Bài và ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Kỳ 1: NHỮNG BỘ SƯU TẬP QUÝ HIẾM
Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí kỳ lân, thế kỷ XV-XVI. Bảo tàng thành phố Machida
Bình tích đựng nước hình con voi, gốm Chu Đậu, thế kỷ XVI. Bảo tàng thành phố Machida.
Lọ gốm hoa lam thời Lê, trang trí đề tài long truy, thế kỷ XVI-XVII. Bảo tàng gốm sứ Kyushu.
1. Chân đèn gắn bát nhang thời Mạc, cuối thế kỷ XVI. Bảo tàng gốm sứ Kyushu - 2. Tượng Avalokitesvara Padmapani bằng đồng, thế kỷ VII-VIII. Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á Berlin
Rìu lưỡi xéo và thạp đồng Đông sơn. Bảo tàng lịch sử và nghệ thuật Hoàng gia ở Brussels
: Sưu tập đồ gốm và đồ đồng Việt Nam.
1. Tượng thần Siva ngồi trên tòa sen, thế kỷ XI- XII. Bảo tàng Guimet - 2. Tượng thần Visnu cưỡi chim thần Garuda, thế kỷ VIII- IX. Bảo tàng Guimet - 2. Tượng thần Visnu cưỡi chim thần Garuda, thế kỷ VIII- IX. Bảo tàng Guimet
Đầu kosa bằng vàng gắn trên linga bằng bạc, thế kỷ VIII. Bảo tàng Guimet.
Bộ linga (vàng) - yoni (bạc), thế kỷ XI. Bảo tàng Guimet. |
Năm 1997, một bảo tàng ở Nhật Bản đã tổ chức cuộc triển lãm lưu động với chủ đề Những chiếc đĩa lớn tại ba thành phố Osaka, Masuda và Tokyo, giới thiệu những chiếc đĩa bằng gốm sứ có kích thước lớn của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Tôi đến xem triển lãm và được chiêm ngưỡng 3 chiếc đĩa gốm Chu Đậu kích thước lớn, vẽ men tam thái cực kỳ hoàn hảo đến từ Bảo tàng Machida, nằm ở ngoại ô Tokyo. Tại Bảo tàng thành phố Machida, tôi làm quen với cô Yajima, quản thủ kho gốm sứ của bảo tàng này, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài gốm Việt Nam thời Lê ở Đại học Tokyo. Theo lời TS. Yajima, phần lớn đồ gốm Việt Nam ở Bảo tàng thành phố Machida là quà tặng của một nhà sưu tập tên là Yamada Yoshio. Ông là thương gia kiêm sưu tập gia, từng sang làm ăn, buôn bán ở các nước Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam từ trước thế chiến II và đã sưu tập được nhiều đồ gốm sứ các xứ này mang về Nhật Bản. Trước lúc qua đời, ông đã hiến bộ sưu tập gốm sứ của ông cho Bảo tàng thành phố Machida, quê hương của ông. TS. Yajima cho biết có khoảng 20 bảo tàng ở Nhật Bản có các cổ vật thuộc các dòng gốm Việt Nam thời Bắc thuộc; gốm men ngọc thời Lý - Trần; gốm hoa nâu thời Lý - Trần; gốm hoa lam thời Lê; gốm xanh trắng và gốm màu Chu Đậu, gốm thời Mạc và một số đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn... Tôi tiếp tục hành trình đến Kyushu và Fukuoka và được xem hầu hết những món đồ gốm Việt Nam đang lưu trữ tại các bảo tàng này. Phần lớn những hiện vật ở đây đều tuyệt hảo và toàn bích, do các bảo tàng này mua được trong những cuộc bán đấu giá cổ vật ở Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ, hoặc do các nhà sưu tập hảo tâm hiến tặng.
