Chân dung phụ nữ Việt Nam du lịch ra nước ngoài  

08/03/2022

Năm 2022, Việt Nam có khoảng 36 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu sinh sống tại những đô thị lớn, hơn 50% là nữ giới. Hoạt động du lịch trở thành một trong ba nhu cầu chi tiêu chính của nhóm phụ nữ trung lưu, đặc biệt là những chuyến đi ra nước ngoài. Thị trường khách du lịch nữ tại Việt Nam ngày càng gia tăng về độ lớn và được đánh giá là một phân khúc độc đáo.

Du lịch nữ giới từ góc nhìn toàn cầu

Thị trường khách du lịch nữ đã trở thành một hiện tượng đặc biệt trong những năm gần đây, với khoảng 2/3 số lượng khách toàn cầu là phụ nữ. Hoạt động du lịch của phụ nữ phổ biến ở nhiều độ tuổi và hình thức khác nhau, họ có cách thức đi du lịch khác biệt so với nam giới. Thậm chí, xu hướng phụ nữ đi du lịch một mình hoặc mạo hiểm đã trở nên thịnh hành từ năm 2009 đến nay.

Phương tiện truyền thông xã hội thời 4.0 đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cung cấp nguồn thông tin tham khảo, thúc đẩy phụ nữ tham gia tích cực vào hoạt động du lịch. Số lượng những công ty lữ hành được thành lập với mục đích phục vụ riêng cho phụ nữ tính đến nay đạt mức 230%, và chi phí mà phụ nữ dự kiến sẽ chi tiêu cho hoạt động du lịch trong năm 2020 - thời điểm đầu dại dịch Covid-19 - ước đạt 125 tỷ USD. Có nhiều chuyên trang du lịch nổi tiếng như Women On The Road, Journey Woman, Women Traveling Together,… đã hoạt động mạnh mẽ trong nhiều năm nay, nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các du khách chủ yếu là phụ nữ trên toàn cầu.

Phần lớn phụ nữ tham gia hoạt động du lịch thường xuyên là những người thành đạt trong công việc. Họ có cuộc sống bận rộn và mong muốn tìm kiếm sự bù đắp tinh thần thông qua hoạt động du lịch. Khác với nam giới, những phụ nữ tham gia du lịch có đóng góp nhiều hơn cho kinh tế tại điểm đến, nhờ vào hoạt động mua sắm. Dự kiến trong giai đoạn bình thường mới, khách du lịch nữ tiếp tục là đối tượng quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ngành du lịch và kiến tạo những xu hướng mới.

Châu Bùi trong những chuyến vi vu trước đại dịch (nguồn: Instagram)

Châu Bùi trong những chuyến vi vu trước đại dịch (nguồn: Instagram)

Chi Pu check-in tại Mỹ trong chuyến đi cuối năm 2021 (nguồn: Instagram)

Chi Pu check-in tại Mỹ trong chuyến đi cuối năm 2021 (nguồn: Instagram)

Phân khúc khách du lịch nữ Việt Nam ra nước ngoài ngày càng lớn mạnh

Ngày nay, khách du lịch nữ Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để thực hiện chuyến đi ra nước ngoài so với thế hệ trước. Nhìn lại năm 2018, người Việt đã thực hiện hơn 8,6 triệu chuyến đi ra nước ngoài, trong đó có khoảng 50% là phụ nữ. So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 2 sau Myanmar về tốc độ tăng trưởng thị trường khách du lịch ra nước ngoài, lần lượt là 9,5% và 10%.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Sự gia tăng về độ lớn thị trường khách du lịch ra nước ngoài được thúc đẩy bởi ngành hàng không sôi động, kết nối Việt Nam với nhiều điểm đến hấp dẫn khác trên thế giới. Số lượng đường và tàu bay tăng trưởng nhanh chóng từ các hãng hàng không nội địa và quốc tế, đặc biệt là phân khúc hàng không giá rẻ (low-cost airline) và hàng không tổng hợp (hybrid airline).

Chân dung khách du lịch nữ Việt Nam ra nước ngoài

Khách du lịch nữ Việt Nam có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và đặt mua dịch vụ, sản phẩm du lịch từ nền tảng du lịch trực tuyến một cách nhanh chóng và tiết kiệm. Cùng với chính sách thị thực xuất nhập cảnh nới lỏng tại nhiều điểm đến quốc tế đã hỗ trợ hoạt động du lịch ra nước ngoài ngày càng tự do và thuận tiện. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, đông đảo khách du lịch nữ lựa chọn các điểm đến nổi tiếng tại Đông Nam Á. Trong đó, những điểm đến thịnh hành nhất phải kể đến Thái Lan (Bangkok, Chiangmai) và Indonesia (Bali). Còn có những điểm đến thịnh hành tại khu vực Đông Bắc Á bao gồm Hàn Quốc (Seoul, Busan), Nhật Bản (Tokyo, Osaka) và Đài Loan (Đài Bắc, Cao Hùng). Tuy nhiên, đầu năm 2022 khi được lựa chọn du lịch ra nước ngoài, đa số phụ nữ Việt Nam có mức thu nhập cao, độ tuổi chủ yếu là 25 đến 40, đã sẵn sàng lựa chọn khởi hành đi Dubai, châu Âu và bờ Tây Hoa Kỳ. Gần một nửa là đi tour trọn gói, còn lại theo hình thức đặt các dịch vụ và tự do khám phá.

Trần Hồng Ngọc, một

Trần Hồng Ngọc, một "tín đồ" xê dịch nổi tiếng với những chuyến đi khắp Âu-Á (nguồn: Facebook nhân vật)

Trước đại dịch, sự tăng trưởng thị phần dòng khách nữ ra nước ngoài chủ yếu bị chi phối bởi chi phí chuyến đi (vé tàu bay, tour và chi tiêu tại điểm đến) và chính sách thị thực xuất nhập cảnh cởi mở tại điểm đến. Hiện nay, mối quan tâm của họ nhiều nhất nghiêng về chính sách hộ chiếu vaccine và các phương án xử lý khi du khách mắc Covid-19 trước, trong chuyến đi.

Dịch bệnh hai năm ròng cũng đã thúc đẩy du khách nữ đánh giá lại điều gì là quan trọng trong cuộc sống. Họ thay đổi hành vi và cả lối sống, ưu tiên về cách quản lý tài chính và tiết kiệm, dành thời gian cho người thân và bạn bè, ý thức chăm sóc bản thân tốt hơn và tinh thần “tự thưởng cho chính mình”. Thay vì quan tâm đến "check-in" và "shopping" như trước, giờ đây những du khách nữ càng giàu có và địa vị xã hội càng cao, họ càng tìm kiếm và mong muốn trải nghiệm loại hình du lịch chữa lành tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp vùng núi đồi, ven biển biệt lập nổi tiếng ở nước ngoài. Thậm chí, nhiều du khách nữ ngày càng ý thức được tác động chuyến du lịch của họ đối với môi trường và văn hóa địa phương tại điểm đến. Họ đặt trách nhiệm du lịch bền vững bằng nhiều cách khác nhau như giảm rác thải, mua sắm sản phẩm thuần chay hay tìm hiểu trước và cố gắng hòa nhập với nền văn hóa bản địa.

Tăng Thanh Hà thường có những chuyến du lịch

Tăng Thanh Hà thường có những chuyến du lịch "bí mật" cùng gia đình để cân bằng lại cuộc sống (nguồn: Instagram)

Với du khách nữ độ tuổi trung niên bắt đầu làm quen với công nghệ số - do tình thế dịch bệnh bắt buộc - thì nay đã và đang tích cực sử dụng công nghệ số cho mọi hoạt động, trong đó có nhu cầu du lịch. Họ không còn phải lui tới các văn phòng, đại lý lữ hành truyền thống như năm 2019 về trước. Dịch bệnh đã thổi bùng xu hướng mua tour qua các buổi phát trực tiếp (live commerce) từ công ty lữ hành và nền tảng du lịch trực tuyến. Hầu hết, cả những khách du lịch nữ đi tự túc và đi theo tour cùng lựa chọn tìm kiếm, tham khảo và ra quyết định du lịch dựa vào nguồn thông tin từ mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo...). Bên cạnh đó, nguồn thông tin phim ngắn, bài viết của Travel Bloggers và Travel Influencers từ YouTube cũng được nhiều khách du lịch nữ Việt Nam quan tâm, thay vì dựa vào TripAdvisor như phụ nữ nước ngoài.

Những hành trình khám phá của travel blogger Bùi Việt Hà truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ Việt (nguồn: Facebook nhân vật)

Những hành trình khám phá của travel blogger Bùi Việt Hà truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ Việt (nguồn: Facebook nhân vật)

Tạm kết

Không thể phủ nhận rằng phụ nữ Việt Nam ngày càng độc lập hơn, chủ động kiểm soát cuộc sống hơn và có mong muốn hưởng thụ nhiều hơn. Thậm chí, để không phải phụ thuộc và chờ đợi, nhiều phụ nữ lựa chọn đi một mình (solo female travel) hay nhóm nhỏ ra nước ngoài. Hiện tại, xu hướng này vẫn chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Giờ đây, sự tăng trưởng thị phần khách du lịch nữ Việt Nam ra nước ngoài ngày càng rộng mở nhờ sự phát triển của công nghệ số giúp, họ dễ dàng và chủ động lên kế hoạch, đặt dịch vụ cho chuyến du lịch. Vấn đề còn lại là các công ty lữ hành, nền tảng du lịch trực tuyến, liệu đã sẵn sàng đầu tư sản phẩm và dịch vụ trải nghiệm riêng biệt để nắm bắt phân khúc này?

Tài liệu tham khảo

1. Condor Ferries Ltd. (2020). Female Travel Statistics 2020. Truy cập từ: https: //www.condorferries.co.uk/female- travel- statistics

2. Choong D, Wong YH. (2016). Mastercard future of outbound travel in Asia Pacific (2016 to 2021). Truy cập từ: https://newsroom.mastercard.com/asia- pacific/files/2017/01/ Mastercard- Future- of- Outbound- Travel- Report- 2016- 2021- Asia- Pacific1.pdf

3. Google. (2022). Vietnam’s Search for Tomorrow. Think with Google. Vietnam.

4. Vietjet Air. (2018). Annual Report 2018. Truy cập từ: https://ir.vietjetair.com/ Home/Menu/annual- reports

Minh Hiếu
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES