Dạo chơi trên những phế tích lịch sử
Trong quá trình khảo sát khu vực núi Ba Vì, người Pháp đã đánh giá rằng khu vực này có khí hậu dễ chịu, ít ẩm hơn Tam Đảo và có khu vực sản xuất nông nghiệp ngay bên dưới chân núi thuận tiện cho việc cung ứng lương thực hơn khu vực Sa Pa. Bởi lẽ đó nên ngày nay, ta vẫn “bắt gặp” rất nhiều phế tích của người Pháp để lại trên vùng núi này.
Phủ Toàn quyền Đông Dương
Phủ Toàn quyền là nơi nghỉ dưỡng của Nhà Toàn quyền Đông Dương những năm 30 của thế kỷ trước. Đây là một dinh thự rộng gần 1.000 m2 nằm ở độ cao 600 m với vị trí khá biệt lập so với những khu vực khác nhằm đảm bảo sự yên tĩnh.
Dinh thự được chia thành nhiều phòng nhỏ bao gồm phòng khách, phòng đánh đàn, phòng ăn, phòng ngủ lớn cho Nhà Toàn quyền và phòng ngủ cho đoàn tuỳ tùng với đầy đủ tiện nghi cho việc nghỉ ngơi và giải trí. Dấu tích còn lại của lò sưởi kiểu Pháp, thiết kế 6 lối cửa vào đối xứng nhau và cách trang trí đặc trưng bằng nguyên vật liệu mang từ Pháp sang cho thấy nơi đây là một trong những địa điểm xa hoa bậc nhất khu nghỉ dưỡng núi Ba Vì.
Sân bay trực thăng
Theo kế hoạch quân sự của Pháp năm 1937, một sân bay trực thăng hay còn gọi là sân bay dã chiến được xây dựng ở độ cao 635 m với mục đích nối tuyến với khu quân sự lân cận để vận chuyển binh lính, lương thực, đạn dược, công văn mật và cả xác binh lính Pháp. Sân bay trực thăng Ba Vì có sức chứa lên tới 5 trực thăng và có tầm nhìn chiến lược xuống các khu vực Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Nội… Vì thế, nơi đây được coi như điểm tập kết quân sự và chuyên chở chính cho khu vực núi Ba Vì và khu vực quân sự Hà Nội.
Người Pháp còn cho xây dựng một hầm quan sát nhô lên mặt đất khoảng 1 m, phía trong thiết kế giống như mê cung có rất nhiều lối đi hẹp được nối với nhau dẫn sang các phòng khác nhau và có các lối thoát hiểm. Các lỗ châu mai cũng được thiết kế để phòng thủ.
Sau trận chiến ở núi Ba Vì, nóc hầm đã bị sập, cùng với các tường, cột trụ cũng bị phá hủy. Để phục vụ khách tham quan, nóc hầm và các phần bị tàn phá bởi chiến tranh như cầu thang, các trụ và tường… đã được trùng tu lại.
Khu biệt thự của người Pháp
Vào năm 1937, ông Regimbaud, chủ khách sạn Tông đã là người đầu tiên xây dựng một sàn nhỏ trên khu vực 600 m làm nơi nghỉ hè và trồng thử các loại rau và cây ăn quả. Dần dần, một quần thể bao gồm nhiều biệt thự được hình thành tại khu vực cote 600 m, trong đó 11 biệt thự được xếp cạnh nhau trải dài theo khu vực sườn núi phía tây.
Các biệt thự này chính là dấu ấn của thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam (kiến trúc gỗ) đến kiến trúc hiện đại. Những ngôi nhà kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và mỹ thuật châu Âu với kiến trúc truyền thống nhằm tạo ra một không gian nghỉ dưỡng mang dáng dấp quê nhà của họ. Hầu hết biệt thự được xây dựng bằng gạch, mái lợp đá mỏng Acđoa và có tường đá dày 60 - 120 cm, nội thất được bố trí lò sưởi, hầm rượu, cửa sổ lớn… theo kiểu Pháp. Để có được một khu nghỉ này, người Pháp đã điều rất nhiều phu phen người An Nam tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… lên núi để xây dựng. Ngày nay, khu biệt thự chỉ còn dấu tích các bậc thềm, lan can, nền và tường nhà sót lại.
Thưởng thức những “đặc sản” lạ mà duyên
Nằm yên ắng trong cote 600 m là khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Mountain Retreat, được khai trương cuối năm 2018. Tại đây, ngoài những dịch vụ lưu trú, nhà hàng, spa, gym, hồ bơi... theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, bạn sẽ còn được khám phá những “đặc sản” có một không hai tại hệ thống nhà hàng của khu nghỉ dưỡng - được chế biến khéo léo bởi những đầu bếp, bartender sáng tạo, và phục vụ bởi đội ngũ nhân viên người bản địa thân thiện, đầy ân cần.
Phải kể đến đầu tiên là các món được chế biến từ quả vả - từ những món ăn truyền thống của Việt Nam như gỏi, nộm, cuốn, đến những món du nhập từ phương Tây như salad, pizza, cocktail... Cây vả được trồng trong mọi khuôn viên của khu nghỉ dưỡng, nên dường như không khó khăn gì để mọi du khách có thể được thưởng thức những món ăn này bất kể thời điểm nào đến đây.
Quả vả có vị chan chát, bùi bùi, biến tấu với các loại rau, quả khác, cùng với nước sốt/chấm thích hợp tạo ra những sự kết hợp lạ miệng. Miếng cắn đầu tiên có thể khiến bạn "bối rối" bởi vị chát của vả, thêm một, hai miếng nữa, chợt thấy chút đậm đà, ngon ngọt xuất hiện nơi đầu lưỡi. Những món gỏi, nộm được làm từ quả vả lại càng gây nghiện hơn khi chúng quyện hòa hoàn hảo giữa cái chát thanh thanh và dư vị ngọt lịm mà không hề ngấy.
Cocktail/mocktail được chế biến từ quả vả cũng là một "đặc sản" chỉ có tại Melia Ba Vì. Cùng với Rum, Martini, và các loại hoa quả tươi khác, bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ khi những nguyên liệu tưởng chừng như đắng ngắt ấy kết hợp lại, lại có thể tạo ra những thức uống dịu ngọt và tươi tắn, đầy năng lượng.
Nếu Ba Vì nổi tiếng bởi sữa bò tươi thì 1902 Lounge của Melia Ba Vì cũng không ngoại lệ. Nhưng tại đây, không ai phục vụ bạn một ly... sữa tươi cả. Họ chỉ có những loại hoa quả tươi ngon nhất theo mùa được kết hợp với nhau, cùng với "bảo bối" là sữa tươi Ba Vì, để tạo ra những ly mocktail đầy sảng khoái, nhiều dinh dưỡng nhất. Hiếm có thực khách nào có thể dừng lại chỉ ở một ly sinh tố hay mocktail - tôi là một ví dụ.
Khi hành trình khám phá "một Ba Vì khác" đã kết thúc, bạn có thể dành thêm một vài ngày ở Melia Ba Vì Mountain Retreat để chiều chuộng cũng như nạp lại năng lượng cho bản thân. Không chỉ có không gian xanh mướt, cổ kính và an lành, những dịch vụ 5 sao cùng hoạt động yoga, thể hình, spa, hay karaoke, vui chơi giải trí tại đây bảo đảm sẽ làm bạn muốn... quên luôn lối về.