Năm 2004, trong số hàng trăm hiện vật gốm sứ tôi có dịp tiếp cận ở Đức, có nhiều hiện vật xứng đáng liệt vào hàng “trân bảo”, thậm chí là “quốc bảo” của nghệ thuật chế tác đồ gốm Việt Nam. Bảo tàng Zwinger ở thành phố Dresden lưu giữ hai món đồ gốm Việt Nam cực kỳ quý hiếm. Đó là một chiếc đĩa lớn và một cái ang, đều thuộc dòng gốm hoa lam thời Lê, niên đại vào cuối thế kỷ XV. Chiếc đĩa có đường kính khoảng 32 cm, tình trạng hoàn hảo. Lòng đĩa vẽ hoa cúc và hai dải hồi văn hoa lá bao quanh. Đáy đĩa tô men màu chocolate, một đặc trưng của đồ gốm Việt Nam thời Lý - Trần - Lê. Chiếc ang cao 28cm, đường kính thân 35cm, thành ngoài chia ô trang trí các đồ án hoa cúc và hoa mẫu đơn cùng các dải hồi văn đầu cánh hoa. Nhà nghiên cứu Philippe Truong, cho biết: “Đây là một trong ba chiếc ang nổi tiếng nhất của dòng gốm hoa lam Việt Nam. Chiếc thứ nhất là tài sản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nhật Bản ở Tokyo; chiếc thứ hai thuộc sở hữu của một nhà sưu tập lừng danh ở London. Và đây là chiếc thứ ba”. Bảo tàng Dân tộc học Muenchen là nơi sở hữu nhiều đồ gốm Việt Nam nhất. Không kể những hiện vật đang trưng bày trong gian Nghệ thuật Đông Á ở tầng hai, trong kho của bảo tàng này lưu giữ nhiều chiếc mai bình men trắng và đĩa celadon đời Lý; vài chiếc thố hoa nâu đời Trần, nhiều thạp, hũ hoa lam đời Lê và một chân đèn đời Mạc. Hiện vật quý nhất ở đây là chiếc hũ gốm hoa lam, cao 40cm, trang trí chim phượng và mây. Chiếc hũ này đã được hãng đấu giá Lempertz rao bán với giá 3.000 DM nhưng không ai mua. Sau phiên đấu giá, có một nhà sưu tập đã mua chiếc hũ này dưới giá sàn và giờ nó hiện diện trong kho của Bảo tàng. Trong Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á Berlin có trưng bày 2 cổ vật Champa rất đặc biệt. Một linga-kosa bằng vàng và một pho tượng Shiva bằng đồng, các cổ vật quý nhất trong di sản của các vương triều Champa, hầu như đã biến khỏi Việt Nam từ lâu. Bảo tàng này đã mua Kosa bằng vàng này trong một phiên bán đấu giá ở London. Bảo tàng Dân tộc học Linden Stuttgart cũng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật Champa quý hiếm, với hơn 10 pho tượng bằng đá và đồng, cùng hàng chục món đồ gốm. Đáng chú ý là 4 hiện vật gồm: đầu tượng Shiva; tượng bán thân Avalokitesvara ở Mỹ Đức, Quảng Nam; đầu tượng Avalokitesvara và đầu tượng Prajnaparamita ở Đồng Dương, Quảng Nam. Đặc biệt, bảo tàng này đang sở hữu pho tượng Avalokitesvara Padmapani bằng đồng, cao 31 cm, thuộc vào hàng quý hiếm bậc nhất trong những cổ vật Champa lưu lạc ở nước ngoài.
Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia lưu giữ khoảng 3.000 cổ vật Việt Nam, gồm: đồ gốm, đồ đồng, cổ vật Champa, đồ sứ ký kiểu… Đáng chú ý nhất là 15 chiếc trống đồng Đông Sơn, bộ sưu tập trống đồng Việt Nam lớn nhất ở hải ngoại. Năm 2010, Bảo tàng này khai trương phòng trưng bày chuyên đề về Việt Nam, trưng bày theo niên đại và chất liệu. Ngoài những đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn được mua từ cuộc đấu giá sưu tập của hoàng tử Bảo Long ở Paris năm 2000, phần lớn cổ vật còn lại xuất xứ từ sưu tập của Clément Huet, một nhân vật lừng danh trong giới sưu tập, khảo cổ và bảo tàng ở châu Âu trong những năm 1910 - 1940, người đã có 26 năm kinh doanh ở Việt Nam và đã sưu tầm được nhiều cổ vật Việt Nam có giá trị về lịch sử, nghệ thuật và cả giá trị kinh tế. Những cổ vật Đông Sơn “khét tiếng” gồm