Cổ vật trong những con tàu đắm trên biển Đông

06/06/2013

Không ai biết được có bao nhiêu chuyến tàu qua lại đường hàng hải này. Cũng không ai biết trong số đó có bao nhiêu con tàu xấu số phải nằm lại giữa lòng đại dương vì bão tố, vì đá ngầm và cả vì hỏa hoạn. Nhưng những con tàu đắm định mệnh vô tình để lại trong lòng đại dương một kho báu vô giá, mà khi được vớt lên, người đời được chiêm ngưỡng tại nhiều sàn đấu giá cổ vật thế giới, các bảo tàng nổi tiếng hoàn cầu và cả ở Việt Nam.

PGS.TS Trịnh Sinh

Việt Nam có 3.260 km đường bờ biển. Từ thời nguyên thủy, người cổ đại đã khai thác và chinh phục biển Đông. Nhưng con đường hàng hải dọc ngang trên biển chỉ thực sự tấp nập vào khoảng vài trăm năm gần đây, khi có những con tàu chở hàng hóa Đại Việt hoặc Trung Hoa đi Ấn Độ, phương Tây đều qua biển Đông. Biển Đông trở thành con đường hàng hải quốc tế chủ yếu từ bấy đến nay.

1. Hũ gốm men ngọc, tàu đắm Phú Quốc 2. Bản đồ giao thương Đông-Tây, trong đó có giao thương giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời cổ đại.

Hai bộ chày và cối, men mầu nâu, trong tàu đắm Cù Lao Chàm

Người Việt sớm coi hàng hóa trên các con tàu đắm là nguồn tài sản lớn. Các Chúa Nguyễn thời xưa còn thành lập các đội dân binh đi Hoàng Sa để khai thác sản vật từ các con tàu đắm và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Người Việt sớm coi hàng hóa trên các con tàu đắm là nguồn tài sản lớn. Các Chúa Nguyễn thời xưa còn thành lập các đội dân binh đi Hoàng Sa để khai thác sản vật từ các con tàu đắm và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ bấy giờ, nhiều xác tàu được ngư dân phát hiện và khai thác. Trong khoảng 20 năm gần đây mới có sự tham gia của khảo cổ học dưới nước, đã hé mở nhiều bí ẩn của lịch sử từ các con tàu này.  Mới đây nhất, năm 2012, tại vùng biển Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã phát hiện một tàu chở đồ gốm sứ nhà Nguyên (Trung Quốc) thế kỷ 14, gồm nhiều cổ vật quý như lư hương men ngọc, bát, đĩa, chậu còn nguyên vẹn và có thể vỏ tàu cũng còn nguyên ở độ sâu cách mặt biển chỉ 3-4m gần bờ. Cuộc khai quật khảo cổ đang trong quá trình chuẩn bị và hứa hẹn thu được sưu tập đồ gốm có niên đại sớm nhất trong những con tàu đắm hiện biết.

Con tàu đắm ở Cù lao Chàm

Không còn ai biết được tên của con tàu đắm ở Cù lao Chàm, Hội An. Chỉ biết rằng các nhà khảo cổ đã khai quật trong hai năm từ tháng 5 năm 1997 đến tháng 6 năm 1999, đã nhìn tận mắt và vẽ lại diện mạo tàu: dài 29,4 m rộng 7,2 m. Nằm dưới độ sâu 70 - 72 m, xác tàu được bảo quản khá tốt và được làm bằng gỗ tếch. Tàu có 19 khoang và được đóng ghép giữa các khoang bằng những thanh dầm chịu lực tốt. Có tới hơn 24 vạn đồ gốm, mà nay đã là cổ vật quý giá của thế kỷ 15. Kho đồ cổ này một phần được giữ lại trong các bảo tàng trong nước, một phần đã được đem bán đấu giá tại Mỹ vào năm 2000.  Tàu đắm Cù lao Chàm chở đồ gốm thuần Việt là gốm của các lò gốm Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long. Bên cạnh đó, còn có một số vật dụng thường nhật của thủy thủ đoàn mà đến nay cũng được coi là cổ vật như đồ gốm sứ Trung Hoa và Thái Lan. Số lượng khổng lồ đồ gốm trên tàu cho thấy một thời gốm Việt Nam đã có thương hiệu, một số quốc gia xa xôi đã “ăn hàng” của Đại Việt.

