Chuyến phà từ Langkawi sang đảo Penang trong 20 phút nhanh chóng cập bến đưa chúng tôi đến với hòn đảo nổi tiếng của đất nước Malaysia. Trong cái nắng như thiêu đốt của vùng khí hậu gần xích đạo, chiếc xe buýt đưa khách về George Town – khu thị trấn cổ trong phố. Phòng trọ taị thành phố này khá rẻ và đa phần nằm trong khu vực phố Tàu. Bạn chỉ cần bỏ ra 5000VND để đi xe buýt và nhớ nhắc địa chỉ cho tài xế lái xe để họ gọi khi đến nơi cần đến.

By: Lam Linh

Khu phố người Hoa nhộn nhịp những cửa hàng ăn và hàng lưu niệm kéo dài đến cuối phố. Cách vài ba ngôi nhà lại có một Hội Quán với lối kiến trúc lạ mắt. Hội quán Quảng Đông nằm sát cạnh nhà nghỉ, cửa khép hờ vì giờ đang là buổi trưa. Hội quán Phúc Kiến vẫn còn có đến 5 tòa nhà đang tọa lạc rải rác khắp Penang từ thế kỉ 19 đến nay. Con phố nhỏ sạch sẽ với những ngôi nhà dài được gọi là kongsi, bạn sẽ nhận thấy có chút giống với Hội An và cả phố cổ Hà Nội của Việt Nam.

Một người bạn nước ngoài đi cùng chuyến ô tô tỏ ý ngạc nhiên khi thấy chúng tôi chọn điểm đến là Penang và Melaca. Theo lời anh thì hai nơi này khá giống nhau vì đều là thành phố của những nền văn hóa đa dạng mà trong đó người Hoa và người Ấn chiếm đa số. Nhiều người lựa chọn Melaca là nơi dừng chân vì gần thủ đô Kuala Lumpua hơn với phương tiện đi lại dễ dàng bằng ô tô trong 2 tiếng đồng hồ. Trong những trang sách mà chúng tôi cóp nhặt được lẻ tẻ trên mạng và sách vở, Penang được coi là thành phố lãng mạn nhất nhì Đông Nam Á với đủ biển, rừng và những nền văn hóa đa dạng.

Những người bán hàng nói chuyện với chúng tôi bằng đủ các thứ ngôn ngữ. Người Hoa có thể trò chuyện bằng tiếng Anh, tiếng Mã và người Ấn Độ cũng vậy. Thành ra thứ tiếng bồi bập bõm nửa Anh nửa Tàu của tôi cũng có thể sử dụng được. Dễ dàng nhận ra khu phố Hoa và Ấn vì những cửa tiệm bày bán và hàng chữ bên ngoài tiệm, thậm chí cả mùi thức ăn. Trong khi đi qua khu phố Hoa thơm mùi xì dầu, mùi canh gà thì sộc ngay vào khứu giác người đi đường là mùi cari cay, mùi hồi và quế rất nồng của những tiệm ăn Ấn Độ.

Trong lúc chúng tôi lần tìm đường đến lâu đài Cheong Fatt Tze – một công trình kiến trúc đã được Unesco công nhận vào năm 2000, lâu đài có từ thế kỉ 18 thì những con đường dọc ngang đã đưa chúng tôi ghé qua ngôi nhà thờ Hồi giáo nằm ngay góc phố. Ngôi nhà thờ này do người Ấn Độ theo đạo Hồi xây dựng với khuôn viên rộng và rất đẹp, tráng lệ chiếm hai mặt phố lớn. Giờ đang là buổi cầu kinh nên chúng tôi không được phép vào bên trong. Nhân viên nhà thờ vui vẻ cho chúng tôi tham quan xung quanh khu vực nhà thờ phía ngoài và báo 9h sáng mai các bạn có thể quay lại để tham quan bên trong. Khu vực gây thích thú cho tôi nhất là khu rửa chân nằm bên cạnh mà phụ nữ không được phép rửa chân tại đây. Khu rửa chân này được xây gạch tráng men, bệ rửa và vòi phun nước rất cầu kì. Bể nước hình chữ nhật ở giữa, xung quanh là hành lang và các vòi nước mà những người đàn ông trước khi vào nhà thờ sẽ rửa chân trước khi vào điện thờ. Cách đó không xa cũng có một nhà thờ Hồi giáo, nhưng ở đây lại cho phép người dân đến lấy nước trong bể và thậm chí lũ trẻ còn được nô đùa và tắm mát tại đây. Nhà thờ này nhỏ và không đẹp bằng nhà thờ Kapitan Keling mà chúng tôi đến nhưng thân thiện và thoải mái hơn. Chúng tôi ngồi lại bên bậc thềm của nhà thờ, ngắm nhìn những cô bé cậu bé người Malaysia đen giòn với đôi mắt to và cái dáng cao dong dỏng đến xếp hàng lấy nước. Các cô bé Malay ngoái lại nhìn đám khách hiếu kì và nhoẻn nụ cười rất tươi khi thấy chúng tôi vẫy tay chào. Phụ nữ đạo Hồi có phần e thẹn hơn, họ lấy tay che mặt khi thấy những ống kính chĩa về phía mình. Khi chúng tôi vào tham quan các nhà thờ Hồi giáo khác cũng được yêu cầu quàng khăn và mặc áo trùng dài quá gót chân. Chiếc áo chùng này khá nóng bức và vướng víu khiến mọi người thắc mắc không hiểu phụ nữ tại đây phải mặc như thế nào để không bị vã mồ hôi trong chiếc áo trùng dài đến vậy.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

