Tìm về chùa Thánh Duyên, ngôi Quốc tự khuất xa Kinh thành

21/04/2022

Chùa Thánh Duyên, cùng với chùa Thiên Mụ và chùa Diệu Đế, là ba ngôi Quốc tự của triều Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay. Dù là ngôi chùa nằm xa Kinh thành nhất, chùa Thánh Duyên lại thoáng đãng, yên tĩnh và có cảnh trí đẹp vào hạng nhất nhì.

Vài nét về lịch sử ngôi chùa

Thuở xưa, đầm Cầu Hai có tên là đầm Ô Long, cửa biển nơi đầm Ô Long thông ra biển được gọi là Ô Long hải khẩu. Năm 1306, khi Huyền Trân công chúa sang Chiêm làm vợ Chế Mân đã theo đường biển tới cửa Ô Long, rồi vào khu vực Huế ngày nay để theo đường bộ vượt đèo Hải Vân vào Nam. Từ đó, cửa Ô Long được đổi thành Tư Dung (nghĩa là: nhớ người con gái đẹp). Trải hơn 5 thế kỷ với một vài thay đổi qua lại, tới năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên cửa biển này thành Tư Hiền, và nó mang tên đó cho tới nay.

Khu vực cửa Tư Hiền nhô lên hai ngọn núi: núi Linh Thái và núi Túy Vân. Núi Linh Thái to hơn nằm phía ngoài, núi Túy Vân nhỏ hơn, nằm lui vào phía trong đầm Cầu Hai.

Núi Túy Vân ngày đầu được gọi là Mỹ Am Sơn. Tương truyền, chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) đã cho lập một am nhỏ trên núi làm nơi cầu phúc cho dân địa phương. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu cho tu sửa chiếc am thành một ngôi chùa. Chiến tranh loạn lạc cuối thế kỷ 18 khiến ngôi chùa bị phá hủy hoàn toàn.

Năm 1825, vua Minh Mạng cho dựng lại nơi đây một ngôi chùa mới, gọi là chùa Thúy Hoa, núi cũng đổi tên là núi Thúy Hoa. Năm 1836, nhà vua lại cho sửa sang chùa, dựng thêm Đại Từ Các và tháp Điều Ngự, cho khắc bia đá với nội dung nói về “chùa Thánh Duyên” ở trên “núi Thúy Hoa”. Chùa mang tên mới Thánh Duyên, tên chùa với tên núi cũng tách ra từ đó.

Tấm bia đề tên núi đặt bên cạnh đường lên chùa

Tấm bia đề tên núi đặt bên cạnh đường lên chùa

Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi, vì kỵ tên húy của bà Thái hậu Hồ Thị Hoa nên vua đổi tên núi Thúy Hoa thành Thúy Vân - nghĩa là núi mây xanh biếc. Kết hợp với sóng nước cũng xanh biếc của đầm Cầu Hai, tạo nên một cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú, vua Thiệu Trị mới đưa núi Thúy Vân vào hàng thứ 9 trong số 20 thắng cảnh của đất Thần kinh.

Tấm bia đá khắc bài thơ Vân Sơn thắng tích của vua Thiệu Trị làm năm 1843 được đặt trong nhà bia dưới chân núi, cạnh lối bậc thang lên chùa. Do ít được chăm nom mà ngôi nhà bia Vân Sơn thắng tích nay đã xuống cấp trầm trọng, cỏ dại mọc lút xung quanh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Nhà bia “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị dưới chân lối lên chùa

Nhà bia “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị dưới chân lối lên chùa

Ngôi chùa với những bộ tượng cổ quý hiếm

Thả bước theo những bậc thang rộng rãi lên núi, khi chiều cao của dãy bậc thang chưa đủ để du khách cảm thấy mỏi gối, nhưng hơi thở đã có phần gấp hơn - thì vừa vặn qua khỏi cổng tam quan để vào sân chùa.

Bên góc trái sân chùa là nơi đặt tấm bia Ngự chế của vua Minh Mạng một cách trang trọng dưới mái đình nhỏ thoáng đãng. Ngay sau cổng tam quan, qua khoảnh sân là chính điện của chùa Thánh Duyên - tòa nhà lớn ba gian hai chái, với bộ mái kiểu trùng thiềm điệp ốc đặc trưng của xứ Huế.

Chính điện thẳng phía sau cổng tam quan, cách một khoảng sân

Chính điện thẳng phía sau cổng tam quan, cách một khoảng sân

Bia “Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ” của vua Minh Mạng

Bia “Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ” của vua Minh Mạng

Gian giữa của nội điện thờ Tam Thế Phật (Quá khứ, Hiện tại, Vị lai). Phía hai bên bàn thờ Phật có đặt hai dãy sập thờ Thập Điện Minh Vương cùng Thập Bát La Hán, mỗi bên năm vị Minh Vương và chín vị tượng đồng La Hán.

Ngoài bộ tượng đồng Thập Bát La Hán - được vua Minh Mạng cho đúc vào nửa đầu thế kỷ 19 (mỗi tượng cao khoảng 55 cm, rộng 35-42 cm, đặt trên một đế cao 13 cm), chùa còn lưu giữ bộ tượng Thập Bát La Hán bằng tre thếp vàng có chiều cao khoảng 18 cm, rộng 5-6 cm đặt trên đế cao 4 cm. Đó là những bộ tượng cổ và quý, được xác nhận là bộ tượng Thập Bát La Hán xưa và lớn nhất, cũng như bộ tượng Thập Bát La Hán bằng tre thếp vàng xưa nhất. Hiện tại, bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đồng được trưng thờ trong nội điện, còn bộ tượng tre thếp vàng được nhà chùa bảo quản trong những điều kiện riêng để giữ bộ tượng quý được lâu bền.

Bàn thờ Phật ở gian giữa nội điện

Bàn thờ Phật ở gian giữa nội điện

Sập thờ Thập Điện Minh Vương và Thập Bát La Hán ở hai bên bàn thờ Phật

Sập thờ Thập Điện Minh Vương và Thập Bát La Hán ở hai bên bàn thờ Phật

Sập thờ Thập Điện Minh Vương và Thập Bát La Hán ở hai bên bàn thờ Phật

Sập thờ Thập Điện Minh Vương và Thập Bát La Hán ở hai bên bàn thờ Phật

Rời khỏi chính điện, theo cửa hậu của chùa, tiếp tục là dãy bậc thang chạy giữa những hàng cổ thụ dẫn lên núi. Thấp thoáng phía trên là nghi môn (cổng) của Đại Từ Các.

Đại Từ Các được chia làm ba gian thờ: ở giữa thờ Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc; gian bên phải thờ Quan Âm; gian bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí. Thời gian về sau này nhà chùa neo người nên Đại Từ Các thường xuyên khóa cửa, những người làm công quả lâu lâu lại mở cổng vào quét lá trong sân ngôi gác cũ.

Cổng của Đại Từ Các nơi lưng chừng núi

Cổng của Đại Từ Các nơi lưng chừng núi

Đại Từ Các đóng cửa lâu ngày, lá khô phủ đầy sân

Đại Từ Các đóng cửa lâu ngày, lá khô phủ đầy sân

Tiếp tục theo các bậc thang lên cao nữa, qua khúc cong sẽ thấy thấp thoáng dáng tháp Điều Ngự cao vút giữa tàng cây. Ngôi tháp cao khoảng hơn 12 m, có mặt bằng hình vuông, được xây ba tầng thu nhỏ dần lên cao.

Điều Ngự là một trong số các danh xưng của Đức Phật, lại vừa mang ý nghĩa là nơi để nhà vua điều phục và chế ngự tâm của mình. Vua Minh Mạng còn cho xây dựng đình Tiến Sảng phía sau tháp Điều Ngự, có lẽ với ý nghĩa của việc khi tâm đã được chế ngự, thì việc gì cũng có thể làm được.

Tháp Điều Ngự

Tháp Điều Ngự

Đình Tiến Sảng

Đình Tiến Sảng

Tha thẩn dưới tán rừng cổ thụ, lữ khách nghỉ chân nơi một ngôi đình nhỏ trông ra phía đầm Cầu Hai. Hoàng hôn trên đầm Cầu Hai đầu mùa hạ thật đẹp, ngắm vầng dương to tròn và hồng rực từ từ mờ dần vào màn sương mỏng trên mặt đầm, thấy trong lòng thư thái nhẹ nhàng, như hòa vào sự u nhã của không gian nơi đây.

Chợt ngộ ra vì sao, tuy nằm xa Kinh thành nhất trong số ba ngôi Quốc tự nhưng nơi đây lại được các bậc vua chúa, tao nhân mặc khách đương thời thường xuyên thăm viếng.

Empty
Hoàng hôn trên đầm Cầu Hai

Hoàng hôn trên đầm Cầu Hai

Bài và ảnh: Nam Hoa
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES