Chinh phục đỉnh cao, chinh phục bản thân
Từ khi còn học cấp ba chuyên Địa lý, Huyền Nguyễn đã ấp ủ ước mơ được đặt chân lên những ngọn núi cao nhất Việt Nam, thay vì chỉ ngắm nhìn chúng qua trang sách. Và rồi, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi cô chinh phục thành công bốn đỉnh núi cao nhất Việt Nam: Fansipan, Pusilung, Putaleng và Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử).
Hành trình chinh phục không chỉ dừng lại ở bốn đỉnh núi, nữ luật sư còn đặt chân đến nhiều ngọn núi khác trong top 15 Việt Nam như Tà Xùa (Yên Bái), Tả Liên Sơn, Tà Chì Nhù, Pờ Ma Lung, Chung Nhía Vũ, Nam Kang Ho Tao, Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San. Bên cạnh đó, những đỉnh núi khác như Tây Côn Lĩnh, Chu Va, Pha Luông... cũng đã được cô chinh phục.
Trong số những đỉnh núi ấy, Nam Kang Ho Tao để lại cho Huyền Nguyễn ấn tượng sâu sắc nhất. Nơi đây được mệnh danh là “nóc nhà hiểm trở” với nhiều dạng địa hình đa dạng như núi đá, rừng thảo quả, rừng nhiệt đới ẩm, rừng kín và rừng lá rộng thường xanh. Cung đường leo núi đầy thử thách và dài ngày, đòi hỏi thể lực và tinh thần thép. Nếu như những ngọn núi khác chỉ mất hai ngày để chinh phục thì Nam Kang Ho Tao cần tới ba ngày đối với người có thể lực bình thường. Cung đường đi và về theo hướng Lai Châu dài gần 40 km.
Thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ luôn mang đến cho mỗi người nguồn năng lượng tích cực và sự “chữa lành” kỳ diệu. Bởi lẽ, thiên nhiên sở hữu màu xanh mát dịu, tốt cho mắt, không gian thanh bình, không sóng điện thoại, chỉ có tiếng chim hót líu lo, tiếng suối chảy róc rách, ánh nắng len lỏi qua tán cây rực rỡ cùng những loài hoa rừng độc đáo chỉ nở trên độ cao hơn 2000 m và cả biển mây bồng bềnh như chào đón chúng ta trở về với “ngôi nhà” của mình.
Hơn cả những cảnh đẹp ngoạn mục, leo núi còn là hành trình khám phá bản thân giúp nữ luật sư hiểu rõ hơn về chính mình và bồi đắp cho tâm hồn thêm phong phú. Dù có những lúc mệt mỏi, chùn bước trước thử thách, Huyền Nguyễn vẫn luôn nỗ lực vượt qua, vì cô biết rằng nơi đây sẽ tiếp thêm sức mạnh để đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống.
“Mình cũng không ít lần gặp phải những thách thức, đó là trong quá trình di chuyển, nghỉ ngơi dài 2-3 ngày, đôi chân của mình cũng lên tiếng. Những bước chân thấy đau và khi da mình mỏng còn bị rộp chân. Hay những lần mình cảm thấy đói, tụt đường huyết, cần bổ sung thêm năng lượng. Khi di chuyển mỗi người đều phải tự mang lấy đồ dùng cá nhân, có khi đeo nặng, mỗi lần leo dốc cao đều cảm thấy khá mệt”, Huyền Nguyễn nhớ lại.
Bí kíp chinh phục mọi cung đường leo núi cho người mới bắt đầu
Với kinh nghiệm của một người từng chinh phục gần 20 ngọn núi ở Việt Nam, Huyền Nguyễn cho rằng đồ dùng cá nhân là những vật dụng rất quan trọng. Đó là balo có dây trợ lực, giày leo núi có độ bám, gậy, đèn pin đeo đầu, một số loại thuốc, đồ y tế cơ bản, áo mưa, áo giữ nhiệt, găng tay, sạc dự phòng, dao nhỏ, bật lửa, quần áo, mũ, khăn, tất, đồ ăn dạng nhỏ trên đường di chuyển, nước uống… Còn về trang phục nên lựa chọn quần áo dài, rộng, thoáng mát, nhanh khô, áo sáng màu để có thể dễ nhận diện và chụp hình sẽ đẹp hơn.