“Chuẩn bị một đôi giày tốt, một chiếc mũ rộng vành tránh nắng, quần áo không quá ngắn và sức khỏe để lang thang vì có thể sẽ đi từ sáng đến tận tối khuya mà chưa đi hết những nơi muốn đi, thậm chí chưa muốn về...” những dòng ghi chú đưa cho cả nhóm đã ghi như vậy thay cho lời giới thiệu về Penang. Và quả thật khi nhìn những điểm tham quan được đánh dấu chi chít trên tấm bản đồ mà chúng tôi lấy tại sân bay, tôi nghĩ không biết mình có thể đi hết được hay không. Lựa chọn những điểm nổi bật nhất để tham quan là cả một vấn đề vì theo những gì được hướng dẫn thì vài chục điểm trong cái thị trấn bé xíu này đều đã có từ thế kỉ 18 với kiến trúc mang đậm nét văn hóa từng quốc gia.

Ấn tượng của khu tiếu Ấn bắt đầu từ ngôi đền Hindu Sri Maha Mariamman khi chúng tôi tình cờ được tham dự một lễ cầu nguyện dành riêng cho phụ nữ được diễn ra vào chiều thứ 3 hàng tuần. Trong một góc của ngôi đền, các tín đồ đang hát một điệu nhạc cầu nguyện mà chúng tôi không hiểu rõ. Từ cửa vào đền cho đến bên trong được chạm khắc hình ảnh các vị thần nam, vị thần nữ và các con vật linh thiêng trong Ấn Độ giáo. Khác với Phật giáo đã quen thuộc với chúng tôi, Ấn Độ giáo vẫn còn rất xa lạ với những vị khách hiếu kì và những vị thần được chạm khắc với nét mặt rất xinh đẹp trên tường gây cho chúng tôi sự tò mò. Những người phụ nữ Ấn Độ khoác những chiếc saree đủ màu sắc. Bị hấp dẫn bởi kiểu áo này, chúng tôi đã tìm mua để mặc vào những ngày sau đó. Những cửa hàng bán vải và khăn đủ màu sắc suốt dọc các con phố. Một chiếc áo saree thông thường khoảng 70 RM, nhưng cũng có những chiếc áo đơn giản với giá chỉ 10 RM. Trong lúc chúng tôi bị những cửa tiệm hàng lưu niệm và vòng tay cuốn hút thì các anh bạn đi cùng dừng chân trong một tiệm đĩa nhạc. Cửa tiệm này nằm ngay góc phố, tiếng nhạc phát ra từ chiếc lao để ngoài cửa rộn ràng bước chân người qua lại, khiến ai đi qua cũng cảm giác đôi chân muốn nhảy múa. Trên kệ đĩa bày đủ cả những ngôi sao thịnh hành nhất của Ấn Độ lần những đĩa nhạc bất hủ và phim ảnh. Tôi hỏi đĩa phim “Truyền thuyết tình yêu”, một bộ phim Ấn Độ rất hay mà tôi được xem từ nhỏ nhưng không có, đành bằng lòng với đĩa nhạc Những ca khúc bất hủ nhất của Ấn Độ.

Mùi thơm của cari trong quán ăn ven đường thơm ngào ngạt. Không thể bỏ qua những món ăn đậm chất Ấn, chúng tôi lạc vào con đường của những tiệm ăn, những quầy bán dạo vỉa hè và hoa quả. Anh bồi bàn với thứ tiếng Anh bồi khó nghe vui vẻ hướng dẫn chúng tôi cách ăn cơm bằng tay với những món ăn đặc trưng của Ấn Độ ra sao. Món ăn với mùi quế và hồi rất nồng này không phải ai cũng thấy ngon. Lạ miệng và thích thú với cơm trộn cari cay và phải ăn làm sao để cơm và nước sốt không rơi vãi ra ngoài. Những ngón tay bốc cơm được mút cho đến khi sạch trơn. Ăn thật khéo và không bị rơi vãi không đơn giản. Những phần cơm rơi lả tả và rời rạc khi đưa lên miệng, Người thì ngửa hẳn lên trời, kẻ cho từng nhúm nhỏ vào miệng với những cái mũi lấm tấm mồ hôi vì nóng.Vị cay và nóng của cari và hoa hồi tiêu tốn khá nhiều nước lọc giải nhiệt. Theo phong tục của người Ấn bạn nên ăn và trả tiền bằng tay phải vì tay trái được cho là không sạch sẽ. Thế nhưng đường phố lại chạy làn đường tay lái nghịch theo cách thức giao thông của người Anh. Điều này dẫn đến nhiều tình huống bi hài của chúng tôi trong việc sang đường hay đợi xe vì liên tục bị nhầm lẫn phương hướng trong suốt cuộc hành trình.

Khu Tiểu Ấn khiến chúng tôi lang thang cả ngày không chán vì rất nhiều gian hàng, đền thờ và những điều hay ho lạ mắt. Một cửa hàng săm vẽ cơ thể có chương trình giảm giá. Giống như nghệ thuật săm tay của những người Maroc, nhưng những bức vẽ này dùng màu tô và giữ được màu trong khoảng 15 ngày. Chúng tôi mỗi người kiếm một hình đáng yêu nào đó để vẽ chơi. Người thì là sợi dây xích trên cánh tay, người hình con bướm nhỏ dưới chân hay hình một dây hoa nhỏ trên mu bàn tay. Trong lúc đợi những người sau vẽ, tôi ghé thăm một ngôi chùa gần sát cửa hàng. Một đàn bồ câu đang đậu kín trong sân chùa vội vàng vỗ cánh khi nghe tiếng động. Ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Penang này có vẻ ngoài gần gũi với những người Việt Nam hơn. Gian điện thờ nghi ngút khói hương, tiếng lầm rầm khấn vái, tiếng mõ, tiếng thỉnh chuông và mùi trầm hương. Số người Hoa chiếm tỉ lệ lớn dân số trên hòn đảo này nên cũng dễ hiểu việc cứ đi cách vài bước chân lại gặp một ngôi chùa hay hội quán và mỗi nơi lại tạo một ấn tượng riêng biệt. Khoo Kongsi, từ đường của dòng họ Loeng cực kì lộng lẫy, xa hoa và phú quý bậc nhất, cũng là nơi được chọn làm bối cảnh chính trong bộ phim “Anna và nhà vua” do Châu Nhuận Phát và Jodie Foster thủ diễn. Kek Lok Si lại là sự pha trộn của ba nền văn hóa Trung Quốc, Thái Lan và Burma với đủ cầu đá, tượng Phật, tháp xá lị 7 tầng trên một phạm vi đất đai rộng lớn.

Penang thức dậy vào 10 sáng và đi ngủ vào lúc 2h đêm. Những nền văn hóa vừa khác biệt nhưng lại gần gũi giao thoa trên những ngả phố và trên khuôn mặt rạng rỡ của những người chủ nhà mến khách. Cho dù là người Hoa, người Malay hay người Ấn Độ...nụ cười ấm áp thân thiện khiến bạn có cảm giác thân quen. Mỗi ngày, thành phố hiện đại và năng động lại thay đổi nhưng không làm mất đi vẻ duyên dáng và quyến rũ cùng nét lịch sử lâu đời của thị trấn cổ. Và mỗi ngày lại có những vị khách mới háo hức đến với Penang để lại bắt đầu những ấn tượng khó phai về thành phố hấp dẫn này.

Selamat detang ke Penang – Wellcome to Penang.

Thông tin thêm:

Đảo Penang rộng 1000km2 và khoảng 2 triệu dân chủ yếu là người Hoa, người Ấn Độ, Malaysia, Indonexia và Thái Lan với 4 tín ngưỡng chính: Đạo Phật, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo.

Các điểm tham quan không nên bỏ qua tại Penang:

  • Nhà thờ Hồi giáo Kapitan Keling, ngôi đền thờ rất đẹp do người Ấn Độ theo Đạo Hồi xây dựng vào năm 1801 và đã sửa lại để có hình dáng ngày hôm nay vào năm 1930.
  • Kek Lok Si, ngôi chùa được pha trộn bởi nền văn hóa Trung Quốc, Thái Lan và Burma.
  • Chùa Quan Âm, một trong những công trình ghi dấu ấn người Phúc Kiến tại Penang được xây dựng từ năm 1800.
  • Đền Sri Maha Mariamman, ngôi đền Hindu cổ nhất của Malayxia với hơn 40 pho tượng thần Hindu, nữ thần và những con vật thiêng. Quý giá nhất là thần Lord Subramaniam – vị thần được tôn kính nhất trong đạo Hindu được làm bằng vàng, kim cương và đá quý.
  • Wat Chayamangkalaram, một ngôi chùa Phật Giáo của người Thái Lan với bức tượng Phật nằm lớn thứ 3 thế giới.
  • Lâu đài Cheong Fatt Tze – công trình kiến trúc được Unesco công nhận vào năm 2000, lâu đài có từ thế kỉ 18 chỉ mở cửa duy nhất lúc 11h trưa và 3h chiều trong ngày.
  • Pháo đài Cornwallis với những khẩu đại bác mang niềm tự hào của người Anh, ngắm xuống bãi biển Batu Ferrnghi nhộn nhịp.
RELATED ARTICLES