Hành trình 1/8 chu vi Trái Đất trên chuyến tàu xuyên Siberia

13/10/2017

Tuyến tàu hỏa xuyên Siberia (Trans-Siberian Railway) có lẽ là một trong những hành trình du lịch bằng tàu nổi tiếng nhất thế giới. Năm ngoái, tuyến đường này đã kỷ niệm 100 năm kể từ khi hoàn thành. Năm nay, tôi đã có dịp lên đường để tận mắt cảm nhận cuộc sống trên những toa tàu và ngoài những khung cửa sổ dọc tuyến đường sắt xuyên Siberia.

Tôi còn nhớ câu chuyện mẹ từng kể khi tôi còn nhỏ. Thời còn là sinh viên, bà được nhà nước cử đi du học tại Albania. Hành trình tới Albania xa xôi phải đi bằng đường bộ qua lãnh thổ của Trung Quốc, Mông Cổ và nước Nga, thời đó là Liên Xô. Đấy là lần đầu tiên trong đời mẹ đi tàu. Có lẽ, cô sinh viên trẻ tuổi không hề biết chuyến tàu đó chạy dọc một trong những tuyến đường sắt dài nhất thế giới với tên gọi Trans-Siberian Railway. Cô chỉ nhớ mãi hình ảnh của những cánh rừng taiga bát ngát, của hồ Baikal mênh mông. Cô nhớ hình bóng của cô gái Nga đi đôi ủng đỏ bao quanh bởi tuyết trắng và những thảo nguyên trải tới tận chân trời ở đất Mông Cổ… Đấy là những gì đầu tiên tôi được biết về Trans-Siberian.

Tuyến đường sắt độc nhất vô nhị

Để hiểu vì sao Trans-Siberian là một tuyến đường sắt độc nhất vô nhị nổi tiếng khắp năm châu, có thể liệt kê vài thông tin thống kê liên quan:

--Nga là đất nước lớn nhất thế giới với diện tích gần gấp đôi diện tích nước Mỹ

--Tổng chiều dài toàn tuyến của Trans-Siberian là 9.289km nối giữa Moscow và Vladivostok, khiến đây là một trong những tuyến đường sắt dài nhất thế giới. Nếu di chuyển không ngừng nghỉ, hành trình xuyên Siberia ở Nga sẽ mất 146 tiếng, tức là hơn 6 ngày 6 đêm

--Hơn 30% tổng lượng cây xanh trên thế giới thuộc về Siberia

--Hồ Baikal dọc Trans-Siberian được coi là hồ nước ngọt cổ xưa nhất, sâu nhất, lớn nhất hành tinh, chiếm 20% trữ lượng nước ngọt không đóng băng của Trái đất.

Những ai muốn trải nghiệm Trans-Siberian thường có 3 lựa chọn chính: tuyến tàu xuyên Siberia (Trans-Siberian), tuyến tàu xuyên Mông Cổ và tuyến tàu xuyên Mãn Châu (Trung Quốc). Du khách thường đi hành trình này vào khoảng tháng 5 tới tháng 11, vì sau đó vào mùa đông khu vực Siberia trở nên quá lạnh.

Với tuyến Trans-Siberian, là chặng dài nhất, hầu hết du khách sẽ bắt đầu hành trình từ Moscow được coi là hướng đi “kinh điển”, di chuyển từ phía Tây sang phía Đông của nước Nga tới Vladivostok. Phải nói thêm là khi đi Trans-Siberian, sẽ quá buồn chán nếu bạn chọn ở trên tàu suốt toàn bộ hành trình. Thay vào đó, bạn có thể chọn ra một vài điểm dừng để khám phá, vì bạn có thể xuống tàu tại bất cứ ga nào mình muốn.

Xình xịch, xình xịch 5.000km, từ Đông sang Tây

Tôi quyết định bắt đầu hành trình Trans-Siberian của mình theo chiều ngược lại, tức là từ hướng Đông sang Tây. Có nhiều lý do vì sao tôi muốn vậy. Thứ nhất, tôi không muốn đi hết hành trình này tới tận Moscow để ưu tiên quỹ thời gian tôi có cho các địa điểm mình chưa từng đi, vì trước đây tôi đã từng sống ở Moscow một thời gian khá dài. Thứ hai, tôi thực sự mong muốn được cảm nhận một Trans-Siberian của những người dân Nga, cảm nhận nó trong cuộc sống đời thường của họ khi xuất phát từ phía Đông. Và Vladivostok chính là nơi lý tưởng để bắt đầu trải nghiệm Trans-Siberian của tôi thay vì thủ đô Moscow đông đúc và nhiều khách du lịch.

Vậy là hành trình của tôi bắt đầu...

Vladivostok hoàn toàn khác những gì bạn hình dung về Siberia. Với vị trí địa lý ở gần cực Đông bên bờ biển Thái Bình Dương, thành phố nhỏ có địa hình đồi này tràn ngập bởi xe cộ nhập khẩu tay lái nghịch và hàng điện tử từ Nhật. Nơi đây có cảng và hạm đội. Đi dọc phố, bạn có thể gặp những khách du lịch, doanh nhân Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc xen kẽ với đa số người dân bản địa mang dòng máu Châu Á, phần nào cảm nhận được một nước Nga đa sắc tộc khi khởi đầu hành trình từ phía Đông.

Tôi lên tàu vào lúc gần đêm sau hai ngày dài dạo quanh nội và ngoại thành của Vladivostok. Tàu khởi hành rất đúng giờ, các hành khách cũng như tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Trans-Siberian hoàn toàn không phải một tuyến tàu phục vụ khách du lịch, trong quá khứ cũng như hiện tại. Sa hoàng Alexander đệ Tam đã hiểu rõ tầm vóc quan trọng của việc kết nối các khu vực rộng lớn của nước Nga khi ông ký sắc dụ cho xây dựng tuyến đường sắt xuyên Siberiavào năm 1891. Tuyến đường này liên kết nước Nga từ phía Châu Âu sang các lãnh thổ ở phía Đông, mở ra nhiều cơ hội khai thác những vùng đất giàu khoáng sản sau rặng Ural. Đây còn là phương tiện hiệu quả để vận chuyển các tù nhân chính trị và hình sự bị đày tới Siberia cũng như vận chuyển binh lính một cách nhanh chóng tới các khu vực của vùng Amur mới được sáp nhập thời đó và luôn bị đe doạ bởi Trung Quốc. Tại triển lãm Paris vào năm 1900, mô hình tuyến đường sắt này đã gây ấn tượng mạnh với những người tham dự từ khắp thế giới.

Ngày nay, các chỗ trên tàu thường được đặt trước gần như kín và nó là một phương tiện trên bộ huyết mạch đối với những người dân Nga, Trung Quốc hay Mông cổ khi họ không đủ tiền mua vé máy bay hoặc có quá nhiều hành lý. Mỗi người có nhu cầu khác nhau khi đặt vé tàu nhưng tôi sẽ là người luôn chọn hạng vé bình dân nhất. Lý do chính không phải vì hạng vé đó rẻ hơn, mà vì với tôi đó là nơi thú vị nhất để có thể cảm nhận, quan sát cuộc sống của người bản địa hay giao lưu với họ.

Với hệ thống tàu Nga, hạng này có tên gọi là platskart - hạng giường nằm cứng dạng mở, không chia phòng. Mỗi toa platskart có 40 giường nằm. Những câu chuyện, những trò chơi, thức ăn hay đồ uống là những thứ hay được những hành khách hạng platskart chia sẻ cùng nhau. Đây là toa hạng giường nằm thiếu sự riêng tư nhất nhưng ngược lại đảm bảo mang lại cho bạn một trải nghiệm văn hoá bản địa thật và phong phú nhất.

