50 Ngày Vòng Quanh Đông Nam Á cùng con

13/11/2017

Sau bài viết “Hành trình 60 ngày xuyên Việt cùng con” đã được nhiều độc giả của Travellive bấm “Like”, lần này, ông bố Harry trở lại với chuyến đi xa hơn nhiều. Dĩ nhiên hạt nhân của chuyến đi vẫn là nhân vật bé Ốc, cô con gái bé nhỏ nhưng rất “từng trải” của bố Harry.

 

Hơn một tuần sau ngày trở về từ hành trình 50 ngày vòng quanh Đông Nam Á, bố Harry vẫn trong một trạng thái lâng lâng, ngây ngất vì có quá nhiều thứ tuyệt vời, quá nhiều điều mới lạ, rất nhiều trải nghiệm cùng với bạn Ốc trong cả chuyến đi dài. Gần hai tháng, cả nhà đã đặt chân đến hầu hết những nơi đẹp nhất, thú vị nhất tại các nước trong khu vực, từ lục địa cho đến các hòn đảo, thậm chí còn đến tận Timor Leste xa xôi.

Trong hành trình lần này, dù thực sự có nhiều thứ mới mẻ, khác lạ, cả đôi chút khó khăn hơn so với việc đi xuyên Việt, nhưng bố mẹ đều mừng khi cả nhà đã thực hiện thành công hành trình. Cả nhà khỏe mạnh và an toàn, đó là điều quan trọng nhất.

Háo hức, chờ đợi xen lẫn chút lo âu, mọi thứ cũng đã sẵn sàng để Ốc và bố mẹ thực hiện hành trình tuyệt vời lần thứ hai trong năm. Từ sau hành trình xuyên Việt, Ốc đã lớn lên rất nhiều. Gần hai tuổi rưỡi, Ốc đã luôn thích làm mọi thứ theo ý mình, thích lý luận và hỏi bố đủ điều. Ốc đã biết cầm máy ảnh, tự bật, nhìn màn hình, chụp cho bố. Trong 3 tháng qua, bố mẹ đã dành thời gian dạy cho Ốc nghe hiểu, nói lại nhiều câu tiếng Anh và hầu hết các tình huống tiếng Anh hàng ngày. Đó là những hành trang để con bước ra thế giới, tiếp tục thực hiện phần tiếp theo trong ước mơ lớn hơn nữa của bố dành cho Ốc và cả nhà.

Phác thảo hành trình

Chuyến đi này dự định sẽ cho Ốc đi tất cả những điểm đẹp nhất ở Đông Nam Á, khám phá từ những đền đài, công trình cổ kính ở Bagan (Myanmar) đến Angkor Wat đồ sộ (Campuchia) hay Borobudur nguy nga (Indonesia). Tiếp đó là trải nghiệm nét độc đáo của hồ Inle (Myanmar), sang cố đô Chiang Mai (Thái Lan), di sản thế giới Luang Prabang (Lào), các thành phố sôi động như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, và những vùng đảo như Timor Leste, Bali đến núi lửa Gunung Bromo (Indonesia).

Từ vùng đất vàng (Golden Land) Myanmar…

Hành trình Hà Nội – Yangon – Bagan – Hồ Inle – Mandalay 10 ngày

Xuất phát ngày 6/8/2017

Sáng sớm, cả nhà ra sân bay Nội Bài để bay thẳng tới Yangon với bao nhiêu hồi hộp, chờ đợi. Thời tiết dễ chịu. Yangon khác lạ, một thế giới khác biệt so với Việt Nam. Đi ra khỏi sân bay là một rừng xe taxi chào đón, trong đó một bác người Miến trong trang phục váy longi đặc trưng ra chào, mỉm cười và đón cả nhà.

Bác ngồi lái xe bên tay phải, tôi và Ốc lại ngồi bên tay trái, còn mẹ Ốc ngồi sau, sự khác biệt đầu tiên về văn hóa. Tuy nhiên, cảm giác dễ chịu và an toàn. Yangon những ngày này, trời thỉnh thoảng có mưa, không nắng chang chang. Người dân thân thiện, đôi khi gặp một người bạn rất nhiệt tình trò chuyện, ngỏ ý muốn giúp đỡ gì đó chứ không có bất kỳ đòi hỏi nào về vật chất.

