Núi Phú Sĩ, biểu tượng của Nhật Bản, từ lâu đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc du khách đổ xô đến đây với mục đích "sống ảo" đang gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương và chính hình ảnh của ngọn núi biểu tượng này.
Việc xe cộ đỗ bừa bãi, người đi bộ băng qua đường trái phép, thậm chí đứng giữa đường chụp ảnh khiến giao thông ùn tắc, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Rác thải do du khách xả bừa bãi bủa vây xung quanh núi Phú Sĩ, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nơi đây. Du khách giẫm đạp lên cỏ cây, hoa lá, thậm chí leo trèo lên những tảng đá nguy hiểm để chụp ảnh, gây tổn hại đến môi trường xung quanh.
Chính vì thế, giới chức Nhật Bản cho thực hiện dựng rào chắn tầm nhìn núi Phú Sĩ nhằm hạn chế tiếng ồn từ du khách tập trung đông đúc tại khu vực này, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương và là một biện pháp để bảo vệ cảnh quan này.
Du khách bất chấp nguy hiểm, phá rào để chụp ảnh "sống ảo" tại núi Phú Sĩ là một hành vi thiếu ý thức và cần được lên án. Núi Phú Sĩ là biểu tượng của Nhật Bản và là điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách. Nhiều du khách muốn có được bức ảnh đẹp nhất tại đây nên bất chấp mọi quy định được đề ra. Tưởng rằng sau khi có rào chắn khách du lịch đến đây không thấy góc sống ảo huyền thoại sẽ bỏ ý tưởng check-in, thế nhưng nơi đây vẫn đón nhận một lượng lớn khách du lịch kéo theo đó hàng rào lưới đã xuất hiện tình trạng bị chọc thủng lỗ dù cảnh sát luôn túc trực từ 10h-16h hàng ngày.
Có những du khách bất chấp cả nguy hiểm, mang theo ghế thậm chí là thang để leo cao hơn tấm bạt đen che chắn, thuận tiện cho việc chụp góc sống ảo cũ. Việc du khách vác theo ghế, mang thang để leo lên cao hơn tấm bạt che chắn, quay video cho thuê thang chụp ảnh có tính phí là hành vi vi phạm quy định của chính quyền địa phương, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với những nỗ lực bảo vệ cảnh quan và môi trường của chính quyền và người dân địa phương.
Sức mạnh lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội khiến hành vi này ngày càng rộng rãi, nhiều du khách đến và làm theo những video trước đấy, lan truyền một văn hoá "không đẹp". Việc du khách chen lấn, xô đẩy, sử dụng các vật dụng cồng kềnh để chụp ảnh đã gây mất mỹ quan khu vực và ảnh hưởng đến trải nghiệm của những du khách khác. Hay leo trèo lên cao để chụp ảnh có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, đặc biệt là khi sử dụng các vật dụng không đảm bảo an toàn.
Hàng rào lưới là biện pháp cuối cùng của giới chức thị trấn, sau nhiều biện pháp mềm mỏng bị du khách phớt lờ. Giới chức đang có kế hoạch thêm mã QR vào hàng rào lưới để giới thiệu các điểm "check-in" khác trong khu vực. Nếu dòng du khách đổ về siêu thị để chụp núi Phú Sĩ giảm, thị trấn có thể xem xét gỡ lưới.
Việc sử dụng "màn đen" che khuất khu vực chụp ảnh "sống ảo" nổi tiếng tại núi Phú Sĩ chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết triệt để vấn đề du khách "sống ảo" và những hệ lụy mà nó gây ra. Để hướng đến giải pháp lâu dài và bền vững, cần có sự chung tay của nhiều bên, bao gồm chính quyền địa phương, du khách và các bên liên quan khác.