Hơn 100 năm trước đây, khi chuyến tàu đầu tiên bắt đầu chạy xuyên nước Nga tới Vladivostok, những brochure quảng cáo đã miêu tả một Trans-Siberian hào nhoáng và tối tân, được trang bị bởi những bồn tắm cẩm thạch, những phòng tập thể thao hay thậm chí cả phòng tối cho các nhiếp ảnh gia! Hiện trạng bây giờ khác xa thời đó: không phải chuyến tàu nào của Trans-Siberian cũng có toa nhà hàng, ổ cắm điện chỉ có ở đầu và cuối toa và nhìn chung trang thiết bị nội thất của các toa tàu đã khá lỗi thời. Mặc dù không có phòng tắm nhưng điều tôi thích trên Trans-Siberian là nhà vệ sinh luôn được giữ khá sạch sẽ mặc dù mật độ số người sử dụng nó khá cao. Mỗi toa có một bình samovar rất lớn phục vụ nước sôi tiện để pha trà hay ăn mì tôm. Bạn có thể mua mì gói, một vài món đồ ăn vặt, gọi trà hay cà phê trong mỗi toa, ngoài ra gọi món ăn nếu chuyến tàu bạn đi có toa nhà hàng. Đa phần những người Nga sử dụng Trans-Siberian tôi gặp dọc đường nom có vẻ khá quen thuộc với phương tiện này. Họ thường mang theo đầy đủ đồ ăn hay những vật dụng thiết yếu cho một chuyến đi tàu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi tỉnh dậy rất sớm vì cảm giác trời đang sáng dần. Khoảnh khắc nằm trên tàu ngắm nhìn ra ngoài cửa sổ thời điểm trước khi mặt trời mọc thật tuyệt diệu. Ngoài kia, thế giới nhuộm một màu tím hồng dần chuyển sang tông màu cam. Nắng chiếu xuyên qua những tầng sương dày đặc như những đám mây lơ là ở chân trời tạo nên những khung cảnh huyền ảo. Dọc đường tàu dừng tại rất nhiều ga, có nơi chỉ đôi phút vừa đủ để mọi người có thể lên hoặc xuống tàu, có nơi tận 10-15-20 phút đủ để bạn có thể di dạo quanh ga một vòng và mua đồ ăn từ những kiốt hoặc những người bán hàng rong.

Mỗi chặng dừng dọc Trans-Siberian cảm giác như một cuộc hẹn hò ngắn ngủi với “cuộc sống” ở giữa khoảng không hư vô. Để rồi sau đó, trong chốc lát, bạn bỏ lại mọi thứ sau lưng để sớm tan biến vào một vùng không phủ sóng giữa Siberia rộng lớn.         

Bức tranh ngoài ô cửa toa tàu

Buổi sáng hôm sau của tôi trên tàu bắt đầu từ khi mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Tôi tỉnh dậy bởi ánh nắng chói xuyên qua cửa sổ và những tiếng vui đùa của trẻ con. Lúc này tôi mới nhìn lại quanh toa: gần như cả toa của tôi nhà nào cũng có trung bình hai trẻ em đi cùng. Bọn trẻ luôn xúm quanh tôi trò chuyện hay thỉnh thoảng lặng lẽ nhìn trộm từ xa vì chẳng mấy khi gặp khách du lịch ngoại quốc lại biết nói tiếng Nga. Điều ngạc nhiên là chúng có vẻ cũng rất quen với việc đi tàu và tự giác trong các sinh hoạt liên quan, hoàn toàn không gây phiền toái cho những người xung quanh.

Khung cảnh qua cửa sổ trở nên ngày càng hấp dẫn hơn. Chúng tôi băng qua những thảo nguyên mênh mông, những cánh rừng taiga lạnh lẽo và những cánh rừng bạch dương tươi tắn. Bên những khúc quanh co của những dòng sông in bóng trời là những ngôi làng lớn, nhỏ với những căn nhà gỗ xinh xắn và những chùm khói trắng bốc lên từ ống khói thỉnh thoảng xuất hiện dọc những dải đồi chìm trong màu nắng vàng như bước ra từ trong truyện cổ tích. Xen kẽ là vô vàn những cỏ cây, hoa dại đua sắc giữa mùa hè Siberia ấm áp, đôi khi khá nóng nực… Cảm giác như bạn đang được chiêm ngưỡng một trường đoạn phim tua chậm. 

