Mê biệt thự đẹp, giá rẻ, hàng loạt du khách mắc lừa Helios Villa ở Vũng Tàu
Ngày 6/7 vừa qua, chị Tr. Nguyễn (Đồng Nai) hào hứng tới thành phố Vũng Tàu du lịch cùng bạn bè. Cả đoàn 20 thành viên tìm tới căn biệt thự tên Helios Villa mà chị Tr. đã đặt qua mạng, có địa chỉ tại 209 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu. Thế nhưng, khi tới nơi, cả đoàn sửng sốt vì không hề có căn biệt thự nào tồn tại. Khu vực này là một dãy các quán lẩu, cà phê.
Chị Tr. chụp hình, quay video gửi vào tài khoản Facebook từng giao dịch thì mới phát hiện không thể liên lạc. "Lúc này, biết đã bị lừa, mình đành cùng bạn bè đi thuê nơi khác nghỉ ngơi. Chuyến đi trở nên nặng nề, mất vui vì sự cả tin, chủ quan của mình", chị Tr. cho biết.
Theo lời kể của chị Tr., cuối tháng 6/2022, chị lên mạng tìm hiểu để đặt phòng nghỉ cho đoàn du lịch gồm 20 thành viên với nhiều trẻ nhỏ tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Khi lướt Facebook, chị Tr. vô tình đọc được bài quảng cáo về căn biệt thự mang tên Helios Villa, có ghi địa chỉ ở số 209 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu.
"Hình ảnh họ đăng tải nhìn rất đẹp, khang trang, rộng rãi. Do mới khai trương nên giá thuê villa vào ngày thường được giảm 50%, từ 10 triệu đồng/đêm xuống 5 triệu đồng/đêm. Mức giá rẻ này ngay lập tức khiến mình chú ý", chị Tr. chia sẻ với PV.
Chị Tr. thấy fanpage của căn villa này có khá nhiều lượt người theo dõi, tương tác nên tin tưởng. Tư vấn viên của fanpage còn chủ động gửi cho chị Tr. hình ảnh căn cước công dân của chủ villa, quyết định công nhận cơ sở lưu trú đạt chuẩn 3 sao. "Mình ham rẻ, cả tin nên ngay lập tức chuyển 2,5 triệu đồng tiền cọc", chị Tr. cho biết.
Tương tự như chị Tr., gia đình 14 thành viên của chị Trần Thị Ngọc Yến (Bình Tân, TPHCM) cũng là nạn nhân của căn villa "ma" này.
"Phía tư vấn viên liên tục giục giã, thời điểm này đang mùa cao điểm nên lượng khách đặt phòng cao, nếu đặt cọc chậm sẽ không có phòng. Điều đó khiến tôi vội vàng chuyển khoảng 2,5 triệu đồng cho họ", chị Yến kể. Sau khi chuyển khoản, chị Yến cảm thấy sốt ruột nên liên tục hỏi về việc xác nhận chuyển khoản nhưng phía tư vấn viên tìm nhiều lí do trì hoãn.
Vài ngày sau, chị Yến bắt đầu đọc được những bài chia sẻ về việc Helios Villa lừa đảo tiền cọc của du khách. "Lúc này tôi vội liên lạc thì phía fanpage đã chặn tôi. Biết mình bị lừa, tôi cảm thấy rất thất vọng. Dù chuyến đi của gia đình vẫn diễn ra nhưng bản thân tôi cảm thấy mất vui vì sự cả tin, chủ quan, ham rẻ của bản thân", chị Yến cho biết.
Theo tìm hiểu, đến nay đã có khoảng 200 du khách bị "Helios Villa" lừa tiền đặt cọc với chiêu thức như trên. Hiện nay, fanpage "Helios Villa" đã bị xóa. Sau khi bị lừa, nhiều nạn nhân của villa "ma" này đã tập hợp thành nhóm trên mạng xã hội để cùng trao đổi, lên tiếng tố cáo.
Ngày 13/7, công an tỉnh, thanh tra Sở Du lịch, Sở Thông tin và truyền thông Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc để điều tra, làm rõ vụ việc hàng trăm du khách bị lừa đảo tiền đặt cọc "căn biệt thự ma" mang tên Helios Villa ở Vũng Tàu. Hiện, những cán bộ có trách nhiệm đã liên hệ làm việc với một số nạn nhân của vụ lừa đảo trên để tìm hiểu thông tin. Công an TP Vũng Tàu cũng đã vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc.
Du khách sập bẫy "villa ma" ở Hòa Bình, cách lừa y hệt Helios Villa Vũng Tàu
Chỉ một vài ngày sau vụ việc tại Helios Villa ở Vũng Tàu được phản ánh trên báo chí, nhiều du khách tại Hà Nội cũng đồng loạt lên tiếng tố cáo một biệt thự "ma" mang tên Lucky Villa - Hòa Bình. Chiêu thức lừa đảo của Lucky Villa giống hệt vụ việc tại Helios Villa Vũng Tàu.
Chia sẻ với PV, anh Duy Việt (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết: Ngày 13/7, anh vô tình đọc được bài quảng cáo về căn biệt thự mang tên Lucky Villa, có địa chỉ ở xã Cự Yên, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Hình ảnh căn biệt thự đẹp lung linh, sang trọng, có hồ bơi và mức giá ưu đãi, giảm 50% nhân dịp khai trương đã thu hút anh Việt.
"Mình thấy căn biệt thự đang giảm giá thuê từ 15 triệu xuống 5-6 triệu đồng nên ham rẻ. Ngay khi đọc quảng cáo, mình liên lạc qua fanpage để hỏi thông tin, tìm thuê phòng vào ngày 23-24/7 cho nhóm bạn bè, gia đình mình, khoảng 25 người", anh Việt cho biết.
Tư vấn viên của fanpage nhanh chóng đưa thông tin giới thiệu căn biệt thự, chương trình ưu đãi, gửi hình ảnh biệt thự, căn cước công dân của chủ biệt thự, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có dấu đỏ... cho anh Việt. Khi anh Việt hỏi hình ảnh biệt thự do các du khách tự chụp thì tư vấn viên cho biết, "ngày mai (tức 13/7) mới khai trương đón khách, nên chưa có hình ảnh".
Khi thấy anh Việt còn hoài nghi, tư vấn viên tiếp tục "đánh đòn tâm lý". Họ cho biết hiện lượng khách đặt phòng lớn nên nếu anh Việt không nhanh tay đặt sớm sẽ hết phòng. Tư vấn viên còn liên tục nhấn mạnh, chương trình giảm giá 50% chỉ áp dụng với khách đặt ngay trong ngày (12/7), còn sau đó, mức giá trở về như cũ.
"Khi thấy họ nhanh chóng cung cấp giấy tờ liên quan, điện thoại liên hệ của quản lý, mình có tâm lý chủ quan. Cộng thêm việc tư vấn viên thúc giục nên mình ham rẻ, nhanh chóng nói chị gái chuyển 2 triệu đặt cọc cho chủ tài khoản Nguyễn Quốc Hùng", anh Việt cho biết.
Đến ngày 14/7, anh Việt đọc được một số bài viết tố cáo Lucky Villa là biệt thự ma, lừa đảo du khách. Anh Việt kiểm tra thì thấy fanpage tên Lucky Villa mà anh liên lạc đã "bay màu".
Tương tự như anh Việt, chị H.D (Hà Nội) cũng đặt cọc qua mạng số tiền 3,5 triệu đồng cho căn biệt thự trên. Sau vài ngày, chị D. phát hiện fanpage đã chặn tài khoản của chị, các số điện thoại họ cung cấp đều không thể liên lạc.
Villa "ma" mọc ở khắp các "điểm nóng" du lịch
Một số du khách đã phản ánh trên mạng xã hội tình trạng tour "ma", biệt thự "ma" tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết, Cô Tô (Quảng Ninh)... - những "điểm nóng" du lịch hè 2022.
Tại Quảng Ninh, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Cô Tô đã ghi nhận trường hợp khách bị mất số tiền cọc lên đến 23 triệu đồng khi đặt combo du lịch tại Cô Tô.
Còn tại Đà Lạt, chia sẻ với PV, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã nhận được phản ánh của 3, 4 trường hợp bị lừa khi đặt cọc villa qua trang Booking Villa DALAT vào hồi tháng 6/2022.
Thủ đoạn đều tương tự khi đối tượng lừa đảo sử dụng chứng minh thư nhân dân 12 số giả (tên thật, trùng với tên trong số tài khoản ngân hàng) để lấy lòng tin của khách hàng. Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển tiền để cọc villa rồi biến mất khi đã nhận đủ. Kẻ lừa đảo còn khá tinh vi khi sử dụng trang mạng xã hội có lượt tương tác cao (lên tới 40.000 người thích trang và 1.300 lượt thích/bài viết).
Trước đó, phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp lừa đảo liên quan đến Công ty Hoa Mặt Trời Travel - địa chỉ đăng ký B77 Khu quy hoạch Ngô Quyền, phường 6, thành phố Đà Lạt. Đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng ảnh từ các homestay, villa để lừa cọc của khách.
Du khách nên cẩn trọng
Tháng 6-7 là thời gian cao điểm du lịch hè. Đây cũng là thời điểm nhiều kẻ gian lợi dụng sự cả tin của du khách để thực hiện hành vi lừa đảo.
Các đối tượng lừa đảo thường tự xưng là nhân viên hoặc cộng tác viên của các công ty du lịch, hãng lữ hành hoặc khách sạn rồi ra sức chào mời, đưa ra mức giá ưu đãi hơn so với mặt bằng chung, giục khách chuyển tiền đặt phòng, đặt vé tàu trước với lý do đang mùa cao điểm, nếu không đặt nhanh sẽ hết chỗ.
Ông Lê Anh Kiệt khẳng định đã thông tin nhiều lần về những trường hợp lừa đảo khi đặt phòng tại Đà Lạt. Thậm chí, phòng Văn hóa Thông tin đã công bố số điện thoại đường dây nóng để du khách liên hệ, kiểm tra độ uy tín của cơ sở lưu trú. Mỗi ngày, đơn vị này nhận được 20-30 cuộc điện thoại từ du khách. Đơn vị sẽ tốn khoảng 30 phút cho tới 2 giờ để kiểm tra giúp du khách. Trong một số trường hợp, phòng Văn hóa Thông tin sẽ tới tận cơ sở lưu trú để kiểm tra.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị này đã nắm được thông tin ban đầu về vụ việc Helios Villa qua phản ánh của báo chí. "Đối tượng lừa đảo du khách qua mạng không có cơ sở lưu trú trên địa bàn nên sự việc thuộc phạm vi của cơ quan công an, sở Thông tin truyền thông. Tuy nhiên, chúng tôi đã cử thanh tra sở du lịch qua phối hợp làm việc", ông Hàng cho biết.
Riêng về tờ quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch mà fanpage Helios đăng tải, ông Hàng khẳng định có nhiều dấu hiệu làm giả, sửa đổi trái phép. Ông Hàng cho biết, khi tìm hiểu đặt phòng tại Vũng Tàu, du khách nên tra cứu thông tin tại website Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Vũng Tàu để tránh các trường hợp lừa đảo tương tự.
Theo bà Thu Phương - Giám đốc một công ty lữ hành tại Hà Nội, để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo, bà Phương khuyến cáo du khách nên đặt dịch vụ thông qua các công ty du lịch có uy tín, yêu cầu cung cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành, xác nhận ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa và một số giấy tờ chứng thực có giá trị pháp lý khác. Du khách cũng có thể đặt dịch vụ trực tiếp với các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch như tàu vận tải, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng... và đặt qua số điện thoại cung cấp trên các website hoặc số điện thoại của chủ cơ sở do cơ quan chức năng cung cấp. "Du khách nên hạn chế đặt dịch vụ qua trung gian để tránh rủi ro", bà Phương cho hay.
Khi giao dịch, du khách cần lưu lại các thông tin như biên lai thanh toán, email, tin nhắn...