Cánh đồng muối Bạch Long - Tuyệt tác giữa lòng Nam Định
Nằm tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cánh đồng muối Bạch Long có diện tích lên đến 230 ha - một trong những xã có ruộng muối lớn nhất khu vực Bắc Bộ. Lịch sử hình thành nơi đây gắn liền với nghề làm muối truyền thống lâu đời của người dân địa phương.
Từ xa xưa, khi thực dân Pháp chưa xâm lược, Bạch Long vốn là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa biển thu hút người dân từ khắp nơi đến sinh sống và lập làng. Do vị trí ven biển không thuận lợi cho trồng lúa, người dân đã tận dụng nguồn nước mặn dồi dào để phát triển nghề làm muối, biến nơi đây thành “vựa muối” trù phú bậc nhất khu vực.
Ngày nay, hơn 1.000 hộ dân tại Bạch Long vẫn đang gìn giữ và phát huy nghề truyền thống này. Cánh đồng muối Bạch Long không chỉ là nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương mà còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút du khách bởi vẻ đẹp độc đáo và bình dị của làng quê Việt Nam. Bạch Long cũng vinh dự lọt vào danh sách những ruộng muối đẹp nhất miền Bắc níu chân du khách bởi những khoảnh khắc bình minh và hoàng hôn rực rỡ trên nền trắng tinh khôi của muối.
Có dịp về xã Bạch Long thời điểm này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Sơn (hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) có một ngày trải nghiệm cùng với các diêm dân trên cánh đồng muối dưới cái nắng như đổ lửa.
“Lúc đi thăm cánh đồng muối, mình có gặp một cô diêm dân. Mình có ngỏ lời xin tham quan trải nghiệm, câu đầu tiên mình nhớ mãi rằng cô vui vẻ nói với mình ‘nghề này sáng cấy chiều gặt luôn cháu ạ’. Dù nắng nhưng tất cả đều nhờ có sự lạc quan, chăm chỉ, cần mẫn - những đức tính đẹp vốn có của người Việt Nam”, Hồng Sơn kể.
Để có được những hạt muối trắng tinh khiết, diêm dân Bạch Long phải trải qua bao nhọc nhằn dưới cái nắng như thiêu như đốt. Vậy nên, thời điểm lý tưởng nhất để du khách ghé thăm cánh đồng muối Bạch Long chính là từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm - mùa làm muối hối hả của người dân nơi đây.
Đến với Bạch Long vào những ngày này, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lao động hăng say của diêm dân. Dưới cái nắng rực lửa, những hạt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rám nắng, họ vẫn miệt mài vun đắp cho từng khoảnh ruộng muối. Nắng càng to, muối càng nhanh kết tinh, giúp cho việc thu hoạch thêm thuận lợi. Cánh đồng muối Bạch Long lúc này như một bức tranh rực rỡ sắc màu với màu trắng tinh khiết của muối, màu nâu sẫm của đất và màu xanh lam của bầu trời.
Nhiếp ảnh gia cho hay: “Đến khi về, mình vẫn nghĩ đến hình ảnh người dân làm muối miệt mài dưới cái nắng cháy da cháy thịt. Họ làm việc hăng say, quên cả việc đang đứng dưới nắng gắt để tạo ra sản phẩm. Họ vui mừng khi trời nắng vì trời nắng to họ mới làm được, nếu mưa thì lại chẳng làm được gì”.
Hành trình kỳ công tạo ra hạt muối trắng tinh
Để có được những hạt muối trắng tinh khiết trên mâm cơm gia đình, diêm dân Bạch Long đã trải qua một hành trình đầy gian nan và vất vả. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, khi những tia nắng đầu tiên còn chưa ló rạng, họ đã có mặt trên cánh đồng muối miệt mài lao động dưới cái nắng cho đến khi trời tối muộn.
Khác với phương pháp làm muối bằng hơi nước phổ biến ở miền Nam và miền Trung, muối Bạch Long được sản xuất bằng phương pháp phơi trên cát độc đáo. Nét đặc biệt này bắt nguồn từ việc vùng biển Giao Thủy có nồng độ mặn thấp, do đó cần thêm công đoạn phơi và lọc cát để tăng độ mặn cho nước biển.
Ngay từ sáng sớm, diêm dân sẽ bắt đầu bằng việc ngâm cát cùng nước biển và san phẳng mặt đất. Những ô đất hình chữ nhật được tạo ra trên cánh đồng sẵn sàng cho công đoạn tiếp theo. Cát ngấm nước biển được trải đều trên sân phơi, phơi dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thỉnh thoảng, diêm dân cần tưới thêm nước biển để tăng độ mặn. Sau nhiều giờ phơi, nước biển bốc hơi, muối kết tinh bám trên bề mặt cát.
Nước biển từ ngoài biển được dẫn vào hệ thống chảy qua thống con và thống cái để lọc cặn cát. Sau đó, diêm dân sử dụng những chiếc bầu để múc nước muối từ thống cái và đổ lên các ô phơi được lát xi măng. Khi muối đã kết tinh thành từng hạt trắng nhỏ, diêm dân sẽ thu gom thành từng luống, xúc lên xe cút kít và vận chuyển về kho. Muối được bảo quản cẩn thận để chờ đợi thương lái đến thu mua.
Hành trình sản xuất muối Bạch Long không chỉ là công việc mưu sinh mà còn thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Mỗi hạt muối trắng tinh đều thấm đẫm mồ hôi và tâm huyết của họ, góp phần tạo nên hương vị mặn mà cho bữa cơm gia đình Việt Nam.
Đặt chân đến cánh đồng muối Bạch Long, chứng kiến từng giọt mồ hôi thấm đẫm trên những khuôn mặt diêm dân dưới cái nắng như thiêu như đốt, anh Nguyễn Hồng Sơn không khỏi xúc động. Từng khoảnh khắc hăng say lao động, từng cử chỉ tỉ mỉ trong quy trình làm muối đều được anh ghi lại một cách đầy chân thực và sống động.
Bằng sự nhạy cảm nghệ thuật và kỹ thuật điêu luyện, chàng nhiếp ảnh gia đã mang đến cho người xem những khung ảnh đẹp mắt miêu tả trọn vẹn cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng đầy ý nghĩa của bà con diêm dân Bạch Long. Từng hạt muối trắng tinh khiết được tạo ra từ sự miệt mài, chịu khó dưới cái nắng chang chang từ đôi bàn tay chai sần của những người lao động khi qua ống kính của anh bỗng trở nên lung linh và thiêng liêng hơn bao giờ hết.
“Khi chụp bức ảnh nào mình cũng sẽ đặt cả tâm huyết và lựa chọn thời điểm chụp thích hợp. Mình cố gắng khai thác hết hiệu ứng tiêu cự ống kính mà mình có. Mình cố gắng chụp chậm để đầu óc luôn bình tĩnh sẽ sáng tạo được nhiều hơn các góc chụp. Và cuối cùng, luôn xây dựng những câu chuyện trong mỗi bức ảnh để không bị nhàm chán. Hơn hết, mình muốn hiểu hơn về các làng nghề Việt Nam hiện nay và luôn có cảm xúc bồi hồi khi chụp các làng nghề. Mình muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp của làng nghề và người làm nghề để không bị mai một”, Hồng Sơn chia sẻ.