Theo Huyền Nguyễn, trước khi bắt đầu hành trình, bạn nên dành thời gian vận động, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức bền, dẻo dai cho cơ thể. Nên tập trung vào các bài tập cardio như chạy bộ, bơi lội, đạp xe... Trước khi leo núi ba ngày, hãy dành thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, thư giãn tinh thần. Việc này giúp cơ thể phục hồi năng lượng, tránh tình trạng mệt mỏi, đuối sức trong quá trình leo núi.
Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như protein, vitamin, khoáng chất... để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ bắp hoạt động hiệu quả. Nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu năng lượng như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, thịt nạc… Bạn cũng cần duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày, đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ lượng nước cần thiết để hoạt động tốt. Nên uống nước lọc, nước trái cây, các loại nước điện giải để bù nước và khoáng chất cho cơ thể.
Trước ngày leo núi nhiều ngày, hãy đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, phục hồi năng lượng. Việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, dễ gặp chấn thương trong quá trình leo núi. Hãy giữ tinh thần thoải mái, tránh thức khuya, lo lắng trước ngày đi leo núi. Việc này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến bạn khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
Nữ luật sư chia sẻ, trước khi bắt đầu leo, mọi người nên dành 10-15 phút để làm nóng cơ thể, tăng cường sự dẻo dai và hạn chế nguy cơ chấn thương. Khi leo dốc, cơ thể rất dễ mệt vì mất sức, vì vậy bạn nên cầm gậy trong quá trình leo giúp giảm lực và giữ thăng bằng, cũng như có thể dùng gậy để thử địa hình trước mặt.
Trái lại, khi xuống dốc thường không mất sức bằng khi leo dốc, nhưng nếu không cẩn thận sẽ dễ đau chân, đặc biệt là đau gối nếu bước mạnh trong thời gian dài. Bạn có thể duy trì tốc độ chậm rãi; áp dụng kỹ thuật “bước lùi”, “bước ngang chân”; chú ý đặt gót chân trước và giữ cơ thể nghiêng về phía trước…
“Người mới bắt đầu cần có kỹ năng chuẩn bị tốt, đầy đủ đồ cơ bản khi đi leo núi. Hít thở đều trong quá trình leo dốc, lắng nghe cơ thể và đi theo tốc độ của bản thân. Trong quá trình di chuyển không nên quá dồn lực vào mũi chân khi xuống dốc. Cùng với đó, cố gắng nhớ được điểm nhận dạng tại những chỗ rẽ khi xuống núi. Khi dừng nghỉ, cũng không nên nghỉ quá nhiều”, Huyền Nguyễn chia sẻ.
Trong quá trình leo núi, tuyệt đối không chia sẻ những đồ thiết yếu, mang tính chất cá nhân như đồ ăn, nước uống, đèn pin, thuốc, áo mưa, áo khoác vì đây là những vật dụng cần thiết cho mỗi người trong suốt hành trình. Khi cảm thấy đói, mệt mỏi, hãy bổ sung năng lượng ngay lập tức, không nên đợi đến khi quá đói mới ăn. Mang theo nhiều đồ ăn dạng nhỏ để tiện lợi cho việc bổ sung năng lượng.
Bạn nên đi sát porter (người dẫn đường), đặc biệt là những khu vực có nhiều ngã rẽ khó xác định hướng đi hoặc di chuyển với số lượng ít người. Nhóm đi chậm nên xuất phát sớm hơn để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Khi di chuyển qua những khu vực có bụi cây rậm rạp, hãy cẩn thận và quan sát kỹ lưỡng để tránh bị côn trùng đốt hoặc va chạm vào các vật thể nguy hiểm.
“Có thể, mỗi bạn khi nghĩ đến leo núi đều sẽ có mục đích khác nhau như chinh phục, ngắm cảnh, về với thiên nhiên để được chữa lành... Dù bởi lý do nào thì các bạn vẫn nên có sự tìm hiểu về nơi bạn đến, những đồ cần chuẩn bị, kỹ năng, kiến thức khi đi leo núi. Một tinh thần lạc quan trước mọi sự việc, dù có khó khăn hay thế nào, mình tin rằng leo núi là một trải nghiệm đáng thử trong cuộc đời của mỗi người”, nữ luật sư nhắn nhủ.