Bộ tranh giản dị gợi nhớ ngày Tết truyền thống

08/01/2018

Trong không khí ngày Tết truyền thống đang đến gần, một nhóm bạn trẻ đã cho ra đời bộ tranh mô tả ngày Tết cổ truyền dưới nét vẻ giản dị, gần gũi. Bộ tranh cùng câu chuyện ngày Tết gợi cho ta nhớ lại những khung cảnh quen thuộc đã một thời gắn bó với ngày Tết quê hương.

CHỢ TẾT

Ngày bé. Mẹ vẫn thường chở tôi theo ra chợ. Tất nhiên là tôi chẳng phải to khỏe để xách đồ hay có kĩ năng mua hàng. Chủ yếu là đứng trông xe chứ cũng không có gì vẻ vang cho lắm.

Và với một đứa trẻ thì việc đứng yên một chỗ là điều khó khắn. Thế nên tôi đạp xe lòng vòng quanh khu chợ ngoài. Tôi thích xem người ta bày những chậu quất thành từng hàng dài hay những cành đạo to nhỏ đang trổ hoa hơn. Những ngày giáp tết, không chỉ những sạp hàng phía trong  đông đúc mà phía ngoài cũng tấp nập không kém. Từ sáng sớm các bà đã quẩy gánh hàng của mình ra bầy la liệt hai bên vệ đường trước cổng chợ.

Các sạp hàng tự chế với những tiền vàng chất thành đống, những hoa nhựa đủ màu sắc, hay những bánh chưng xanh xếp thành cặp. Tôi thích qua bên sạp bán hương trầm ngửi mùi. Bố vẫn thường cằn nhằn vì tôi đốt hương trầm ở nhà nhiều quá, tàn bay khắp nơi. Nhưng đó là thú vui của trẻ con mà.

Ông chẳng hiểu gì cả.

Tôi không còn ngồi sau lưng mẹ mỗi lần đi chợ mua đồ sắm tết nữa. Đó đã là quá khứ của ngày còn bé nhỏ.

Mẹ thường đi chợ tết từ ngày 26 đến tối 30. Bà sẽ không mua tất cả mọi thứ trong một lần chợ mà mỗi ngày lại đem về nhà một ít bánh, một ít kẹo, một ít hoa và một ít đồ trang trí. Vài năm gần đây. Bà không còn mua bánh chưng nữa. Thay vào đó là tự tay gói những chiếc bánh có hình vuông dẹt. Tôi gọi là “vuông dẹt” vì khi luộc xong nó không hẳn là hình vuông. Nó dẹt đầu này hoặc đầu kia. Thỉnh thoảng có cái còn bị lòi cả ruột ra ngoài.

Với tôi. Chợ tết không có nhiều kỉ niệm. Nhưng cảm xúc từ những phiên chợ ngày tết thì vẫn thế. Vẫn rạo rực, háo hức.

Một năm mới lại đến. Tôi vẫn sẽ cùng mẹ đi chợ từ ngày 26 đến đêm 30. Vẫn tranh cãi những thứ bà mua. Vẫn gói những chiếc bánh chưng “vuông dẹt” và đốt thật nhiều hương trầm.

CHÚC TẾT

Những năm gần đây. Tôi dường như đã được bố mẹ coi như là trưởng thành khi tự mình đi chúc tết hàng xóm, họ hàng.

Ngày bé, tôi thường theo bố mẹ đi chúc tết. Cái may mắn của tôi lúc đó là bé, vậy nên chẳng có lí do gì mà đi một vòng quanh xóm về cũng được một đống tiền lì xì. Nhưng không phải chỉ đơn giản là đi chúc tết. Tôi vẫn phải học thuộc lòng những câu chúc về sức khỏe, may mắn, hạnh phúc.Và bố có vẻ tự hào khi các bác hàng xóm khen “thằng con mau mồm mau miệng”. Tôi chỉ có thể kéo dài sự lanh lợi đó được một lúc, còn sau đó thì chán chẳng muốn nói năng. Người lớn quá ồn ào và ngồi thật lâu. Họ uống rượu và nói gì đó mà một đứa trẻ không thể hiểu được.

Lớn hơn một chút, tôi ý thức được việc chúc tết không chỉ là thông lệ mà còn là cách mà mọi người gặp gỡ, hỏi thăm nhau nhiều hơn.

Và thật sự thì càng lớn tôi càng không thích đi chúc tết. Bố mẹ thường phàn nàn rằng một năm mới về thì nên đi thăm hỏi chúc tết hàng xóm. Không nên chỉ nằm ở nhà chơi game. Nhưng năm nào tôi cũng chỉ nhận được những câu hỏi như “có người yêu chưa” “khi nào lấy vợ” “lương tháng được bao nhiêu?” Đó là những câu hỏi chán ngắt mà không ai muốn trả lời.

Một năm mới sắp đến, tôi sẽ lại về quê. Không còn là đứa trẻ thích mặc đồ mới và chạy lòng vòng nhận tiền mừng tuổi và học thuộc các câu chúc tết. Mỗi giai đoạn lại có sự thay đổi về cách nhận thức và suy nghĩ. Tôi đã sẵn sàng thay bố mẹ tiếp khách. Sẵn sàng chúc một ai đó với sự chân thành và sẵn sàng cho những câu hỏi “không ai muốn trả lời kia”. Còn bạn?

TIẾNG TRỐNG TUỔI THƠ

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tùng tùng, tùng tùng...

Tiếng trống từ đâu vang lại, tôi bước ra ngoài cửa ngóng. Cách mấy căn nhà về phía bên phải tôi, từ trong con hẻm nhỏ đi ra, mấy chú nhóc đang đội đầu lân, múa ngoe nguẩy phía trước bụng ông địa. Tiếng trống lớn dần lên khi mấy cậu bé khác với cái trống dần lộ ra khỏi con hẻm. Cậu bé đánh trống trông quá sức nhiệt tình, tay khua liên hồi, cái sự hứng khởi truyền qua tiếng trống của cậu khiến "con lân" kia cũng sung sức nhảy múa. 

Và trong một nhịp trống nào đó, tôi thấy mình bất thình lình đứng ở một nơi khác. Nơi mà cảnh vật xung quanh trở nên thân quen quá đỗi, và một chút gì đó ngờ ngợ vì đã đi xa quá lâu. Đó là một chiều Xuân, khi tôi theo chân đội lân nhí đi khắp xóm. Tiếng trống liên hồi, tiếng í ới của lũ nhỏ gây náo động những nơi mà tụi nó đi tới. Đội lân con trắng, con vàng, còn được phụ họa bởi mấy chú bé mặc đồ Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không, cầm cây gậy như ý khua qua khua lại. Trong khi đội lân chạy tít vào trong nhà người ta để múa, mấy đứa khác đứng ngoài đầu hẻm, vây quanh cái trống, ra sức gõ. Bỗng từ đâu có một trinh sát chạy tới, hét lên kêu cả bọn đi tới nhà ông nào đó. Thế là bọn trẻ lũ lượt, kéo nhau chạy đến đó. Có thằng còn lấy trống vác lên vai để chạy cho nhanh, đứa khác thì kéo cái đế trống có mấy bánh xe chạy theo sau. Mồ hôi nhễ nhại. Khi tôi đang mải mê nhìn con lân bước tới lui theo nhịp trống với cái đầu không ngừng đưa qua đưa lại, một đứa trẻ đứng kế bên bỗng la lên trong sự hào hứng khiến tôi giật mình.

Tiếng hét vừa dứt, thì cũng là lúc thấy lũ trẻ đã kéo đến phía trước mặt tôi, lao vào nhà để xông đất. Tôi lì xì, rồi phát bánh kẹo. Chúng ríu rít cảm ơn, rồi cũng nhanh không kém lúc đi vào, cả bọn ùa ra ngoài để "lấy lộc" ở những nhà khác trong xóm. Bỗng dưng tôi không kìm được đôi chân của mình, và dường như nó muốn tìm đường về những ngày tuổi thơ êm đềm. Tôi chạy theo lũ trẻ múa lân...

ÔNG ĐỒ ƠI...


- A, ông đồ kìa mẹ!
- Sao con biết là ông đồ?
- Mấy bữa con nghe chị hai đọc bài thơ về ông Đồ, nên con biết. Trả lời xong con bé còn bập bẹ đọc mấy câu thơ:
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua"

Ông đồ ngồi co ro một mình trong cái lạnh của buổi sớm mùng hai Tết. Góc đường Hà Nội ngày Xuân mới thật vắng vẻ làm sao, khác hẳn những ngày bình thường, đông đúc đến chừng ngạt thở. Tay ông nhăn nheo, những đường gân to chằng chịt trên làn da lấm chấm đồi mồi. Ấy thế mà cái đường bút của ông vẫn uyển chuyển, nét chữ bay bổng hút lấy mắt người nhìn.
Viết chữ xong, ông ngước mặt lên, bút đặt xuống bên nghiên mực tàu đã cạn. Đôi mắt hằn lên những vết chân chim, buông ánh nhìn về xa xăm. Những lúc vãn khách thế này, tâm trí ông không bước cùng hướng với chiều kim đồng hồ. Ông nhớ lại những ngày Xuân của mấy mươi năm trước, khi ấy, cũng góc đường này, ngồi với ông, là lão Hùng và lão Phong.

 

 

Lâu nay, cái nghề "ngoáy" chữ này vốn đã chẳng cho người ta kiếm đủ chén cơm qua ngày. Lão Hùng, sau vài năm bám víu con chữ, cũng chịu không thấu mà phải về quê. Buông cái bút, thì tay lại nắm lấy cái cày, mảnh ruộng nhỏ cũng đủ cho lão có bữa cháo bữa rau.


Khổ nhất là lão Phong, con cái không có, hai năm trước, chiều mùng ba Tết, trong một cơn gió rét ùa về, lão Phong cũng đi theo nó. Lão vốn dĩ đã không khỏe mạnh, thân hình gầy còm đến độ người ta có thể thấy được từng khớp xương trên người lão đội lên phía sau làn da tưởng chừng chẳng có chút thịt. Bởi thế, cứ trở trời, là lão lại run cầm cập, khoác trên người mấy lớp quần áo để cái nét bút nó không bần bật theo tay lão.


Đi xa hơn nữa vào trong quá khứ, ông đồ lại thấy mình cũng lão Hùng, lão Phong, tất bật viết những câu đối, câu chúc trên nền giấy đỏ. Chung quanh họ là những người khách đang trông ngóng tới lượt của mình. Có những người khách quen tới mua hàng năm. Cũng có những người từ xa tới vì nghe tiếng của mấy ông đồ này.


- Ông ơi! Tiếng gọi của cô bé làm ông giật mình, cái huyền hoặc của những ngày xưa cũ phụt tắt. Ánh mắt của ông thu lại ngay trước gian hàng của mình. Cô bé với nụ cười trong vắt, đôi mắt long lanh khi những tia nắng của đầu năm phản chiếu trong đó. Ông cười, đọc những câu thơ cuối...
"Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?"

 

BỮA CƠM TẤT NIÊN

Như bao nhiêu gia đình khác ở vùng núi này, nhà tôi rất đông con. Thế nhưng, cũng như bao nhiêu gia đình khác, chúng tôi lớn lên, lần lượt rời quê xuống thành phố, cả năm mấy chị em chỉ về nhà được vài ngày.

Hồi còn sinh viên, một năm còn về được hai lần, hè với Tết. Hồi đó, cứ tới dịp thi cuối học kì là tôi đứng ngồi không yên, nôn nao đến ngày về nhà. Do đặc thù ngành học, tôi lúc nào cũng là đứa về trễ nhất.