Tôi hoàn toàn mất cảm giác về thời gian trên Trans-Siberian. Mỗi ngày bạn thức dậy với ý nghĩ: “Mình đang ở đâu, giờ địa phương ở đây là mấy giờ ?”. Bạn vội  vã chuyển giờ trên smartphone, đồng hồ và các thiết bị ghi hình gần như hàng ngày! Vâng, tôi đang đi dọc tuyến đường sắt dài nhất hành tinh xuyên qua 7 múi giờ, chạy suốt theo chiều ngang của đất nước lớn nhất thế giới với lãnh thổ trải dài qua 10 múi giờ. Nghe những điều đó thật điên rồ nhưng cũng thật tuyệt vời!

Ngoạn cảnh hồ Baikal - viên ngọc bích của Siberia

Để tránh nhầm lẫn, các chuyến tàu Trans-Siberian đều chạy theo giờ của Moscow. Sau gần 3 ngày đường, 62 tiếng, tôi xuống điểm dừng đầu tiên: thành phố Ulan-Ude, thủ phủ của Cộng hoà Buryatia của Nga. Tóc của tôi cho tới thời điểm này có vẻ như đã biến thành rơm sau những ngày không được tắm gội. 

Ulan-Ude nổi tiếng với tượng đài của Lenin với đầu Lenin lớn nhất thế giới. Cộng hoà Buryatia ngày nay như một Mông Cổ thu nhỏ, với những người dân bản địa chung nền văn hoá và mang dòng máu Mông, với những thảo nguyên xanh bát ngát trải qua nhiều ngọn đồi và những đàn ngựa hoang kiêu hãnh. Nơi đây còn là trung tâm của Shaman giáo và trung tâm Phật giáo của nước Nga với những đền chùa Phật giáo Tây Tạng.

Tạm biệt Ulan-Ude và những ngôi làng lân cận, tôi lại lên tàu để tới điểm tiếp theo - thành phố Irkutsk, điểm dừng quan trọng nhất dọc tuyến đường sắt này. Irkutsk cách Ulan-Ude 448km. Điều thú vị nhất với những hành khách dọc chặng này là cơ hội được ngắm hồ Baikal qua những khung cửa sổ. Tàu chạy rất lâu men theo mép bờ phía Nam của hồ. Baikal rộng lớn tới mức phải đi mất vài tiếng mới hết được đoạn này và phần lớn thời gian tôi cảm giác như đang được đi dọc bờ biển. 

Tôi không thể bỏ qua hồ Baikal và xuống ga Irkutsk để đi tới đảo Olkhon - đảo hồ lớn thứ tư trên thế giới. Để có thể tiện hình dung kích thước của đảo này, bạn hãy tưởng tượng một nơi có diện tích lớn hơn cả đất nước Singapore nằm lọt thỏm giữa hồ Baikal. Tôi đã cắm lều ngủ qua đêm dưới chân vách đá dựng đứng ven hồ để khi thức dậy có thể ngắm bình minh nơi đây. Sóng vỗ rì rào, chim hót chào ngày mới, tôi rửa mặt mình bằng thứ nước còn lạnh cóng và trong vắt như pha lê của hồ. Nước tinh khiết tới nỗi bạn có thể uống trực tiếp luôn mà không cần phải đun hay lọc.

Tôi có cảm giác Olkhon như một bức tranh thu nhỏ của Siberia. Nơi đây có những cánh rừng taiga nguyên sinh với nhiều loại động vật hoang dã, có những thảo nguyên xanh rộng lớn như ở Mông Cổ, có những cồn cát như ở sa mạc hay những vách đá dựng đứng nhìn vào những khoảng không xanh biếc mênh mông vô bờ bến của biển hồ Baikal.

Vĩ thanh

Hành trình Trans-Siberian của tôi kết thúc ở thành phố Novosibirsk cách Irkutsk 1.855km hay gần một ngày rưỡi đường tàu. Đây là thành phố lớn thứ ba ở nước Nga, nổi tiếng là thủ phủ khoa học và công nghiệp lớn nhất vùng Siberia. Dừng ở đây, tôi phải chuyển sang nhánh tàu phụ đi về phía Nam của Siberia để tiếp tục hành trình vẫn còn rất dài của mình.

