Ăn Tết cùng cư dân phố cổ

08/02/2012

Những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hòa cùng nếp sống hiện đại đã và đang tạo nên một bản sắc riêng cho Tết ở phố cổ Hội An. Điều đó được cô đọng lại trong chương trình tour homestay “Đón Tết cùng người Hội An” luôn tỏa sức cuốn hút đông đảo du khách cùng tham gia và trải nghiệm.

Từ chuyện cổ tích

Mỗi năm chỉ có một lần, tour homestay "Đón Tết cùng người Hội An" được tổ chức tại Vườn Trầu nằm bên làng chài Thanh Nam rợp bóng tre và cây xanh. Bắt đầu từ 29 tháng Chạp, du khách cùng gia đình trang trí nhà cửa, làm bánh in, gói bánh tét, bánh chưng... -những thứ bánh tết truyền thống của người địa phương và được giới thiệu về những phong tục đón Tết của người Việt Nam, người Hội An. Đêm, cùng thức với gia đình bên bếp lửa nấu bánh chưng, bánh tét và bên dây trầu quấn quanh cây cau cùng những ngọn nến, du khách lặng nghe bà Võ Thị Lẹ, chủ nhân Vườn Trầu kể chuyện cổ tích "Sự tích trầu cau". Sau câu chuyện, du khách cùng têm vài miếng trầu rồi mời nhau nếm thử cho răng cùng đỏ thắm.

Sáng ngày 30 Tết, cả nhà dùng điểm tâm với bánh chưng, bánh tét vừa nấu cùng dưa món, sau đó đi chợ hoa, chọn những bông hoa ưa thích về trang trí trong nhà. Trong ngày, mọi người tham gia cúng tất niên, rước ông bà; tối đến sẽ đón thời khắc giao thừa mừng năm mới.

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, du khách, đặc biệt là trẻ con ăn vận chỉnh tề, có thể mặc trang phục truyền thống khăn đóng áo dài Việt Nam cùng với gia đình đi viếng chùa, thắp nhang tại nhà thờ tộc và mồ mả ông bà. Đến trưa đi thăm bà con, bạn bè, chơi các trò chơi dân gian cầu may mắn cho năm mới rồi tham quan, thắp nhang tại một số hội quán, chùa chiền trong phố cổ.

Gia đình Deborah và Michel Schafer đến từ Thuỵ Sĩ đã ghi lại cảm nghĩ trong tập lưu bút của Vườn Trầu: "Sau khi lưu trú tại đây 5 đêm, chúng tôi thấy đây là nơi rất đẹp và con người thân thiện. Ban đầu chúng tôi dự định chỉ ở 2 đêm thôi nhưng mọi người đã cho chúng tôi những ngày nghỉ ấm cúng trong dịp Tết với nhiều câu chuyện cổ tích cảm động!"

 

Đến Tết của người Hoa

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Giáp Tết, những con đường hoa điểm tô cho phố cổ vẻ tươi sáng, rộn ràng của ngày mới. Trên các tuyến phố Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học xuất hiện hàng trăm câu đối đỏ dán trước cửa nhà. Ngõ kiệt, trụ cổng của các nhà thờ tộc họ trang trí cờ hội và những hàng chữ Tàu viết trên giấy điều. Đó là tín hiệu cầu mong năm mới bình an, tài lộc mà cộng đồng người Hoa ở Hội An phát đi mỗi khi Xuân về.

Anh Thái Kế Nghiệp, người Hoa ở đường Trần Phú cho biết: “Hơn 5 thế kỷ, ông bà chúng tôi đã hòa nhập cùng phong tục, tập quán địa phương nhưng nét riêng mang tính truyền thống này vẫn còn giữ. Tết về không thể thiếu câu đối đỏ và thật vui khi nhiều gia đình người Hội An cũng ưa thích hình thức trang trí đặc biệt này”.

Phố cổ rực rỡ màu giấy điều, khắp nơi trong nhà treo hoặc dán những câu đối mang theo ước nguyện của gia chủ trong năm mới. Phổ biến nhất là những câu chúc "Xuân liên" gồm 4 chữ như: "Đinh tài lưỡng vượng", “Xuất nhập bình an”, “Ngũ phước lâm môn”, “Ngũ phước tam đa”... Vào trong nhà, nhiều chữ "Phước" dán ngược; ở tủ, chum gạo lại dán chữ "Mãn", góc giấy hướng lên trên.

Ông Trần Văn An - PGĐ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An - cho biết: “Trong quá khứ, cộng đồng người Hoa cư trú tại Hội An có lúc đến 4.000 người, trải qua gần 5 thế kỷ, cộng đồng người Hoa ở đây cứ lệ mồng 2 Tết tụ hội cúng tế, gặp mặt, chia sẻ khó khăn và tổ chức các trò chơi cho cả người lớn lẫn trẻ con. Không khí rất vui nhộn và thu hút hàng ngàn người dân địa phương tham gia. Nhiều hội quán khác như Triều Châu, Quảng Đông còn tổ chức múa Thiên Cẩu, cầu cho mưa thuận gió hòa, buôn bán phát đạt ".

 

Và lễ hội đầu năm

Đầu năm mới, hàng chục lễ hội cầu mùa, giỗ tổ, tế đình của cộng đồng làng xã quanh phố cổ cùng nhau mở hội. Trong làn sương lạnh sớm mai, dòng người vui xuân cùng đến với Lễ hội Cầu Bông của cư dân làng rau truyền thống Trà Quế để cầu cho một mùa hoa trái tốt tươi.

Cờ hội làng Trà Quế dong cao với trống chiêng, cổ nhạc cùng già trẻ, gái trai trong lễ phục khênh kiệu hoa, mâm ngũ quả, lư hương, án thờ diễu qua khắp các ngõ làng, thôn xóm. Khắp nơi tràn ngập bánh trái, hương hoa, nhà nào cũng sắm một mâm lễ vật để cầu Bông. Nông dân Trần Kế nói: “Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao làm bằng tre, 5 đĩa xôi hồng cắm 5 cái bông rực rỡ và 1 ly rượu trắng”. Ngày này, hàng ngàn người từ những vùng lân cận và du khách đều tụ hội về để tham gia phần hội hè sống động và vui nhộn.

 

Vào phố cổ dịp Tết, không khí hội hè cũng rộn ràng không kém với nhiều trò chơi dân gian như hát Bài Chòi, đập nồi, chuốt gốm, học hát dân ca, ngâm thơ... Đặc biệt, dọc theo sông Hoài, cả ngày lẫn đêm du khách đều có thể tận hưởng hương sắc của một vùng đất qua hàng gánh ẩm thực nơi đây.

 

Có lẽ, chỉ có đô thị cổ Hội An mới biến những gánh hàng rong thành một bữa tiệc buffet thịnh soạn, thường gọi là “buffet gánh”. Bên nếp phố xưa với hoa đăng dưới sông, trên bờ là những gánh hàng ẩm thực mộc mạc cùng tiếng nhạc cổ truyền văng vẳng trong không gian. Những đặc sản ẩm thực nổi tiếng của xứ Quảng và Hội An như bánh bao, bánh vạc, chả giò, cao lầu, mì Quảng, lục tàu xá, bánh ít, đậu hũ, bánh đậu xanh... hay nuớc chè lá được những bà mẹ, những thiếu nữ Hoài Phố trong chiếc áo bà ba cùng quang gánh dâng mời.

 

“Đây là kiểu tiệc đậm chất dân dã nhưng không kém phần sang trọng, hiện đại. Những món ăn đặc sản, những hàng quán ẩm thực với cách bài trí, phục vụ mang nét riêng; những gánh hàng rong với tiếng rao đầy ấn tượng hay những thói quen trong cách ăn uống cũng như sinh hoạt lễ tết đã góp phần hữu hình hóa Hội An, làm cho phố cổ trở nên gần gũi, khó quên trong mỗi dịp Xuân về”, Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung Tâm Văn hóa Thể thao Hội An - nói.

 

RELATED ARTICLES