1. Ly sứ. Thế kỷ 19-20. Chế tạo tại Pháp. Trong con tàu đắm Bãi Dâu 2. Lọ nước hoa thủy tinh bọc bạc. Sưu tập triều Nguyễn.

Loại hình đồ gốm khá phong phú. Có thể thấy các ấm có vòi kendy, lư hương, âu, ang hình cầu, bát, đĩa, chén, hộp, lọ… Cái đẹp tạo hình lại còn được nhân lên với các tượng tròn được khéo trang trí hài hòa: ấm hình rồng, hình phượng hay hình quả đào. Một số đồ gốm có số lượng nhiều như ấm hình tỳ bà, hộp hình cua, cá, nghiên mực hình con trâu. Có cả các đồ gốm nhỏ như đồ chơi của trẻ em được tạo dáng sinh động như lọ hình con cá, cóc, voi, người cưỡi ngựa. Đồ gốm hoa lam mang hơi thở thời đại, khá dân dã và gần gũi với đời sống người dân một nắng hai sương trên ruộng đồng Bắc bộ với những cảnh gà chọi, khỉ mẹ bồng con, chim muông, tôm cá, ong bướm, chuồn chuồn.

Con tàu đắm Cà Mau

Bị vùi xuống đáy biển ở tọa độ 07041’12’’vĩ bắc và 105029’18’’ kinh đông. Cuộc khai quật lần đầu từ tháng 8/1998 đến tháng 1/1999. Lần thứ hai từ tháng 4 đến tháng 10/1999. Ở độ sâu 35m, con tàu không còn nguyên dạng, nhưng qua vết tích để lại thì có độ dài khoảng 24m, rộng gần 8m. Cuộc khai quật có sự phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Cà Mau và công ty Visal, nơi có những thợ lặn đẳng cấp quốc tế giàu kinh nghiệm.

1. Bình tỳ bà, gốm hoa lam. Thế kỷ 15 trong tàu đắm Cù Lao Chàm 2. Lọ gốm hoa lam. Thế kỷ 17. Lò gốm Arita (Nhật Bản)

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngay trong thời điểm khai quật đã thu từ con tàu hơn 60.000 cổ vật. Ngoài những vật dụng sinh hoạt cá nhân của thủy thủ đoàn, hàng hóa chủ yếu là đồ sứ men trắng vẽ lam, men nhiều màu có xuất xứ từ các lò gốm sứ Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) và Quảng Châu (Trung Quốc). Căn cứ vào một số đồ sứ có niên đại, các nhà khảo cổ học đoán định đồ sứ cao cấp trên tàu thuộc đời Ung Chính, nhà Thanh (1723-1735), nhằm thời Lê Trung Hưng ở ta, dưới ba triều Vua là Lê Dụ Tông, Lê Đế Duy Phường và Lê Thuần Tông. Trong số nhiều đồ sứ đẹp, có một số có minh văn như 28 chén sứ hoa lam thành mỏng, nghệ thuật hội họa tinh mỹ, dưới đáy có 4 chữ “Ung Chính Niên Chế” (chế tạo đời Ung Chính), các loại bình, âu, thìa, chén, cốc… được trang trí khá đẹp mắt.

Đáng lưu ý, trong số đồ sứ Trung Quốc, có một số được đặt hàng theo gu của người châu Âu như: bình sữa, bình rượu có quai, đĩa vẽ hoa lá và phong cảnh của xứ sở Hà Lan. Điều đó cho thấy hàng hóa chất trên con tàu đắm Cà Mau được người châu Âu đặt hàng và đang trên đường đến châu Âu. Có đến gần 600 kiểu loại đồ sứ, nhưng nhiều nhất là đĩa, chén gia dụng. Đề tài trang trí khá phong phú, các hoa văn chữ thọ, lá sen, chữ phúc, cây mai, cây tùng, trúc, mai, phong cảnh sơn thủy hữu tình…Đề tài trang trí thường tập trung thể hiện các tích truyện Trung Hoa như người cưỡi ngựa, trâu, người múa trống, mỹ nhân, bẻ liễu. Lại còn có những đề tài hết sức dân dã như đun nước, quạt lò, quăng chài, cất vó, chọi gà, úp nơm.

