1. Tìm hiểu thông tin
Thông tin là điều tối quan trọng cho mỗi du khách, đặc biệt là du khách chuẩn bị cho một chuyến độc hành. Không chỉ cần thông tin về vé máy bay, điểm đến hay khách sạn, bạn còn phải tìm hiểu kỹ càng về việc di chuyển giữa địa điểm này tới địa điểm kia, loại hình di chuyển thế nào cho hợp lý, lúc nào nên book vé máy bay và lúc nào nên đi tàu hoặc xe hay điều kiện thời tiết như thế nào để chuẩn bị trang phục cho phù hợp. Những thông tin về ẩm thực cũng quan trọng không kém bởi không phải nơi nào cũng có đủ các món ăn hợp khẩu vị của bạn, đặc biệt nếu bạn là người kén ăn. Và đừng quên tìm hiểu văn hóa địa phương để tránh gặp những rắc rối không đáng có do khác biệt văn hóa.
Những website du lịch đáng tin cậy, các bài viết của các bloggers du lịch, đặc biệt là các bloggers du lịch nước ngoài, cuốn sách hướng dẫn du lịch tuyệt vời Lonely Planet là những nguồn để bạn tìm kiếm thông tin cho chuyến đi của mình. Bạn cũng có thể tìm hiểu thông tin và đừng ngại đặt câu hỏi trong các group du lịch trong và ngoài nước, hiệu quả đạt được sẽ làm bạn vui mừng và tự tin rất nhiều.
2. Lên kế hoạch chuyến đi
Với những thông tin đã thu thập được, hãy vẽ cho mình một kế hoạch càng chi tiết càng tốt cho cả hành trình. Tuỳ vào kỳ nghỉ của bạn dài hay ngắn, địa điểm bạn muốn đến, sở thích khám phá của bạn là nghỉ dưỡng hay khám phá thiên nhiên hay văn hóa, lối sống…, bạn nên có cho mình trước một quyết định về khoảng thời gian bạn muốn đi trong bao lâu, từ đó lên kế hoạch về địa điểm, hành trình, thời gian lưu trú tại mỗi địa điểm.
Nếu chuyến đi ngắn hơn một tuần, bạn nên đặt trước tất cả mọi thứ, từ vé máy bay, phòng khách sạn hay tàu xe, còn nếu bạn đi trên một tuần thì có thể linh hoạt với kế hoạch của mình. Nếu bạn dành nhiều ngày tại một điểm đến, bạn có thể đặt trước khách sạn từ 1- 2 đêm. Khi đã ổn định tại địa điểm đó, bạn hoàn toàn có thể nghĩ tới phương án thay đổi sao cho hợp lý.
3. Chuẩn bị hành trang
Khác với hành trình cùng đội nhóm, du lịch một mình khiến bạn phải độc lập trong suốt chuyến đi và trong mọi tình huống, nhất là vấn đề an toàn cho bản thân. Vì thế mà việc chuẩn bị hành trang càng phải chu đáo đến mức hoàn mỹ.
Những vật dụng đảm bảo an toàn đồ đạc và bảo hiểm cá nhân cần được chuẩn bị sẵn sàng. Photo nhiều bản các giấy tờ cá nhân như hộ chiếu, visa, bảo hiểm du lịch và cất ở nhiều nơi khác nhau. Đại sứ quán sẽ cần những giấy tờ đó để xác minh thông tin nếu bạn có rủi ro mất hộ chiếu. Tải xuống điện thoại bản đồ offline để dùng khi cần. Nên chuẩn bị thẻ visa để có thể rút tiền mặt tại nước ngoài nếu bạn đi du lịch dài ngày và một số tiền mặt (USD hoặc EUR) vừa phải phòng trường hợp cần thiết.
Nên mang đủ đồ sơ cứu y tế và các loại thuốc cho bệnh thường gặp như thuốc tiêu chảy, hạ sốt, giảm đau cho những trường hợp cần thiết. Ở nhiều nước, bạn chỉ có thể mua thuốc nếu có đơn do bác sĩ kê hoặc ở một số vùng xa xôi, hẻo lánh sẽ khó tìm được tiệm thuốc.
Cho dù bạn là người dễ ăn thì cũng đừng quên chuẩn bị đồ ăn dự phòng. Ưu tiên các loại thực phẩm khô, ăn liền nhưng bạn cũng cần chú ý tuân theo quy định về việc mang thực phẩm quá cảnh ở nước bạn muốn đến.
Về trang phục, bạn không nên mang đồ đạc quá lỉnh kỉnh khi đi một mình. Chuẩn bị đồ khô, nhẹ vừa phải. Chỉ nên mang 5 - 6 bộ trang phục nếu bạn du lịch nhiều hơn một tuần, vì khoảng thời gian còn lại đủ để bạn có thể làm sạch tại các trung tâm giặt là. Ba lô tiện dụng là thứ không thể thiếu cho bất kỳ chuyến đi nào, dù dài hay ngắn.
4. Trên đường thiên lý
Khi bước vào chuyến đi thực tế rồi, sẽ có rất nhiều thứ khác xa với kế hoạch nên hãy chuẩn bị tâm lý cho những điều đó, nhất là đối với những bạn lần đầu độc hành.
Hai thứ quan trọng đầu tiên trong một chuyến đi nước ngoài là Internet và tiền bạc. Vì thế, hãy kiếm cho mình một chiếc simcard có thể truy cập Internet hoặc mang theo cục phát wifi di động và đổi tiền ngay ngày đầu tiên tới đất nước đó. Ở một số nước, bạn có thể đổi tiền ngay tại sân bay.
Chú ý tuân thủ những tập tục địa phương để tránh bị sốc văn hóa. Ví dụ, khi tới một số quốc gia Hồi giáo nghiêm ngặt, phụ nữ không nên mặc váy và nên có mạng che mặt.
Nếu bạn đi nước ngoài, nên học trước một số câu giao tiếp cơ bản bản ngữ như “cảm ơn” hoặc “xin chào” để có thể lấy ấn tượng ban đầu với người bản địa, họ sẽ dễ giúp đỡ bạn hơn. Đừng ngần ngại tiếp xúc và nói chuyện với người dân - đó là cách tuyệt vời để vượt qua nỗi cô đơn khi đi du lịch một mình và cũng là cách tìm hiểu văn hóa địa phương.
Luôn luôn tích cực, linh hoạt và mở rộng lòng, mở rộng tâm trí bởi du lịch một mình là cơ hội tuyệt vời để bạn tách biệt khỏi những người bạn thân thuộc, tự kiếm cho mình những câu chuyện và trải nghiệm riêng. Dù bạn có chuẩn bị sai một vài thứ, không sao cả, bạn có thể thay đổi kế hoạch cho phù hợp. Ví dụ, nếu thời tiết xấu, bạn có thể đi bảo tàng hoặc tham gia các hoạt động trong nhà khác thay vì ra bãi biển hay đi leo núi.
Chúc bạn có những chuyến du lịch một mình thú vị!