Trò chuyện với chị Thảo Na - bếp trưởng của Maison des Rêves Saigon vào một dịp cuối năm, phóng viên của Travellive có cơ hội lắng nghe chị kể về hành trình hơn mười năm dài đằng đẵng nơi xứ người để học tập, rèn luyện và làm việc trong môi trường F&B đầy căng thẳng. Nhắc tới Pháp, ngoài thành phố xinh đẹp Paris, ngoài những ly rượu vang còn có câu chuyện về ẩm thực của quốc gia này đặc sắc và thú vị ra sao.
Hành trình theo đuổi ẩm thực Pháp của đầu bếp Thảo Na rất đỗi tự nhiên và ngẫu hứng. Thảo Na đến thành phố Lyon - Pháp để học chuyên ngành quản lý nhà hàng, sau một thời gian, cô lại trở thành đầu bếp trong căn bếp của khách sạn Park Hyatt Paris. Thảo Na thân thiện, nhiệt tình và nhẹ nhàng kể những câu chuyện ẩm thực xứ Pháp đầy mộng mơ, bay bổng nhưng đầy rẫy khắc nghiệt, thử thách. Đối với Thảo Na, Pháp chính là nơi gieo mầm cho sự nghiệp bếp núc chuyên nghiệp đồng thời củng cố vững chắc nền tảng ẩm thực cho nữ đầu bếp đầy nhiệt huyết.
Cơ duyên nào đưa chị tới nghề bếp khi chị đang học quản lý nhà hàng tại Lyon?
Đơn giản là do mình thích nấu nướng từ nhỏ. Từ những con cá, miếng thịt, miếng đậu, miếng rau trong căn bếp nhỏ khi mình còn ở tại quê hương Đà Nẵng, cứ thế mình đã quen với dao thớt từ rất lâu rồi. Khi lớn lên mình theo học tại một ngôi trường đào tạo về nấu ăn, và vô tình tham gia một giải đấu về ẩm thực quốc tế, mình chợt nhận ra mình thích nấu món Âu. Từ đấy, mình quyết tâm kéo vali đi Pháp học nấu ăn. Tuy vậy, học phí cho nghề nấu ăn tại Pháp rất đắt đỏ.
Mình chọn học quản lý nhà hàng, và tranh thủ những giờ học nấu ăn ít ỏi trong khóa học để tự bổ sung kiến thức. Mình vừa tự học ở những nơi mình xin đi làm thêm vừa đi thực tập. Và ngã rẽ lớn nhất của mình có lẽ là quãng thời gian mình ở lại Pháp làm việc và trở thành đầu bếp tại khách sạn Park Hyatt Vendome ở thủ đô Paris.
Quá trình làm việc tại Park Hyatt Vendome, chị thấy điều gì là khó khăn nhất?
Mọi người thường nghĩ làm việc trong khách sạn cũng không có gì đặc biệt, nhưng thực ra khó hơn mình tưởng - chị bồi hồi chia sẻ.
Mình được phân công làm tại bếp tiệc (banquet kitchen), mà ở những khách sạn lớn không lúc nào là không có tiệc tùng, hội nghị ra vào. Khối lượng công việc nhiều, cộng với sự hối hả, có đôi lúc mình quên mất thời gian khi làm từ 8 giờ sáng nhưng ra về lúc 10 giờ đêm và liên tục như vậy trong nhiều ngày. Áp lực là vậy, nhưng mình học được nhiều về cách quản lý thời gian, cách sắp xếp khối lượng công việc khổng lồ với thời gian eo hẹp, cách kiểm soát nguyên liệu… Có rất nhiều những bài toán và thử thách khi bạn chọn con đường nấu nướng chuyên nghiệp tại một quốc gia… đi đầu về ẩm thực.
Làm thế nào mà chị có thể trụ vững trong môi trường F&B tại nước Pháp đầy khắc nghiệt?
Nhờ sự chăm chỉ cả đó (chị cười). Mình thường đến sớm hơn ca làm khoảng vài tiếng, năn nỉ bảo vệ xin vào, và tự mình thực hành những kiến thức mà mình đã học được từ sách vở, người đi trước.
Quả thật, ngoài tài năng có sẵn, Thảo Na cũng cần có sự siêng năng và tập trung cao độ để chinh phục được ẩm thực xứ Pháp được coi là đầy sự khó khăn ngay cả với người phương Tây. Cô gái châu Á nhỏ bé, nhiệt huyết và không ngại học hỏi đã từng bước đi về phía trước một cách thật chậm rãi, không nóng vội, cẩn trọng và nhẫn nại để rồi sau nhiều năm, chính cô gái ấy đã đem những tinh hoa mình học được về Việt Nam, tạo ra những món ăn cá tính, thú vị, chứa đựng nhiều bản sắc cá nhân.
Ẩm thực Pháp có gì thú vị mà chị muốn chia sẻ với độc giả?
Ẩm thực của Pháp thật sự rất ngon. Mình ở Pháp hơn mười năm, đi ăn ở rất nhiều nhà hàng, mình nhận thấy ẩm thực nơi đây là sự tổng hòa của nhiều vùng miền khác biệt. Ẩm thực Pháp phong phú tùy theo từng vùng, các vùng của Pháp tùy vào việc giáp với biên giới của nước nào thì ẩm thực hai nước sẽ ảnh hưởng lẫn nhau.
Chẳng hạn nhé, miền Bắc nước Pháp gần với Đức, họ ăn phô mai, kem béo, bơ sữa, xúc xích… rất nhiều để giữ ấm và nó cũng phù hợp với khẩu vị của họ. Nhưng đi sâu xuống vùng miền Nam, giáp ranh với Ý thì người dân nơi đây thích ăn hải sản, mỡ vịt, dầu oliu, các loại xúp lạnh… thiên hướng Địa Trung Hải.
Tại nhà hàng riêng của mình, nhà hàng Maison des Rêves Saigon, Thảo Na thường được thực khách khen ngợi và tìm đến để thưởng thức những món ăn ngon. Nhiều thực khách gặng hỏi: “Cô cho gì vào món ăn mà ngon thế?”. Thảo Na chỉ cười, và nói rằng mình đã cho rất nhiều tình cảm vào món ăn mỗi khi nấu nướng. Có lẽ rằng, lời nói nửa đùa nửa thật của Thảo Na chính là công thức nấu nướng giúp cô thành công trên con đường chinh phục ẩm thực của mình.
Chị thấy sao khi khách thường xuyên quay lại với mình?
Mình cảm thấy vui, hạnh phúc và may mắn khi mình có những người khách đi theo mình mười năm nay, có những khách hàng trở thành bạn bè của mình, chỉ cần mình làm ở đâu họ sẽ tới đấy để ăn. Có những người khách tới ăn mình không hề biết họ là ai, nhưng khi mình thay đổi nơi làm việc, họ đều cố gắng tìm mình để tiếp tục ủng hộ. Đây có lẽ cũng là điều mà mình luôn trân trọng và giữ trong trái tim.
Travellive xin cảm ơn đầu bếp Thảo Na vì cuộc trò chuyện đầy thú vị này!
Thảo Na là một đầu bếp giỏi và cô có nhiều món ăn trứ danh. Món bò tartare của cô giúp một vị khách không ăn được đồ sống nhưng lại ăn được món gỏi bò cô làm; món bánh tiêu cuộn thịt gà với dầu ớt parika khiến nhiều khách hàng mê mệt suốt nhiều năm; món chả cá Lã Vọng xốt kem tươi với cảm hứng từ món ăn Việt truyền thống nay được cách tân với kỹ thuật nấu và trình bày món ăn hiện đại. Thảo Na có quá nhiều sự tận tâm, chăm chỉ và sáng tạo trong hành trình làm bếp đầy thú vị của mình.