Tối đầu tiên, cả nhà ăn các món Myanmar ở quán Rangoon Tea House. Không khí ở đây ấm cúng, dễ chịu mà suốt những ngày sau, bố Harry vẫn hay nhớ về quán đó. Chùa Shwedagon là lựa chọn hàng đầu khi tới Yangon. Ngoài ra, tùy thời gian bạn có thể chơi chỗ này chỗ kia, đi thêm một vài chùa nhỏ hơn hoặc đi ra khu chợ đêm ăn các món. Taxi ở đây tương đối rẻ và có thể giao tiếp được tiếng Anh ở mức độ cơ bản.

Ngày hôm sau ở Yangon mưa trắng trời. Hôm sau nữa cả nhà lên đường đi Bagan. Khó mà quên được buổi tối mới đến Bagan, với không khí tĩnh lặng, chút gì đó linh thiêng, huyền bí vào tối cả nhà đi ăn ngay giữa những ngôi đền. Đó là một cảm giác tuyệt vời, tách biệt hoàn toàn khỏi những thanh âm của xã hội hiện đại. Ba ngày ở Bagan trôi qua rất nhanh. Sáng nọ thức dậy từ rất sớm cùng Ốc đi đón bình minh, bố Harry đi xe máy điện chở hai mẹ con Ốc, đi xuyên qua những khu đền đài bí ẩn. Đằng xa, chân trời mới le lói màu đỏ của mặt trời chào ngày mới.

Ốc rất thích thời gian ở Myanmar, con chơi và làm quen nhiều bạn địa phương. Có hôm đi đón hoàng hôn ở Bagan, con chơi và cầm máy ảnh chụp cho chị Moe Moe. Hai chị em chẳng hề biết tiếng của nhau nhưng lại cười nói, trò chuyện, chụp ảnh và trêu đùa với nhau suốt cả một buổi chiều. Hay khi vào chùa ở Mandalay, con nằm luôn ra sân chơi với mấy bạn Myanmar. Dường như với trẻ con, chẳng có khoảng cách nào về ngôn ngữ, màu da hay sắc tộc.

Bốn ngày ở Bagan trôi qua rất nhanh, cả nhà lại lên đường đi tiếp tới hồ Inle. Hơn hai ngày ngắn ngủi ở hồ Inle rất thích. Cuộc sống trên hồ là một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của sông nước. Ở đó, mọi hoạt động và cuộc sống của người dân đều diễn ra trên mặt nước.

Khi tới Mandalay, chợt nhận ra ở Myanmar có quá nhiều chùa. Nó cũng giống như khi sang châu Âu xem tranh, bạn sẽ bị choáng ngợp vì có quá nhiều thứ, quá nhiều tranh, sau một ngày bạn sẽ không thể nhớ nổi bức nào với bức nào nữa. Chợ ngọc và cầu Ubein ở Mandalay mang lại những bức ảnh tuyệt vời, những cảm xúc khó lặp lại. Ngày hôm sau, cả nhà chia tay đất nước Myanmar mà trong lòng vẫn nhớ nhung bồi hồi.

Thăm cố đô của Thái Lan

Hành trình Mandalay – Bangkok – Chiang Mai 6 ngày

Từ Mandalay, cả nhà bay sang Bangkok của Thái Lan. Năm ngoái, bố mẹ đã cho Ốc đi Thái Lan hai tuần nên lần này cả nhà chỉ chọn Bangkok làm điểm dừng chân, rồi bay tiếp tới Chiang Mai ở phía bắc.

Ba ngày ở Chiang Mai khá thú vị. Ngày đầu cả nhà nghỉ ngơi lại sức sau những ngày di chuyển liên tục, chỉ cho Ốc đi thăm rừng và đồng lúa. Cả ngày hôm sau khám phá cố đô Chiang Mai. Các món ăn ở đây đều ngon, cả nhà đều hợp ăn đồ Thái, trừ các món ăn có chút cay. Buổi tối trời mưa như trút, cả nhà ngồi ăn món súp nước dừa ngon đến mức chỉ muốn húp hết cả cái nồi súp thôi. Cả nhà Ốc chưa bao giờ hết thích ăn các đồ ăn ở Thái cả, dù là có khá nhiều lần đi sang đây.

Ở Chiang Mai cuộc sống thanh bình hơn, không quá ồn ào tấp nập như ở Bangkok. Nếu như cả nhà đến được đây vào khoảng tháng 10 thì thích, lúc đó sẽ có lễ hội thả đèn trời rất đẹp, chẳng nơi nào có được.  Thích lắm, sau này khi Ốc lớn rồi, Ốc sẽ đưa em Ốc và bố mẹ đi lại nhé. Bố mẹ cố gắng cho Ốc đi lần đầu thôi. Chiang Mai có rất nhiều con phố nhỏ, thú vị, có rất nhiều quán rất đẹp theo kiểu kiến trúc Pháp.

… Đến xứ sở triệu Voi

Hành trình Chiangmai – Viêng Chăn – Luang Prabang 6 ngày

Tạm biệt Thái Lan, cả nhà lại bay đi Viêng Chăn, Lào. Chuyến bay của hãng Nok Air thật kỳ lạ, được gọi “fly & ride” nghĩa là bay máy bay xong rồi lại đi tiếp xe ôtô của hãng. Cả nhà chưa đi kiểu này bao giờ. Máy bay từ Chiang Mai tới cửa khẩu Udon Thani, từ đó đi xe ra sát cửa khẩu, tự làm thủ tục nhập cảnh vào Lào. Rồi lại đi xe tiếp để về đến Viêng Chăn. Ở Viêng Chăn, không có nhiều thứ để khám phá, hơi buồn tẻ, nên cả nhà chỉ ở đây hai ngày, hôm sau bay tiếp tới Luang Prabang.

Cuộc sống ở cố đô của Lào khá trầm lặng, thanh bình, nhưng đáng nhớ. Những buổi sáng cả nhà dậy sớm, cầm chõ xôi đựng trong giỏ nan, đứng đợi sư khất thực đi qua. Đó là một trong những nét văn hóa thú vị nhất trong chuyến đi, thậm chí Ốc còn tỏ ra thích thú. Hình ảnh đoàn nhà sư hành lễ khất thực mỗi sáng thật khó phai mờ với bất kỳ ai tới Luang Prabang.

Mẹ Ốc thủ thỉ: “Em nhớ nhất món xôi Lào, xúc xích Lào ăn ở chợ buổi sáng”. Thậm chí, khi viết đến đây, bố Harry cũng thèm mùi xôi nóng, mùi xúc xích thơm lừng ở chợ. Mọi trải nghiệm vẫn như còn y nguyên của một sáng thanh bình ở Luang.

Cổ kính Penang, Malaysia - Sôi động Singapore

Hành trình Luang Prabang - Kuala Lumpur - Penang - Singapore 9 ngày

Từ Luang Prabang, cả nhà bay tiếp tới Kuala Lumpur. Hành trình tới thủ đô của Malaysia, ngoài những khu mua sắm giống như các thành phố lớn khác ở Châu Á, cả nhà Ốc thích nhất lúc vào công viên chim. Nhìn đàn chim được thả tự do, bay tung tăng trong vườn, Ốc rất thích thú. Ước gì ở Hà Nội cũng có một công viên như vậy. Những điều đó luôn ý nghĩa với trẻ nhỏ hơn nhiều so với những chỗ chơi trong trung tâm thương mại. Từ Kuala Lumpur cả nhà đi tiếp tới thành phố Penang cổ kính từ lâu hằng mong ước.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Penang hiện ra với bao điều thú vị hơn những gì bố Harry đã hình dung. Ốc ở một căn nhà cổ kính, rộng mênh mông, được làm toàn bằng gỗ với lối kiến trúc nhà cổ đặc trưng của Penang. Cuộc sống ở đây cũng sôi động, chẳng có một phút nào buồn chán, nhưng không quá ồn ào. Đồ ăn ở Penang thì ngon tuyệt, trong đó cả nhà ấn tượng với món cơm gà Hainan. Chỉ riêng việc trải nghiệm các đồ ăn ở Penang đã là một điều thích thú trong cả hành trình.

Những ngày ở Penang dù trời mưa, cứ thi thoảng buổi chiều lại có những cơn mưa bất chợt nhưng mà thời gian ở đây đều thú vị. Từ Penang cả nhà bay tiếp xuống Singapore. Singapore bé nhưng rất nhiều công trình nhân tạo, rất nhiều hoạt động. Ở đây, ngày nào cũng đi một mạch từ sáng tới tận tối mịt mới về khách sạn. Hôm cuối ở Singapore, bố mẹ vào các nhà sách lớn để tìm những quyển sách hay cho Ốc.  Nhà sách Kinokuniya là nhà sách lớn nhất ở Đông Nam Á, đó là cả thiên đường tri thức với cơ man đầu sách, đủ các loại sách khác nhau, ở cả ngày cũng không biết chán.

Những ngày ở xứ sở vạn đảo Indonesia và Timor Leste

Hành trình Singapore - Jakarta - Yogyakarta - Bali - Timor Leste 10 ngày

Chặng đường tiếp theo, cả nhà bay tiếp từ Singapore đến Jakarta, rồi từ đó đi đến những điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia như Yogyakarta, Bali, Gunung Bromo. Jakarta đông đúc, tắc đường, không có quá nhiều thứ  hấp dẫn để du lịch. Cả nhà có hai ngày nghỉ ngắn ở đây trước khi lên đường bay tới Yogyakarta.

Trái ngược với hình ảnh nhộn nhịp, những tòa nhà cao tầng ở thủ đô, Yogyakarta là thành phố văn hóa với những nét pha trộn cũ mới, những hoạt động văn hóa đặc sắc. Đặc biệt nhất là hai công trình kiến trúc Borobudur và Prambanan thu hút nhiều du khách. Khu đền Borobudur là quần thể kiến trúc về Phật giáo lớn nhất trên thế giới. Cả nhà phải dậy từ sáng sớm mới kịp đi ngắm bình minh ở Borobudur.

Timor Leste là cái tên khá lạ lẫm với nhiều người Việt. Bởi đây là đất nước mới nhất trên thế giới, cũng là quốc gia non trẻ nhất ở trong khối ASEAN. Cả nhà cũng suy nghĩ đắn đo rồi mới quyết định tới đây. Các nước ASEAN không cần xin visa nhưng vào Timor Leste lại cần visa, lệ phí mất 30 USD một người, thủ tục cũng đơn giản.

Ba ngày ở Timor Leste, cả nhà trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ lạ lẫm, lo sợ, hoang mang cho đến thở phào khi bay ra khỏi đây. Ở đây mọi thứ còn quá mới mẻ, hoang sơ, và chưa phát triển. Khách du lịch gặp nhiều khó khăn, từ việc đi lại, xin visa, tìm tour du lịch cho đến việc tìm thông tin, đặt chỗ ở. Nhất là khi đi cùng con nhỏ, mọi thứ đều khó hơn so với các bạn trẻ đi phượt.

Bali và Gunung Bromo là hai điểm tuyệt vời dành cho du lịch, và cũng là những nơi có nhiều bức ảnh, những cảm xúc, trải nghiệm tuyệt vời. Cũng chẳng lạ khi Bali có tất cả mọi thứ mà khách du lịch cần, mọi nhu cầu, mọi đối tượng đều được đáp ứng. Chỉ duy nhất một điều cần lưu tâm là Bali rất lớn, có quá nhiều thứ để trải nghiệm, quá nhiều nơi để đi, và taxi ở sân bay thì luôn “chặt chém”. Mỗi tài xế, mỗi lúc một kiểu, tùy theo việc nhìn mặt của khách du lịch. Còn lại món ăn, dịch vụ và mọi thứ ở Bali đều ổn.

Từ Bali, cả nhà đến núi lửa Gunung Bromo, điểm đến cuối cùng trong hành trình tại Indonesia. Ở Indonesia có cả trăm núi lửa khác nhau đang hoạt động, đây cũng là lần đầu tiên cả nhà chứng kiến cảnh tượng như thế. Hôm đó, cả nhà đi xe jeep từ lúc 2h sáng, đi đón bình minh ở núi lửa, và leo lên tận miệng núi lửa để chứng kiến núi lửa đang gầm gừ gào thét và tuôn ra những dòng khói trắng xóa. Ốc trông vậy mà khỏe, lên núi lửa trong khi mẹ Ốc sợ, còn Ốc lại động viên mẹ và còn hào hứng hô “vô ca nô” (volcano theo tiếng Anh là núi lửa). Những bức ảnh về núi lửa thực sự tuyệt vời, dù buổi sáng hôm đó cả nhà đen xì vì chìm trong khói nham thạch.

Brunei, Philippines và Campuchia

Hành trình Surabaja – Brunei – Manila – Siem Reap 9 ngày

Chặng tiếp theo là tới Brunei, đất nước thưa thớt, vắng vẻ, nhưng giàu có và khá khác so với các nước ở ASEAN. Ít người đi Brunei để du lịch, hầu hết là đi vì công việc. Khi cả nhà tới, ngoài đường vắng teo, đi đến các điểm khác trong thành phố hầu như chẳng có ai.

Điều đó trái ngược hoàn toàn với lúc bay sang Manila, từ sáng sớm chưa đến 5h, đường phố đã tắc đường và ngập tràn xe cộ. Người Philippines nói tiếng Anh rất tốt, hầu hết ai cũng tự tin giao tiếp tiếng Anh. Ở Manila đi đâu cũng thấy bóng dáng cảnh sát, ở khắp nơi đều có kiểm tra an ninh, kiểm tra túi. Đi vào bất kỳ trung tâm thương mại nào cũng kiểm tra. Buổi tối cả nhà ở Manila nhận được lời khuyên đừng ra ngoài đường buổi tối, không thật sự an toàn.

Chuyến bay từ Manila tới Siem Reap (Campuchia) lúc trời tối muộn. Siem Reap yên bình và thân thiện. Bốn ngày cuối trong hành trình tại Campuchia rất thích. Người dân gần gũi thân thiện, nói tiếng Việt: “Cám ơn, xin chào” khách. Quần thể di tích ở Angkor rất hoành tráng với vô số công trình độc đáo, đi trong vài ngày cũng không thể nào xem hết nên chọn ra những điểm chính. Đến ngày cuối cùng, cả nhà chất hết hành lý lên xe tuktuk đi ra đền Angkor Wat và chia tay đất nước Campuchia trong ánh nắng vàng nhẹ buổi chiều.

Cả nhà đã trở về nhà ! Khi chữ “Noi Bai International Airport” hiện ra là lúc cảm thấy sự bình yên. Cả hàng trăm lần bay, cứ lúc nào nhìn thấy dòng chữ sân bay Nội Bài là cảm giác về lại nhà. Sẽ không phải suốt ngày “Hello, mingalabar, sawadee khap, sabaidee, terima kasik hay orkhun” nữa. Giờ chỉ tiếng Việt mà thôi!

Những gì đọng lại

50 ngày vòng quanh Đông Nam Á trôi qua nhanh như một cơn gió thoảng. 50 ngày đó, Ốc và bố mẹ có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

Ốc học thêm nhiều, nhìn thêm nhiều, biết thêm nhiều thứ mà có lẽ sau này con cũng chỉ nhìn thấy trên sách vở, tivi mà thôi. Cả bố mẹ cũng ngần này tuổi, gần nửa cuộc đời mới biết cảm giác lên núi lửa là sao, mới biết đến những di sản văn hóa thế giới ở gần Việt Nam.

50 ngày dù rất nhiều lúc mệt, nhưng tuyệt vời khi cả nhà được sống trong một hành trình miên man, phiêu du từ nước này sang nước khác, được trải nghiệm cái cảm giác phiêu bồng, bốn bể là nhà. 50 ngày đó cả nhà luôn trong tâm trạng lên đường.

50 ngày đó, Ốc đi hàng chục chuyến bay cùng bố mẹ, trải nghiệm hầu hết các loại phương tiện khác lạ, thú vị của tất cả các nước Đông Nam Á. Từ xe tuktuk ở Lào, xe máy lôi kỳ lạ ở Penang, cho đến xe tuktuk kiểu Campuchia. Rồi đi thuyền trên hồ Inle, đi ngựa xem núi lửa ở Indonesia.

50 ngày đó, cả nhà đã trải nghiệm các nền văn hóa, gặp gỡ mọi người từ nhiều quốc gia khác nhau. Con có thêm nhiều bạn mới, không rào cản ngôn ngữ, con chơi với chị Moe Moe ở Myanmar, chụp ảnh cho cô Mye Mye ở hồ Inle, chơi với cô Nym ở Chiang Mai, làm bạn với chú ở Penang, nghịch ngợm với bạn Bobby ở Indonesia, làm bạn với cô Aubrey ở Phillipines.

50 ngày đó, cả nhà đã thử rất rất nhiều món ăn ngon, khác lạ, đủ loại hương vị của các nước Đông Nam Á. Từ món mỳ Mohinga ngon tuyệt, cho tới salad lá trà khó quên của Myanmar; món súp dừa, son tam, pad Thái, Laksa, Tom Yumkung thơm lừng ở Chiang Mai. Rồi món xôi Lào, lạp Lào, xúc xích của Luang Prabang đến các món ăn ngon tuyệt của quán Pondok ở Indonesia. Và cơm gà Hainan ở Penang thì thèm đến chết để được ăn lại lần nữa. Khi nhớ lại, bố Harry không thể quên được cái vị bánh mì dai dai, khô, cứng, thô ráp ở Timor Leste mà 3 ngày liền ở đây ngày nào cũng ăn một cái món bánh đó.

Thực ra, bố còn muốn cho Ốc đi nhiều hơn nữa, nếu có nhiều thời gian hơn. Muốn cho Ốc đến đảo rồng Komodo ở Indonesia, leo núi Kinabalu ở Malaysia, bay tới đảo Palawan và đi vùng biển đẹp tuyệt Boracay ở Phillipines. Nhưng lần này cũng là vừa đủ, cũng là tuyệt vời.

Khi về tới Nội Bài, cả nhà còn đúng 220 nghìn tiền Việt, gọi Grab hết đúng 200 nghìn, và thêm 20 nghìn tiền phí sân bay. Cả nhà về đến cửa nhà trong tình trạng nhẵn túi. Nhưng có thêm được rất nhiều sau chuyến đi. Vài chục nghìn kiểu ảnh, gần 700 Gb ảnh, và cả một vali sách mua cho Ốc và bố mẹ. Thiệt hại cũng nhiều. Vali của Ốc vỡ nát, hỏng hoàn toàn không sử dụng được nữa, laptop của bố bị vỡ một phần, máy ảnh XT10 Fuji thì hỏng mất nút, còn thất lạc mất vài đồ.

Cả nhà sẽ nghỉ ngơi vài tháng. Sẽ cho Ốc học tiếp tiếng Trung, bố học thêm chút tiếng Nhật. Để sang đầu năm 2018, cả nhà Ốc sẽ lại tiếp tục một hành trình mới – 60 ngày vòng quanh Đông Bắc Á, với Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Bố Harry đã bắt đầu nhìn thấy những dãy núi, những thảo nguyên bao la của vùng Tân Cương trước mắt.

Sau chuyến đi lần này, cả nhà dự định sẽ xuất bản quyển sách “Hành Trình 50 Ngày Vòng Quanh Đông Nam Á” trong tháng 11 năm nay. Mọi người đón chờ sách và hành trình mới của Ốc trong năm sau nhé!

-----------------------------------

Thông tin thêm

Visa

Các nước trong khối ASEAN không cần xin visa, trừ Đông Timor. Thủ tục xin visa ở Đông Timor cũng đơn giản, mất 30 USD, khoảng 15 -20 phút là được nhập cảnh vào. Ở các nước khác cần chú ý việc đặt vé khứ hồi, hoặc vé bay ra khỏi nước họ để đảm bảo họ cho mình bay và nhập cảnh.

Đi lại

Do điều kiện về hạ tầng cũng như về mặt địa lý, việc đi lại bằng các phương tiện đường bộ không thật sự thuận tiện, cũng như khá vất vả cho gia đình có con nhỏ. Nên tốt nhất là chọn lựa đi bằng máy bay. Nếu đặt trước của hãng máy bay giá rẻ thì chi phí cũng không quá đắt.

Từ Việt Nam có thể bay tới Yangon với hãng AirAsia. Trong Myanmar cũng có các hãng hàng không nội địa nhưng đắt hơn. Từ Thái Lan bay sang Lào hay Campuchia thì có thể tham khảo thêm hãng Nok Air. Trong Indonesia bay với các hãng như Citilink hay Garuda với chi phí hợp lý. Từ Phillipines đi các nơi thì bay cùng Cebu Pacific Air thường có giá tốt, máy bay đẹp, dịch vụ ổn. Từ Campuchia, cả nhà bay cùng Vietjet Air nhà mình về, giá tốt. Còn lại hầu hết các điểm đến trong Đông Nam Á, hãng AirAsia thường có nhiều chuyến nhất, giá rẻ nhất.

