Cố đô Huế có nhiều món ngon độc đáo, hấp dẫn với nguyên liệu chính làm từ bún cho du khách thỏa sức thưởng thức khi khám phá nơi đây. Trong số đó, không thể không kể đến 5 đặc sản bún dân dã sau đây, những món ăn bình dị nhưng lại góp phần củng cố thương hiệu “Kinh đô ẩm thực Huế”.
BÚN BÒ HUẾ - ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG AI CŨNG PHẢI THƯỞNG THỨC MỘT LẦN
Bún bò Huế xưa ra đời từ thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng thế kỷ thứ 16). Tương truyền, xưa có cô Bún xinh đẹp, giỏi giang, thạo nghề làm bún. Tại làng Vân Cù (nay thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), cô Bún đã sáng tạo ra cách chế biến một món ăn mới: Lấy thịt bò nấu thành nước dùng cho món bún. Từ đó, món bún bò ra đời, được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Đến nay, bún bò Huế đã được cải biên với sự có mặt của nhiều nguyên liệu khác như giò heo, tiết lợn, chả cua,...
Món ăn "quốc hồn quốc túy" của xứ Huế, với nước dùng đậm đà, cay nồng, cùng những sợi bún dai dai, thịt bò mềm mềm, chả cua thơm ngon, và các loại rau sống thanh mát. Bún bò Huế không chỉ là món ăn ngon mà còn là niềm tự hào của người dân xứ Huế.
Bún bò Huế chinh phục thực khách không chỉ bởi cách chế biến tài tình, mà còn bởi “linh hồn” chính là nước dùng. Nước dùng được ninh từ xương ống bò nên có vị ngọt đậm đà. Ngoài ra, người ta còn thêm vào nước dùng chút mắm ruốc và sả để dậy mùi thơm nồng hấp dẫn. Tất cả hòa quyện tạo nên một bản giao hưởng ẩm thực tuyệt vời, khiến du khách nhớ mãi.
Một tô bún bò Huế ngon, chuẩn vị đất cố đô phải có hương thơm hấp dẫn. Tô bún có sắc cam của dầu điều, sắc nâu của thịt bò, tiết lợn và sắc xanh của hành, mùi, thêm chút giá đỗ thanh mát. Món bún với đủ vị cay, ngọt, bùi đã thực sự làm “xiêu lòng” thực khách.
BÚN NGHỆ - ĐẶC SẢN NỨC TIẾNG XỨ KINH KỲ
Bún nghệ Huế là một món ăn dân dã nhưng vô cùng đặc biệt, mang đậm hương vị của xứ Kinh kỳ. Món ăn này được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản nhưng tạo nên hương vị độc đáo và đầy hấp dẫn.
Món ăn này được làm từ các thành phần chính là bún, lòng và nghệ. Tuy chỉ gồm những nguyên liệu quen thuộc nhưng điều làm nên cái ngon của bún lòng xào nghệ chính là cách chế biến kỳ công.
Người dân địa phương nói cho nhau rằng để làm món bún lòng xào nghệ ngon, chuẩn vị, họ thường đi chợ từ sáng sớm để chọn những phần lòng tươi ngon, sau đó sơ chế sạch để loại bỏ hết mùi hôi. Ngoài lòng, người ta còn sử dụng thêm các phần nội tạng heo như gan, lòng non và tiết luộc.
Tất cả các nguyên liệu được sơ chế sạch, thái miếng vừa ăn rồi tẩm ướp với mắm, muối, hạt tiêu, hành và nước nghệ. Khi các nguyên liệu đã ngấm gia vị thì đem xào nhanh tay.
Khi có khách gọi món bún nghệ, chủ quán sẽ lấy một vắt bún, múc thêm lòng đã xào, xúc thêm một thìa nghệ và một ít rau răm cắt nhỏ. Bát bún mang ra để khách tự trộn lên, có thể thêm gia vị như sa tế, ớt, nước tương để vừa miệng hơn.
Một phần bún nghệ ngon sẽ có màu vàng bắt mắt, sợi bún dai, lòng thấm gia vị vừa phải, hương vị hài hòa, mùi nghệ không quá nồng, thêm chút màu rau răm nên càng hấp dẫn. Tại Huế bạn có thể dễ dàng thưởng thức bún nghệ ở những hàng quán bình dân, với giá thành phải chăng và mùi vị lạ miệng độc đáo.
