Mới đây, nghệ thuật may, mặc áo dài Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tri thức dân gian "Tri thức may, mặc áo dài Huế".
Thành phố Huế không chỉ là một địa danh di sản với nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, mà còn được biết đến và yêu thích nhiều bởi những tà áo dài, được tạo ra bởi nhiều nghệ nhân lành nghề. Áo dài là một di sản đặc biệt của cố đô Huế, vốn do cộng đồng sáng tạo từ đầu thế kỷ XVII và sau đó được các chúa Nguyễn, rồi vua Nguyễn, công nhận và định chế thành quốc phục. Vì thế, áo dài Huế không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế, mang nhiều dấu ấn lịch sử của một triều đại vàng son.
Ở Huế, nhiều năm nay, phong trào gìn giữ và phục áo dài truyền thống cũng đang được đẩy mạnh. Nhiều trào lưu cổ vũ mặc áo dài trong cộng đồng, trong công sở đã được phát động để hướng về những giá trị cổ truyền, giá trị văn hóa dân gian... Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt đề án "Huế - Kinh đô áo dài", hướng đến việc khai thác, phát huy, nâng cao vị thế của áo dài Huế trong hành trình phát triển du lịch, với tổng kinh phí thực hiện 535,5 tỉ đồng.
Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài. Nếu có cơ hội đặt chân đến Huế, du khách nhất định hãy thử một lần khoác lên mình tà áo dài của vùng đất kinh kỳ, để có thể trải nghiệm và cảm nhận được nếp sống, văn hoá, vẻ đẹp của vùng đất cố đô.