Tiêu xài

Mức sống tại Lào không rẻ như mọi người nghĩ, thậm chí ở Luang Prabang nếu đi ăn nhà hàng, uống cà phê còn đắt hơn so với ở Việt Nam. Ở Đông Timor cái gì cũng đắt. Tốn kém nhất là ở Singapore. Còn Myanmar, mọi thứ chi phí đều dễ chịu hơn rất nhiều.

Ở Đông Timor, Myanmar và Campuchia đều chấp nhận tiêu bằng đồng USD. Nếu mang theo USD đi thì luôn nhớ mang những đồng tiền mới. Mẹo đơn giản là kẹp vào một quyển sách là yên tâm, lúc nào cũng mới.

Ăn uống

Nhìn chung, các nước cùng thuộc Đông Nam Á nên món ăn có những sự giao thoa nhất định, đều khá dễ ăn và hợp khẩu vị với người Việt. Món ăn Thái vẫn nổi tiếng, và có lẽ là có nhiều món ngon mà cả nhà thích nhất. Những món ăn đặc trưng nên thử, như đến Lào thì ăn xúc xích, ăn xôi, các món lạp đều ngon. Đến Myanmar ăn món salad lá trà, hương vị thật đặt biệt. Còn đến Indonesia đi ăn các món chè đều rất ngon.

Chụp ảnh

Một phần không thể thiếu trong mỗi chuyến đi là chụp ảnh. Bạn cố gắng mang đồ máy ảnh gọn nhẹ, đẹp nhất là có một body máy ảnh DSLR hoặc mirrorless, với một ống kính 50mm tiêu chuẩn và một ống góc rộng. Một combo như vậy là hoàn toàn phù hợp chụp hầu hết mọi tình huống trong cả hành trình.

Thời điểm buổi sáng và chiều là đẹp nhất để đi chụp ảnh ở Bagan, Borobudur, Gunung Bromo hay Siem Reap. Thường là rất đông khách du lịch, nên kinh nghiệm là bạn chọn điểm khác với phần đông du khách hoặc sau khi mặt trời lên, bạn nán ở lại một chút, khi mọi người đã về hết.

Vali và quần áo

Do di chuyển nhiều, nên bạn luôn nhớ mang đồ thật gọn nhẹ cũng như làm thế nào để giảm thiểu tối đa hành lý mang theo. Chỉ mang cái gì mình thật sự cần, không nên mang thừa. Quần áo nên có áo khoác mỏng, tốt nhất là loại hai lớp chuyên đi du lịch, leo núi, sẽ dùng vào lúc cần thiết. Luôn trang bị đủ đồ cho con, nhất là khi đi leo núi buổi sáng.

Chi phí cho hành trình

-Ở Myanmar, chi phí dễ chịu nhất, về các khoản ăn ở, đi lại, tham quan. Thường các địa điểm khác sẽ hết chừng 600- 800 nghìn đồng cho một phòng ở cả gia đình theo tiêu chuẩn 3 sao. Timor Leste rất đắt đỏ và rất ít chọn lựa, cả nhà ở một căn homestay đơn giản mất hơn 1 triệu đòng, sau đó chuyển ra ở một khách sạn gọi là resort rất đơn giản mà mất gần 2 triệu rưỡi một đêm.  Bali và Luang Prabang có nhiều khách sạn, nhiều lựa chọn nhất, giá cả phải chăng. Ở Singapore, phòng đơn giản nhất cũng rơi vào chừng gần một triệu đồng.

-Chi phí vé tham quan thường khá đắt đỏ, ví dụ như ở Siem Reap từ đầu năm nay đã tăng lên 37 USD cho vé một ngày vào khu Angkor. Hai người là đã mất 74 USD, trẻ em dưới 12 tuổi được miễn phí. Vé tham quan đền Borobudur hay Bagan cũng khá đắt, từ 20-25 USD.

-Tổng chi phí hành trình sẽ tùy thuộc vào việc bạn chọn loại hình phương tiện nào, đi vào ngày nào, đặt trước bao lâu, ở khách sạn tiêu chuẩn nào, có mua sắm nhiều hay không. Với hành trình vừa rồi, cả nhà Ốc hầu hết là chọn di chuyển bằng máy bay, tổng chi phí khoảng gần 200 triệu đồng cho cả chuyến đi gần hai tháng đi toàn bộ 10 nước ASEAN, tất nhiên là không tính Việt Nam.

Mẹo du lịch cùng con nhỏ

# Chọn hình thức di chuyển phù hợp, nếu có thể nên cho con bay hơn là đi đường bộ, an toàn và đỡ mệt hơn.

# Mang hành lý nhẹ nhàng, hạn chế tối đa việc mang quá nhiều đồ, lỉnh kỉnh để bố mẹ lúc nào cũng có thể nắm tay con, nhìn con được.

# Trẻ rất hiếu động, luôn muốn nghịch mọi thứ, sờ mọi thứ, nhất là khi đi ra nước ngoài, nhiều thứ mới lạ nên luôn luôn phải để ý con. Con là quan trọng nhất, chỉ lơ là vài phút mải nhìn điện thoại, xem Facebook, trả lời tin nhắn là có thể không biết con đâu.

# Chọn các giờ di chuyển hợp lý với giờ sinh hoạt của con, tránh việc đi quá sớm, hay về tới khách sạn quá muộn, chỉ trừ khi không còn lịch bay nào khác. Luôn cố gắng cho con ngủ đủ, ngủ sớm, thức dậy theo một lịch đều đặn để đảm bảo sức khỏe cho con.

# Hạn chế ăn hay uống đồ gì không rõ nguồn gốc hay không đảm bảo an toàn. Luôn mua nước đóng chai, cho con ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước. Có một lần bố mẹ không để ý, bạn Ốc ăn nhiều đồ ăn vặt ở khu China Town ở Kuala Lumpur quá, nên hôm đó bạn ý bị đầy bụng.

----------------------

--Làm thế nào cả bố và mẹ đều có thể nghỉ làm để xuất ngoại cùng con trong thời gian dài như vậy?

-Bố mẹ Ốc đều làm công việc riêng, chủ động trong công việc, nên trước khi đi đều sắp xếp mọi thứ trước. Cũng như bàn giao trước một số công việc để có những người phụ trách cho từng việc nhất định.

--Trong vòng chín tháng đi 2 chuyến liên tiếp và sắp sửa cho chuyến thứ 3, vậy bố mẹ Ốc quả là những chuyên gia về tài chính để tổ chức các chuyến đi như ý?

-Trong năm, thường bố mẹ Ốc phải hạn chế chi tiêu. Thay vì mua sắm nhiều thứ, bố mẹ sẽ tiết kiệm lại để dành quỹ du lịch cho Ốc. Bố mẹ đều không vung tay chi tiêu những thứ không cần thiết, luôn giữ ở mức sống vừa đủ. Mỗi khi mua cái gì thì nghĩ lại một chút, không mua nữa hoặc mua đồ vừa tiền hơn để dành để đi trải nghiệm cùng Ốc.

--Khi cả nhà đi du lịch, nhà cửa sẽ bảo quản như thế nào hay giao cho ai?

-Nhà cửa là một vấn đề, rất may mắn nhà Ốc có những gia đình bạn rất thân thiết. Trước khi đi, bố mẹ Ốc gửi chìa khóa cho người bạn thân làm việc ở một ngân hàng lớn. Cứ hàng tuần, người bạn thân lại qua giúp cả nhà mở cửa nhà, bật các đồ điện, tránh việc nhà cửa bị ẩm mốc. Trước khi đi, luôn luôn nhớ tắt cầu dao toàn bộ các thiết bị điện để hạn chế tối đa rủi ro khi vắng nhà.

--Đi lâu như vậy thì Ốc sẽ không đi học mẫu giáo, sau này có khó khăn gì cho Ốc không?

-Ở bên cạnh bố mẹ là điều tuyệt vời nhất. Thiệt thòi nhất cho đứa trẻ là khi không được ở gần bố mẹ, hoặc khi bố mẹ quá bận không dành thời gian cho con. Thường Ốc sẽ đi hai tháng cùng bố mẹ, sau đó lại về lớp học cùng các bạn chừng 4,5 tháng ổn định, và chuẩn bị cho hành trình tiếp. Thời gian đi cùng bố mẹ, Ốc học thêm được rất nhiều thứ, trưởng thành và lớn hơn rất nhiều.

Bài và ảnh: Harry Trung Nguyễn

RELATED ARTICLES