Ngày nhỏ, nhà tôi cúng tất niên sớm lắm, khoảng 25, 26 Âm lịch Ba đã bày mâm rồi. Những ngày đó, tôi sẽ phụ quét dọn bàn thờ, lau mấy cái lư đồng cho sáng bóng lên, rồi lại cắt bông chưng bàn thờ. Các chị sẽ ở trong bếp phụ mẹ nấu ăn. Hồi đó, tất niên nhà tôi làm to lắm, lúc nào cũng mời mấy mâm. Mẹ nói, nhà mình cả năm có mỗi một cái giỗ, nên tất niên phải làm lớn để trả lễ bà con chòm xóm.

Từ khi tôi lên đại học, ba dời hẳn ngày cúng tất niên sang ngày cuối cùng của năm cũ. Những bữa ngà ngật trên xe khách, mẹ cứ gọi điện luôn, hỏi về tới đâu rồi: “Ba chờ con về cho đủ cả nhà, rồi mới cúng.” Tôi vừa bước chân vào cổng cũng là lúc bàn thờ nghi ngút khói nhang.

Những năm sau này, Ba không mời ai dự tất niên nữa. Bữa cơm chiều cuối năm chỉ có mấy chị em tôi tranh nhau ăn những món mẹ nấu và kể về cuộc sống xa nhà. Ba muốn dành cái dịp hiếm hoi ấy để cả nhà được ở bên nhau.

Thế nhưng, bữa cơm tất niên cứ vắng dần, vắng dần. Mấy chị đi lấy chồng xa, năm về năm không, mà đa phần là cắm cúi nấu ăn bên nhà chồng. Tôi vào làm ở bệnh viện, Tết người ta nghỉ, mình vẫn cặm cụi ống chích kim tiêm, chỉ còn ba mẹ và bé Út ngồi nhìn nhau giữa mâm cơm nóng hổi.

Chiều cuối năm bệnh viện vẫn tấp nập bệnh nhân, tranh thủ uống ly nước giữa hai ca mổ, đọc tin nhắn của bé Út, lòng chợt thắt lại: “Mẹ nấu toàn món mấy chị thích, mà chẳng có ai về…”

CỐ

Cố là mẹ của bà ngoại, là bà ngoại của mẹ tôi. Nhà có năm chị em gái, nhưng mẹ nói tôi là đứa duy nhất được Cố chăm bẵm từ nhỏ. Ngày nghe tin mẹ chuyển dạ, Cố xách giỏ đồ ra đường cái đón xe, đi mấy chục cây số lên ẵm tôi. Thành ra Cố thương tôi nhất.

Ngày đó, tôi còn nhỏ lại ở xa nên ít về thăm Cố. Nhà tôi nghèo, chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch, ba mẹ đi làm suốt nên mấy chục cây là cả một quãng đường dài. Thường thì chỉ có Tết, cậu mượn ai đó chiếc xe máy chạy lên chở tôi chơi với Cố cho đỡ nhớ.

Vừa thấy tôi lấp ló sau lưng cậu, Cố liền đứng dậy, chống cây gậy ba tong vội vã đi ra cửa. Lưng Cố còng đến nỗi gập ngang tạo thành một góc vuông, nhưng mắt vẫn còn tinh anh lắm. Cố kéo tay tôi ôm vào lòng, rồi lận thắt lưng lấy ra mấy tờ tiền lẻ vuốt cho phẳng phiu, xoa đầu tôi mà rằng: “Cố lì xì cho con bé Chút mau lớn.” Sau đó, Cố sẽ đi vào trong buồng mở chiếc tủ đầu giường, lấy hàng đống bánh kẹo đã để dành cả năm mà đưa cho tôi. Đôi lúc, có cả những hạt đậu phộng chẳng biết đã rang từ bao giờ.

Bây giờ, mỗi dịp Tết về tôi lại đi bộ lên ngọn đồi nơi Cố đang nằm yên giấc, tựa vào lòng Cố. Phía xa xa là rừng thông đang xào xạc và triền đồi ngập màu lau trắng.

Cố ơi, bé Chút về rồi nè, vẫn chờ Cố lì xì và ôm con y như ngày xưa.

Bài và ảnh: Old Day Team

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES