Việt Nam tặng vật tư y tế chống dịch cho Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản
Chiều 16/4, Lễ trao tặng vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nga để phòng, chống dịch COVID-19 đã diễn ra tại trụ sở Văn phòng Chính phủ.
Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ Nhật Bản khẩu trang và các vật tư y tế sản xuất tại Việt Nam với tổng giá trị 100.000 USD; tặng Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng tặng Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, Văn phòng Nội các Nhật Bản, Văn phòng Nhà Trắng (Hoa Kỳ) mỗi nơi 50.000 khẩu trang y tế.
65% trường hợp nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi bệnh
Trong 12 giờ qua, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc mới bệnh COVID-19, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 268 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó 160 người từ nước ngoài (chiếm 60%), 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm (40%).
Về tình hình điều trị, trong ngày 16/4, Việt Nam có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 177 bệnh nhân trong tổng số 268 trường hợp mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ 65%).
Cùng ngày 16/4, Sở Y tế Hà Nội thông báo gần 10.000 mẫu xét nghiệm tại ổ dịch Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
EVN giảm tiền điện do dịch bệnh COVID-19
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức triển khai thực hiện giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch.
Theo đó, số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng, bao gồm 100% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, tương ứng 26,6 triệu hộ gia đình đều được giảm 10% giá điện của 4 bậc thang đầu. Ngoài ra, còn có hơn 2 triệu khách hàng sản xuất, kinh doanh cũng được giảm 10% giá bán lẻ điện. Các khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng điều kiện của Luật Du lịch năm 2017 còn được chuyển đổi từ giá kinh doanh sang giá sản xuất. Các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị dịch COVID-19 và các khu cách ly tập trung cũng được miễn, giảm tiền điện trong thời gian 3 tháng.
Hà Giang phong tỏa thôn Pín Tủng, cách ly BV Đa khoa Đồng Văn
Ngay sau khi nhận được thông báo về trường hợp bệnh nhân số 268 (BN268) là người dân tộc Mông thường trú tại thôn Pín Tủng (xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) mắc bệnh COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã tiến hành phong tỏa thôn Pín Tủng, đồng thời cách ly Phòng khám Đa khoa Phó Bảng và Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.
Hiện bệnh nhân số 268 đang được theo dõi, điều trị tại Khu cách ly Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang, bệnh nhân số 268 xuất hiện triệu chứng khó thở từ hai ngày nay.
3 quốc gia Đông Nam Á có trên 5.000 ca nhiễm Covid-19
Tính đến ngày 16/4, tại khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia có số người nhiễm virus SARS-COV-2 ở mức trên 5.000 ca, trong đó nhiều nhất là Philippines với 5.660 ca nhiễm. Theo ngay sau đó là Indonesia với việc xác nhận thêm 380 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 16/4, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 5.516 người. Cũng trong ngày 16/4, Malaysia đã ghi nhận thêm 110 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 5.182 người.
Hàn Quốc bổ sung hơn 6 tỷ USD hỗ trợ người dân ứng phó dịch COVID-19
Bộ Tài chính Hàn Quốc đã công bố ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 7.600 tỷ won (6,3 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình ở nước này vượt qua những khó khăn kinh tế do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cùng với ngân sách từ các chính quyền địa phương, Chính phủ nước này sẽ chi tổng cộng 9.700 tỷ won cho gói cứu trợ một lần dành cho 14,78 triệu hộ gia đình, chiếm khoảng 50% số hộ gia đình trên toàn quốc.
Theo đó, mỗi hộ gia đình có từ 4 người trở lên thuộc nhóm 70% có thu nhập thấp sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp 1 triệu won (tương đương 817 USD). Mức trợ cấp dành cho các hộ gia đình có 1 người, 2 người và 3 người trong nhóm này lần lượt là 400.000 won, 600.000 won và 800.000 won. Hình thức trợ cấp là phiếu mua hàng và phiếu quà tặng.
Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc do dịch COVID-19
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Chính quyền các tỉnh, thành sẽ có quyền yêu cầu các trường học và nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho đến hết kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, tức là ngày 6/5 tới. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp toàn quốc về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản.
Australia duy trì biện pháp giãn cách xã hội thêm ít nhất 4 tuần
Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định nước này sẽ duy trì các biện pháp hạn chế ít nhất thêm 4 tuần nữa để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dù có nhiều dấu hiệu cho thấy đà lây lan của dịch bệnh đã chậm lại.
Ông Morrison cho biết thêm trong tháng 5 tới, Australia sẽ mở rộng quy mô xét nghiệm, tăng năng lực theo dõi quá trình tiếp xúc của các ca bệnh COVID-19 và lên kế hoạch đối phó với các ổ dịch mới.
Ca nhiễm COVID-19 tại các nước Trung Đông và châu Phi tăng mạnh
Dịch bệnh COVID-19 hiện đã lây lan sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi ngày trôi qua, các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi lại ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc mới.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4 cho biết trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 4.801 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 74.193 ca, trong khi số ca tử vong tăng 125 ca lên 1.643 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Saudi Arabia xác nhận thêm 518 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 4 ca tử vong do COVID-19 ở nước này. Tình hình dịch Covid-19 tại Trung Đông liên tụng tăng nhanh khi các ca mắc mới tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Israel và Palestine lần lượt là: 460 ca, 392 ca, 257 ca và 376 ca.
Trong khi đó tại châu Phi, giới chức y tế Algeria cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 108 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại đây lên lần lượt là 2.268 ca và 336 ca. Tại Ai Cập, Bộ Y tế nước này cũng thông báo 155 ca mới mắc COVID-19 và thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở Ai Cập lên 2.505 ca và số ca tử vong lên 183 ca.
Châu Âu vẫn là "tâm bão"
Với việc ghi nhận tổng cộng 90.180 ca tử vong do nhiễm virus corona trong tổng cộng khoảng 1.047.279 người mắc bệnh, châu Âu đã trở thành lục địa chịu tàn phá nặng nề nhất của dịch Covid-19 trên toàn thế giới tính đến thời điểm này.
Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới với số ca tử vong ghi nhận đến ngày 16/4 lên tới 19.130 người. Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 551 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 và 5.183 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 182.816 ca. Tuy nhiên, Italy vẫn đang có những dấu hiệu hạ nhiệt với 165.155 ca mắc COVID-19, trong đó có 21.645 ca tử vong, đứng trên Pháp - quốc gia có lần lượt số ca nhiễm và ca tử vong là 147.863 và 17.187; Đức lần lượt là 135.549 và 3.850; Anh là 103.093 và 13.729.
Nga cũng ghi nhận thêm 3.448 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 27.938 người. Trung tâm ứng phó với khủng hoảng COVID-19 của Nga cho biết, có 34 bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh - Matt Hancock đã tuyên bố: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Anh đã bắt đầu đạt đỉnh và khẳng định vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh phong tỏa nếu Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu - Hans Kluge nhấn mạnh rằng châu Âu vẫn đang là "tâm bão" của dịch bệnh khi số ca nhiễm trên toàn châu lục tiếp tục tăng. Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm ở châu Âu đã tăng gần gấp đôi, sắp chạm ngưỡng 1 triệu người.
Anh mở cửa bệnh viện dã chiến thứ hai
Vương quốc Anh đã khai trương bệnh viện dã chiến tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại trung tâm triển lãm của thành phố Birmingham. Bệnh viện Nightingale thuộc Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), với 500 giường bệnh và có thể tăng lên tới 1.500 giường, đã được lập ngay bên trong Trung tâm triển lãm quốc gia (NEC) trong vẻn vẹn 8 ngày.