Siberia với tôi quả thực quá bao la và rộng lớn và chẳng biết bao giờ tôi có thể khám phá được hết nơi này, có lẽ cả đời người cũng sẽ không đủ. Đi dọc Trans-Siberian, bạn sẽ nhìn thấy một Siberia không chỉ có mỗi taiga và cái lạnh băng giá như những gì bạn rất có thể đã hình dung về nó. Tôi tin chắc rằng bất kỳ ai nếu một ngày đã quyết định bước chân lên chuyến tàu dài vô tận này sẽ tìm thấy một Siberia của riêng mình.

Dọc tuyến đường sắt huyết mạch kia, Đông - Tây xuôi ngược, những chuyến tàu xuyên hoang mạc Siberia vẫn tiếp tục miệt mài chạy ngày đêm đã hơn 100 năm nay phục vụ nhu cầu di chuyển tất yếu của những người dân Nga.

Thông tin thêm:

+ Visa

Xin visa Nga không khó nhưng cần thời gian. Bạn phải nộp hồ sơ cách ngày đi tối thiểu là 1 tháng vì thời gian xét duyệt visa du lịch là 20 ngày làm việc. Hồ sơ nộp tại lãnh sự gồm có cả giấy mời (do công ty du lịch bên Nga làm dịch vụ với giá từ 50USD/người), lịch trình đi, booking vé máy bay và khách sạn, bảo hiểm y tế đủ tiêu chuẩn. Các giấy tờ liên quan tới chứng minh tài chính không khắt khe như visa vào các nước Tây Âu. Visa du lịch có thời hạn 1 tháng với ngày vào và ngày ra cố định.

Nếu bạn đi theo nhóm nên gọi điện tới lãnh sự hẹn lịch trước. Nếu không hẹn trước, bạn nên đến sớm nhất có thể vào đầu giờ để được vào sớm. Tỉ lệ đậu rất cao nên để tiết kiệm thời gian, bạn có thể ra ngân hàng chuyển khoản trước số tiền lệ phí thị thực cần nộp. Như vậy sau khi hồ sơ được chấp nhận sẽ được xử lý ngay mà không bị gián đoạn.

+ Đi lại

-Vé máy bay: Nên lên kế hoạch sớm để có thể mua vé sớm. Với vé máy bay, đôi khi Vietnam Airlines và Aeroflot có những dịp ưu đãi đặc biệt với giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Moscow khoảng 500 - 600USD. Giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Vladivostok của hãng hàng không S7 trung bình khoảng 500USD.

-Vé tàu: Vào mùa cao điểm nên book vé tàu càng sớm càng tốt. Trang web của hệ thống đường sắt của Nga là www.rzd.ru. Rất tiếc phần lịch biểu giờ chạy của tàu chỉ có phiên bản tiếng Nga nên bạn cần biết tiếng Nga hoặc nhờ ai biết mới có thể book vé được từ trang này. Nếu phương án này không phù hợp, bạn có thể book qua các đại lý du lịch hoặc các trang web trung gian trả thêm phí dịch vụ. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn gò bó lịch trình của mình thì vẫn có thể mua vé trực tiếp tại nhà ga ở Nga. Tất nhiên mua càng sát ngày, cơ hội lấy được vé chỗ tốt càng thấp.

-Chặng tàu tuyến Moscow - Vladivostok sẽ có giá từ 1.130USD/vé với chỗ nằm kupe hạng nhất (phòng 2 giường) và 480USD/vé kupe hạng hai (phòng 4 giường), và từ 265USD là hạng platskart.    

+ Lưu trú

Ngoài những đêm ngủ trên tàu, hầu hết các thành phố Nga đều có khá nhiều hostel, homestay và khách sạn tiện nghi, giá đều được niêm yết trên các trang booking quốc tế trừ khi bạn tới những nơi hẻo lánh hơn. Bản thân người Nga khi book khách sạn cũng thường xuyên sử dụng các hệ thống như Booking.com. Sau khủng hoảng kinh tế, giá cả dịch vụ lưu trú tại Nga giảm đi rất nhiều và du khách có nhiều lựa chọn hơn. Một phòng giường đôi thường có giá từ 20USD/đêm. 

