Bali là một trong số hơn 17.000 đảo của Indonesia với ba khu vực du lịch chính là Kuta, Nusa Pedia và Ubud. Đây cũng là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia và luôn nằm trong Top 10 điểm đến lý tưởng nhất thế giới. Theo thống kê, 80% khách du lịch đến với Indonesia để khám phá Bali. Từ “thiên đường” là mô tả thường gặp nhất khi nhắc đến Bali bởi vẻ đẹp đầy lôi cuốn, những bãi biển xanh thẳm trải dài, những cánh cổng, ngôi đền in dấu thời gian và trên tất cả là bầu không khí trong lành, sôi động nhưng vẫn có những phút êm đềm.
Kuta sôi động
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Kuta - thành phố được coi là sôi động nhất tại Bali với hàng loạt những nhà hàng, bar, pub mở thâu đêm suốt sáng. Kuta hiện lên trong mắt chúng tôi có chút gì thân thuộc như hòa quyện sự sôi động của Sài Gòn và cái năng lượng tràn trề của Đà Nẵng. Trên đường phố Kuta là đông đảo khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới, ăn mặc rực rỡ, nóng bỏng, cười nói rộn ràng cả khu phố cổ. Tại Kuta, hoạt động chính của chúng tôi là tắm biển và “lên bar”. Bãi biển tại đây trải dài ngút tầm mắt, nước trong xanh vô cùng. Các quầy bar nhỏ trải dọc bãi biển, nơi bạn có thể ngồi xuống làm một chai bia địa phương với hương vị hoa quả, giao lưu với những người bán hàng vô cùng thân thiện, luôn thường trực nụ cười trên môi.
Thế giới bar và club ở Kuta vô cùng đa dạng. Vợ chồng tôi đi dọc con phố chính nhộn nhịp, bị hấp dẫn bởi hàng loạt lời mời gọi từ những quán bar địa phương đầy màu sắc và cuối cùng dừng chân tại một bar có phong cách decor vô cùng phóng khoáng. Bước vào quán bar mới biết, Bali “tâm lý” đến mức trong quán có tận 3 khu vực chơi nhạc, một là EDM thịnh hành, hai là hiphop thời thượng và cả một khu vực riêng dành cho những người thích blue và jazz. Mọi sở thích, thị hiếu đều được “chiều chuộng” khi đến với Bali.
Về ẩm thực, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo về sự “khó ăn” ở Bali, vợ chồng tôi say mê thưởng thức những ẩm thực địa phương và đều nhận về những kết quả mĩ mãn. Đến Bali thì đừng bỏ qua Babi Guiling - chính là món lợn sữa quay. Lợn được ướp lá thảo mộc thơm lừng, quay đến khi lớp da ngoài giòn rụm nhưng thịt bên trong vẫn giữ được sự mềm tơi, thơm xốp, ăn cùng với nước sốt đặc trưng, cơm và rau. Bên cạnh đó cũng đừng quên thử chicken satay - gà xiên nướng, nasi goreng - cơm chiên kiểu Indonesia và lẩu thập cẩm lawar. Các nhà hàng địa phương ở Bali rất nhiều, nên mọi nhà hàng dễ thương, sạch sẽ đều là sự lựa chọn hợp lí cho những vị khách du lịch dễ tính như vợ chồng tôi.
Ubud và những ngày sống chậm rãi, bình yên
Rời Kuta hiện đại và rộn ràng, vợ chồng tôi xuôi về phía bắc để về Ubud, một thị trấn nhỏ nhắn, cổ xưa, nép mình bên những ngọn núi và ruộng bậc thang trải dài vô tận. Trên cung đường từ Kuta về đến Ubud, chúng tôi ghé thăm ngôi đền Balinese Pura Tanah Lot, ngôi đền có kiến trúc độc đáo bậc nhất Bali. Đền Tanah Lot cách Kuta khoảng 45 phút đi xe, ngôi đền cổ nằm ngự trị trên một tảng đá lớn, bao quanh là biển nước trong xanh, gần như tách biệt với đất liền. Theo truyền thuyết của Indonesia, ngôi đền được thần rắn Basuki bảo hộ và mang giá trị tôn giáo vô cùng thiêng liêng với người dân nơi đây. Chúng tôi đến Tanah Lot vào sáng sớm, khi những tia nắng ban mai bắt đầu soi rọi trên ngôi đền cổ, con lạch nước nối từ đất liền ra Đền trong vắt, xao động nhẹ nhàng. Những dấu hằn thời gian phủ lên Tanah Lot một vẻ đẹp hùng tráng, trầm mặc và thần bí.
Khi đặt chân đến Ubud, mùi nguyên sơ của rừng già, vị trong trẻo của không khí ngay lập tức hớp hồn chúng tôi. Những resort ở Ubud đa phần đều được phủ kín cây xanh, đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho khách du lịch. Thị trấn nhỏ được mệnh danh là trái tim của Bali này có những địa điểm vô cùng thú vị như đền Pura Tirta Empul nổi tiếng với nguồn nước có tác dụng chữa bệnh, Cung điện Hoàng gia Ubud cổ kính hay những thửa ruộng bậc thang Tegallalang vàng óng, trập trùng. Nhưng vượt lên trên tất cả những địa danh nổi tiếng, thứ khiến tôi xúc động sâu sắc và đem lòng yêu mến Bali chính là bầu không gian yên bình và tự nhiên như hơi thở ở Ubud.
Buổi chiều khi vừa đặt chân đến Ubud, hai vợ chồng tôi không hẹn trước mà đều cất điện thoại vào sâu trong túi, tay nắm chặt tay, cứ thế lững thững đi qua những con phố nhỏ lát gạch, những cửa hàng lưu niệm nhỏ xinh tại Ubud. Ngày hôm đấy, chúng tôi không thăm được di tích nào, không check-in được ở một tổ chim nổi tiếng nào, nhưng chúng tôi cảm thấy lòng mình bình yên và hai tâm hồn trở nên đồng điệu thực sự. Thành phố Ubud với những con đường nhỏ quanh co, mùi trầm hương nhè nhẹ tỏa ra từ những ngôi đền cổ, tiếng xào xạc của rừng cây xanh thẳm bao quanh và nụ cười tươi rói thân thiện luôn nở trên môi những người bản địa khiến chúng tôi nhẹ bẫng.
Hai vợ chồng tôi chầm chậm hít thở bầu không khí vừa cổ kính vừa rạng rỡ, mê mẩn từng góc nhỏ ở Ubud, thỉnh thoảng dừng chân nếm thử vài món đặc sản địa phương, mua vài thứ đồ gỗ lưu niệm được chế tác vô cùng tinh xảo. Rồi chúng tôi chọn ngẫu nhiên một quán ăn địa phương nhìn rất có thiện cảm - và đấy là nơi có bánh cheese và cơm nhà kiểu Indonesia ngon nhất chúng tôi từng được ăn trong đời. Càng tận hưởng cảnh sắc Ubud, chúng tôi càng hiểu tại sao cô Liz trong “Ăn, cầu nguyện, yêu” phải đến nơi đây để tìm được tình yêu. Vì Ubud thấm đẫm một thứ cảm xúc vừa nguyên sơ vừa mãnh liệt, vừa mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần dịu êm. Ubud khiến ai chưa yêu thì muốn được yêu, còn những ai đang sánh đôi với bạn đời rồi thì nguyện đắm say mãi mãi với một nửa của mình. Chắc cũng bởi vì thế mà chưa bao giờ Ubud, hay Bali nói chung, vắng mặt trong danh sách những điểm đến cho tuần trăng mật hoàn hảo.
Dù đã đi du lịch cùng nhau rất nhiều lần trước khi cưới, nhưng có lẽ tuần trăng mật vẫn là chuyến đi đong đầy cảm xúc nhất của chúng tôi. Được chìm đắm vào không gian lãng mạn, trong trẻo của Bali, chúng tôi như an yên hơn, vững vàng hơn, muốn được sẻ chia, được thấu hiểu và được yêu thương nhau nhiều hơn. Và tôi sẽ nhớ mãi Ubud những ngày đó đã dịu dàng chào đón đôi vợ chồng trẻ chúng tôi, ôm hai đứa vào lòng, reo vui những khúc ca của một cuộc sống hạnh phúc chớm nở.
Thông tin thêm
Lịch trình: Từ TP.HCM có đường bay thẳng đến Bali nhưng nếu đi từ Hà Nội, bạn sẽ phải qua một điểm dừng nối chuyến. Giá một vé khứ hồi khoảng từ 4.000.000 đồng trở lên.
Thời điểm: Bali tuyệt nhất trong khoảng tháng 4 đến tháng 7. Bali lúc này rất đẹp, thời tiết dễ chịu, không mưa, không nắng gắt, không quá nóng, các hoạt động vui chơi, khám phá không bị ảnh hưởng bởi mưa.
Ẩm thực: Thức ăn tại Bali tương đối dễ ăn với hầu hết khách du lịch. Các món ăn nhất định phải thử khi đến Bali là Babi Guiling, Chicken Satay, Nasi Goreng, Lawar.
Lưu trú: Bali có rất nhiều resort và homestay đẹp, giá cả phải chăng. Bạn nên đặt phòng trước qua các trang đặt phòng online để lựa chọn những resort có bể bơi, bữa sáng miễn phí, không gian thoải mái với giá chỉ từ 800.000 - 1.000.000 đồng/đêm.
Trang phục: Bali có khí hậu nhiệt đới, quanh năm nóng giống như TP.HCM nên bạn chỉ cần mang theo quần áo mùa hè tiện dụng, thoải mái. Đừng quên mang thêm váy dài, quần dài vì tất cả các đền, chùa ở Bali đều nghiêm cấm mặc đồ ngắn, hở hang. Bạn có thể mua sarong - một loại váy cuốn truyền thống của Indonesia khi đến tham quan các đền, chùa.
Di chuyển: Bạn nên thuê nguyên một xe taxi với tài xế nói tiếng Anh để tiện di chuyển giữa các điểm cách xa nhau. Tại Kuta hay Ubud, thuê xe máy là phương án hợp lý cho việc khám phá và dừng lại tại các điểm bạn yêu thích.
Ngôn ngữ: Hầu hết người dân Bali đều nói được tiếng Anh cơ bản nên việc giao tiếp không gặp nhiều khó khăn.
Tiền tệ: Tỉ giá 1 rupiah (IDR) xấp xỉ 1.700 đồng. Nên đổi tiền ở ngân hàng để tránh những rủi ro thường gặp tại các điểm đổi tiền tư nhân.
Chi phí dự kiến: Khoảng 25 triệu đồng/2 người cho hành trình 5 ngày 4 đêm.