Đây là bệnh viện dã chiến thứ hai trong số 7 mô hình bệnh viện dã chiến đang được lập trên khắp nước Anh để đối phó với đại dịch COVID-19. Trước đó, bệnh viện dã chiến đầu tiên với 4.000 giường được lập trong 9 ngày tại Trung tâm triển lãm ExCel ở London đã đi vào hoạt động vào ngày 5/4 vừa qua.
Italy thận trọng nới lỏng lệnh phong tỏa
Ngày 14/4, Italy đã thận trọng nới lỏng phong tỏa đối với một số lĩnh vực kinh tế như các cửa hàng bán sách và đồ văn phòng phẩm, các cửa hàng quần áo của trẻ em và các cửa hàng sửa chữa đồ điện.
Việc từng bước nối lại hoạt động của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch được chính phủ nước này gọi là "Giai đoạn hai," theo đó từng bước nối lại hoạt động kinh tế trong khi tái tổ chức các nơi công cộng để bảo vệ tốt hơn, như tiếp tục yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang và găng tay ở nơi công cộng. Chính phủ dự kiến sẽ dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 3/5 tới.
Mỹ ghi nhận thêm gần 30.000 ca mắc bệnh COVID-19 mới
Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số người mắc bệnh và tử vong do dịch bệnh COVID-19. Tính đến sáng 17/4, Mỹ đã ghi nhận thêm 29.053 ca mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 677.056. Nước này cũng ghi nhận 34.580 người tử vong, tăng 2.137 trường hợp.
Tại bang California, chính quyền đã cho phép các nhân viên trong ngành thực phẩm, vốn đóng vai trò thiết yếu trong thời kỳ dịch bệnh, được nhận tiền nghỉ ốm thêm 2 tuần nếu bị ảnh hưởng bởi virus hoặc lệnh cách ly.
New York kéo dài lệnh phong tỏa do dịch bệnh COVID-19
Thống đốc Andrew Cuomo, ngày 16/4, đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tại bang New York đến ngày 15/5, mặc dù số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua đang ở mức thấp nhất trong 10 ngày liên tục. Số ca tử vong tại bang New York trong ngày 16/4 là 606 trường hợp, ít hơn 146 ca so với một ngày trước đó.
Ông Cuomo cho rằng số ca mắc bệnh phải giảm nhiều hơn nữa thì mới có thể nới lỏng lệnh phong tỏa. Như vậy, đã có 7 bang ở khu vực đông bắc nước Mỹ tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa.
Mexico kéo dài thời gian giãn cách xã hội tới hết tháng 5
Chính phủ Mexico đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội tới ngày 30/5. Thứ trưởng Y tế Mexico - Hugo Lopez-Gatell - cho biết mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương không giống nhau. Cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết, tránh di chuyển tới các khu vực có tỉ lệ lây nhiễm cao như thủ đô Mexico City, bang Estado de Mexico và bang Puebla.
Trước đó, ngày 30/3, Chính phủ Mexico đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia. Cơ quan y tế dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra từ ngày 8-10/5 tới và có thể kết thúc chu kỳ đầu tiên của dịch vào cuối tháng 6/2020, khi 95% các ca bệnh được xác định.
Saudi Arabia phân bổ 500 triệu USD cho quốc tế chống Covid-19
Saudi Arabia vừa tuyên bố phân bổ 500 triệu USD cho các tổ chức quốc tế để ứng phó với đại dịch Covid-19. Nguồn ngân sách này sẽ hỗ trợ các nỗ lực chống dịch Covid-19 bao gồm cả nỗ lực nghiên cứu vaccine chống lại căn bệnh này. Sự quyên góp này được thực hiện theo cam kết khi Ả-rập Xê-út giữ chức chủ tịch G20 trong năm nay.
Theo đó, Ả-rập Xê-út sẽ phân bổ 150 triệu USD cho "Liên minh đổi mới phòng chống dịch bệnh", 150 triệu USD cho Liên minh nghiên cứu vaccine và tiêm chủng toàn cầu và 200 triệu USD cho các tổ chức và chương trình quốc tế khác.