VĐV khuyết tật chinh phục hồ nước cao nhất thế giới

22/11/2021

Ngày 21/11, một vận động viên (VĐV) bơi lội 21 tuổi người khuyết tật, có tên Theo Curin, đã hoàn thành thử thách bơi 122 km qua hồ Titicaca - hồ nước cao nhất thế giới nằm giữa Peru và Bolivia, với mục đích nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường.

Cùng với hai người bạn đồng hành của mình là Malia Metella - VĐV 39 tuổi đã giành huy chương Olympic, và Matthieu Witvoet - một nhà thám hiểm sinh thái 27 tuổi, Theo Curin bắt đầu khởi hành từ bờ Copacabana ở phía bờ Bolivia của hồ Titicaca, bơi quãng đường 122 km đến bờ Puno ở phía Peru. Đây là hồ nước ngọt cao nhất thế giới mà con người có thể đi qua, cao hơn mực nước biển khoảng 3.800 m.

Theo Curin chia sẻ rằng anh cảm thấy vô cùng xúc động trước thử thách này. Trong quá khứ, anh đã phải cắt bỏ cả hai tay và hai chân của mình khi mới chỉ 6 tuổi, sau khi được phát hiện mắc bệnh viêm màng não.

Bộ ba người Pháp đã ăn mừng sau khi hoàn thành thử thách vào ngày 21/11. - Ảnh: Instagram/@tcurin

Bộ ba người Pháp đã ăn mừng sau khi hoàn thành thử thách vào ngày 21/11. - Ảnh: Instagram/@tcurin

Theo như kế hoạch ban đầu, cả ba người sẽ bắt đầu hành trình vào ngày 10/11 và kết thúc vào 10 ngày sau đó khi đã bơi tới Peru. Tuy nhiên, trên thực tế, họ phải mất đến 11 ngày để hoàn thành thử thách. Họ đã tập luyện chăm chỉ trong vòng 13 tháng tại Lac de Matemale ở dãy núi Pyrenees (Pháp) trước khi bắt đầu hành trình. Điều khó khăn mà họ phải trải qua không chỉ là quãng đường dài trên độ cao 3.800 m, mà còn là cái lạnh của nước hồ Titicaca với nhiệt độ chỉ nằm ở mức 10 độ C.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"11 ngày với niềm vui, sự sợ hãi, và cả những giọt nước mắt... Nhưng trên tất cả, chúng tôi là những người đầu tiên vượt qua hồ Titicaca bằng cách bơi tự do", Curin đã bày tỏ niềm vui mừng trên trang Instagram của mình, "Đến giờ tôi vẫn không tin được, nhưng cảm ơn các bạn đã gửi những lời thăm hỏi đến chúng tôi. Tôi không thể đợi được để kể cho các bạn nghe về mọi thứ".

Chiếc thuyền làm từ vật liệu tái chế theo sát cuộc hành trình của cả ba người. - Ảnh: RTE

Chiếc thuyền làm từ vật liệu tái chế theo sát cuộc hành trình của cả ba người. - Ảnh: RTE

Trong quá trình bơi, họ đã thay phiên nhau hoàn thành 12 km mỗi ngày, trong lúc một người bơi thì hai người còn lại sẽ ngồi trên chiếc thuyền theo sau để nghỉ ngơi và làm ấm lại cơ thể. Bên cạnh đó, họ sẽ uống nước từ hồ và bảo quản thức ăn trong những chiếc túi có thể tái sử dụng để tránh tạo ra bất kỳ rác thải nào cho môi trường.

Theo Curin về thứ tư tại Paralympic Rio 2016 ở nội dung 200 m tự do và cũng là người đã hai lần giành huy chương bạc thế giới, trong khi Malia Metella đã giành được giải bạc hạng mục 50 mét tự do tại Thế vận hội Olympic diễn ra tại Athens (Hy Lạp) năm 2004. Khoảng mười VĐV bơi lội chuyên nghiệp nhất của Bolivia đã khởi hành cùng họ trong những km đầu tiên.

Hồ Titicaca phía bên bờ Peru, là một nơi linh thiêng đối với người bản địa cũng như là điểm thu hút du khách tới tham quan, trekking.

Hồ Titicaca phía bên bờ Peru, là một nơi linh thiêng đối với người bản địa cũng như là điểm thu hút du khách tới tham quan, trekking.

Đây không chỉ là việc thực hiện một thử thách cá nhân, điều họ hướng đến là nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường ở hồ nước được coi là thiêng liêng đối với người Aymara và Quechua bản địa sống bên bờ của hồ Titicaca. Nhà thám hiểm sinh thái Matthieu Witvoet cho biết: "Thông điệp mà chúng tôi muốn truyền tải là chúng tôi có thể thay đổi mọi thứ để hồ Titicaca trở nên trong sạch trở lại".

Khánh Hà - Nguồn: Tổng hợp (Ảnh: Internet)
RELATED ARTICLES