1. Bình trang trí Thiên Nga. Thế kỷ 15 trong tàu đắm Cù Lao Chàm 2. Gốm men ngọc Thái Lan. Thế kỷ 15 trong tàu đắm Hòn Dầm, Kiên Giang.

Kho tàng hàng hóa gốm sứ của con tàu đắm Cà Mau còn được định giá bằng… tiền. Tổ chức đấu giá quốc tế Sotheby’s đã đưa ra bán một số đồ gốm của con tàu đắm Cà Mau tại Hà Lan năm 2007. Có thể đưa ra vài ví dụ về giá cả của một số cổ vật như sau: 6 chiếc chén sứ hoa lam đời Khang Hy có giá tới 120 đến 150 ngàn đô la Mỹ; 2 chiếc bát hoa lam niên hiệu Ung Chính có giá 31,6 đến 47,4 ngàn đô la Mỹ.

Cuối cùng, cũng cần tìm hiểu về danh tính con tàu này. Có một giả thiết có thể tạm chấp nhận, khi tra lại văn khố của một số nước châu Âu và đọc lại tác phẩm “Số phận kho báu các con tàu đắm” của Nigel Pick Ford xuất bản tại Tây Ban Nha năm 1994, có kể về con tàu của công ty Đông Ấn Hà Lan có tên là Alblasserdam, chở hàng hóa từ Quảng Châu, Trung Quốc đi Hà Lan đã bị đắm vào năm 1735 ở vùng biển Đông nước ta. Tàu này chở chủ yếu là đồ gốm sứ, chính là con tàu bất hạnh bị thần Hỏa nhấn chìm vào năm 1735 ở Cà Mau nước ta và được khai quật.

Con tàu đắm Bình Thuận

Được khai quật năm 2001 và 2002. Ngoài các nhà khảo cổ và thợ lặn giỏi nghề của công ty Visal, còn có chuyên gia nước ngoài tham gia là tiến sĩ Michae Flecker. Con tàu còn giữ được hình dạng với chiều dài 23,4m chiều rộng 7,2m, được đóng chắc chắn với kết cấu 25 khoang. Tàu nằm ở độ sâu 39 - 40m. Cho đến nay, cũng khó xác định danh tính chính xác của tàu, chỉ biết đích xác đây là một con tàu buôn.

Hàng hóa chủ yếu là đồ gốm sứ của các lò gốm nổi tiếng như Chương Châu (tỉnh Phúc Kiến) và Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) của Trung Quốc. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã định được thời gian con tàu chìm vào khoảng thời Vạn Lịch nhà Minh – Trung Quốc (năm 1573-1620).  Sau khi khai quật, một số đồ gốm sứ trên tàu đã được một hãng đấu giá danh tiếng của Australia là Christie’s và Pierre Berge & Associes tổ chức bán. Cũng khá được giá nhờ nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới mua.

1. Bình sứ hoa lam. Thời Thanh, lò gốm Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc). Trong con tàu đắm Cà Mau 2. Ấm sứ hoa lam. Thời Thanh, lò gốm Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc). Trong con tàu đắm Hòn Cau.

Gốm sứ trên tàu rất phong phú, nhiều dòng men tập hợp lại như sứ hoa lam, sứ men trắng và xám, men nâu đen, men lục, sứ vẽ nhiều màu…Không những nhiều men đẹp, mà các thể loại gốm sứ cũng phong phú như bát, chậu, đĩa, hũ, lọ…Có loại đĩa sứ hoa lam khá độc đáo: gồm 9 chiếc đĩa nhỏ ghép lại, trông giống như một bông hoa nhiều cánh, mới chỉ xuất hiện từ thời Minh.

Đề tài trang trí bằng bút vẽ trên men cũng đa dạng và gần gũi với tranh họa thời này như các cặp vịt đang bơi trên sông, các khóm hoa sen. Trong loại đĩa có 9 đĩa nhỏ ghép lại thì có chủ đề ông Thọ ở lòng đĩa chính giữa, các đĩa xung quanh vẽ các vị tiên khác. Đề tài linh thú cũng được vẽ khá sinh động rồng, phượng hay các con vật như sư tử, hươu, ngựa. Trong chủ đề minh họa, còn thấy tích truyện “Lý Ngư vọng nguyệt”, có người ngắm trăng, cò, cá, tôm. Đề tài trang trí bằng chữ Hán cũng được ưa chuộng với những chữ Phúc, Thọ, Xuân, Lộc, Chính, Ngọc… cùng các loại hoa lá đẹp làm nền.

Con tàu đắm Hòn Dầm

Được khai quật ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào tháng 5/1991. Tàu được công ty chuyên lặn biển Visal khai quật ở độ sâu hơn 17m. Tàu bị vùi sâu đến 2m trong cát biển. Qua dấu vết còn lại, có thể đoán định được tàu có chiều dài gần 30m và rộng gần 7m. Trên sàn tàu, đồ gốm lâu ngày dưới biển bị hàu biển bám thành từng khối lớn. Kết quả khai quật được gần 16.000 cổ vật mà phần nhiều là gốm men ngọc và men nâu. Các nhà khảo cổ học giám định niên đại những đồ gốm này từ lò gốm Sawankhalok và Sukhothai miền bắc của Thái Lan vào thế kỷ 15.

1. Đĩa sứ men nhiều màu. Thời Thanh, lò gốm Quảng Đông (Trung Quốc). Trong con tàu đắm Cà Mau 2. Đĩa gốm nhiều màu. Thời Minh, lò gốm Chương Châu (Trung Quốc). Trong con tàu đắm Bình Thuận

Đồ gốm Thái Lan được trục vớt, chủ yếu có loại hình là lọ nhỏ, bát nhỏ, tức là đồ gia dụng cho giới bình dân. Đồ gốm thường có men ngọc (còn gọi là men celadon hay men Đông Thanh) màu xanh hay màu tàn thuốc lá. Gốm men nâu da lươn, ngả đen, vàng hay trắng xám. Bên cạnh đồ gốm tráng men, còn có loại đồ sành không tráng men có dáng nồi miệng loe, thân phình, vai xuôi màu xám. Một số loại hình khá giống gốm hoa lam của Việt Nam như bình tỳ bà dùng để đựng rượu. Có nhiều loại hình lọ hình cầu, hình quả dứa. Có loại hình hũ đựng có hoa văn khắc rạch những sọc hình cánh cúc. Loại chén men ngọc sâu lòng khá giống loại chén ngọc thời Tống của Trung Hoa.

Một loại đồ gốm khác của người Thái được xuất khẩu nữa là tượng tròn. Ví dụ, tượng hình thỏ, men trắng tô hoa lam. Mắt và tai nổi rõ, sinh động. Người Thái tạo tượng hình thỏ trong một công dụng thực tế, mà ngày nay, chúng ta hay sử dụng thuật ngữ “mỹ thuật ứng dụng”: chiếc ấm, có vòi ngắn, thân tròn chính là thân thỏ cách điệu. Hoa văn trang trí trên thân thỏ là hoa văn lông công và hoa lá.

1. Đĩa sứ hoa lam trang trí phong cảnh châu Âu. Thời Thanh, lò gốm Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc). Trong con tàu đắm Cà Mau 2. Đĩa gốm hoa lam. Thời Minh, lò gốm Chương Châu (Trung Quốc). Trong con tàu đắm Bình Thuận 3. Chậu gốm hoa lam. Thời Minh, lò gốm Chương Châu (Trung Quốc). Trong con tàu đắm Bình Thuận.

