Ghé thăm 5 ngôi chợ nổi tiếng nhất Việt Nam

27/08/2019

Việt Nam có rất nhiều ngôi chợ lâu đời và nổi tiếng. Ghé thăm những khu chợ này, du khách không chỉ có cơ hội mua những món đồ yêu thích, những món quà lưu niệm mà còn được khám phá kiến trúc độc đáo của chợ.

Chợ Đồng Xuân (Hà Nội)

Là một trong những ngôi chợ lớn và xưa nhất ở Hà Nội, chợ Đồng Xuân nằm trong phố cổ ở phường Đồng Xuân, có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn. Ngoài giá trị về mặt lịch sử, chợ Đồng Xuân là địa điểm mua bán sầm uất bậc nhất, tập trung đa dạng nhiều mặt hàng gia dụng, giày dép, vải vóc và quần áo. Không chỉ có hàng hóa, người ta còn biết đến Đồng Xuân như một khu ăn vặt nổi tiếng của Hà thành, là điểm đến quen thuộc của du khách yêu thích ẩm thực truyền thống như: bún riêu ốc, cháo sườn, bún chả kẹp que tre, bún măng mọc tiết...

HN

Chợ Sắt (Hải Phòng)

Chợ Sắt nằm ở quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Chợ nằm ven sông Tam Bạc, vốn là tuyến đường thủy thông thương từ Hải Phòng đi các tỉnh. Chợ được xây dựng ở khu phố nhượng địa từ cuối thế kỷ 19 dưới thời Pháp thuộc, khi đó gọi là chợ Lớn (Grande Marché). Chợ được xây dựng bằng vật liệu chủ yếu là sắt thép nên có tên gọi là chợ Sắt.

Cho Sat

Đến thời bao cấp, đây vẫn còn là một trong những trung tâm buôn bán lớn nhất tại miền Bắc. Vào thời kỳ đó, những người buôn bán trong chợ Sắt được coi là lớp người giàu có và thành đạt về kinh tế của Hải Phòng. Chợ Sắt Hải Phòng là nơi buôn bán hưng vượng, là đầu mối bán sỉ để từ đây, nhiều mặt hàng tỏa đi khắp cả nước. Bất cứ ai đặt chân đến Hải Phòng cũng tranh thủ làm một vòng dạo qua chợ Sắt, không mua gì thì cũng đi ngắm cho mãn nhãn. Chợ Sắt trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của đất Cảng.

Sau sự cố cháy năm 1985 cùng tác động của với cơ chế mới thời mở cửa, ý tưởng đầu tư xây dựng mới chợ Sắt đã nhanh chóng hấp dẫn các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Năm 1992, một dự án trị giá 15 triệu USD do Công ty Liên danh Hữu hạn Hải Thành làm chủ đầu tư được nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Chợ cũ được phá đi và liên doanh xây lại với 2.000 gian hàng có tổng diện tích sử dụng gần 40.000 m² trên diện tích khuôn viên 13.000 m².

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chợ Đông Ba (Huế)

Hình thành năm 1887, chợ Đông Ba vừa là kiến trúc công trình độc đáo, vừa là chứng nhân cho nhiều biến động lịch sử của cố đô Huế.

Đến năm 1987, chợ Đông Ba được đại trùng tu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Đông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ... Ngoài ra ban quản lý chợ còn kiêm nhiệm khu Hoa Viên Chương Dương, các bến bãi đỗ xe... nâng tổng diện tích mặt bằng thuộc chợ lên trên 47.614 m², từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền, một mặt là sông Hương, một mặt là phố chính Trần Hưng Đạo. Trong chợ tập trung hàng ngàn hộ kinh doanh cố định và buôn bán rong. Bình quân mỗi ngày có từ 5.000 đến 7.000 khách đến chợ. Vào những dịp lễ tết, chợ đông hơn, có trên 1,2 vạn người.

Dong Ba

Chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh)

Tại Sài Gòn, không ai không biết chợ Bến Thành. Đây là chợ lâu đời nhất và biểu tượng của thành phố. Hoạt động từ năm 1914 đến nay, ngôi chợ với tuổi đời hơn 100 năm này không chỉ là một thị trường đông đúc, mà còn là một nhân chứng cho lịch sử thăng trầm của thành phố. Nơi này tập trung vào nhiều mặt hàng, từ quần áo, giày dép, hàng dệt, thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, đồ trang sức đến thực phẩm đặc sản.

Ben Thanh

Là một trung tâm thương mại lâu đời, mang đậm giá trị truyền thống nên chợ thu hút rất đông du khách ngoại quốc đến tham quan và mua sắm. Đến đây bạn sẽ bắt gặp đủ mọi ngôn ngữ để trao đổi mua bán. Đêm về, xung quanh chợ Bến Thành tụ họp thành một chợ đêm sầm uất tạo nên một Sài Gòn sôi động đa sắc màu.

Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)

Với địa thế sông ngòi dày đặc và chằng chịt, miền Tây nổi tiếng bởi những khu chợ lênh đênh trên mặt nước, trong đó chợ nổi Ngã Bảy là khu chợ nổi tiếng lâu đời nhất vùng đất Cửu Long. Chợ nổi Ngã Bảy, còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây không chỉ nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.

Nga Bay

Du khách tới đây sẽ nhìn thấy bạt ngàn màu sắc từ trái cây, rau củ cho đến các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, màu ruốc chín của măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng và hàng hóa đó sẽ được treo lơ lửng một cây sào cao gọi là cây bẹo. Tại khu vực ĐBSCL, ngoài Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) còn có rất nhiều chợ nổi lâu đời khác như Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang)...

Thế Phong - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES