Với tổng chiều dài 213 km, hàng năm có khoảng 1,4 tỉ lượt người sử dụng mạng lưới tàu điện ngầm được xây dựng từ hơn một thế kỷ. Ngay từ đầu thế kỷ XX, tàu điện ngầm là phương tiện đi rất phổ biến, gắn liền với tầng lớp công nhân Paris, giúp họ tới công xưởng hay nhà máy tập trung chủ yếu trong thành phố. Tới đầu thập niên 1970, tàu điện ngầm trở thành hình ảnh gắn liền với nhịp sống nhanh và buồn tẻ, với khẩu hiệu cho tới giờ vẫn phổ biến “métro, boulot, dodo” (tàu điện, công việc, giấc ngủ).
Hệ thống Métro - Chứng nhân lịch sử, linh hồn của Paris
Hệ thống Métropolitain của Paris thuộc Công ty quản lý giao thông công cộng Paris (Régie autonome des transports parisiens-RATP) chính thức được đưa vào sử dụng ngày 19 tháng 7 năm 1900 và phát triển cho đến ngày nay. Gắn liền với cuộc sống của những người đã và đang đặt chân đến Paris hơn 1 thế kỷ qua, không thể phủ nhận rằng hệ thống Métro ở Paris là một nét văn hóa đặc trưng của nước Pháp và là một trong những công trình mang tính biểu tượng của kinh đô ánh sáng thế giới.
Vào năm 1863, tuyến đường Métro đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng ở thành phố Luân Đôn. Sau 3 năm, New York là thành phố tiếp theo sử dụng Métro, tiếp theo đó là Chicago năm 1892 và Budapest năm 1896.
Sau nhiều năm tranh luận giữa Nhà nước và chính quyền thành phố Paris, năm 1895, kỹ sư cầu đường người Bretagne Fulgence Bienvenüe là người chịu trách nhiệm khởi công công trình Métro ở thủ đô của Pháp. Paris sẽ có một hệ thống giao thông nội thành hoàn chỉnh để chuẩn bị trưng bày tại Triển lãm toàn cầu năm 1900 và sẽ mở rộng thêm 6 tuyến vào năm 1911. Chính vì thế, đường Métro là một trong những công trình quan trọng bậc nhất đánh dấu cột mốc bước vào thời kỳ hiện đại của thành phố Paris.
Hệ thống Métro Paris ngày nay có tổng cộng 16 tuyến, được sắp xếp theo thứ tự từ 1-16 với tổng chiều dài 214 km đường ray, có tối thiểu 4,5 triệu lượt khách mỗi ngày, hàng năm có khoảng 1,4 tỷ lượt người sử dụng.
Vé Métro xuất hiện ngay từ khi tuyến số 1 đi vào hoạt động. 30.000 vé đã được bán ra ngày ngày đầu tiên sử dụng với mức giá 15 xu/vé hạng hai. Chỉ riêng năm 1900, 17 triệu lượt khách đã sử dụng tuyến đường này. Trước khi hệ thống kiểm tra vé tự động được đưa vào sử dụng năm 1973, tại lối vào tàu điện luôn có nhân viên soát vé đứng ở cửa để bấm vé.
Do đặc điểm địa chất không thuần nhất của Paris nên các đường Métro thường nằm khá sát mặt đất, độ sâu trung bình là từ 4 đến 12 m. Trừ các tuyến chạy ngầm dưới các ngọn đồi của Paris như Montmartre, Ménilmontant, một số bến còn có độ sâu tới gần 32 mét, như dưới lòng đồi Chaumont (Buttes Chaumont), ở quận 19, phía bắc Paris. Đây là lý do khiến các tuyến Métro Paris phải xây dựng dọc theo các trục đường chính làm cho một số tuyến chạy khá ngoằn ngoèo.
Để đảm bảo việc đi lại của người dân Paris được thuận tiện nhất, Métro Paris ở nội thành có các trạm dừng ở rất gần nhau. Khoảng cách trung bình giữa 2 bến là 548 m, riêng tuyến 13 là 325 m, còn tuyến 14 là 1 km, tất cả tạo thành một mạng lưới dạng bàn cờ xếp sát nhau phía dưới lòng thành phố.
Metro Paris và những trạm dừng ấn tượng tái hiện văn hoá, lịch sử kinh đô ánh sáng
Năm 1968, André Malraux, một nhà văn và là một chính trị gia, phụ trách về lĩnh vực văn hoá của chính phủ đã cho ra đời ý tưởng “bến tàu văn hoá”. Các trạm Métro từ lúc lúc đó đã được tân trang, không còn chỉ là những nhà ga thông thường, mà còn là nơi tái hiện lịch sử, văn hóa của Paris và nước Pháp.
Lấy cảm hứng từ Bảo tàng Nghệ thuật và Nghề nghiệp, trạm Arts et Métiers trên tuyến 11 là một kiệt tác kiến trúc. Bước chân vào trạm hành khách như lạc vào một thế giới khác, nơi công nghệ và nghệ thuật hòa quyện. Với những tấm đồng bóng loáng và những mô hình tàu ngầm Nautilus đầy ấn tượng, trạm tàu này mang đến một trải nghiệm vô cùng độc đáo. Sự kết hợp này đã biến trạm tàu này thành một bảo tàng nghệ thuật ngầm thực thụ.
Trạm Concorde trên tuyến 12 là một bảo tàng lịch sử sống động. Trên những bức tường của trạm, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền được khắc họa, ghi dấu một trong những cột mốc quan trọng trong lịch sử nước Pháp. Mỗi viên gạch lát sàn như một chữ cái, cùng nhau tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự tôn vinh đối với văn hóa và tinh thần dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm metro Paris, nghệ sĩ Jean-Michel Othoniel đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo tại trạm Palais-Royal-Musée du Louvre. Một tác phẩm nghệ thuật độc đáo đã biến lối lên xuống dẫn tới quảng trường Colette thành một không gian đầy màu sắc và sáng tạo. Những quả cầu thủy tinh lung linh như những viên ngọc quý, tạo nên một ki-ốt nhỏ xinh xắn và thu hút mọi ánh nhìn.
Cũng giống như thời kỳ đầu phong cách nghệ thuật mới của Guimard, kiểu dáng trên cũng là chủ đề tranh luận và đàm tiếu vì phá vỡ nét cổ điển sang trọng của khu phố với những công trình nổi tiếng như Nhà hát kịch Pháp, Hội đồng Lập hiến, bảo tàng Louvre hay Hoàng cung…
Cảnh đẹp nhất Paris có thể chiêm ngưỡng được từ metro là đoạn giữa hai trạm Passy và Bir-Hakeim trên đường số 6 dẫn tới tháp Eiffel. Đây là tuyến duy nhất không chạy hết dưới lòng đất mà phần lớn nằm trên cầu cao. Toàn cảnh tháp Eiffel, trước mặt là cây cầu Iéna và hai bờ sông Seine thơ mộng, hoà quyện với nhau tạo thành một bức tranh hữu tình huyền ảo.
Bên cạnh những trạm metro đẹp nhất thì hiện nay ở Paris vẫn còn những trạm tàu điện ngầm bị bỏ hoang, được gọi là “những trạm tàu điện ma”, vì không mở cửa đón khách. Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, chính phủ áp dụng chính sách giảm bớt tần suất phục vụ và chỉ khai thác 85 trạm, do một phần nhân viên được tổng động viên ra chiến trận. Những năm sau chiến tranh, phần lớn được mở cửa trở lại, tuy nhiên nhiều trạm không được sử dụng thường xuyên, hay quá gần với các trạm lân cận nên vẫn bị ngừng hoạt động, còn một số trạm khác được sử dụng vào mục đích khác hay biến mất theo thời gian. Có 3 trạm bị đóng cửa vĩnh viễn từ năm 1939 là Arsenal, Champ-de-Mars và Croix-Rouge.
Trong tương lai gần, vào khoảng trước năm 2040, dự án “Tàu điện Paris mở rộng” (Métro du Grand Paris) sẽ được hoàn thành. 155 km đường sắt mới, giao với các tuyến đường đang tồn tại, cho phép hàng chục nghìn người dân Paris và các vùng phụ cận tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại, và đi được xa hơn.