Con tàu đắm Hòn Cau

Được khai quật ở Vũng Tàu, ngập sâu dưới cát biển tới 1m và cách mặt nước 40 m. Phía Việt Nam có công ty Visal, phía nước ngoài có các chuyên gia khảo cổ và lặn người Mỹ, Anh và Canada. Chiều dài của tàu: 32,71m, chiều rộng gần 9m. Số lượng cổ vật khá lớn gồm hơn 6 vạn chiếc, phần lớn là đồ gốm sứ Trung Hoa, sản xuất vào khoảng năm 1690 thời Khang Hy nhà Thanh. Tại Việt Nam, khi đó là thời Vua Lê Hy Tông. Đó là các loại sứ hoa lam như chóe có nắp, bình, ấm, cốc, tước, lọ, bình tỳ bà, hộp, đĩa, tượng Phật Quan Âm, tượng Ông Thọ, tượng sư tử, cua, tượng người trang trí men nhiều màu, nhiều chiếc còn bám nhiều vỏ hà. Đề tài trang trí trên đồ sứ Khang Hy phần lớn là hoa lá và các tích truyện Trung Hoa. Những gốm sứ này được sản xuất tại lò Đức Hóa, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Theo giám định của các nhà khoa học, con tàu đắm Hòn Cau bị cháy trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang các nước khác trên tuyến lộ trình qua đường ven biển Vũng Tàu. Đồ sứ Khang Hy trong con tàu đắm Hòn Cau có giá trên thị trường cổ vật quốc tế. Chính vì vậy, sau khi khai quật, gần nửa số cổ vật gốm sứ được đưa lên sàn giao dịch đấu giá tại Hà Lan do Công ty Christie’s đảm nhận.

1. Súng thần công bằng đồng 2. Ấm hình thỏ, gốm vẽ mầu lam, trong tàu đắm ở Phú Quốc

Tại Bãi Dâu, cách Vũng Tàu 4 hải lý ở độ sâu cách mặt nước 15m trước đây cũng đã khai quật một con tàu đắm. Con tàu này cung cấp một sưu tập đồ thủy tinh, pha lê, gốm sứ. Đáng lưu ý là một số đồ sứ men trắng có chữ chìm dưới đáy: De Pobe-Paris, J.P France. Đó là bộ đồ ăn của người phương Tây gồm bát đĩa hình bầu dục, tròn, hình lá cây, hộp đựng gia vị, tách trà, cốc uống rượu... Còn thấy đồ thủy tinh như thìa, cốc uống nước; đồ pha lê như đĩa, khay… Các nhà khảo cổ đã xác định niên đại của nhóm đồ này thuộc thế kỷ 19 được sản xuất tại Pháp. Con tàu chìm bất hạnh này đang trên hải hành đưa hàng hóa từ phương Tây nhập vào Việt Nam.

Vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều con tàu đắm. Chỉ tính riêng thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đã có tới 5 con tàu chìm ở đây được phát hiện và khai thác, hơn hẳn các địa phương khác.

Đáng lưu ý, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều con tàu đắm. Chỉ tính riêng thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đã có tới 5 con tàu chìm ở đây được phát hiện và khai thác, hơn hẳn các địa phương khác. Các cổ vật được lôi lên từ đáy biển nổi tiếng như sưu tập súng thần công bằng đồng trong đợt phát hiện con tàu đắm ở Bãi Rạng năm 1992. Cũng trong năm này, một cuộc khai quật khảo cổ khác đã thu được từ con tàu đắm ở vùng biển Hòn Bà nhiều cổ vật. Cuộc khai quật này thu được 559 hiện vật gồm 2 đồ sứ men trắng vẽ lam. Có tới 527 hiện vật là đồ đất nung gia dụng, men ngà, men nâu hay không phủ men, hầu như không trang trí hoa văn. Một số nồi, lu, vò bằng đất nung có độ nung không cao. Một số tiền đồng, hộp và tẩu hút thuốc bằng đồng. Có lẽ đây là con tàu chở đồ sinh hoạt dân dã từ miền Trung vào bán ở vùng Nam bộ.

1. Mô hình tàu bằng sứ thời Thanh 2. Tượng voi bằng gốm

Mới chỉ điểm qua những cuộc khai quật các con tàu đắm ở vùng biển nước ta đã thấy một số lượng cổ vật khổng lồ. Không chỉ có giá trị kinh tế, được đo đếm bằng tiền ở các cuộc bán đấu giá quốc tế, giá trị nghệ thuật và lịch sử của các đồ vật này cũng rất quan trọng. Nó kể cho chúng ta nghe về chuyện các con tàu bất hạnh, trả lại tên cho chúng và kể về con đường buôn bán xuyên Việt, xuyên lục địa qua biển Đông dưới sự giám sát chủ quyền của nhà nước Đại Việt.

RELATED ARTICLES