Theo Bloomberg, các quốc gia ở Đông Nam Á đang phát đi thông điệp: "Nếu bạn giàu hoặc có công việc lương cao, chúng tôi luôn mở rộng cánh cửa". Chính phủ các nước đang lên kế hoạch cho những chương trình thị thực mới, nhắm vào đối tượng chuyên gia, hưu trí hoặc nhóm khách giàu có. Họ đang cố gắng thu hút những người nhiều tiền hay các "du mục kỹ thuật số" giàu có đến với nước mình.
Sau đại dịch, xu hướng làm việc từ xa của những người có trình độ học vấn đang tăng lên đáng kể. Nhiều người sẵn sàng tới một quốc gia khác và sống trong thời gian dài nhưng vẫn đảm bảo công việc ổn định. Điều đó đã khiến chính phủ nhiều nước chú ý. Họ đang thay đổi các chương trình thị thực để kéo những người giàu này tới nước mình tiêu tiền.
"Malaysia nhìn thấy những gì Thái Lan đang làm và ngược lại. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Indonesia, Philippines cũng đưa ra những chính sách mới", Philippe May, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn quốc tịch EC Holdings (Singapore), cho biết.
Dễ nhận thấy các quốc gia Đông Nam Á đang "bảo vệ" nhóm giàu và giỏi này. Một số người được tạo điều kiện để sống, học tập, làm việc hoặc điều hành doanh nghiệp xuyên biên giới. Bên cạnh đó, họ còn không phải chịu cảnh đánh thuế hai lần - một vấn đề đau đầu với những người sống xuyên biên giới.
Singapore
Hồi tháng 8, Singapore công bố chương trình "mạng lưới xuyên quốc gia" và "thẻ chuyên gia" cho người nước ngoài có thu nhập cao và vợ/chồng. Tan See Leng, Bộ trưởng Bộ Nhân lực, cho biết họ đang hướng tới những "rainmaker" (tạm dịch: người bán hàng tài giỏi) trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ và thể thao. Chương trình sẽ bắt đầu từ 1/1 năm sau.
Ưu điểm của Singapore là đánh thuế thấp, ổn định chính trị và đồng tiền mạnh. Quốc gia này cũng có hơn 50 nhà hàng, điểm ăn uống được trao sao Michelin. Những người đam mê khung cảnh sôi động của ẩm thực đường phố trong Crazy Rich Asians sẽ tìm thấy mọi thứ ở đây.
Điều kiện đặt ra cho những người muốn hưởng chính sách "thị thực vàng" là lương tối thiểu hàng tháng khoảng 21.500 USD. Tuy nhiên, nếu đạt thành tích cao về thể thao, nghệ thuật và khoa học, bạn vẫn được chấp nhận kể cả không đạt mức lương tối thiểu kia. Thời hạn thị thực dự kiến kéo dài tới 5 năm.
Malaysia
Chương trình "Thị thực đặc biệt" của nước này được công bố hôm 1/9. Đối tượng nhắm đến là các cá nhân giàu có muốn học tập, làm việc hoặc điều hành doanh nghiệp ở Malaysia. Bộ Di trú nước này nói họ muốn thu hút các "ông trùm toàn cầu" trên khắp thế giới, trừ Israel và các quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Malaysia.
Với thời hạn thị thực lên đến 20 năm, người tham gia cần đảm bảo có thu nhập hàng năm từ nước ngoài tối thiểu 105.300 USD. Họ sẽ phải gửi khoảng 218.000 USD ở ngân hàng Malaysia. Sau một năm, người tham gia có thể sử dụng 50% số tiền để chi trả cho việc đi học, thanh toán thủ tục y tế hoặc mua bất động sản. Cần lưu ý, chương trình này không liên quan đến việc cấp hộ chiếu Malaysia.
Thái Lan
Quốc gia này nổi tiếng trong việc quảng bá du lịch và ẩm thực tới du khách toàn cầu. Nếu muốn sống ở Thái Lan trong thời gian dài, bạn có thể tham khảo chương trình thị thực được nước này đưa ra hôm 31/8. Theo Bloomberg, mục tiêu của Thái Lan là thu hút một triệu người giàu và giỏi từ nước ngoài trong 5 năm tới. Narit Therdsteerasukdi, Phó tổng thư ký Ban Đầu tư Thái Lan, cho biết họ đã nhận được khoảng 400 đơn đăng ký đến hết 12/9, chủ yếu từ những người hưu trí và lao động ở xa.
Có 3 nhóm đủ điều kiện tham gia chương trình này. Thứ nhất, những cá nhân giàu có đầu tư tối thiểu 500.000 USD vào các tài sản như trái phiếu chính phủ Thái Lan. Người sở hữu tài sản ít nhất một triệu USD và kiếm trên 80.000 USD/năm cũng được chấp nhận. Nhóm hai là những người hưu trí giàu có từ 50 tuổi trở lên với yêu cầu tương tự như trên.
Ngoài ra, người thuộc nhóm hai cần đảm bảo có bảo hiểm y tế với mức bảo hiểm trên 50.000 USD. Thứ ba là những du mục kỹ thuật số và chuyên gia có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực của họ, thu nhập hàng năm từ 80.000 USD trở lên. Hiệu lực của loại thị thực này lên đến 10 năm.