BÚN HẾN - MÓN ĂN DÂN DÃ HỚP HỒN NHIỀU LỮ KHÁCH
Bún hến là một món ăn đặc sản nổi tiếng của Huế, được du khách yêu thích bởi hương vị thanh tao, đậm đà và giá cả bình dân. Món ăn này được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản như hến, bún, rau sống, mắm ruốc, mắm nêm, ớt... nhưng lại mang đến một trải nghiệm ẩm thực vô cùng độc đáo.
Vốn là “cái nôi” của những món ăn chế biến từ hến, chẳng lạ gì khi du khách nào đến đây cũng xiêu lòng với món bún giản dị này. Một tô Bún hến được người làm nêm nếm gia vị vừa phải và nấu vừa đủ lửa, mang đến hương vị nước lèo thơm, ngọt thanh của thịt hến, thêm tí cay nồng của ớt xiêm xanh đặc trưng khiến món ăn càng hấp dẫn hơn cả.
Một bát bún hến tiêu chuẩn Huế sẽ gồm các nguyên liệu là bún, hến xào, đậu phộng, da lợn chiên giòn, rau răm, hành tây, ớt... trộn đều với nhau và một bát nước dùng là nước hến luộc. Tô bún hến Huế đơn giản như vậy, nêm nếm gia vị vừa ăn, khiến bao thực khách ăn một lần rồi vấn vương mãi.
BÚN GIẤM NUỐC MÁT THANH MÙA HÈ CHỈ HUẾ MỚI CÓ
Nuốc là tên gọi theo tiếng địa phương về một loài nhuyễn thể không chân có nhiều vào mùa hè trong vùng đầm phá nước lợ ở Huế. Nuốc cùng họ với sứa nhưng nhỏ chỉ bằng khoảng nửa trái chanh. Cứ vào mùa hè, nuốc được ngư dân vớt lên, ngâm vào nước và bán cho các chợ đầu mối.
Nuốc thường để làm gỏi ăn kèm rau sống hoặc nấu bún. Bún giấm nuốc là món ăn có tên trong danh sách ẩm thực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu đến du khách.
Phần nước dùng là bí quyết làm nên hương vị thơm ngon của món bún giấm nuốc. Hương vị đậm đà tạo nên từ những con tôm tươi nguyên, được bóc vỏ bỏ đầu rồi chừa lại nguyên phần thân đẹp mắt. Sau đó gia vị sẽ được nêm nếm đầy đủ, ướp cho thấm vào từng thớ tôm. Còn thịt ba chỉ thì cắt hạt lựu vừa ăn, ướp gia vị.
Phần rau sống ăn kèm với bún giấm nuốc nhất định phải có bắp chuối sứ trắng bào nhuyễn, đây chính là phần làm nên sự đặc biệt của món ăn. Ngoài ra cũng cần chuẩn bị thêm đậu phộng rang giã dập, bánh tráng tốt nhất là loại bánh tráng của miền Tây, mắm ruốc pha chua cay, thêm vài trái ớt xanh nữa thì đúng chuẩn hương vị xứ Huế.
Món bún giấm nuốc ăn ngon khi còn ấm vừa phải, không quá nóng nhưng cũng không lạnh ngắt. Mùi rau thơm nhè nhẹ, nước sốt ngọt đậm đà của hương vị tôm tươi hòa quyện. Hương vị nuốc sần sật ăn cùng bánh tráng giòn tan, vừa kích thích vị giác vừa mang lại những trải nghiệm ẩm thực vô cùng mới mẻ.
BÚN THỊT NƯỚNG - MÓN ĂN ĐẬM ĐÀ HƯƠNG VỊ
Bún thịt nướng Huế từ lâu đã là món ăn được du khách hết lời ca tụng. Nếu đã từng thưởng thức hương vị này một lần thì bạn sẽ khó lòng mà quên được. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như bún gạo, thịt heo, đồ chua, đậu phộng và nước mắm nhưng món ăn này đã chinh phục biết bao du khách trong và ngoài nước.
Chắc có lẽ chính hương vị mộc mạc, đơn giản nhưng quá đỗi đậm đà mà đặc sản Huế này khiến thực khách bị “mê hoặc”. Món ăn được du khách yêu thích bởi hương vị đậm đà, cay nồng và sự hòa quyện tinh tế giữa các nguyên liệu.
Linh hồn của món ăn này là phần nước sốt trộn bún được làm từ gan, bột mì, mè đập dập, đậu phộng xay nhuyễn, thịt heo xay, gia giảm mắm, tiêu, bột ngọt vừa ăn. Thịt nướng được chế biến từ thịt ba chỉ, hoặc thịt nạc có dắt mỡ, để khi nướng chín ăn mềm mà không bị khô. Các nguyên liệu khuấy đều, tạo thành một hỗn hợp đặc sánh màu nâu nhạt.