Vẻ đẹp tan vỡ của thánh hồ Baikal

09/03/2018

Vẻ đẹp tuyệt vời của hồ Baikal như trong chuyện cổ tích, làm cho bao du khách, nhiếp ảnh và người yêu thiên nhiên phải trầm trồ, thán phục.

Để mặc những bí ẩn chưa được đoán giải hết, vào những ngày ấm áp, hồ Baikal trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết khi có những vết nứt và mảng băng tan.

Ngắm mặt hồ trong suốt

Nằm ở phía Đông Siberia, ở độ tuổi 20-25 triệu năm, hồ Baikail trước kia được gọi là Biển Hồ thiêng, vốn được hình thành từ một thung lũng cổ có hình lưỡi liềm dài với diện tích bề mặt khoảng 31.722 km² với độ sâu trung bình 744m, sâu nhất tới 1.620 m. Hồ chiếm 1/5 diện tích nước ngọt trên bề mặt hành tinh, là nơi sinh sống của hơn 1.700 loài động thực vật, 2/3 trong đó thuộc loài quý hiếm và đặc biệt quý hiếm. Ví dụ như loài cá Golomyanka độc đáo với thân mình trong suốt, không đẻ trứng, mà đẻ ra cá con, hoặc loài hải cẩu có tên gọi là Nerpa Baikal. Được cho là đã di chuyển đến đây từ Bắc Bắc Dương hơn 800.000 năm trước, những chú hải cẩu nhỏ này đã trở thành biểu tượng của vùng di sản thiên nhiên Baikal diệu kỳ.

Hồ Baikal đã được công nhận là Di sản thế giới từ năm 1996. Khu vực bờ đông của hồ Baikal là nơi sinh sống của bộ lạc người Buryat, họ chăn nuôi dê, lạc đà, bò, và cừu, trong một môi trường sống khắc nghiệt bởi nhiệt độ tối thiểu mùa đông xuống tới −19°C (−2°F) và trong mùa hè khoảng là 14°C. Vào mùa đông, khi nhiệt độ từ -2 độ C, toàn bộ mặt hồ bị đóng băng và nó sẽ tan dần cho tới tháng 6. Nhưng có những lúc, mặt băng của hồ có từng đợt sóng băng giá đổ vỡ tạo nên những tiếng động như kính vỡ, băng vỡ. Vào mùa đông và mùa xuân, hồ Baika trở thành điểm đến thu hút hàng ngàn khách du lịch bởi vẻ đẹp lộng lẫy của nó.

Theo nhiếp ảnh gia Kristina Makeeva, người đã ghi chép lại hình ảnh và kinh nghiệm của mình về sự sống động của mặt hồ Baikal: Cho dù lớp băng có thể dày tới 1,5 m, nhưng bạn vẫn có thể ngắm nhìn qua mặt nước trong suốt để ngắm cá, thực vật, và đá dưới độ sâu 40 m.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Băng dày và chắc chắn đến nỗi người ta có thể đứng, đi, hoặc lái xe trên mặt hồ. Ở một vài nơi có lớp băng dầy, nó có thể chứa một chiếc xe nặng tới 13.000 kg, nhiếp ảnh gia Makeeva cũng kể rằng, cô đã thấy một vài chiếc xe không may mắn lắm. Năm 2015, một nhóm các nhà thám hiểm đã trải qua hai tuần để khám phá hồ trên những chiếc xe máy Nga có từ thời thế chiến thứ hai. Khi thời tiết trở nên ấm áp, những lớp băng tan nứt rạn làm cho đoàn thám hiểm gặp một số tai nạn, tuy nhiên, thật may mắn, họ vẫn sống sót để kể lại những câu chuyện.

Những bí ẩn chưa được giải đáp

Theo truyền thuyết, hồ nước Baikal có năng lực “ma thuật siêu nhiên” nào đó, khiến cho uống nước ở đây có thể kéo dài tuổi thọ con người. Chính vì vậy, không ít người sẵn sàng ngâm mình trong nước ngay cả khi nhiệt độ âm để được bất tử.

Nhiều chuyên gia đã phát hiện ra hồ nước Baikal phát sáng, và họ đã không ngừng nghiên cứu hiện tượng này.

Các mẫu nước ở độ sâu khác nhau của hồ cho thấy cường độ phát quang của nước hồ giảm theo chiều sâu và phạm vi của sự biến đổi từ bề mặt xuống đấy đạt 100 photon trở lên.

Ngoài ra, sự phát hiện một số vòng tròn xuất hiện trên mặt băng của hồ, cũng làm cho các nhà khoa học “phát sốt”. Họ lại lao vào nghiên cứu và tiếc thay, cũng chưa có lời giải đáp một cách chính xác nhất, nên phương án “dấu hiệu của người ngoài hành tinh” vẫn bị gán cho là tác giả!

Du khách muốn khám phá hồ Baika sẽ đi tàu đường sắt xuyên Siberia từ Moscow tới Valdivostok trải dài trên 10.000 km, và điểm dừng chân tại vùng đất Irkutsk – thủ phủ của miền đông Siberia. Nơi đây có nhiều nhà thờ cổ, những công trình kiến trúc cổ và các tiệm cà phê xinh xắn.

Sau khi nghỉ ngơi ở Irkutsk, bạn sẽ có một hành trình chiêm ngưỡng và chinh phục, thám hiểm hồ Baikal với nhiều bí ẩn chưa được giải đáp. Và nếu chiêm ngưỡng vẻ đẹp khi băng rạn nứt của hồ Baikal - tức là bạn là người quá may mắn khi được tận mắt chứng kiến một trong những vẻ đẹp ấn tượng nhất của thiên nhiên!

Lam Tuệ   - Nguồn: Nationalgeographic
RELATED ARTICLES