+ Chi phí trung bình: Ngoài các chi phí vé tàu, vé máy bay như trên, chi phí chi tiêu bình quân mỗi người rơi vào khoảng từ 30-50 USD/ngày trở lên. 

+ Thời điểm du lịch

Thời điểm đẹp nhất, tức mùa cao điểm du lịch, là từ tháng 5 tới tháng 9. Mùa đông nhiều nơi nhiệt độ có thể xuống dưới -40C. Tuy nhiên, có một số khách du lịch thích được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Baikal đóng băng vào mùa đông nên vẫn đi vào mùa lạnh.

+ Dừng ở đâu?

Thành phố Irkutsk để tiếp theo đó đi tới hồ Baikal là điểm không thể bỏ qua. Các điểm còn lại tuỳ vào quỹ thời gian và nhu cầu của bạn, đa phần là các thành phố lớn dọc đường đi và từ đó mới có thể tới các địa phương hẻo lánh hơn nếu cần.

+ Nên mang gì theo?

-Nên mang theo hoặc mua dọc đường những đồ ăn uống gọn nhẹ dễ cầm như hoa quả, phômai, bích quy, thật nhiều trà túi lọc hay cà phê gói hòa tan, mì tôm… Rượu vodka không được bày bán tại các nhà ga nhưng người Nga sẽ luôn biết mua vodka ở đâu!

-Để tiện việc vệ sinh cá nhân nên mang theo khăn ướt cũng như cốc và khăn tắm cỡ nhỏ vì các khoang tàu không được trang bị phòng tắm mà chỉ có bồn rửa mặt và bồn cầu. Chỉ có những toa tàu hạng sang nhất đi tuyến xuyên qua Mông Cổ mới có phòng tắm.

-Nên cầm theo cuốn sách, ipad hoặc bất cứ thiết bị nào đó để có thể giúp bạn giết những khoảng thời gian trống trên tàu.

-Mang theo đủ tiền mặt vì không phải bao giờ bạn cũng có cơ hội mua đồ ở những nơi quẹt được thẻ, ví dụ như mua đồ ăn từ những người bán hàng rong tại điểm dừng.

+ Lưu ý đặc biệt

Mỗi lần xuống dạo ở ga nào dọc đường, bạn nên hỏi kỹ về thời gian tàu dừng tại ga đấy. Tàu đi đúng giờ và sẽ không chờ bạn. Đã có không ít trường hợp những du khách “mải chơi" bị bỏ lại.

Nguyễn Quỳnh Anh: Nhiếp ảnh gia tự do / Freelance Photographer

Cô gái Hà Nội này từng có một thời gian dài sinh sống tại Moscow (Nga). Trở về Việt Nam từ cuối năm 2007, sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc, Quỳnh Anh hiện là nhiếp ảnh gia tự do, đồng thời làm cộng tác viên ảnh cho một hãng thông tấn nước ngoài. Ảnh của cô đã xuất hiện trên nhiều tạp chí và trang web của các tổ chức nước ngoài như: Lonely Planet Publications, National Geographic Traveller, Cosmopolitan, BBC Travel… Đặc biệt, bức ảnh Cánh đồng Tú Lệ của cô từng đoạt giải tại các cuộc thi ảnh quốc tế cũng như lọt vào vòng trong của các cuộc thi ảnh danh tiếng như National Geographic Travel Photo Contest hay SIPA Photo Contest.

Lớn lên trong sự thay đổi môi trường sống và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, giữa phương Đông và phương Tây, do vậy, trong con người Quỳnh Anh luôn có sự tò mò, mong muốn được khám phá những vùng đất mới. Kết quả sau một chuyến đi “để đời” như thế là bài viết về hành trình xuyên Siberia cô gửi độc quyền cho Travellive.

Bài và ảnh: Nguyễn Quỳnh Anh

RELATED ARTICLES