5 món súp 'phải thử' khi đông về

13/11/2017

Vào những ngày đông lạnh giá, thực khách sẽ ưu tiên lựa chọn các món canh, súp nóng để cân bằng năng lượng cho cơ thể. Travellive gợi ý 5 món canh, súp bổ dưỡng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và Pháp.

 

Seolleongtang bổ dưỡng cho mùa đông xứ Hàn

Thường xuyên có mặt trong bữa cơm của người Hàn Quốc vào mùa đông, Seolleongtang (canh xương bò hầm) không cầu kỳ ở các loại nguyên liệu. Chỉ với thịt bò cùng các loại rau củ như su hào, củ cải, bắp cải, cải thảo, giá đỗ, song khâu chế biến nước dùng thực lắm công phu. Khi nấu, người ta lấy xương ống bò ngâm nước một tiếng, luộc qua, rồi hầm kỹ ở lửa vừa vài giờ đồng hồ. Trong quá trình này, phải luôn lưu ý hớt bỏ bọt liên tục cho đến khi nước dùng có màu trắng sữa, sau đó thêm thịt bò vào đun tiếp, rồi cho hành tây, tỏi, gừng, hành lá, ninh thêm một giờ. Cuối cùng chờ nước dùng nguội, vớt hết bọt và váng mỡ, lọc bỏ hết bã để thu được thành phẩm là nước cốt hầm ngọt thanh và hoàn toàn không ngấy. Tiếp tục đem đun sôi nước hầm 10 phút, sau đó thêm gia vị theo ý muốn để tạo nên món canh chuẩn vị.

 

 

Canh xương bò hầm sẽ được trộn cùng với mỳ gạo, đôi khi là cả với cơm, ăn kèm với kim chi làm từ củ cải, tạo nên món ăn bổ dưỡng đủ đầy chất đạm, tinh bột, rau củ. Chừng ấy là đủ cho ngày đông giá lạnh. Tới nay, Seolleongtang vẫn luôn là món ăn hấp dẫn du khách quốc tế khi đến Hàn Quốc.

 

Hương vị mới mẻ từ Tonjiru của người Nhật

Dù là món súp nhưng Tonjiru lại được xem như món canh, được người Nhật dùng như một món chính cùng với cơm trong các bữa ăn, đặc biệt vào những ngày trời trở lạnh.

 

 

Tonjiru được chế biến từ thịt heo thái lát mỏng trong nước dùng dashi truyền thống từ rong biển, củ cải trắng, cà rốt, hành lá, đậu phụ, nấm, khoai tây. Đặc biệt, khi thưởng thức, bạn sẽ thấy hương vị mới mẻ, rất lạ, đó chính là rễ cây ngưu bàng, rất giàu dinh dưỡng bên cạnh vị ngọt thanh của rong biển.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Tom Yum Goong - Chua cay chuẩn vị Thái

Dù là súp hay canh thì Tom Yum Goong đã chinh phục bao nhiêu tín đồ ẩm thực khi đến Thái Lan bởi vị chua chua, cay cay, thơm ngọt. Tom Yum Goong bắt nguồn từ tiếng Thái, "tom" nghĩa là nấu, "yum" là loại gia vị chua cay, “goong” là tôm, kết hợp lại gọi là canh tôm chua cay.

 

 

Như chính tên gọi, bạn có thể đoán ra ngay nguyên liệu chính của món canh này là tôm và nấm. Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến các gia vị làm nên hương vị đặc trưng của ẩm thực Thái nói chung và Tom Yum Goong nói riêng, như: sả, riềng non, chanh, lá chanh Thái, ớt tươi, rau thơm, cà chua, nước cốt dừa, mắm Thái, đường, muối hạt nêm. Món canh chỉ thực sự ngon khi nguyên liệu chính là tôm phải thật tươi ngon, những loại lá rau thơm được sử dụng với định lượng vừa phải.

Tại mỗi nhà hàng hay ở mỗi địa phương sẽ có bí quyết gia giảm gia vị khác nhau, tuy nhiên vẫn không thể thiếu chanh Thái, sả và riềng. Một vài nơi còn cho thêm nước cốt dừa để nước dùng ngọt, sánh hơn, làm dịu đi vị cay nóng. Tom Yum Goong được dùng nóng với cơm hoặc bạn có thể thưởng thức riêng như một món canh súp.

 

Bak Kut Teh – Bí quyết từ thảo mộc

Canh sườn Bak Kut Teh (canh sườn heo) có nguồn gốc từ thế kỷ 19, do những công nhân người Hoa từ các tỉnh Quảng Đông và Tứ Xuyên mang đến đảo quốc Singapore. Thoạt nhìn, thực khách sẽ chỉ thấy sườn heo được hầm trong một thứ nước dùng khá đơn điệu, song sự bất ngờ mà món ăn mang lại chính bởi bí quyết sử dụng thảo mộc và gia vị, từ đinh hương, quế, hồi, thì là và rau mùi.

 

 

Thông thường có hai kiểu chế biến Bak Kut Teh, một là súp sẫm màu với nhiều hương liệu và gia vị, hai là súp trong với ít thảo mộc hơn và nêm nếm thêm chút hạt tiêu. Một bát canh Bak Kut Teh thường được phục vụ kèm với sườn heo, rau xanh và tàu hũ ky om. Đây là món ăn được người Singapore yêu thích, dùng vào bữa điểm tâm sáng cùng với cơm, bún hoặc giò cháo quẩy.

 

Bouillabaisse - Bản tình ca của biển Marseille

Nhắc đến Pháp, người ta thường nghĩ ngay đến rượu vang, gan ngỗng, phô mai. Song, ít ai biết đến món súp cũng được người Pháp ưa chuộng, hội tụ đủ hương vị của biển cả, đó chính là Bouillabaisse bắt nguồn từ thành phố biển Marseille ở miền Nam nước Pháp.

Ban đầu, Bouillabaisse là món ăn quen thuộc của những người ngư dân trong vùng. Sau khi đánh bắt hết cá, tôm, họ giữ lại một ít hải sản cho bữa ăn gia đình vào buổi tối. Càng về sau, món ăn ngày càng được ưa chuộng và có mặt tại nhiều nhà hàng cao cấp trong thành phố với thành phần nguyên liệu và cách chế biến có phần cầu kỳ, phức tạp hơn.

 

 

Một tô súp Bouillabaisse nóng hổi, hấp dẫn bởi miếng cá bùi thơm, ánh màu xanh của những con vẹm căng tròn, màu đỏ tươi rói của tôm, lấp ló đâu đó là những chiếc tua mực cong ấn tượng. Điểm đặc biệt của Bouillabaisse nằm ở hương vị hải sản từ cá, vẹm, tôm, mực mà không hề bị tanh, nhờ có safran (nhụy hoa nghệ tây) giúp khử mùi, tạo hương thơm và giúp tạo màu vàng óng cho nước dùng.

Bên cạnh đó là vị hắc ngọt của hạt fennel (thì là tây), vị chua dịu của cả chua, vỏ cam, vị ngọt của củ thì là, làm nên sắc màu riêng cho món súp. Bouillabaisse không thể tròn vị nếu không được thưởng thức cùng với bánh mì bơ tỏi.

 

Bài: Quế Lan. Ảnh: Nhiều nguồn

RELATED ARTICLES