Nằm trọn vẹn trong vòng tay ôm ấp của biển cả và sông ngòi, Hòn Khói hay còn gọi là bán đảo Hòn Khói, từ lâu đã trở thành một địa danh quen thuộc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc, bình dị, Hòn Khói níu chân du khách bởi những cánh đồng muối trắng tinh trải dài miên man, như dải lụa trắng khổng lồ tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần rực rỡ.
Hòn Khói - vùng "đất trắng" bạt ngàn qua bao thế kỷ
Lịch sử hình thành Hòn Khói có thể bắt nguồn từ thế kỷ 18, khi nơi đây còn được biết đến với tên gọi Phước Hà Ngoại, thuộc huyện Vạn Ninh. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến năm 1930, Hòn Khói chính thức được sáp nhập vào huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Hiện nay, Hòn Khói bao gồm 4 xã: Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy và Ninh Phước.
Ông Lê Hữu Lượng (Phó Giám đốc Xí nghiệp muối xuất khẩu Hòn Khói) cho biết: "Các địa danh nơi đây được đặt theo với cái tên Thuỷ Diêm Hải - thuỷ và hải là nước, còn diêm như để chỉ đây là trung tâm của muối. Thời Pháp thuộc, người ta chọn khu vực Hòn Khói để sản xuất, rồi tàu buôn đưa muối về Pháp hoặc các nước lân cận. Thời xưa lúc Pháp mới đến đây, Hòn Khói còn là một vùng hoang vắng, họ đã cho xây dựng hệ thống kênh rạch, các nhánh hình xương cá để đưa nước vào làm muối. Đồng muối ở đây được xây dựng theo kiểu bậc thang để ít tốn nhiên liệu bơm nước. Ngoài những ruộng muối với loại đất thổ nhưỡng phù hợp tích nhiệt ánh sáng mặt trời để tạo nên hạt muối, sau này, người ta còn phát triển thêm muối lót bạt".
Nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống, Hòn Khói sở hữu tổng diện tích sản xuất muối lên đến 650 ha, trong đó Ninh Diêm chiếm 400 ha. Những cánh đồng muối trắng tinh khôi, trải dài miên man dưới ánh mặt trời rực rỡ, chính là biểu tượng cho sự kiên trì, chịu khó và tinh thần lao động hăng say của người dân nơi đây.
Khúc ca lao động trên cánh đồng muối
Công việc sản xuất muối ở Hòn Khói bắt đầu từ rất sớm, khi những tia nắng đầu tiên ló rạng. Diêm dân cần mẫn cào muối, phơi muối dưới ánh mặt trời gay gắt. Mồ hôi họ rơi thấm vào từng hạt muối, hoà trong cái vị mặn mòi của biển cả.
Nghề làm muối ở Hòn Khói đã có từ lâu đời, là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân địa phương. Quy trình sản xuất muối nơi đây tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó của diêm dân. Mùa làm muối thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm. Dưới cái nắng gay gắt, những diêm dân cần mẫn cào muối, phơi muối, vận chuyển muối với những dụng cụ thô sơ. Công việc tuy vất vả nhưng họ luôn nở nụ cười hồn hậu, chất phác.
Chị Ngọc (Diêm dân Hòn Khói) chia sẻ: "Chúng tôi gắn với nghề làm muối từ thế hệ này sang thế hệ khác, gìn giữ và phát huy truyền thống lâu đời của gia đình mình. Nghề làm muối không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần vào sản xuất muối cho tỉnh Khánh Hòa. Muối Hòn Khói được biết đến với chất lượng hảo hạng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng".
Cuộc sống của diêm dân Hòn Khói gắn liền với những nhịp điệu của mùa muối. Mùa nắng, họ tất bật phơi muối, cất trữ. Mùa mưa, họ tranh thủ tu sửa bờ bao, nạo vét kênh mương để chuẩn bị cho mùa muối mới. Dẫu vất vả, họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời, bởi họ biết rằng những hạt muối trắng tinh chính là thành quả của sự lao động miệt mài, là nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Hơn cả một điểm đến du lịch, Hòn Khói còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo, là bức tranh sinh động về cuộc sống của người dân làng chài bình dị. Đến với Hòn Khói, du khách không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng quê yên bình mà còn được trải nghiệm những hoạt động thú vị như cào muối, phơi muối, hay hoà trong nhịp sống lao động tất bật của những diêm dân nơi đây.