"Cơm tẻ mẹ ruột" và ý nghĩa mâm cơm gia đình

22/02/2023

Bữa cơm nhà vốn dĩ không phải chủ đề “đao to búa lớn”, hay quá nhiều điều phức tạp cao siêu. Nhưng chắc chắn là đề tài được đem ra thảo luận rôm rả bởi tuy dễ mà khó, tưởng như quen thuộc đơn giản mà hàm chứa nhiều điều thú vị. Sau những chuyến đi dài, chắc thứ mà ai cũng thèm nhất là bát cơm gia đình.

Cơm nhà Việt Nam lấy “cơm” làm trọng, đề cao hạt gạo dẻo thơm

Mâm cơm nhà thường có các món mặn, xào, canh phong phú, đặc sắc nhưng tất cả chỉ nhằm mục đích ăn cùng cơm. Hiếm có khi nào trong bữa cơm nhà mà một món ăn trở thành đồ ăn chính, còn cơm chỉ là phụ trừ khi đó là bữa ăn chơi.

Dường như với văn hóa Việt Nam, bữa cơm là để ăn cho no bụng, cho chắc dạ. “Cơm tẻ mẹ ruột” - câu nói khó quên mà xứ ta vẫn truyền tai nhau. Nói đến cơm tẻ, đây là loại cơm phổ biến nhất được làm từ gạo tẻ. Khác với gạo nếp dẻo quẹo và rất bùi thì gạo tẻ thơm một mùi thơm dễ chịu, ngọt nhẹ. Gạo nếp có thể nấu xôi, nấu cơm nếp ăn chơi một vài hôm, hay trộn cùng gạo tẻ để nấu cho lạ miệng chứ gần như không ai ăn gạo nếp quanh năm suốt tháng như gạo tẻ.

Gạo tẻ cũng có nhiều loại. Nào là gạo tẻ tám thơm, gạo hương Bắc, gạo tẻ lai Thái, lai Nhật… đủ cả. Dạo gần đây, nhiều nguười người bắt đầu chuộng lối sống “healthy” hơn với gạo lứt (chính là gạo tẻ chưa xát vỏ).

“Cơm tẻ mẹ ruột” - câu nói khó quên mà xứ ta vẫn truyền tai nhau.

“Cơm tẻ mẹ ruột” - câu nói khó quên mà xứ ta vẫn truyền tai nhau.

Khi nấu cơm, thói quen ăn cơm của mỗi nhà mỗi khác. Theo nhiều nghiên cứu, càng ngược lên miền cao, hay càng về nông thôn, bà con lại càng có xu hướng nấu cơm khô, hạt cơm rời hơn. Cơm gạo mềm, nhiều nước thì gặp nhiều ở cuộc sống đô thị tấp nập.

Cơm khô, hạt cơm dẻo dính thường ăn những món phải nấu cầu kỳ như cá kho, cá một nắng, thịt kho tàu… rất đưa cơm. Còn hạt cơm mềm, căng tròn hơn thì hợp ăn các món thức ăn nấu nhanh như đồ xào, canh, rim, hấp…

Bát nước mắm cùng chấm chung

Thật khó để bắt gặp nền văn hóa “chấm chung” nào tự nhiên và đầy bản sắc như Việt Nam mình. Dù có ăn chung mâm, thông thường ở các nước khác mỗi người sẽ có bát nước chấm riêng để không ai chấm vào bát của ai. Ở nước ta, việc bát nước mắm để giữa mâm như một sự kết nối tất cả các thành viên ngồi ăn. Bát mắm là trung tâm để con người ta tập trung vào, hướng về nó.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Dù cho thức ăn trên bàn có ê hề, thơm ngon đến đâu, nhưng khi ăn cơm nhiều người vẫn có thói quen chấm chút nước mắm ớt để thưởng thức “tuyệt phẩm” thêm phần ngon hơn. Mắm phải là loại mắm chắt được ủ công phu, thêm ớt tươi, đôi khi còn có thêm chanh, quất, gừng, tỏi tùy món. Bát cơm vừa xới khỏi nồi nóng hổi, ăn kèm với thịt rau chấm mắm như bùng lên hương vị cay hăng nồng.

