phá chuỗi các hang động nổi tiếng của tỉnh. Ông Hồ An Phong - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã khẳng định trong buổi Hội nghị: "Sức khỏe vận tải và sự liên kết chính là hai yếu tố quan trọng để phục hồi du lịch!"
Với việc bắt tay liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính phủ, doanh nghiệp và doanh nghiệp như vậy, Việt Nam kỳ vọng tạo ra sức hấp dẫn mới mẻ cho thị trường du lịch nội địa để du khách cơ hội trải nghiệm trong "thời điểm vàng".