chiếc dao găm có chuôi đúc hình vũ nữ; chiếc trống đồng minh khí tùy táng theo người chết và một tổ hợp trang trí gồm hình người và động vật cách điệu, được coi là “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Di sản đồ gốm có bộ đĩa gốm men ngọc thời Lý; chiếc hũ gốm hoa nâu đời Trần và những chân đèn và lư hương đời Mạc, đều xứng đáng liệt hạng “trân ngoạn”. Bảo tàng còn có một pho tượng Phật bằng đồng, niên đại vào thế kỷ IX, do Clément Huet sưu tập ở Thanh Hóa, cũng là một “trân bảo” của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam. Trong nhóm cổ vật Champa, ngoài những tượng Vishnu, Apsara, vũ nữ... bằng đá có nguồn gốc từ Trà Kiệu và Mỹ Sơn, còn có chiếc bình tế bằng đồng, được giới khảo cứu và sưu tầm cổ vật Champa tôn xưng là báu vật. Bảo tàng Hoàng gia Mariemont ở Morlanwelz lưu giữ khoảng 150 cổ vật Việt Nam, cũng có nguồn gốc từ sưu tập của Clément Huet và do bảo tàng mua từ các cuộc đấu giá các sưu tập Hồ Đình, Bảo Đại, Bảo Long ở Paris trong những năm 1990 - 1996. Những cổ vật Việt Nam đáng chú ý ở Bảo tàng Hoàng gia Mariemont trống đồng, bình đồng, thạp đồng, rìu lưỡi xéo và vòng tay của văn hóa Đông Sơn; đồ gốm Hán - Việt trong các ngôi mộ táng ở Bắc Bộ; đồ gốm thời Lý - Trần - Lê và đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn. Đặc biệt, bảo tàng này đang sở hữu một chiếc ống nhổ thuộc dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, hiệu đề Nội phủ thị trung, vẽ long phụng, là một trong bốn chiếc ống nhổ kiểu này được biết đến trên toàn thế giới.
Trong hơn 100 cổ vật Champa mà Bảo tàng Guimet về Nghệ thuật châu Á sở đắc, có 3 hiện vật xứng đáng liệt hạng “quốc bảo”: tượng thần Shiva ngồi trên tòa sen; tượng thần Vishnu cưỡi chim thần Garuda và bộ linga bằng bạc gắn đầu tượng kosa bằng vàng. Tượng thần Shiva này làm bằng sa thạch, cao 165 cm, nguyên là quà tặng của nhà sưu tập Navelle cho Bảo tàng Guimet. Thần ngồi trên chiếc bệ hình hoa sen, trước ngực có con rắn thần vắt chéo, vận chiếc sampot có các dải hoa văn chạm khắc tỉ mỉ, lưng tựa vào một lá nhĩ chạm khắc các cánh tay khác của thần. Đây là pho tượng mang các dấu hiệu đặc trưng của phong cách Tháp Mẫm, nguyên thủy được thờ trong tháp Bánh Ít (tháp Bạc) ở Bình Định. Tượng Vishnu Garudasana cũng làm bằng sa thạch, nhưng có lớp tô màu đỏ phủ bên ngoài, cao 58 cm. Đó là hiện thân của thần Vishnu, cưỡi trên chim thần Garuda, bốn tay thần cầm những vật biểu trưng cho quyền năng của thần linh. Garuda xuất hiện trong hình hài của con người nhưng có khuôn mặt và đôi cánh của loài chim. Đây là một motip đặc trưng của huyền thoại vùng bắc Ấn Độ và ảnh hưởng đến mỹ thuật Champa trong suốt thời đại Mỹ Sơn, thời đại vàng của văn hóa và mỹ thuật Champa. Cổ vật độc đáo nhất, cũng là niềm khao khát của bất kỳ nhà sưu tập mỹ thuật Champa nào, chính là linga-kosa làm bằng vàng và bạc. Hiện nay, chỉ có 7 linga-kosa được nhận diện trong các bảo tàng và sưu tập trên khắp thế giới, trong đó Bảo tàng Guimet đang sở hữu 2 chiếc. Linga làm bằng bạc, cao 26,5 cm, ngang thân gắn một kosa làm bằng vàng mang khuôn mặt của Shiva với con mắt thứ 3 ở giữa trán. Do giá trị đặc biệt của chiếc linga - kosa này, nên TS. Piere Baptiste, quản thủ sưu tập Đông Nam Á của Bảo tàng Guimet, đã không giấu giếm tự hào khi nói với tôi rằng: “Đây là cổ vật vô giá và độc nhất vô nhị mà Bảo tàng Guimet may mắn có được”. |
Tạp chí Travellive