Nước mắm chấm rau luộc, thịt ba chỉ luộc, trứng hấp lòng đào, cá hấp gừng thơm nức… Bát nước mắm là gia vị, là văn hóa Việt, là nét vẽ cuối cùng của bức tranh về mâm cơm nhà xứ ta.

Bát mắm là trung tâm để con người ta tập trung vào, hướng về nó.

Bát mắm là trung tâm để con người ta tập trung vào, hướng về nó.

Có mặn thì phải có canh, con gà cục tác lá chanh

Nếu như bữa cơm tối của các nền văn hóa khác… dễ đoán và có tiêu chuẩn cụ thể thì thật khó mà tìm thấy điều này tại mâm cơm xứ mình.

Bạn có thể thưởng thức bữa tối ở Mỹ với khẩu phần gà rán, nước ngọt có gas và bánh kẹp thịt bò băm, hay ăn đĩa khoai tây và cá chiên kiểu Anh(fish and chip) hoặc cầu kỳ hơn là bữa tối với súp nấm, bò bít Tết, rượu vang sang trọng tại Pháp. Bạn cũng có thể gọi một phần cơm canh kiểu Nhật với những món gần như đi liền với nhau như cơm, canh miso, củ quả muối chua và đĩa cá nướng hay cơm Hàn bao gồm cơm, canh kim chi và rất nhiều món ăn kèm (pan - chan).

Tức là, bạn hoàn toàn có thể mường tượng rằng hôm nay mình ăn gì. Hoặc đoán được mình ăn gì khi ngồi ăn đồ Tây, Tàu, Nhật, Ấn… Nhưng khi bạn ngồi xuống mâm cơm mẹ nấu, rất khó để đoán trong hàng trăm nghìn món ăn Việt, mẹ sẽ cho chúng ta ăn gì.

Có thể là bát canh cua đồng ăn với cà pháo giòn tan và tôm đồng rang lá chanh, cũng có thể là cá rô phi rán giòn chấm mắm tỏi ớt thơm phức ăn với đĩa rau muống luộc, nước canh dầm vài quả sấu chua thanh. Sự khéo léo và tài tình của mẹ để giữ bữa cơm nhà luôn mới, các món ăn luôn ngon là thứ mà mỗi người con như chúng ta trước khi bước xuống bếp, không thể nào đoán được.

Dù cho biến hóa tài tình đến đâu, thì cơm nhà vẫn luôn giữ nề nếp nhất định. Như trong mâm cơm luôn phải có món mặn - món chính để ăn với cơm, món canh để trung hòa vị mặn trên mâm cơm, thêm một món rau để thêm chất xơ hay thêm đĩa xào bóng bẩy cho người đàn ông trong nhà nhắm rượu.

Không chỉ giữ nếp trên mâm cơm, mà mỗi món ăn trong đấy cũng được nấu nướng theo những quy tắc riêng. Như đĩa gà luộc sao thiếu được lá chanh, thịt bò thì phải có tỏi đi kèm, hay “con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”... đã trở thành công thức nấu ăn truyền miệng chất lượng mà bà truyền cho cháu, mẹ truyền cho con.

Những bữa cơm tươi mới, đậm tình cảm của người nấu và liên tục mỗi ngày tưởng như gắn liền với sự sáng tạo thì lại là những bữa cơm nghiêm túc theo đuổi những giới hạn và “niêm luật” cầu kỳ do cha ông để lại. Cơm nhà có thể nấu theo ý thích của từng gia đình, nhưng sẽ rất ít ai đi quá xa khỏi những thói quen về canh, mặn, xào bao đời nay.

Tạm khép lại những chia sẻ về mâm cơm nhà , Travellive mong rằng thông qua bài viết này, bạn đọc được gợi nhắc lại những kỷ niệm về bữa cơm gia đình, về những món ăn quen thuộc mà các bà, các mẹ đã nuôi lớn tất cả chúng ta.

Hà Chuu - Nguồn: Ảnh: Unsplash
RELATED ARTICLES